Saturday, March 2, 2019

BẢN TIN NGÀY 2-3-2019 (Báo Tiếng Dân)




02/03/2019

Tin Biển Đông

Báo Người Việt đưa tin: CSVN bất ngờ loan báo sắp khai thác mỏ khí Cá Voi Xanh. Theo đó, ngày 1/3/2019, lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí VN thông báo dự án mỏ khí Cá Voi Xanh sẽ được khởi động trong năm nay và “dự trù mang lại khoảng $60 tỉ và mỗi năm ngân sách tỉnh Quảng Nam sẽ có thêm $1 tỉ”.

Bài viết nhận định: “Tin này gây chú ý vì bẵng đi một thời gian dài, các báo nhà nước ở Việt Nam tuyệt nhiên không nhắc gì về dự án khí Cá Voi Xanh cũng như việc trắc trở của dự án này dưới sức ép của Trung Quốc”. Trước đó, nhiều người đã lưu ý chuyện lãnh đạo CSVN buộc phải ngưng nhiều dự án khai thác dầu khí ở Biển Đông do sự đe dọa từ Bắc Kinh.

VOA dẫn lời Ngoại trưởng Mỹ Pompeo: Mỹ sẽ bảo vệ Philippines trong trường hợp xung đột Biển Đông. Phát biểu ở Manila ngày 1/3/2019, ông Pompeo cho biết, “Hiệp ước Quốc phòng Chung Philippine-Mỹ 1995 sẽ được tuân thủ nếu đồng minh của Mỹ là nạn nhân của việc xâm chiếm, và nêu ra rằng Trung Quốc là một mối đe dọa cho sự ổn định”.

Ông Pompeo nói thêm: “Các hoạt động xây dựng đảo và quân sự của Trung Quốc trên Biển Đông đe dọa đến lãnh thổ, an ninh và do đó là sự phát triển kinh tế của các bạn cũng như của Hoa Kỳ”.

Báo Thanh Niên viết: Mỹ quan ngại về hành động của Trung Quốc ở Biển Đông. Trên chuyến bay từ Hà Nội đến căn cứ không quân Villamor ở Philippines, ông Pompeo cho biết: “Chúng tôi lo ngại rằng Trung Quốc đang dùng sức mạnh để áp chế tự do hàng hải trong khu vực và đó là điều hệ trọng đối với mọi quốc gia ở châu Á”.


Tin nhân quyền

LS Nguyễn Danh Huế viết“Nhiều năm nay, bà con thôn Chân Lạc, xã Dũng Liệt, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh đã phản đối kịch liệt dự án xây dựng nhà máy xử lý rác thải rắn. Họ cho rằng, việc triển khai dự án có nhiều khuất tất, thiếu dân chủ và không đúng theo quy định của pháp luật”. Tuy nhiên, những người tích cực đấu tranh, phản đối dự án này, gia đình họ bị đe doạ, bị xâm nhập tư gia. Cơ quan chức năng không trả lời đơn thư trình báo của người dân.

Căng thẳng dâng cao khi một phụ nữ thông báo có công an đến làm việc vào ngày 3/5/2018. Người này không có thẻ ngành, không mặc quân phục, dân định giữ lại thì lãnh đạo công an địa phương đến giải cứu. Người dân không phục nên bao vây luôn xe chở lãnh đạo công an huyện, xã. Đến rạng sáng ngày 6.5, “hàng trăm công an trang bị súng ống và chó nghiệp vụ đã ập đến trấn áp đưa 2 chiếc xe đi và bắt bớ nhiều người”.

Vụ tài xế cứu cháu bé giữa đường bỗng vướng lao lý: Làm ơn mắc… án, báo Thanh Niên đưa tin. Vụ việc xảy ra hôm 18/3/2018, tài xế Nguyễn Ngọc Dũng điều khiển xe khách chở hơn 10 hành khách theo hướng Gia Lai – Đắk Lắk, thì thấy có “cháu nhỏ vừa chạy vừa khóc, không có người lớn đi cùng” nên ông Dũng “quyết định đưa cháu nhỏ lên xe, đưa về trạm CSGT gần nhất để giao lại với mong muốn cứu cháu bé được an toàn”. Tuy nhiên, sau đó ông Dũng lại bị Công an thị xã Buôn Hồ khép tội “giữ người trái pháp luật”.

Một trong các nhân chứng khẳng định: “Khi bế lên xe, Dũng đã lau mặt, dỗ cho cháu bé… Khi đến gần trạm CSGT, tài xế đã chủ động giảm tốc độ, tấp vào lề đường trước khi CSGT ra tín hiệu”. Tuy nhiên, ông Dũng vẫn bị án tù 2 năm, sau giảm xuống thành 15 tháng.

Tài xế Nguyễn Ngọc Dũng tại phiên tòa. Ảnh: TTT

Cha Đoàn Thị Hương mong lãnh đạo VN nêu vấn đề con ông với Kim Jong-Un, theo RFA. Trong thời gian ông Kim Jong-un lưu lại VN, ông Đoàn Văn Thạnh, cha của cô Hương, mong lãnh đạo VN “nói cho phía Triều Tiên để Hương vô tội và được về nhà”. Nhà hoạt động Phạm Lê Vương Các lưu ý, “phía nhà nước Việt Nam phải có trách nhiệm, phải lên tiếng để bảo vệ cho công dân của mình”.


Dự án Gang thép Thái Nguyên: Nguy cơ vào “lò”

Các quan chức, lãnh đạo phía Chính phủ tiếp tục yêu cầu xử lý thích đáng vụ sai phạm tại dự án nhà máy thép khiến ngàn tỉ thành sắt vụn. Trong buổi họp báo thường kỳ ngày 1/3/2019, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Bùi Ngọc Lam cho biết, đã yêu cầu rà soát hợp đồng tại Công ty Gang thép Thái Nguyên để khởi kiện theo quy định pháp luật, báo Lao Động đưa tin.

Bài viết lưu ý: Hợp đồng bị rà soát để khởi kiện chính là “hợp đồng đã ký với tổng thầu Tập đoàn xây lắp luyện kim Trung Quốc (MCC)”. Nếu lãnh đạo CSVN thật sự muốn truy vụ này đến cùng thì họ không thể không yêu cầu một tập đoàn cấp nhà nước của “bạn vàng” phải chịu trách nhiệm pháp lý.

Dự án gang Thép Thái Nguyên thành đống sắt rỉ.

Cũng trong buổi họp báo nói trên, ông Bùi Ngọc Lam nhấn mạnh, chuyện TTCP đã chuyển hồ sơ sai phạm tại Gang thép Thái Nguyên sang Bộ Công an và cả Ủy ban Kiểm tra Trung ương, theo báo Một Thế Giới. TTCP lưu ý, trong quá trình thực hiện dự án, các đơn vị và cá nhân, gồm Công ty Gang thép Thái Nguyên (TISCO), MCC, Tổng công ty Thép Việt Nam (VNS) và Bộ Công Thương “đã có những khuyết điểm, sai phạm”.


Vụ xe biển xanh đón người nhà của Bộ trưởng Công thương

Báo Người Đưa Tin cập nhật vụ xe biển xanh đón người nhà Bộ trưởng: Vẫn chưa xử lý xong. Theo đó, “sự việc đã xảy ra lâu, nhiều ý kiến bức xúc trong dư luận và đích thân Bộ trưởng bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã phải viết thư xin lỗi”, nhưng đến nay các bên hữu trách vẫn chưa giải quyết thỏa đáng vụ việc.

Thứ trưởng Công thương Đỗ Thắng Hải cho biết: “Ban cán sự Đảng đã tổ chức họp, giao kiểm điểm các tập thể cá nhân liên quan. Hiện vụ việc này vẫn đang trong quá trình xử lý. Sau khi có kết quả  sẽ thông báo cho các cơ quan thông tấn báo chí”.

VTC đặt câu hỏi: Xe biển xanh đón người nhà bộ trưởng: Bộ Công thương xử lý thế nào? Bài viết lưu ý: Lúc đầu Bộ Công thương nói xe biển xanh ra sân bay Nội Bài vào tối 4/1 để đón Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đi công tác, tuy nhiên có thông tin sau đó đính chính rằng, ông Tuấn Anh không có mặt trên chuyến bay VN262 . Để xoa dịu dư luận, Bộ trưởng CT Trần Tuấn Anh đã phải viết thư xin lỗi người dân.

Gần 2 tháng sau khi vụ việc xảy ra, tưởng mọi chuyện có thể “chìm xuồng”, nhưng có những “đồng chí” của ông Tuấn Anh chưa muốn để yên vụ bê bối này.


Sai phạm đất đai

Báo Đất Việt đặt câu hỏi vụ đổi 3 khu đất vàng lấy 455m đường: Trái chỉ đạo? Theo đó, trong bối cảnh Chính phủ vừa yêu cầu “dừng ngay những dự án BT có sai phạm và chỉ chấp nhận thanh toán tài sản công với những dự án được ký trước ngày 1/1/2018”, Thường trực tỉnh ủy Thanh Hóa vẫn thông qua quyết định đầu tư xây dựng tuyến đường Đại lộ Đông Tây ở TP Thanh Hóa theo hình thức BT.

LS Trương Xuân Tám cho biết, “việc Thanh Hóa ký quyết định chủ trương đầu tư dự án theo hình thức BT (đổi đất lấy hạ tầng) thời điểm này là trái với chỉ đạo của Chính phủ. Chính phủ và các bộ ngành cần phải vào cuộc”.

Báo Lao Động đặt câu hỏi: Lãnh đạo tỉnh Thanh Hoá nói gì về tuyến đường 455m hết 128 tỉ đồng? Theo bài viết, những thông tin xung quanh dự án làm đường từ “đất vàng” này “đã gây hoang mang dư luận vì chẳng có công trình đường đô thị cấp III nào mà với 455m phải tiêu tốn tới trên 128 tỉ đồng. Tính ra mỗi mét đường hơn 281 triệu đồng. Đó là con số kỷ lục thế giới”.

CafeLand có bài: Đà Nẵng lộ hàng loạt sai phạm đất công. UBND TP Đà Nẵng thừa nhận, từ năm 2010 đến năm 2016, lãnh đạo TP “đã cho phép chuyển đổi đối 52 cơ sở nhà đất thuộc thành phố quản lý sang mục đích khác, trong đó bán lại cho bên thuê 31 cơ sở, bán trực tiếp không thông qua đấu giá 8 cơ sở… Tổng hợp số tiền sai phạm trong việc xác định giá thu tiền sử dụng lên đến hơn 156 tỉ đồng”.

Lãnh đạo huyện Sông Hinh, Phú Yên vừa cưỡng chế, thu hồi hơn 9.700 m2 đất lấn chiếm của cựu bí thư huyện, theo báo Dân Trí. Ngày 1/3/2019, lãnh đạo huyện này đã tổ chức họp báo công bố thông tin vụ cưỡng chế thu hồi 9.753 m2 đất đối với hộ ông Nguyễn Thanh Sơn, cựu bí thư huyện, “để thực hiện dự án các đường nội thị tại TT. Hai Riêng. Thời gian cưỡng chế dự kiến sẽ được thực hiện vào ngày 7/3 tới”.

Bài báo cho biết: Lúc thành lập huyện, lãnh đạo huyện đã vận động người dân hiến đất để xây dựng trung tâm huyện, nhưng “nhiều diện tích đất chưa xây dựng đã bị một số cán bộ, người dân lấn chiếm do việc quản lý thiếu chặt chẽ. Trong số cán bộ đó có ông Sơn”.

Báo Tuổi Trẻ có bài: Khó tưởng tượng khi giám đốc làm đường giảm nghèo nắn… vô rẫy nhà mình. Theo thiết kế, “tuyến đường dài 1,5km không có nhánh rẽ, nhưng đơn vị thi công đã vẽ thêm hai nhánh phụ”, trong đó một nhánh vẽ vào rẫy của GĐ Công ty xây dựng HBBT, cũng chính là đơn vị làm đường. Tuy nhiên, ông Nguyễn Đức Chiến, chủ tịch UBND xã Đắk Ha chỉ bị khiển trách “về việc buông lỏng quản lý trong việc giám sát thi công đường bêtông nông thôn trên địa bàn do xã làm chủ đầu tư”.



“Đất tặc”, “cát tặc” lộng hành

Trang Tài Nguyên và Môi Trường đặt câu hỏi về những nhóm khai thác cát được “bảo kê” ở huyện Triệu Sơn (Thanh Hóa): Doanh nghiệp ung dung “đánh cắp” tài nguyên? Người dân xã Hợp Thắng phản ánh chuyện Công ty Việt Lào “ngang nhiên khai thác đất ra ngoài vị trí mỏ trong suốt thời gian qua, chính quyền địa phương biết nhưng không xử lý”.

Nhiều hộ dân bất bình trước sự hợp tác giữa chính quyền và “đất tặc”: “Chẳng hiểu vì sao UBND tỉnh lại cấp mỏ đất ngay bên cạnh 3 trường học, Mầm non, cấp I, cấp II. Các cháu nhỏ và toàn bộ các hộ dân sống gần mỏ đất bị tra tấn mỗi ngày vì bụi do mỏ đất của Công ty Việt Lào gây ra”.


Người dân vs BOT

Báo Kiến Thức có bài: Dân chủ động đếm xe qua trạm, Chủ đầu tư BOT “hoang mang”. Theo đó, người dân không còn tin vào báo cáo của chủ đầu tư BOT Ninh Lộc “và các đơn vị thanh tra về doanh thu/ ngày của các trạm thu phí, người dân đã chủ động đếm đầu xe qua trạm để đối chiếu, làm căn cứ gửi Bộ GTVT, điều này khiến Chủ đầu tư BOT hoang mang gửi báo cáo đến cơ quan công an”.

Người dân không tin nhà đầu tư BOT nên muốn thực hiện quyền giám sát của mình, nhưng Chủ tịch UBND xã Ninh Lộc vẫn cho rằng “việc dựng lán trại của nhóm người là vi phạm pháp luật”. Chính quyền địa phương đã cưỡng chế lán trại này, nhưng “khi cưỡng chế xong, nhóm người lại tiếp tục chuyển đến một nhà khác để tiếp tục hoạt động đếm xe”.

Báo Đất Việt bàn về vụ người dân đếm xe qua BOT Ninh Lộc: Được giám sát nhưng… Phó GĐ Công ty Đèo Cả Khánh Hòa cho biết, “đã báo cáo sự việc lên chính quyền địa phương”để được hỗ trợ trong chuyện ngăn cản người dân giám sát BOT: “Công tác giám sát, đếm xe là quyền của dân. Còn việc vào trong khu vực vận hành, khu vực thu phí của Trạm thì chúng tôi không đồng ý vì nó ảnh hưởng đến hoạt động của Trạm”. Dĩ nhiên là “ảnh hưởng”, vì sẽ vạch trần cách làm việc gian dối để “móc túi dân”.

Bộ GTVT đề nghị xử nghiêm tài xế gây rối tại BOT Bắc Hải Vân, báo Pháp Luật TP HCM đưa tin. Bộ GTVT tiếp tục đề nghị UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế “có biện pháp xử lý nghiêm đối với những đối tượng cố tình vi phạm pháp luật, cản trở giao thông, kích động, gây mất trật tự xã hội”, chính là những tài xế không đồng tình và muốn phản đối cách “tận thu” của hệ thống BOT từ Nam ra Bắc.


Giáo dục VN: Bế tắc

Báo Giáo Dục Việt Nam đặt câu hỏi: Mãnh lực nào đang làm méo mó giáo dục Thủ đô? Theo đó, Chính phủ chủ trương bỏ mô hình bán công thì “Hà Nội làm trường tự chủ tài chính, trường chất lượng cao”, Chính phủ chỉ cho trường tư liên kết nước ngoài, thì Hà Nội vẫn làm ngược lại.

Theo bài viết, “mãnh lực” của đồng tiền là nguyên nhân khiến những người làm giáo dục ở Hà Nội dám làm trái chủ trương của Chính phủ: “Một vị hiệu trưởng đề nghị giấu tên, cho biết, phát triển mô hình bán công dưới tên gọi trường chất lượng cao, tự chủ tài chính, song bằng hay gì đi nữa, cũng là cách biến tài sản công thành lợi ích của một nhóm người”.

Sở GD&ĐT tỉnh An Giang đang xem xét kỷ luật hiệu trưởng và giáo viên vụ đánh học sinh vẹo cột sống, theo báo Ngày Nay. Cơ quan này cho biết, “các sai phạm của thầy Thọ đã rõ, căn cứ vào nghị định 27/2012/NĐ-CP về kỷ luật viên chức và trách nhiệm thì thầy Thọ phải chịu hình thức kỷ luật cảnh cáo và bị chuyển công tác sang đơn vị khác”. Còn Ban giám hiệu trường và Hiệu trưởng Trần Thiện Chơn cũng chịu trách nhiệm liên đới.


Ô nhiễm môi trường

Báo Giao Thông đặt câu hỏi: Nhận chìm 15,3 triệu m³ nạo vét xuống biển có ảnh hưởng tới đảo Lý Sơn? Vụ Bộ TN&MT “cấp giấy phép nhận chìm 15,39 triệu m³ chất nạo vét”.Nói thẳng ra là bùn thải chứa chất độc hại (thay vì “chất nạo vét”, “chất nhận chìm”…), tại khu vực cảng Dung Quất đã làm dấy lên nghi vấn: “Liệu có ảnh hưởng tới môi trường khu vực biển nhận chìm, cụ thể là vùng đảo Lý Sơn?”

Bộ TN&MT khẳng định, họ đã “yêu cầu doanh nghiệp thực hiện nhận chìm đúng địa điểm, khối lượng, thành phần chất”, đồng thời xác nhận “chất nhận chìm” an toàn, giống như cách họ đã xác nhận những thứ mà Formosa Hà Tĩnh ném xuống biển là an toàn, trước khi nhà máy thép này gây ra thảm họa môi trường biển miền Trung năm 2016.

Ngày 1/3/2019, Phó trưởng Công an huyện Phú Ninh, Quảng Nam cho biết, đã xác định được nguyên nhân nước kênh nổi bọt trắng xóa, cá chết dày đặc ở Quảng Nam: Người dân vô ý đổ “dung dịch lạ”, VTC đưa tin. Theo thượng tá Nguyễn Văn Phong, một người dân đã đến Công an xã Tam Phước kể lại chuyện xảy ra hồi chiều 25/2, “thời điểm tuyến kênh kéo dài 500m chảy qua địa phận 2 xã Tam Phước – Tam An nổi bọt trắng xóa”.
Người này xác nhận “đã lăn một thùng phuy có chứa dung dịch ra kênh thủy lợi N10A để chùi rửa. Lúc này, toàn bộ ‘dung dịch lạ’ có màu vàng, bốc mùi khét tràn ra ngoài khiến dòng nước trên tuyến kênh sủi bọt trắng”.

RFA thống kê: 40 làng nghề ở Hà Nội ô nhiễm nghiêm trọng. Theo đó, có 40 làng nghề “bị phát hiện gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng khi cơ quan chức năng khảo sát, lấy mẫu và phân tích môi trường tại 65 làng nghề”. Trong 65 làng nghề có 57 làng nghề ô nhiễm môi trường nước, 22 làng nghề ô nhiễm môi trường không khí, “về môi trường đất chỉ kiểm tra 37 làng nghề và có 5 làng nghề ô nhiễm”.


***








No comments:

Post a Comment