Wednesday, February 27, 2019

KIM - TRUMP TÁI HỘI ĐỂ LÀM GÌ? (Ngô Nhân Dụng)




Ngô Nhân Dụng
February 26, 2019

Kim Jong Un lên ngôi năm 2011, nhưng tới năm 2013, tạp chí Forbes sắp hạng những người Hàn Quốc có ảnh hưởng lớn trên thế giới đã chỉ xếp Kim đứng hàng thứ ba! Kim đứng sau cựu Tổng Thư Ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki Moon và tỷ phú Lee Kun Hee, chủ tịch công ty Sam Sung. Đây có lẽ là một điều cậu Ủn, 29 tuổi, không thể nào chấp nhận được.

Lúc đó, Kim Jong Un đã lên làm chủ tịch Bộ Chính Trị đảng Lao Động Triều Tiên, chủ tịch chính phủ, chủ tịch Quân Ủy Trung Ương, là Tư Lệnh Tối Cao Quân Đội Nhân Dân, và đã đeo lon thống chế khi mới 28 tuổi. Báo, đài cả nước, và người dân Bắc Hàn đều gọi Kim là “Thống chế” và suy tôn là “Lãnh tụ Kính Mến.”

Kim Jong Un phải cho thế giới biết ai là người mạnh nhất trên bán đảo Cao Ly! Cuối năm 2013, Kim đã ra lệnh giết ông dượng, Jang Song-thaek, chồng của bà cô ruột và phụ tá thân cận của cha, bằng những phát súng cao xạ. Một, hai viên tướng bị tinh nghi chống Kim được đem hành quyết bằng cách cho đàn chó cắn đến chết (khuyển quyết).

Ba năm sau, Kim Jong Un đã thấy có một người thấu hiểu tài năng và địa vị quan trọng của mình. Tháng Giêng, 2016, ứng cử viên tổng thống Donald Trump hỏi các nhà báo, “Có bao nhiêu người trẻ tuổi – lúc cha chết mới 25 hay 26 – đã khuất phục được đám tướng lãnh khó trị như thế, để bỗng nhiên… đứng ra chỉ huy tất cả?” Ông kết luận: Thật là đáng phục – it’s incredible!” Đáng nể hơn nữa, đầu năm 2017, Kim Jong Un ra lệnh thủ tiêu người anh ruột, Kim Jong-nam, khi đang du lịch ở Malaysia, mặc dù Nam đã chấp nhận cuộc sống lưu vong ở bên Tàu.

Tổng Thống Donald Trump, sau khi gặp Kim Jong Un vào Tháng Sáu năm ngoái, đã khen Kim là người “yêu nước, thương dân” và tỏ ra rất có cảm tình, nói rằng, “We’re in love.” Ông Trump đã ra lệnh ngưng các cuộc tập trận chung của quân đội Mỹ và Nam Hàn, một màn thao diễn hằng năm kể từ thập niên 1950. Đáp lại, Kim Jong Un đã ra lệnh ngưng thử bom và hỏa tiễn từ năm ngoái tới giờ.

Tổng Thống Trump đang hy vọng sẽ thuyết phụ lãnh tụ Hàn Cộng giải giới các trái bom hạch tâm, để đổi lại sẽ có cơ hội “đổi mới kinh tế” theo kiểu Trung Cộng và Việt Cộng. Hãy làm giàu mà vẫn duy trì được chế độ độc tài đảng trị, Kim có thể yên tâm.

Kim Jong Un có vẻ biết mình muốn gì và đã vạch ra một kế hoạch lâu dài để thực hiện. Đầu năm 2018, Kim tuyên bố Bắc Triều Tiên đã hoàn tất mục tiêu với các vụ thử nghiệm bom và hỏa tiễn làm rung chuyển vùng Đông Bắc Á Châu. Từ nay, không thí nghiệm nữa, chỉ lo sản xuất. Trong thông điệp đầu Xuân đó, Kim còn ngỏ những lời thân thiết với “đồng bào” bên kia biên giới, kêu gọi hòa giải dân tộc để cùng thống nhất tổ quốc.

Tổng Thống Nam Hàn Moon Jae-In nghe mà hân hoan. Vì ông vẫn mong giảm bớt mối đe dọa chiến tranh tái phát, với bom nguyên tử. Kim chớp lấy một cơ hội mở ra: Gửi phái đoàn tới dự thế vận hội ở thủ đô Nam Hàn, gặp tổng thống Nam Hàn bàn chuyện giao thương. Ông Moon Jae-In tự nguyện đóng vai trung gian hòa giải giữa Mỹ và Bắc Hàn.

Kim Jong Un muốn gì?

Hơn nửa thế kỷ qua, người cha và ông nội của Kim Jong Un vẫn muốn chế độ độc tài sắt máu của họ được thế giới công nhận. Đặc biệt, là được đứng ngang hàng với nước Mỹ, không chỉ đóng vai một phiên thuộc bám theo gấu áo Trung Cộng. Mục tiêu cụ thể là ký một hiệp ước hòa bình, thay thế bản hiệp định đình chiến ký năm 1953. Tất cả là để củng cố triều đại họ Kim cai trị muôn đời; dùng công cụ là đảng Cộng Sản để biến toàn dân thành nô lệ, tôn thờ lãnh tụ như thần thánh.

Muốn đạt mục tiêu đó, hai đời họ Kim đã dồn tài nguyên quốc gia vào việc chế tạo bom nguyên tử và hỏa tiễn tầm xa, có thể bắn qua Nam Hàn, Nhật Bản, Trung Quốc, và dần dần đủ sức bắn tới cả nước Mỹ. Vũ khí hạch tâm là lẽ sống còn của chế độ, họ dồn sức vào đó, mặc cho hàng triệu dân Bắc Hàn chết đói.

Tổng Thống Moon Jae-In đã nỗ lực nối Mỹ với Bắc Hàn, vì quyền lợi quốc gia. Dân Nam Hàn muốn được sống yên ổn, không lo chiến tranh nguyên tử. Họ cũng muốn đồng bào của họ được sống no đủ và tự do hơn. Moon Jae-In đã cố gắng giúp cho Trump và Kim gặp nhau.

Đối với Kim Jong Un thì việc gặp gỡ một ông tổng thống Mỹ là giấc mơ đã nuôi từ ba đời chưa được. Dù kết quả ra sao, cứ được ngồi ngang hàng với ông Trump đã là một thắng lợi, trước mắt cả thế giới. Hình ảnh này được quảng cáo cho dân Bắc Hàn coi, như một thành tích huy hoàng, sau hơn nửa thế kỷ chờ đợi, chứng tỏ họ nhà Kim xứng đáng là những anh hùng dân tộc!

Từ khi ngỏ lời âu yếm với dân chúng Nam Hàn đầu năm 2018, Kim Jong Un đã vạch ra những mục tiêu rõ ràng. Và trong năm qua, Kim vẫn tiếp tục tiến bước. Từ nay, vòng kim cô “cấm vận kinh tế” của Liên Hiệp Quốc đã bị nới lỏng, khi Nga và Trung Cộng bắt đầu giao dịch thương mại, nhân danh bầu không khí mới. Thứ hai, Bắc Hàn không còn là một “quốc gia vô lại” nữa, mà là một nước có bom nguyên tử được nước Mỹ kính nể.

Gặp gỡ Tổng Thống Donald Trump năm nay, Kim Jong Un muốn củng cố những bước thắng lợi đó, để tìm cách vượt qua hàng rào cấm vận, nới rộng giao thương. Kim Jong Un sẵn sàng theo lời khuyên của Tập Cận Bình, cởi trói cho nền kinh tế. Đó cũng là một điều mà chính phủ Mỹ muốn khuyến khích. Ông Trump có thể chỉ cho Kim Jong Un nhìn thấy cảnh Hà Nội: Hòa hoãn và giao thương lại với Mỹ, mở cửa sau Trung Cộng gần 20 năm, bao nhiêu tòa cao ốc đã mọc lên, xe cộ chạy đầy đường! Mà chế độ Cộng Sản vẫn thắt chặt gọng kìm kiểm soát, không cho một người dân nào được tự do lên tiếng! Họ Kim còn muốn gì hơn nữa?

Trong khi Kim Jong Un có sẵn bản lộ trình dài hạn, chính phủ Mỹ tỏ ra vẫn bình tĩnh theo lối một tay nhà giàu trường vốn; không vội vàng. Cho đến nay, cái ghế của vị thứ trưởng ngoại giao đặc trách vùng Á Đông trong chính phủ Mỹ vẫn bỏ trống. Ông Stephen Biegun, sứ giả chính thức của chính phủ Mỹ với Bắc Hàn, cũng chỉ mới nhận việc từ sáu tháng qua. Điều này cho thấy ông Donald Trump không coi hồ sơ Bắc Hàn là gấp tút lắm. Một mình ông, khi bắt tay với Kim Jong Un, có thể sẽ giải quyết mọi chuyện.

Vì dù Bắc Hàn muốn cựa quậy thế nào, tính về lâu về dài thì kinh tế tư bản vẫn mạnh, sẽ thắng thế như đã từng thắng trên cả thế giới. Người Mỹ không nuôi ảo tưởng, ai cũng biết Kim Jong Un không thể nào xóa bỏ kho vũ khí hạch tâm và hỏa tiễn, vì mất những vũ khí đó là chế độ tự sát. Nhưng chỉ cần Bắc Hàn không đe dọa các nước chung quanh thì đối với nước Mỹ cũng đủ rồi.

Cho nên, một mặt chính phủ Mỹ vẫn kêu gọi giải giới hết kho vũ khí hạch tâm, họ không quên nhắc nhở mối đe dọa của Bắc Hàn còn kéo dài. Tháng trước, cố vấn an ninh Tòa Bạch Ốc nói trước Quốc Hội Mỹ rằng không có dấu hiệu nào cho thấy Bắc Hàn giải giới nguyên tử. Ông Stephen Biegun mới nói tại Đại Học Stanford rằng ông không tin Bắc Hàn sẽ xóa bỏ kho vũ khí nguyên tử.

Nhưng đối các vị tổng thống Mỹ, ngoại giao chỉ là một vấn đề phụ, chính trị trong nước mới là điều đáng quan tâm. Mắt các nhà chính trị Mỹ luôn luôn nhìn về cuộc bỏ phiếu sắp tới.
Nếu sau cuộc gặp gỡ ở Hà Nội, Kim Jong Un lại long trọng hứa sẽ xóa bỏ các vũ khí nguyên tử, và hai bên ký một thông cáo kêu gọi hòa bình, ông Donald Trump vẫn có thể khoe với dân chúng Mỹ rằng chính sách ngoại giao của ông đã thành công. Nếu không đem cho Trump và Kim một lại giải Nobel Hòa Bình, ít nhất nó cũng giúp dân chúng Mỹ quên đi những câu chuyện rắc rối đang bao quanh ông tổng thống!

Sau cuộc hội kiến với Kim Jong Un, Tổng Thống Trump còn đang chuẩn bị một màn trình diễn ngoại giao khác: Tiếp đón Tập Cận Bình ở khu nghỉ mát tại Florida. Hai bên có thể công bố một cuộc “hưu chiến dài hạn” trong cuộc chiến tranh thương mại giữa hai nước.

Khi Donald Trump gặp Kim Jong Un ở Hà Nội, mỗi người biết người kia muốn gì. Họ sẽ trao đổi với nhau. Kim sẽ được Trump khen ngợi hết lời, như những tình cảm đã biểu lộ ở Singapore năm ngoái. Nhưng không nới lỏng vòng cấm vận. Kim cũng sẽ hết lời ngợi ca viễn kiến không tiền khoáng hậu của ông tổng thống Mỹ, nhưng sẽ lờ chuyện xóa bỏ bom và hỏa tiễn. Hai người sẽ ôm nhau, hứa hẹn sang năm gặp lại. Trong thời gian đó, mặc cho Kim Jong Un mưu mô những gì, Donald Trump vẫn đạt được những mục tiêu quan trọng nhất của ông, là vận động tái cử năm 2020. (Ngô Nhân Dụng)





No comments:

Post a Comment