Friday, February 1, 2019

NGƯỜI THÁI ĂN BÁNH CHƯNG ĐEN, TẠI SAO HOA HẬU H'HEN NIÊ GÓI BÁNH CHƯNG XANH ĐEM BIẾU? (Tre)




Tre
Thứ Hai, 01/28/2019 - 08:06 — Tre

Hôm nay là 23 Tết, ngày cúng ông Táo của những người ăn tết Nguyên đán Việt Nam. Cùng với sửa soạn ăn tết cho gia đình, nhiều tổ chức từ thiện cũng hoạt động sôi nổi trong dịp này.

Cách đây vài hôm, nhiều báo Việt Nam đồng loạt đưa tin hoa hậu H’Hen Niê tự tay gói bánh chưng cùng các em nhỏ ở Hà Nội, để mang lên Sơn La tặng trẻ em nghèo vùng này.

Hình minh họa. Một phụ nữ Thái mang trái cây ra chợ ở Sơn La hôm 18/7/2005.  AFP

Theo các báo, đây là chương trình thường niên của một số tổ chức từ thiện, mang tên “Tết sẻ chia, Tết yêu thương”, đến nay đã là lần thứ năm.

Báo Lao động viết “Chương trình hướng đến góp phần giáo dục cho các em thiếu nhi tinh thần "Tương thân, tương ái", biết sẻ chia, yêu thương những bạn nhỏ cùng trang lứa, có hoàn cảnh bất hạnh, khó khăn ở vùng cao, giúp các em thêm hiểu, thêm yêu những nét đẹp, những phong tục văn hóa truyền thống của dân tộc trong ngày Tết”. 

Hình minh họa. Một gia đình đang gói bánh chưng cho Tết ở ngoại thành Hà Nội hôm 7/2/2002 . AFP

Nhưng-tôi tự hỏi-tại sao lại là gói bánh chưng?

Theo thông tin trên báo, 1.000 chiếc bánh chưng xanh với gạo nếp trắng, thịt lợn, đậu xanh sẽ được mang đến các xã Mường Tè, Chiềng Yên của huyện Vân Hồ và xã Quy Hướng của huyện Mộc Châu, thuộc tỉnh Sơn La.

Đấy là những vùng rất xa xôi.

Theo báo Sơn La, xã Mường Tè có 4 dân tộc, trong đó dân tộc Thái chiếm 80%, tiếp đến là dân tộc Mường (19,6%), dân tộc Dao 0,18%. Dân tộc Kinh thưa thớt nhất với 0,22%.

Xã Chiềng Yên cũng tương tự: dân tộc Thái chiếm hơn 49%, dân tộc Dao chiếm  hơn 29%, dân tộc Mường 16,4%, dân tộc Mông 0,13%. Dân tộc Kinh nhiều hơn hẳn bên Mường Tè nhưng cũng chỉ có 5,1%.

Ở xã Quy Hướng, chủ yếu là dân tộc Mường, Dao và Thái. Dân tộc Kinh gần như không đáng kể với chỉ vài chục người so với hàng ngàn người thuộc các dân tộc khác.

Người Thái, Dao và Mường không ăn bánh chưng xanh

Vài lần lên bản người Thái vùng Sơn La chơi dịp cận tết, tôi được đãi món xôi đồ với thứ lá rừng gì đó không nhớ tên. Món xôi màu hồng ửng, đẹp và rất thơm mùi lá rừng. Xôi tãi ra mâm, người ăn dùng tay nhón miếng xôi chấm với bát muối (gọi là chẩm chéo) cực kỳ ngon và lạ. Sau này tôi mới biết công thức của một bát chẩm chéo đúng vị người Thái ở Sơn La khá công phu, gồm muối hạt, ớt rừng chín đỏ và còn xanh, hạt mắc khén (hạt tiêu rừng), riềng, gừng, lá húng lủi, sả nướng, lá mùi tàu (ngò gai)… giã nát. Lúc ấy chỉ thấy một bát con xanh xanh đỏ đỏ và thơm nồng ngai ngái. Nhưng chấm với món xôi hồng kia, nó quyện vị và ngon đến mê hoặc. Trên mâm có cả thịt gà lẫn thịt lợn bản, nhưng chúng tôi bơ hết, chỉ hăm hở tấn công mâm xôi với bát chẩm chéo đến no căng.
 
Xôi là một trong các món cúng Tết cổ truyển buộc phải có của người Thái Sơn La. Người Thái cũng có bánh chưng, nhưng nó gần như khác hoàn toàn với bánh chưng xanh của người Kinh.

Trên các trang viết về tết cổ truyền của người Thái, đến Tết,  “người Thái thường gói hai loại bánh chưng màu đen và màu trắng. Để làm bánh màu đen, họ đốt rơm lên, lấy tro giã lẫn gạo nếp rồi sàng sạch muội tro mà vẫn giữ lại màu đen. Nhiều nơi không cho nhân bánh. Người ta quan niệm hương vị của Tết ở trong bánh chưng chủ yếu thể hiện ở hương vị của lá dong, và đó cũng là cái chủ yếu để dâng lên tổ tiên (ma nhà)”.

So với bánh chưng của người Kinh (loại bánh mà hoa hậu H’ Hen Niê và các nhóm từ thiện đang gói để tặng), lấy đậu xanh, thịt lợn làm nhân tạo ra hương vị chính, phần nếp ngoài nhuộm màu xanh của lá dong, đủ thấy đây là hai phiên bản khác hẳn nhau.

Trong mâm cỗ cúng tết của người Thái, bánh chưng cũng không phải món chính mà chủ vị lại là cá với đủ các món.

Người Dao cũng không ăn bánh chưng xanh. Món bánh đặc trưng ngày tết của người Dao là bánh Dì (bánh bằng nếp giã, giống như bánh dày), bánh tro (bánh nếp, ngâm với nước tro, có màu vàng trà trong vắt, khi ăn chấm với mật), cháo và thịt lợn chua.

Người H Mông thì bánh cổ truyền là bánh nếp giã kỹ, giống như bánh dày của người Kinh nhưng to hơn nhiều.

 Bánh dày H'Mông, ảnh từ báo Việt Nam

Người Mường thì có ăn bánh chưng và bánh tét giống như người Kinh.

Người Dao,  Mông không ăn tết cùng lịch với người Kinh

Tết của người Dao gọi là “Tết năm cùng”, bắt đầu vào đầu tháng Chạp cho đến hết tháng Chạp, khác với người Kinh ăn tết vào cuối tháng Chạp vắt qua khoảng đến giữa tháng Giêng năm mới. Họ cũng không ăn tết đồng loạt như người Kinh. Nhà nào sắm sửa được trước và mời thầy cúng đến trước thì ăn trước, nhà nào sắm sau ăn sau.

Tết của người H Mông thì đã diễn ra trước tết nguyên đán của người Kinh một tháng. Họ ăn tết vào đầu tháng 11 âm lịch.

Khác hẳn nhau cả về thói quen lẫn thời gian ăn tết như thế nên tuy việc gói bánh chưng xanh của hoa hậu H’ Hen Niê cùng các nhóm từ thiện đều xuất phát từ thiện ý chia sẻ với người nghèo vùng cao, nhưng theo tôi, cách làm này không phù hợp. Nó chỉ có thể được gọi là một món quà nhân dịp nhà có chuyện vui, gửi tặng các anh em để chia sẻ niềm vui của mình. Chứ bảo là để giúp các em nhỏ “thêm hiểu, thêm yêu những nét đẹp, những phong tục văn hóa truyền thống của dân tộc trong ngày Tết” thì quá khiên cưỡng.

Là vì, mục đích gói bánh là để tặng người Thái, người Dao, người Mường, người H Mông, nhưng các em bé người Kinh không được hướng dẫn làm bánh cho đúng với thói quen ăn uống của người Thái, người Dao, người Mường hay người H’ Mông (chưa kể đến việc tặng cũng không đúng thời điểm). Các em chỉ gói món bánh quen thuộc của dân tộc mình, rồi đem “ấn” cho trẻ em dân tộc khác, chẳng cần quan tâm họ sẽ thích món quà đó hay không.

Hình minh họa. Hình chụp hôm 3/4/2015: trẻ em H'mong ăn trưa miễn phí tại một nhà trẻ công ở Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang AFP

Tội nghiệp các em, chắc hào hứng lắm, thương các bạn lắm, nghĩ rằng việc làm của mình có ý nghĩa lắm, nhưng thật ra các em chỉ đang quẩn quanh với một việc làm khá nhàm chán được gõ cho kêu. Các em không hề biết đến nét đẹp văn hóa của những dân tộc khác đang chung sống.

Đừng sến. Đừng trở thành nhà từ thiện chuyên nghiệp

Tuy nhiên, cái lỗi này không phải của các em bé đang hồn nhiên dùng tay trần bốc thịt, bốc nếp, gói bánh. Lỗi ở những người lớn. Họ tổ chức ra chương trình này đã đến lần thứ 5 nhưng dường như chỉ làm theo thói quen chứ không hề để tâm đến ý nghĩa của món quà. Vì thế tuy hình thức có vẻ cảm động và rôm rả nhưng thực chất nó sẽ chẳng mang lại gì cho người thực hiện ngoài những giá trị vỗ về khá ảo.

Nếu nó được tổ chức chu đáo hơn, trong đó các em bé được học về tập tục ăn tết của người Thái, người Dao, người Mường, người H’ Mông…. Nếu các em bé vẫn ngồi giữa thủ đô nhưng được tự tay làm bánh chưng đen từ tro của rơm rạ của người Thái, hay món bánh Dì từ nếp giã nhuyễn của người Dao… tôi chắc các em sẽ thích thú hơn nhiều. Và cả người lớn cũng học được bài học cụ thể sinh động về những giá trị về khác biệt và đa dạng văn hóa.

Cách đây hai năm, cũng vào dịp Tết như thế này, có một tổ chức từ thiện tên là “Xây trường vùng cao” cũng mang lên Sơn La rất nhiều quà đặc sệt Kinh tộc, gồm bánh chưng và giò lụa. Họ định đem tặng xã Mường Lạn huyện Sốp Cộp. Thế nhưng UBND huyện từ chối. Lý do là đoàn không cung cấp giấy tờ theo yêu cầu an ninh của địa phương và cũng không báo trước để nơi này chuẩn bị thuyền đưa đoàn vào (chỉ có một lối vào duy nhất là đi thuyền qua hồ thủy điện).

Ở một khía cạnh khác, tác giả Sông Hàn lý giải trên báo Vietnamnet như sau (theo tôi rất xác đáng): “Mường Lạn có 16 bản, trong đó 08 bản của người Mông, còn lại là của người Khơ Mú, người Lào. Lễ mừng năm mới của người Mông diễn ra vào tháng 11 trước tết Nguyên đán của ta chừng một tháng. Lễ Xêm Mường của người Lào cầu năm mới mùa màng sinh sôi, năm mới an lành tiến hành vào khoảng trung tuần tháng 02 âm lịch. Người Khơ Mú thường thì họ chịu ảnh hưởng của những cộng đồng có vốn văn hóa mạnh hơn kể cả lễ tết và trang phục.

Cũng có nghĩa là cư dân bản địa tại Mường Lạn không ăn tết Nguyên đán như ta. Trong kho tàng ẩm thực của họ cũng không có khái niệm bánh chưng, giò, đùi gà rán”.

Hình minh họa. Hình chụp hôm 2/11/2014: những người H'mong tại một quầy bán đồ ăn làm từ lòng lợn ở một chợ tại Bắc Hà, thành phố Lào Cai.  AFP

Việc mang bánh chưng và giò lụa (vốn là những món không thể thiếu trong mâm cỗ của người Kinh miền Bắc) lên tặng đồng bào người Mông tưởng như sẽ rất được người bản địa xem trọng, lại hoàn toàn có thể thất bại do nguyên nhân này.

Cũng giống như việc từ thiện quần áo ấm cho đồng bào vùng cao. Nhìn các em bé chân trần tím ngắt trong giá rét ai cũng thương. Nhưng có những vùng như ở miền Tây Nghệ An, khi được báo chí viết nhiều thì hàng đoàn người dưới xuôi lũ lượt mang áo ấm lên, nhưng bà con không mặn mà lắm. Vì tấm áo phao theo mốt người Kinh nó phồng và to, gây vướng víu khi sinh hoạt, đi đường núi, chăn gia súc, lấy nước, thậm chí ngồi sưởi bên bếp lửa vẫn vướng. Tấm áo vải lanh của người H’ Mông mỏng, nhẹ và mềm hơn, có thể mặc nhiều lớp rất ấm mà vẫn tiện dụng khi sinh hoạt. Ở vùng cao thường thiếu nước, đồng bào không có thói quen giặt giũ thường xuyên nên chiếc áo lanh thỉnh thoảng còn được giặt phơi, còn chiếc áo phao thì thường cứ mặc mãi. Đến khi cũ bẩn quá thì vứt, hoặc có đoàn mới lên cho áo khác thì thay.

Có những em bé miền núi chỉ mặc tấm áo mỏng chạy trong trời giá lạnh, người xuôi lên ai thấy cũng thương nhưng bản thân em bé không thấy lạnh. Chúng vứt áo phao sang một bên mà chạy.

Ở một góc độ khác, thậm chí việc cứ mang bánh chưng, giò lụa, quần áo người Kinh… lên tặng đồng bào có thể được so sánh với sự xâm lấn văn hóa và lối sống mang màu sắc “thực dân”. Đấy là một  dân tộc đông người kiêu ngạo (một cách vô thức) áp đặt lối nghĩ, cách sống, thói quen sinh hoạt của mình lên những dân tộc thiểu số.

Nhưng, khiêm tốn học hỏi để thấu hiểu, tôn trọng và từ đó giữ gìn khác biệt và đa dạng văn hóa mới là những giá trị nhân đạo thực sự, đồng thời thúc đẩy sự chung sống hài lòng lâu dài giữa các tộc người.

Vậy thì nên làm cách nào để các em bé có tấm áo ấm vào mùa đông mà không sợ mài mòn bản sắc văn hóa, hoặc tạo nên sự ỷ lại? Làm thế nào để tết sang năm, trẻ em người Kinh biết gói chiếc bánh chưng đen để tặng bạn nghèo người Thái, giã bánh dày tặng bạn người Dao? Làm thế nào để xóa đi cái định kiến ăn sâu vào đầu nhiều người Kinh là cứ tết đến thì phải gói bánh chưng phân phát để tỏ ra mình tốt (hay là để giải nghiệp? Cũng không biết đấy là đâu!).

Nếu cứ dùng góc nhìn của nhà từ thiện để trả lời, câu hỏi này sẽ mãi mãi đem lại sự phẫn nộ và bị lên án vì tàn nhẫn và vô cảm.

Nhưng nếu đứng ở góc độ của người làm kinh tế và nhà xã hội học, sẽ thấy nguyên nhân khiến các em bé vùng cao thiếu áo tím tái trong mùa đông, hay thèm một tấm bánh trong dịp tết, là do đói nghèo.

Thế thì đừng mãi sướt mướt chụp ảnh đôi chân trần trong tuyết, hay mải mê gói bánh chưng nữa. Giải quyết đói nghèo mới là cái gốc để chấm dứt triệt để những bức tranh gây động lòng người ấy.

-------------
Tham khảo: 












No comments:

Post a Comment