Monday, March 25, 2019

BẢN TIN NGÀY 25/3/2019 (Báo Tiếng Dân)




25/03/2019

Tin Biển Đông

Báo Dân Trí đưa tin: Trung Quốc tính xây dựng hệ thống định vị tại Biển Đông. Theo đó, Trung Quốc “đang lên kế hoạch xây dựng một hệ thống định vị khu vực có độ chính xác cao, hay còn gọi là hệ thống Bắc Đẩu dưới nước, trong một chương trình thí điểm tại Biển Đông nhằm cung cấp thông tin về vị trí, định vị và liên lạc dành cho người dùng toàn cầu”.

Theo thông tin từ Phòng thí nghiệm âm thanh Thượng Hải thuộc Viện Khoa học Trung Quốc, “trong kế hoạch 5 năm lần thứ 13 (2016-2020), Trung Quốc dự tính xây dựng một vùng ứng dụng UGPS bao trùm 250.000 km Biển Đông”, dĩ nhiên là để cho mục đích “quốc phòng” và hỗ trợ các tàu ngầm không người lái của Trung Quốc dưới vùng biển này.

TS Trần Công Trục viết: Cạm bẫy pháp lý, chủ quyền trong sáng kiến “Vành đai và Con đường”. Bài viết lưu ý một nhánh của chiến lược “Vành đai và Con đường”, là “Con đường tơ lụa trên biển thế kỷ 21”: “Theo trình bày của Trung Quốc thì dù điểm đầu, điểm cuối ở đâu nó cũng phải đi qua Biển Đông, vùng biển đang rất căng thẳng vì những hành động leo thang của Bắc Kinh”.

Cùng với hoạt động quân sự Hóa, Trung Quốc còn “lợi dụng mọi diễn đàn quốc tế, mọi tổ chức quốc tế, mọi dự án kinh tế, kỹ thuật” gắn liền với “Vành đai và Con đường” để giành lấy sự công nhận từ quốc tế cho yêu sách chủ quyền của họ ở Biển Đông, đồng thời hợp thức hóa ranh giới biển của họ theo đường “lưỡi bò”.


Tin nhân quyền

Mục làm thất bại chiến lược “diễn biến hòa bình” của báo Quân đội Nhân dân có bài: Không để những “mảnh chĩnh” thông tin tiếp tay cho “ngụy tuyên truyền”. Bài viết “điểm danh” một số nhà hoạt động hiện đang ở bên ngoài, cũng như đã vào tù như: Trịnh Hữu Long, TBT Tạp chí Luật khoa, “NoU Hà Nội”, “kênh truyền hình CHTV” của nhóm Lê Dũng Vova, Nguyễn Văn Hóa, Phan Kim Khánh và Bùi Hiếu Võ…

Trong thời buổi kỹ thuật số, những bài viết cảnh báo “diễn biến hòa bình” như vậy thường phản tác dụng. Người dân, nhất là giới trẻ, có nhiều điều kiện tiếp cận với thế giới mạng, sẽ tiếp tục tìm đọc các trang thông tin đa chiều, khách quan, không bị chi phối bởi Ban Tuyên giáo. Họ sẽ không để bị “ngu dân” bằng những bài viết như thế.

Nhà hoạt động Nguyễn Thúy Hạnh viết: Phan Rí cần giúp đỡ. Theo đó, “từ khi những cuộc biểu tình phản đối Luật Đặc khu nổ ra 10/6/2018 đến nay, riêng Phan Rí, nhà cầm quyền đã bỏ tù gần 50 thanh niên, trung niên. Một thị trấn nhỏ, hẻo lánh mà gần 50 người đi tù thì sao không điêu đứng. Cảnh đau thương dưới thời thực dân phong kiến thế kỷ 19 như tái hiện”.

Bà Hạnh chia sẻ: “Tôi thấy sau những người tù Tây Nguyên, thì nghèo khổ và thiệt thòi nhất là những người tù Phan Rí, họ hầu như không được công luận quan tâm và giúp đỡ, trong khi động cơ khiến họ bị bỏ tù là tốt đẹp, vì yêu nước”.

Bài thứ hai trong loạt bài trên báo Thanh Niên bàn về nỗi oan ở Công viên 23.9: “Con ơi, công lý đã có mắt!”. Đó là chuyện về “ngôi nhà số 30 Phạm Ngũ Lão, đồng thời là trụ sở chính của Nhà xuất bản Sống Mới nổi tiếng trước năm 1975 của ông V.V.K”. Mặc dù NXB này từng phát hành các ấn phẩm sách, nhạc phản chiến, nhưng sau năm 1975 vẫn bị xếp vào diện “tư sản ngành văn hóa phẩm”, nên ông K “bị tịch thu nhà số 30 Phạm Ngũ Lão”.

Ông K và gia đình phải đi “khắp nơi để khiếu nại nhằm cởi bỏ cái tai ách khiến ông bị tịch thu ngôi nhà vốn là tài sản cả đời làm ăn dành dụm mà có. Nhiều cán bộ hoạt động nội thành trước đây đã xác nhận ông K. đã từng có liên hệ giúp đỡ cách mạng”.


Lừa đảo, lường gạt và lòng tin

Trang Pháp Luật VN có bài: Hàng loạt người “dính bẫy” lừa của vợ cựu Phó Chánh thanh tra. Bà Lê Kim Quy, vợ một cựu Phó Chánh Thanh tra cấp bộ, bị truy tố về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, trong “vụ án là 15 người có nhu cầu xin việc cho người thân vào công tác trong ngành Công an. Trong đó có bị hại là Công an nghỉ hưu”.

Bài báo cho biết: “Do cần tiền chi tiêu cá nhân nên Lê Kim Quy đã nảy sinh ý định chiếm đoạt tiền của người khác bằng thủ đoạn tự giới thiệu bản thân có nhiều mối quan hệ, có khả năng xin việc vào ngành Công an để các bị hại  tin tưởng giao tiền”.

Báo Pháp Luật TP HCM đặt câu hỏi: Vì sao cựu bí thư Bến Cát và giám đốc ngân hàng bị bắt? Các ông Nguyễn Hồng Khanh, cựu Bí thư huyện Bến Cát, Nguyễn Huy Hùng, cựu giám đốc ngân hàng BIDV – Chi nhánh Tây Sài Gòn, Nguyễn Quang Lộc, cựu phó phòng Trung tâm xử lý nợ, bị truy tố, tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí”.

Trang Khỏe 365 có bài: PCT UBND tỉnh Hà Nam bị “tố” lợi dụng chức vụ, quyền hạn đe dọa doanh nghiệp. Theo đó, ngày 22/3/2019, ông Vũ Quang Khải, GĐ Công ty Quang Khải đã gửi đơn tố cáo ông Trương Quốc Huy, PCT UBND tỉnh Hà Nam “về hành vi lợi dụng chức vụ gây ảnh hưởng đối với doanh nghiệp. Không những thế, ông Huy còn trực tiếp hăm dọa khiến ông Khải và gia đình luôn luôn trong tình trạng hoang mang, lo lắng”.

VOV dẫn lời ông Nguyễn Viết Chức, cựu Phó Chủ nhiệm UBVHGD-TTN&NĐ của Quốc hội, bàn về tình hình “thanh lọc” nội bộ đảng: “Kiên quyết làm trong sạch đội ngũ thì dân càng tin, ủng hộ Đảng“. Ông Chức, cho rằng, “chính tinh thần kiên quyết làm trong sạch đội ngũ càng làm cho nhân dân tin tưởng và ủng hộ Đảng“.

Dường như ông Chức đánh giá quá thấp người dân, cũng như ông đã quá lạc quan khi nghĩ rằng, chuyện cho vài “khúc củi” vào “lò” có thể khôi phục lại lòng tin của người dân vào đảng CSVN. Ai đó đã nói: “Lòng tin giống như một tờ giấy. Một khi đã nhàu nát, sẽ không bao giờ phẳng phiu được nữa“.

Sĩ quan công an dùng ma túy, sĩ quan quân đội trốn lệnh truy nã

Công an tỉnh Cà Mau vừa tước quân tịch thiếu úy công an dương tính với ma túy trong vụ quán bar Gossip, theo báo Dân Trí. Thiếu úy Phan Dương, cán bộ Đội Cảnh sát hỗ trợ tư pháp, thuộc Công an huyện Thới Bình bị tước danh hiệu CAND “vì bị phát hiện dương tính với ma túy”. Trước đó, Công an TP Cà Mau kiểm tra quán bar Gossip thì “phát hiện có 94 người dương tính với ma túy, trong đó có Thiếu úy công an Phan Dương Cảnh”.

Công an tỉnh Nghệ An vừa bàn giao cựu Trung úy quân đội vay mượn tiền rồi trốn [truy] nã suốt 8 năm cho Cơ quan ĐTHS Quân khu 1, báo Nghệ An đưa tin. Cựu Trung úy Trần Quang Thành “đã nhiều lần vay tiền của đồng đội và người dân địa phương hàng trăm triệu đồng rồi mất khả năng hoàn trả. Bị người cho vay đòi ráo riết nhưng không xoay được tiền trả, Thành bỏ trốn khỏi đơn vị”.

Cuối năm 2011, Cơ quan điều tra hình sự Quân khu 1 đã ra quyết định truy nã Thành về tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”. Đến ngày 18/3/2019, cơ quan chức năng mới bắt được Thành ở Bình Dương.


Vũ “nhôm” và chính trường Đà Nẵng

Báo Tiền Phong có bài: Mảnh đất người đời. Bài viết nhận định: “Đến thời điểm này không còn nhớ chính xác đã bao nhiêu lãnh đạo, quan chức bị bắt, bị khởi tố liên quan đến sai phạm đất đai. Chỉ tính riêng vụ Vũ ‘nhôm’ thôi, cũng còn khó. Mấy ngày trước, thêm một loạt chức sắc ở Đà Nẵng bị khởi tố… Là do phải cuốn theo guồng quay của cơ chế, hay vì sức hút riêng khó cưỡng nào đó?”



Đất đai và quy hoạch

Báo Tuổi Trẻ có bài: Đà Lạt nhìn từ flycam: thành phố bêtông chứ đâu phải thành phố trong rừng? Bài viết lưu ý: Từ ngày đầu hình thành, Đà Lạt được mệnh danh “thành phố trong rừng – rừng trong thành phố”, bởi diện tích không gian xanh, nhưng “hoạt động xây dựng thiếu kiểm soát đã khiến phong cách đô thị đặc biệt của thành phố này biến dạng, lộn xộn”, lượng cây xanh chỉ còn lại không nhiều.

TS-KTS Ngô Viết Nam Sơn nhận định: “Sự phát triển đô thị không đi liền với việc giãn dân, thúc đẩy phát triển đô thị vệ tinh khiến áp lực xây dựng đổ dồn lên vùng nội ô. Nhà cao tầng, công trình bêtông thay thế các mảng xanh”.

Vùng nội ô Đà Lạt ở được chụp ở độ cao khoảng 300m, có thể thấy bê tông lấn lướt, chỉ còn vài mảng xanh rải rác trong khu vực đô thị. Nguồn: TT

TB Kinh Tế Sài Gòn nhận định về hậu quả đầu cơ bất động sản: “lát cắt” Đà Nẵng. Một người dân bình luận về tình trạng “thổi” giá đất bất thường ở các xã, phường và vùng xung quanh TP Đà Nẵng: “Khu vực này toàn mồ mả và đường ray xe lửa. Tôi không hiểu vì sao giá đất lại tăng cao được”.


Cán bộ bắt tay lâm tặc phá rừng

VKSND tỉnh Đắk Nông vừa ban hành cáo trạng truy tố chủ tịch xã nhận 350 triệu đồng “bảo kê” phá rừng thông, VietNamNet đưa tin. Ông Nguyễn Văn Minh cựu Chủ tịch UBND xã Đắk R’Tih, huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông, bị truy tố vì “đã nhận 350 triệu đồng rồi cho các đối tượng cắt hạ hàng nghìn cây thông rừng cộng đồng bon Bukoh”.

Bị can Nguyễn Văn Minh, cựu Chủ tịch UBND xã Đắk R’Tih nhận 350 triệu đồng bảo kê phá rừng. Nguồn: VNN

Theo bài viết, vụ cán bộ bắt tay lâm tặc này đã từng diễn ra thuận lợi, “sau khi khai thác xong hợp đồng thứ nhất, Trần Tiến Dũng và Lê Xuân Dũng gặp Minh đưa thêm 150 triệu đồng để được ký hợp đồng khai thác tiếp. Các đối tượng thống nhất cắt tỉa cả thông đang phát triển bình thường nhằm kiếm thêm lợi nhuận”.


Gánh nặng giá điện

Báo Dân Trí đặt câu hỏi: Giá điện tăng 8,36% liệu có thể “giáng đòn” vào lạm phát 2019? Công ty chứng khoán Bảo Việt đưa ra nhận định trấn an: “Các yếu tố liên quan đến cung-cầu trong nền kinh tế đang không tạo ra nhiều rủi ro đối với lạm phát như lần điều chỉnh giá điện năm 2011… tác động mang tính lan truyền gián tiếp lên mặt bằng giá cả từ việc giá điện tăng trong năm nay là có nhưng sẽ ở mức hạn chế”.

RFA đặt câu hỏi: Tăng giá điện thời điểm này có thích hợp?Ông Trần Tuấn Kiệt, GĐ chi nhánh TP HCM của công ty xuất khẩu gạo Louis Rice cho biết: “Nếu tăng giá điện như vậy thì rất là ảnh hưởng và khó khăn lắm, khó khăn cho người nông dân và thương lái mua lúa đem về nhà máy để gia công, rồi doanh nghiệp xuất khẩu gạo cũng sẽ bị ảnh hưởng”.


Môi trường ô nhiễm

VTC đưa tin: Nước thải đen ngòm ào ào tấn công biển Đà Nẵng, người dân và du khách tá hỏa tháo chạy. Theo đó, trưa 24/3/2019, hàng trăm người dân và du khách “đang tắm, dạo chơi trên bãi biển Mỹ Khê, quận Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng hốt hoảng tháo chạy khi hàng trăm m3 nước đen ngòm và rác bốc mùi hôi thối khủng khiếp ầm ầm từ cửa xả Mỹ An đổ ra biển”.

Một người dân nói: “Tôi được biết thành phố đã đầu tư rất nhiều tiền để xử lý vấn đề này nhưng không hiểu sao đến nay vẫn chưa có tiến triển gì. Biển cứ ô nhiễm thế này thì người dân và du khách làm sao dám tắm, dạo chơi ngắm biển?”

Nước thải chứa đầy rác và chất vón cục như mỡ động vật bốc mùi hôi khủng khiếp. Nguồn: VTC


Giáo dục VN: Gian lận và bạo lực

Bộ GD&ĐT vừa công bố kết luận điều tra vụ gian lận thi THPT ở Sơn La: 44 thí sinh gian lận, có thí sinh được nâng 26,55 điểm, trang Gia Đình Mới đưa tin. Theo đó, “sau khi chấm thẩm định cho thấy có 44 thí sinh với 95 bài thi trắc nghiệm và 2 bài thi Ngữ văn có điểm thấp hơn so với điểm thi đã công bố trước đây. Có thí sinh được nâng 26,55 điểm/3 môn. Có bài thi môn Toán của một thí sinh được nâng tới 9,00 điểm”. Nâng điểm kiểu này thì thí sinh không biết gì cũng làm lãnh đạo được.

Vụ gian lận điểm thi trong kỳ thi THPTQG 2018 ở các tỉnh miền Bắc, VietNamNet dẫn lời phụ huynh Sơn La: “Mong nghiêm trị dù đó là con cháu lãnh đạo nào”. Một phụ huynh chia sẻ: “Bản thân tôi và nhiều phụ huynh khác vô cùng phẫn nộ khi biết có những học sinh lực học rất bình thường, thậm chí là kém nhưng lại có điểm cao ngất ngưởng. Tôi nghĩ kết quả của Sơn La còn nhiều hơn con số 44 mới đây được nêu ra”.

Một phụ huynh khác cho biết “phải mất rất nhiều tiền cho con đi học thêm… nên điểm thi tiếng Anh của con mới đạt được 8.5 điểm… Vì vậy, việc nhiều thí sinh không học hành tử tế nhưng nghiễm nhiên được 9, 10 điểm/ môn là điều vô cùng bất công”.

Báo Tiền Phong đưa tin: Học sinh lớp 8 bị 3 nữ sinh đánh tát dã man mà không ai can. Một người dân huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng, cho biết, chiều 21/3, cháu ông là “L.N.U.T đang trên đường đi học về thì bị 3 HS nữ (V, G và Y.H) chặn lại tát tới tấp vào mặt. Cháu gái của ông không chỉ bị đánh mà còn bị dọa sẽ lột sạch đồ nếu báo cho gia đình biết vụ việc”.

Bài viết lưu ý: “Khi xảy ra vụ đánh hội đồng này, có khá đông HS tụ tập xung quanh nhưng không vào can ngăn mà hả hê cổ vũ và dùng điện thoại quay lại toàn bộ vụ việc. Người thân của T. rất lo lắng và bức xúc, mong muốn cơ quan chức năng vào cuộc xác minh”.

Sai phạm ở huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi: Giáo viên phải “bồi dưỡng” cho cán bộ khi nhận quyết định nâng lương, theo trang Pháp Luật VN. Chuyện “hàng ngàn giáo viên có quyết định nâng lương và các khoản phụ cấp phải nộp một khoản tiền bồi dưỡng làm ngoài giờ cho cán bộ phụ trách bộ phận tổ chức” của Phòng GD&ĐT huyện “đã kéo dài suốt 12 năm và nếu không có đơn tố giác của công dân thì chắc chắn sẽ tiếp tục kéo dài”.



***






No comments:

Post a Comment