Saturday, March 30, 2019

CỘNG SẢN NẠI CỚ VĂN MINH ĐỂ MOI TIỀN DÂN (Ngô Nhân Dụng)




Ngô Nhân Dụng
March 29, 2019
Trong tiểu thuyết ngày xưa có những tay lục lâm thảo khấu chiếm một ngọn núi xưng hùng. Mỗi ngày chúng cho lâu la xuống chặn một quãng đường, đòi người đi qua, nhất là các nhà buôn, phải nạp tiền “mãi lộ.” Mãi lộ, nghĩa đen là “mua đường đi.”

Ngày nay, các cán bộ Cộng Sản dựng lên những cái BOT để thâu tiền; là học tập chủ trương mãi lộ chuyên chính đó.

Nhưng không phải cán bộ Cộng Sản nào cũng có cơ hội dựng BOT bên đường. Vậy phải moi tiền dân bằng cách nào? Một cách giản dị là đặt ra những luật lệ, thủ tục mới, ai không làm đúng thì phạt tiền! Đó là những thứ BOT không làm bằng xi măng mà chỉ dùng “trí tuệ.”

Quy định đóng tiền cọc và phạt tiền người chủ nhà có hành vi để khách lấy phần mang về khi đi ăn cỗ đang gây xôn xao dư luận tại Việt Nam. (Hình: VTC News)

Mấy cán bộ xã ở các huyện Hải Hậu và Giao Thủy, tỉnh Nam Định, mới biểu diễn những thứ  BOT trí tuệ kiểu đó. Họ ban hành những luật về “ăn cỗ.” Ai muốn tổ chức ma chay, hiếu, hỷ, dù tiệc đám cưới hay cỗ đám ma, không được cho khách lấy phần, tức là mang thức ăn còn dư về nhà mình. Sai luật, gia chủ bị phạt ba triệu đồng!

Ngay khi khai báo sắp tổ chức cỗ bàn, chủ nhà đã phải đóng sẵn ba triệu đồng. Vi phạm, mất tiêu luôn! Chắc các xã này phải huy động một đội ngũ “công an ăn cỗ” một lòng vì nhân dân theo dõi các bữa cỗ bàn, để biết ai phạm luật.

Nhưng khi đặt ra luật mới để moi tiền dân thì các cụ phải nêu ra những lý do sao cho nghe lọt lỗ tai. Cái vụ này thì khỏi lo. Cán bộ Cộng Sản vẫn chuyên nghề hô khẩu hiệu và nói ba hoa.

Họ nói đặt ra thứ luật này để “xây dựng nếp sống văn minh” trong thôn làng. Có nơi  họ còn viết những luật đó vào hương ước.

Đây cũng là một thứ nghề tay phải của các cán bộ. Bất cứ khẩu hiệu, chiến dịch, chương trình, phong trào nào cũng có thể biến ra tiền! Đảng đẻ ra chiến dịch. Anh em ta nỗ lực moi ra tiền!

Các bộ óc siêu việt trong Ban Tuyên Giáo Trung Ương nặn ra những khẩu hiệu. Thí dụ, đảng ta quyết “Xây dựng nếp sống văn minh.” Hoặc “Xây dựng làng văn hóa.” Khẩu hiệu được treo trước cổng làng, trên các ngả đường. Và các hào lý nghĩ ngay ra cách moi tiền!

Nhiều người dân chắc cũng thắc mắc: Thế nào là nếp sống văn minh?

Các quan hào lý quyết định “ăn cỗ lấy phần” không phải là nếp sống văn minh. Tổ tiên chúng tôi đã theo phong tục đó không biết mấy trăm hay mấy ngàn năm rồi. Như vậy cả dòng giống nhà tôi, cả làng cả xóm tôi đều man rợ, không văn minh hay sao?

Các ông chủ tịch xã Giao Lạc (huyện Giao Thủy) xã Giao Long, huyện Hải Hậu đã “quyết” như vậy. Tổ tiên các ông các bà đều thiếu văn minh cả. Bây giờ, nhờ có đảng lãnh đạo sáng suốt, sẽ xóa bỏ phong tục hủ lậu. “Xây dựng nông thôn mới!” “Xây dựng nếp sống văn minh!”

Khi các quan cán bộ nhân danh hai cái khẩu hiệu của Ban Tuyên Giáo, đố thằng dân nào dám cãi. Thà mất ba triệu đồng còn hơn bị tố cáo chống đảng, diễn biến hòa bình, âm mưu lật đổ chính quyền nhân dân!

Ăn cỗ lấy phần bị coi là không văn minh. Có ngày các quan sẽ đặt ra luật mới nữa. Thí dụ, ngày Tết “mừng tuổi” trẻ em có thể là thiếu văn minh. Rằm Tháng Bảy cúng cô hồn là thoái hóa! Đang ăn cơm thấy hàng xóm đi qua, nói “mời ông, mời bà xơi cơm” cũng là kém văn minh, vì chỉ “mời rơi.” Vừa đi vừa bỏm bẻm nhai trầu, càng thiếu văn minh; vì trong tay không mang theo bao ni lông để nhổ và chứa bã trầu! Trẻ con mặc quần thủng đáy rõ ràng là ngăn cản làn sóng văn minh nhân loại. Lâu lâu ta lại ra thêm một thứ luật mới! Chỉ cần Tuyên Giáo cho một khẩu hiệu, “Xây dựng nếp sống văn minh” là đội ngũ cán bộ chuyên chính vô sản có thể dựng lên hàng trăm những cái BOT trí tuệ để moi tiền!

Thử nói chuyện lấy phần.

Từ không biết mấy ngàn năm nay rồi, dân ta vẫn lấy phần khi đến nhà ai ăn uống. Chủ nhà thấy càng nhiều người lấy phần đem về càng hãnh diện. Mà đây là một phong tục chung của cả loài người. Từ không biết mấy chục hoặc trăm ngàn năm rồi, vẫn có những xã hội người ta “chạy đua” nhau trong việc mời khách ăn uống, ăn no rồi còn tặng quà đem về. Giống như các cơ quan ở Việt Nam, mỗi lần tổ chức hội nghị (văn chương, khoa học, y tế, giao thông…) là khách đến dự lại có “phong bì” đút túi đem về!

Nhận một cái bao thư tiền mặt thì văn minh. Đem một gói xôi về thì không văn minh! Không biết các đồng chí nghĩ ngợi ra sao!

Lại nói chuyện ăn uống.

Mỗi xã hội có những tập tục khác nhau. Nhiều người Việt ở Pháp qua Mỹ chơi, được bà con mới đi ăn tiệm, họ đã trố mắt ngạc nhiên khi thấy dân bản xứ ăn không hết bèn xin nhà hàng mấy cái hộp để “to go,” mang về! Dân Marseille thấy dân Little Saigon thiếu văn minh! Một người Việt sống ở Nhật lâu năm than: Tôi đến thăm đứa cháu ở Mỹ, ba bốn chục năm chú cháu mới gặp nhau. Ông biết không? Nó mời tôi uống nước. Nó đưa cho tôi cái lon nước ngọt, bảo, “Chú uống đi.” Không có đến một cái ly! Thật là nhục nhã!

Mỗi xã hội có những phong tục khác nhau trong việc ăn uống, trong việc tặng quà. Không hiểu các ông Tuyên Giáo cấp xã, cấp huyện nghĩ như thế nào mà bắt đồng bào phải thay đổi một tập tục mà tổ tiên đã theo từ mấy ngàn năm.

Cái trò bầy đặt ra các BOT trí tuệ như ở các xã Giao Long, Giao Lạc thực ra cũng là trò thông dụng của giai cấp thư lại khắp thế giới.

Nhà kinh tế học Milton Friedman (Giải Nobel 1976) đã viết từ thời 1962, rằng: “Mối quan tâm lớn nhất của một guồng máy thư lại là làm sao cho chính nó tiếp tục sống và ngày càng lớn hơn.”

Để tồn tại, các quan thư lại cần những luật lệ, chính họ đóng vai thi hành. Không đặt ra các thủ tục để thi hành luật, thì “LOẠN!” Do đó, phải xếp bàn giấy cho các quan ngồi, sắm giấy bút và computer cho các ngài phục vụ nhân dân.

Để bành trướng thì giới thư lại cần thêm những luật lệ mới. Thêm luật mới là có dịp đặt thêm những thủ tục mới, và, tất nhiên, phải tuyển thêm người mới.

Trong những nước tự do dân chủ thì việc làm luật do Quốc Hội phụ trách, ở cấp thấp hơn thì do những hội đồng thị xã, hội đồng quận, tỉnh làm ra. Giới thư lại đặt các thủ tục thi hành, nhưng bị các đại biểu của dân giám sát.

Tại các nước độc tài thì khác. Chính các ông quan nho nhỏ, từ thôn, xã trở lên, tự cho mình cái quyền làm ra luật. Họ biết “có làm mới có ăn!” Mỗi thứ luật lệ mới là một cái BOT, ra khối tiền!

Hồi sau ngày 30 Tháng Tư, 1975, một người dân Đà Lạt bị ông công an mới ở trong rừng ra bắt phạt. Ông phán: Không được dựng xe đạp vào cột đèn! Đóng 5 đồng! Dân Đà Lạt lúc đó sợ các ông trong rừng mới ra lắm. Nhưng chưa bỏ được thói quen thời “Ngụy” vẫn hỏi lại rằng cái luật cấm này có từ bao giờ, sao tôi không biết! Ông cán bộ “giải phóng” không có thói quen bị gặng hỏi. Ông bèn phạt thêm 5 đồng nữa! Vì tội cãi lại chính quyền giải phóng! Một người qua đường chứng kiến cảnh đó đã rút trong túi lấy sẵn 5 đồng, nói, “Cho tôi đóng phạt trước. Tôi cũng muốn cãi!” Ông công an Đà Lạt này đi tiên phong dựng lên một cái BOT, làm gương cho các đồng chí ở các huyện Hải Hậu và Giao Thủy bây giờ!

Trong các xứ dân chủ tự do thì khi làm ra luật lệ, đặt ra các thủ tục, người ta biết rằng mọi luật lệ đều bị giới hạn. Nó không được trái với Hiến Pháp. Bao nhiêu luật lệ làm ra rồi vẫn bị kiện, bị tố cáo là vi hiến. Đó chính là nếp sống văn minh.

Một thứ giới hạn mọi người cũng đồng ý, là luật lệ phải tôn trọng đời tư của dân. Không phải muốn lục soát quần áo, khám túi xách của ai, lúc nào cũng được. Cảnh sát vô nhà tư mà không có trát tòa và chủ nhà không đồng ý, là sai luật! Có kiếm ra cái gì cũng không được coi là tang chứng. Một thủ tướng Canada, Pierre Trudeau, nói rất giản dị về luật lệ và đời tư: “Nhà nước không quy định những chuyện người dân làm trong phòng ngủ của họ!”

Trong các bữa ăn cũng vậy. Tiệc tùng, cỗ bàn, cũng vậy.

May quá quý ông trong Hội Đồng Thành Phố Fountain Valley, Garden Grove hay Westminster không ai đòi “xây dựng nếp sống văn minh” bằng một luật mới: Cấm người đi ăn tiệm không được xách về mấy hộp đồ “to go!” Các chủ tiệm phải đóng tiền trước. Một thực khách đem thức ăn ra khỏi tiệm là cắt nghiến luôn mấy trăm đô la ký quỹ!

Ví thử cán bộ các huyện Hải Hậu và Giao Thủy qua đây định cư, nhảy vô ngồi trong đó, chắc cũng không thể “xây dựng nếp sống văn minh” theo lối vô sản được. Vì người dân ở đây được hội họp tự do, được nói tự do, họ không sợ và dám cãi.

Chỉ có những xã hội tự do, dân chủ, mới xây dựng được nếp sống văn minh! (Ngô Nhân Dụng)







No comments:

Post a Comment