Thursday, February 21, 2019

ĐỨC TÁI KHẲNG ĐỊNH TRỊNH XUÂN THANH BỊ BẮT CÓC TẠI BERLIN (Trần Hà Linh - Luật Khoa)





21/02/2019

Trong một thông cáo được phát đi ngày 20/2, Bộ trưởng Ngoại giao Đức tái khẳng định việc ông Trịnh Xuân Thanh bị bắt cóc tại Berlin.

Thông cáo này được đưa ra trước cuộc gặp cùng ngày của Bộ trưởng Heiko Maas với Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh, vốn đang có chuyến thăm Đức.

Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh gặp Bộ trưởng Ngoại giao Đức Heiko Maas tại Berlin, ngày 20/2/2019. Ảnh: Bộ Ngoại giao Đức

Bộ trưởng Ngoại giao Đức cho rằng vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh là một bất đồng đặc biệt giữa hai nước. Ngày 2/8/2017, ngay sau khi có thông tin Trịnh Xuân Thanh về Việt Nam đầu thú với cơ quan điều tra, Bộ Ngoại giao Đức đã cáo buộc Đại sứ quán Việt Nam tại Berlin và nhà chức trách Việt Nam có liên quan đến vụ bắt cóc này. Đến ngày 22/9 cùng năm thì Đức tuyên bố tạm ngưng mối quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam cho đến nay.

Theo VOA, tháng 7/2018, một toà án Đức đã tuyên án ba năm và 10 tháng tù đối với một người gốc Việt sau khi ông này thừa nhận đã tiếp tay cho mật vụ Việt Nam bắt cóc ông Thanh.

Tại Việt Nam, ông Trịnh Xuân Thanh đã hai lần bị tuyên án chung thân trong tháng 1 và tháng 2 năm 2018 trong hai vụ án về tội tham ô tài sản và cố ý làm trái xảy ra tại Tập đoàn Dầu khí Việt Nam.

Trịnh Xuân Thanh từng là Phó Chánh văn phòng Bộ Công thương (2013-2015), Phó Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân tỉnh Hậu Giang (2015-2016), đồng thời trúng cử đại biểu Quốc hội năm 2016. Trước đó, ông là Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tổng công ty Cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam – PVC, trực thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam.

Cũng trong thông cáo này, Bộ Ngoại giao Đức khẳng định Việt Nam là một đối tác chủ chốt của Đức ở Đông Nam Á và đã từng bước tự do hoá nền kinh tế trong những năm gần đây. Nhân chuyến thăm của Bộ trưởng Phạm Bình Minh, ông Heiko Maas cũng mong muốn đạt được một thoả thuận về việc làm thế nào để khôi phục lại quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam. Ông cũng nhấn mạnh rằng quan hệ đối tác chiến lược phải dựa trên nền tảng tôn trọng những giá trị chung, đặc biệt là những quyền con người phổ quát.

Đức cũng cam kết đẩy nhanh việc hoàn tất Hiệp định Thương mại Tự do EU-Việt Nam. Hiệp định được cả hai bên kỳ vọng này đang bị ách tắc tại Nghị viện Châu Âu và gần như không có cơ hội được thông qua trong năm 2019. Một phần lý do của việc trì hoãn này là thành tích nhân quyền tồi tệ của Việt Nam trong năm qua.







No comments:

Post a Comment