Friday, February 1, 2019

TẾT LƯU VONG CỦA CÁC NHÀ TRANH ĐẤU VIỆT NAM (VOA Tiếng Việt)




29/01/2019

Các nhà hoạt động nhân quyền Việt Nam sống lưu vong ở nước ngoài nói với VOA rằng họ đau đáu một nỗi nhớ nhà, nhớ gia đình và người thân, nhất là khi Tết đến xuân về. Người tha hương dẫu biết rằng đường về cố quốc quá mù mịt và tăm tối, nhưng họ vẫn dốc hết tâm huyết để tiếp tục dấn thân và không ngừng khát khao cho tự do, một sự đổi thay ở quê nhà, mong một ngày đoàn viên.

Rời Việt Nam vào năm ngoái và định cư tại bang Oregon, Hoa Kỳ vào tháng 6 vừa qua với sự trợ giúp của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ và LHQ, nhà hoạt động Lê Văn Sơn chia sẻ với VOA về cái Tết đầu tiên xa nhà:

“Đây là lần đầu tiên mà tôi đón Tết cổ truyền xa nhà trên đất nước cờ hoa. Tôi có nhiều cảm xúc lẫn lộn trong tôi, trải dài những tháng ngày đã qua làm tôi nhớ về quê hương Việt Nam rất nhiều, những nơi mà tôi từng sinh sống, nhất là Sài Gòn. Tôi nhớ từng hình ảnh mang đậm nết văn hóa, truyền thống của người dân Việt Nam như chuẩn bị nấu bánh chưng, gói bánh chưng… Những hình ảnh này cứ hiện lên trong tâm trí tôi. Tôi luôn khao khát được trở về cùng đón Tết với quê, với dân tộc.”

Múa lân trên sân khấu Hội chợ Tết do Nhà Việt Nam tổ chức tại trường NOVA, bang Virginia, ngày 28/1/2017. (Hình: Trà Mi)

Từ thủ đô Bangkok, Thái Lan, nhà hoạt động Nguyễn Thị Thùy, trưởng nhóm Hiến pháp, chia sẻ với VOA về hoàn cảnh của bà sau khi bà chạy trốn sự truy bắt của chính quyền thành phố Hồ Chí Minh sau cuộc biểu tình tháng 6/2018.

“Bỗng nhiên chúng tôi trở thành những người lưu vong một cách quá đau đớn. Những người Việt tị nạn cộng sản tại Thái hầu như rất kín kẽ, chúng tôi không có kế hoạch để gặp mặt hay ăn Tết vì chúng tôi không có tiền, không có việc làm. Ở quê nhà thì hai con cũng không có cái gì để đón Tết. Tôi rất buồn khi mâm cơm cuối năm tôi không thắp cho mẹ được một cây hương.”

Trong khi đó, anh Sơn cho biết Tết gợi cho anh nỗi nhớ các bạn tù, những người cùng cất tiếng nói cho phong trào dân chủ và nhân quyền ở Việt Nam.

“Tôi nhớ về các bạn tù của tôi đang sống ở trong tù. Tôi luôn nhớ về hình ảnh họ đón Tết như tôi đã từng đón 4 cái tết trong đó. Họ là những người dân, những người yêu nước. Và cái tết trong tù vẫn đau đáu trong tôi trước cảnh xa nhà, xa người thân, bố mẹ, vợ con…một cái tết lui lũi, tủi thân, cô đơn, và nỗi nhớ nhà…”

Nhà hoạt động Phạm Minh Hoàng và Nguyễn Văn Đài tại Pháp tháng 8/2018. Photo Facebook Nguyễn Văn Đài

Cũng trong tâm trạng đó, nhà hoạt động Phạm Minh Hoàng hiện sống lưu vong tại Pháp cho biết Tết cũng là dịp nhìn lại chặng đường tranh đấu đầy gian nan trong thời gian vừa qua với hàng chục người dấn thân vào phong trào đã bị kết án nặng:

“Trong năm vừa qua là một năm u ám của những người tranh đấu Việt Nam nói riêng và của nhân quyền Việt Nam nói chung. Hơn 1 năm rưỡi qua có khoảng 25 tù nhân lương tâm bị kết an rất nặng với trên 200 năm tù giam và hơn 120 năm quản chế.”

Sau khi thụ án hai năm tù, nhà hoạt động Lê Thu Hà, cộng sự của Luật sư nhân quyền Nguyễn Văn Đài, thành viên của Hội Anh Em Dân chủ, được chính phủ Việt Nam phóng thích vào tháng 6/2018 với điều kiện phải sống lưu vong ở nước ngoài.

Ngay sau khi được phóng thích, bà Lê Thu Hà và ông Nguyễn Văn Đài đã được đưa thẳng từ trại giam B14 của Bộ Công an lên máy bay sang Đức tị nạn.

Tuy nhiên, nỗi nhớ người mẹ ở quê nhà Quảng Trị đã thôi thúc bà Hà cố quay về Việt Nam vào tháng 11 năm ngoái thế nhưng bà không được chính quyền Hà Nội cho nhập cảnh.

Bà Hoàng Thị Bình Minh, mẹ của Lê Thu Hà, nói với VOA rằng bà chỉ mong gặp được mặt con một lần.

“Hiện nay con tôi Lê Thu Hà đang ở bên Đức và cũng ít khi tôi liên lạc được. Hà cũng có vấn đề gì đó nên cuộc sống không thoải mái. Giờ thì tôi ở nhà ở quê một mình. Tết đến tôi cũng mong Hà được mạnh khỏe. Tôi cũng mong ước được gặp con một lần để biết tình trạng của con như thế nào.”

Bà Hoàng Thị Bình Minh nói thêm rằng đã ba cái Tết rồi hai mẹ con không được gần bên nhau, và niềm hy vọng về một ngày đoàn viên lại càng thêm xa vời vợi:

“Chắc chắn rằng con gái xa nhà hơn 3 năm thì nhớ mẹ, nhớ nhà nhiều lắm. Nhưng trong hoàn cảnh xác định tư tưởng là dấn thân đấu tranh thì Hà phải gác qua chuyện đó. Ít khi Hà thể hiện tình cảm. Bây giờ Hà phải nén tất cả tình thương yêu lại và không dám thổ lộ với mẹ. Sau lần trở về Việt Nam không thành thì Hà càng dấu kín, không cởi mở.”

Gạt bỏ một bên những khó khăn ở xứ người, các nhà tranh đấu vẫn mong ước rằng mùa xuân về sẽ mang hy vọng cho làn sóng dân chủ lan tỏa trong nước.

Bà Nguyễn Thị Thùy nói:
“Những ngày Tết như thế này đối với chúng tôi, những người tị nạn cộng sản đang lưu vong trên một đất nước lạ lẫm, chúng tôi hoàn toàn không có một nguyện vọng nào, một thú vui nào để nghĩ đến Tết, mà thương cho quê hương của tôi đang lầm than trong một đất nước bị vi phạm nhân quyền nghiêm trọng. Nhưng tôi nghĩ nỗi đau này không kéo dài. Chúng tôi bằng mọi cách góp sức tìm được nhân quyền, tự do để có cơ hội trở về tổ quốc.”

Blogger Mẹ Nấm – tức Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, chia sẻ với VOA về khát khao tự do, và “những ước mơ dang dỡ” sau khi được phóng thích từ nhà tù Việt Nam sang Mỹ vào tháng 11/2018:

“Nước Mỹ khác xa với những gì mà Quỳnh được tuyên truyền, và sự tự do…. được chào đón. Tôi có cảm giác là những nỗ lực của mình được ghi nhận. Nó cho mình động lực để tiếp tục những ước mơ còn dang dỡ phía trước. Hy vọng rằng cái tự do của Quỳnh ngày hôm nay không phải là cái tự do của riêng Quỳnh, hay cho riêng các anh em tranh đấu ở Việt Nam, mà là tự do chung cho người Việt Nam, nó sẽ đánh thức khát khao tự do, ước mơ tự do của người Việt Nam vì họ chưa có khái niệm tự do thật sự.”


Nhà giáo Phạm Minh Hoàng nhận định rằng các phong trào nhân quyền trên thế giới như ở Venezuela, Miến Điện, Đông Âu, hay Tunisia… qua hết chuỗi ngày đen tối rồi cũng sẽ trở nên chói lọi. Ông nói:

“Trước đầu năm mới tôi hy vọng mảng tối nhân quyền sẽ sớm tàn lụi để nhường chỗ cho một ngày mai tươi sáng cho Việt Nam. Tuy cho đến thời điểm này vẫn chưa có dấu hiệu gì, nhưng với sự tham gia của một số bạn trẻ, những người nhận thức được nền tự do, độc lập, cho tương lai thì tôi có một chút hy vọng cho năm 2019: tôi mong rằng tiếp theo các cuộc biểu tình của giới trẻ vào ngày 10/6/2018 vừa qua sẽ có các sự kiện khác để đánh động lương tâm của các cộng đồng Việt Nam trong cũng như ngoài nước.”

Dù xa cách hai con nhỏ đang sống tại quê nhà ở huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế, nhà hoạt động Nguyễn Thị Thùy luôn mong muốn có ngày gia đình đoàn viên, hòa cùng niềm vui của dân tộc.

“Ước mơ lớn nhất của tôi bây giờ là tổ quốc và nhân dân Việt Nam của chúng tôi phải đạt được tự do và nhân quyền.”

Bàn thờ gia tiên ngày Tết Việt Nam.

Với anh Lê Văn Sơn, mùa xuân ngay chính trên đất nước mình mới là điều quý giá nhất. Anh chia sẻ:

“Cộng đồng người Việt trên đất Mỹ cũng tổ chức hội chợ xuân, lễ tết truyền thống… nhưng bản thân tôi vẫn ao ước rằng đất nước Việt Nam của chúng ta sớm có được tự do để người dân Việt Nam ở hải ngoại khắp nơi trên thế giới có thể trở về quê hương vào dịp Tết đến xuân về để đoàn viên, sum hợp cùng với anh em, bạn bè….”

Một gian hàng hội chợ Tết Việt ở Mỹ. (Hình: Trà Mi)

--------------------------------------

VOA Tiếng Việt
25/01/2019

Trong khi Việt kiều từ khắp nơi trên thế giới đang quay về Việt Nam đón Tết nguyên đán, nhiều người Việt cũng sắp sửa đón cái Tết xa xứ đầu tiên của họ kể từ khi định cư ở nước ngoài. Họ cố gắng duy trì những tập tục và truyền thống ngày Tết để phần nào giúp vơi bớt nỗi nhớ gia đình và quê hương trong dịp đoàn viên.

Chị Mã Y Phụng bắt đầu cảm nhận được không khí Tết đang tràn về dù không hẳn là ở nơi chị đang sinh sống ở thành phố Springfield, bang Virginia. Được chồng bảo lãnh sang Mỹ định cư đã được sáu tháng, chị đang từng bước hòa nhập cuộc sống mới. Chị dành phần lớn thời gian với việc nội trợ và công việc ở tiệm làm móng của một người chị họ, nơi chị cũng đang trau dồi kĩ năng giao tiếp tiếng Anh.

Chị cho biết khu vực của chị ít có chợ Việt Nam cho nên vẫn chưa cảm nhận không khí Tết, nhưng khi ra Eden, trung tâm thương mại của người Việt ở thành phố Falls Church gần đó, thì chị cảm nhận không khi Tết rất rõ.

“Họ bán bánh, mứt, tắc, đủ loại chuẩn bị cho người Việt ở Mỹ mua sắm,” chị chia sẻ. “Mình cảm nhận được là mọi người xung quanh đang chuẩn bị đón một cái Tết như ở Việt Nam vậy đó.”

Cái Tết đầu tiên xa gợi nhớ những nếp sinh hoạt truyền thống nơi quê nhà trong những ngày giáp Tết như đi chợ, mua trái cây, mua hoa. Chị cho biết trước khi sang Mỹ, chị làm trong bộ phận kế toán của một công ty kiểm toán và chỉ đến ngày 25 hay 26 âm lịch mới được về quê ở Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp, để ăn Tết cùng gia đình.

“Đến lúc mình về thì mẹ đã chuẩn bị hết rồi, mình chỉ có việc đi chợ mua hoa thôi,” chị kể.

Chị Phụng cho biết chị sẽ tiếp tục những truyền thống đó để đón một cái Tết đầm ấm cũng giống như ở nhà.

“Bước đầu tiên là mình phải đi chợ rồi. Cũng may mắn là ở khu Virginia này có nhiều người Việt sinh sống, họ hay tổ chức hội chợ. Mình sẽ đến hội chợ đó kiếm mua một là trái cây, hai là bánh mứt, ba là hoa để chưng. Mình nghĩ rằng Tết năm nay trong nhà sẽ chưng vài chậu cúc vì mình thấy cúc bên đây rất là đẹp,” chị Phụng hào hứng nêu kế hoạch chuẩn bị.

Chị cho biết có một điều đáng tiếc mà chị sẽ không thể thực hiện được vào dịp Tết năm nay là mặc áo dài vì chị đang mang thai bốn tháng.

Trong khi đó, tại thành phố Durham ở bang North Carolina, không khí Tết dường như trầm lắng hơn đối với một gia đình người tị nạn thuộc dân tộc thiểu số Hà Lăng từ Tây Nguyên. Cuộc sống của ông bà A Ga đang dần đi vào ổn định sau khi được cấp quy chế tị nạn, định cư tại Mỹ vào tháng 9 năm ngoái. Người chồng hiện làm cho một khách sạn và người vợ phụ việc tại một nhà hàng ở địa phương.

Tết nguyên đán không phải là một truyền thống của họ, nhưng do sinh hoạt thường xuyên với người Kinh, nên họ cũng tiếp nhận phần nào nét văn hóa này, ông A Ga cho biết. Ông nói gia đình ông không có kế hoạch đón Tết cụ thể do công việc bận bịu.

“Không biết có thể làm không vì khách sạn không cho tôi nghỉ vào ngày nào hết. Cũng hơi khó để tổ chức Tết năm nay,” ông A Ga chia sẻ. “Nhưng mà nếu có thì mình sẽ tổ chức vào buổi tối thôi.”

Ông nói thức ăn ngày Tết của gia đình sẽ không quá cầu kì, có thể bao gồm món chả ram và một ít bánh kẹo khác.

Ông A Ga khi còn ở Việt Nam là một nhà hoạt động cho tự do tôn giáo ở tỉnh Kon Tum. Năm 2013, ông và gia đình đào thoát sang Thái Lan và sống cuộc đời tị nạn trong suốt năm năm. Ông nói nhờ sự can thiệp của Liên Hiệp Quốc, ông và gia đình được cho sang tị nạn ở Philippines và cuối cùng đến Mỹ. Những cái Tết xa nhà của ông vì thế mang nhiều màu sắc khác nhau, và cái Tết đầu tiên của ông trên đất Mỹ năm nay hứa hẹn một màu sắc mới.







No comments:

Post a Comment