Tuesday, February 19, 2019

KIỂM DUYỆT : BÀN TAY CHE NẮNG HAY CHE ĐƯỢC CẢ TRỜI ? (Y Chan - Luật Khoa)




19/02/2019

Giống như nhiều thứ khác, kiểm duyệt không phải là một “sáng tạo” mới của nhân loại.

Ngày nay, khi nghĩ đến kiểm duyệt, người ta thường liên tưởng đến những trường hợp “viết theo chỉ đạo” hoặc cấm xuất bản sách báo, xào nấu theo “đường lối chủ trương” hoặc cắt sóng các chương trình truyền hình, cắt vụn cho “hợp thuần phong mỹ tục” hoặc cấm chiếu các bộ phim, hay cả việc chặn không cho truy cập những trang web nhất định, v.v.
N
ó khiến chúng ta dễ nghĩ mấu chốt của hoạt động kiểm duyệt nằm ở các công cụ, phương tiện truyền tải thông tin (sách báo, phim ảnh, truyền hình, Internet, v.v.).

Trên thực tế, kiểm duyệt không phụ thuộc và cũng không nhắm đến các công cụ hay phương tiện.

Xuất phát điểm và đích đến của nó luôn là con người. Bất kể công cụ là gì, và có hay không có công cụ, người ta đã, đang và sẽ luôn luôn có nhu cầu kiểm soát người khác.

Truyền thuyết kể lại khi cha của Tất Đạt Đa (Siddhartha) nghe được lời phán của thầy bói, rằng con trai ông sau này hoặc sẽ kế nghiệp làm vua của đất nước, hoặc đứng đầu một tôn giáo lớn, ông đã cất công sắp xếp sao cho vị hoàng tử trẻ mỗi khi ra khỏi cung chỉ được nhìn thấy những cái hay cái đẹp; mọi thứ rác rưởi đều phải dọn sạch và những kẻ nô lệ nghèo khó bẩn thỉu đều bị đuổi đi khuất tầm nhìn. Vị hoàng tử, theo mong muốn của vua cha, không được phép có suy tư trăn trở nào về hiện thực của cuộc sống, chỉ cần lớn lên trong bảo bọc và chuyên tâm làm vua thiên hạ, vậy là đủ.

Nếu ngày đó kế hoạch kiểm duyệt của ông thành công, khả năng cao là hơn 2500 năm sau sẽ không có ai biết đến cái tên Tất Đạt Đa, hay Phật Đà (Buddha), và nhân loại sẽ thiếu đi một trong những hệ triết học (hay tôn giáo, tùy góc nhìn) độc đáo nhất trong lịch sử.

Rất may (cho nhân loại, và tiếc cho vua) là hiện thực trần trụi xung quanh không thể bị giấu kín mãi. Chàng trai Tất Đạt Đa rồi cũng được chứng kiến cảnh những người cùng khổ, thiếu đói, bệnh tật, sống tàn tạ và chết dằn vặt trong đau đớn. Cậu quyết tâm rời bỏ cung điện, ngai vàng, để đi tìm câu trả lời cho những câu hỏi lớn.

Như mọi truyền thuyết khác, câu chuyện này thật hư lẫn lộn. Rất có thể không có lời sấm truyền nào của thầy bói. Cũng có thể “vương quốc” mà Tất Đạt Đa rời bỏ chỉ là một ngôi làng, nơi cha ông là người đứng đầu. Có thể ông không hề được sinh ra trong một gia đình giàu có nào. Và còn nhiều cái không bao giờ biết thật hư khác.
Bỏ qua những thông tin không bao giờ xác thực được, hình ảnh cha mẹ kiểm duyệt thế giới xung quanh “giúp” con cái không phải là chuyện lạ lẫm. Bất kỳ ai làm cha làm mẹ, hay từng có cha có mẹ, đều có thể tự trải nghiệm.

Nếu chiến dịch ‘kiểm duyệt’ của vua cha của Đức Phật thành công thì có lẽ Đạo Phật đã không tồn tại. Ảnh: Tranh tường trên Wat Phra That Soi Duthep, Chiang Mai, Thailand.

Kiểm duyệt “riêng tui”: tự kiểm tự duyệt

Kiểm duyệt vì vậy, trái với suy nghĩ thông thường thời nay, không chỉ là hành vi của chính phủ, hay tổ chức, áp đặt lên các cá nhân.

Nó là ý thức và hành vi rất cá nhân.

Về cơ bản, tất cả chúng ta đều có bộ lọc kiểm duyệt của riêng mình.

Chúng ta chọn đọc tin tức từ những nguồn nào, và từ chối tin từ những nguồn nào. Chúng ta chọn xem những bộ phim nào, và không xem những phim nào. Chúng ta chọn nói chuyện với những người nào, và chọn không nói chuyện với những người nào. Hay chúng ta chọn ăn thứ gì, và không nhét thứ gì vào bụng.

Kiểm duyệt là việc kiểm soát những thứ đi vào và đi ra.

Trong những trường hợp chỉ có hai chữ “kiểm duyệt” đứng một mình, đa phần đều mặc định đó là đang nói về việc kiểm soát, khống chế thông tin.

Nếu kiểm duyệt là chuyện tự nhiên, đã có từ lâu và sẽ có mãi về sau, thì tại sao lại có người phản đối? Vì sao luôn có tranh cãi về chuyện kiểm duyệt? Có người đòi giữ, có người đòi bỏ? Rốt cuộc thì nó tốt hay xấu?

Cần xác định rõ, thứ kiểm duyệt gây tranh cãi và thường bị phản đối không phải là kiểm duyệt ở cấp độ cá nhân. Đơn giản vì đó là lựa chọn riêng của mỗi người. Một khi là lựa chọn cá nhân, không có khái niệm tốt hay xấu. Mọi lợi ích hay tác hại đều do cá nhân đó gánh chịu. (Thật ra thì nó vẫn có tác động ảnh hưởng đến người khác, do tuyệt đại đa số các cá nhân đều sống trong cộng đồng, nhưng đây là một vấn đề khác.)

Kiểm duyệt mượn danh tập thể

Thứ gây phản ứng là loại “kiểm duyệt mượn danh tập thể”, hay đầy đủ hơn là kiểm duyệt do cá nhân/ một nhóm nhỏ áp đặt trên danh nghĩa của tập thể.

Loại kiểm duyệt ốc mượn hồn này là đối tượng chính của bài viết.

Nó gây phản ứng vì ngay từ định nghĩa, đó là một hành vi áp đặt, tước đoạt đi quyền lựa chọn của mỗi cá nhân.

Một cá nhân, hay nhóm nhỏ, vì những quyền lợi, ý chí của riêng mình, cấm cản đa số còn lại tiếp cận, chia sẻ những thông tin mà họ cho rằng “có hại”, trên danh nghĩa là “có lợi cho đa số”, trong khi không hề tham vấn ý kiến của chính những người bị ảnh hưởng bởi sự cấm cản đó.

Cá nhân, nhóm nhỏ này có thể nằm trong chính quyền, cũng có thể nằm trong tổ chức, doanh nghiệp, và có nhiều trường hợp là cả hai.

Kiểm duyệt có gì tốt?

Trong những lý do tốt đẹp để dựng lên bức tường kiểm duyệt, người ta có thể gom chung nó thành hai mục đích chính: an toàn và ổn định.

Tùy trường hợp cụ thể, có những loại kiểm duyệt được số đông chấp nhận.

Một ví dụ là việc kiểm duyệt các thông tin, hình ảnh về khiêu dâm trẻ em (child pornography).

Tất cả mọi người đều đồng ý đây là tội ác (bao gồm việc xâm phạm, bức hại trẻ em cho tới tạo ra và chia sẻ những thông tin hình ảnh tương ứng). Và dù việc luật hóa hành vi này vẫn chưa được thực hiện đầy đủ ở tất cả các nước, mọi người vẫn đồng thuận xem nó là một thứ bắt buộc phải kiểm duyệt.

Từ các công cụ tìm kiếm như Google, Yahoo, Bing đến các mạng xã hội như Facebook, Twitter đều ngăn chặn những thông tin này từ đầu và không gặp phải sự phản đối nào của số đông người dùng.

Trường hợp khác là những thông tin liên quan đến các cuộc điều tra đang diễn ra của cảnh sát, đặc biệt là những vụ tội phạm bắt cóc, đe dọa tính mạng của người dân, hoặc những cuộc khủng hoảng như tấn công khủng bố mà việc để lộ thông tin ra ngoài có thể gây nguy hiểm cho nạn nhân.

Báo chí thường chủ động tự kiểm duyệt (self-censorship) trong những trường hợp này, hoặc đồng ý hợp tác với chính quyền trên nguyên tắc giữ an toàn cho những người có liên quan.

Trong cuộc khủng hoảng con tin ở Iran năm 1979 – 1980 (được ghi nhận là dài nhất trong lịch sử), phóng viên Jean Pelletier từ tờ La Presse của Canada vô tình nắm được thông tin tuyệt mật: có sáu nhân viên ngoại giao người Mỹ đã kịp trốn thoát khỏi Đại sứ quán Mỹ, ẩn nấu với sự giúp đỡ của Đại sứ và nhân viên sứ quán Canada. Nếu chọn đăng ngay tin độc quyền sốt dẻo này, Jean và tờ báo của mình chắc chắn sẽ câu được một lượng độc giả lớn. Nhưng cân nhắc tình thế nguy hiểm của những người Mỹ đang lẩn trốn, Jean Pelletier quyết định giữ kín thông tin. Chỉ sau khi sáu người này được an toàn thoát khỏi Iran trở về Mỹ, anh mới đưa tin.

Các con tin người Mỹ bị giam lỏng trong đại sứ quán Hoa Kỳ ở Iran năm 1979. Ảnh: navyreads.blogspot.com.

Hay ví dụ khác của “kiểm duyệt được chấp nhận” là trường hợp liên quan đến thông tin quân sự, đặc biệt là trong thời chiến. Những thông tin này nếu lộ ra đến tay đối phương sẽ gây nguy hiểm trực tiếp đến nhiều người. Ngay cả trong thời bình, thông tin tình báo, quân sự cũng là chủ đề nhạy cảm. Edward Snowden là người chủ động tiết lộ thông tin về các chương trình giám sát dân sự gây tranh cãi của Mỹ và đồng minh trên thế giới. Dù được nhiều người xem là anh hùng, nhưng cũng không thiếu người Mỹ xem Snowden là kẻ phản quốc cần phải xử tội, khi những thông tin lộ ra đó gây vô số thiệt hại cho hoạt động tình báo, quân sự của Mỹ và đồng minh.

Có một đặc điểm chung quan trọng của “kiểm duyệt được chấp thuận” là nó đều phải được sự gật đầu cho phép của số đông người dân – những người đồng ý bị kiểm duyệt.

Không có cái gật đầu chấp thuận của số đông, đó đều là những hành vi áp đặt vô lối, hoặc nói trắng ra, đều là hành vi ăn chặn ăn cướp.

Vì sao đó là ăn cướp? Vì thông tin là một loại tài nguyên, một thứ tài sản thuộc về tất cả mọi người. Tự cổ chí kim, nó đã luôn luôn là một loại tài sản có giá trị. Trong “thời đại thông tin” ngày nay, nó lại càng là thứ “kho báu” nhiều người thèm muốn tranh đoạt. Việc tự ý áp đặt kiểm soát thông tin mà không hề hỏi xin phép số đông, vì vậy, về bản chất, không khác gì một hành vi ăn cướp thô thiển.

Giữ ổn định là một lý do quan trọng khác mà những người thích (bị) kiểm duyệt thường đưa ra. Đây là một loại lý lẽ khá khôi hài.

Một khi xem kiểm duyệt là hành vi ăn cướp, thì “ổn định” mà nó tạo ra là thứ ổn định của bất công.

Xét theo tiêu chí ổn định kiểu đó, Bắc Triều Tiên có lẽ là một trong những quốc gia ổn định nhất thế giới. Tất cả thông tin đều bị kiểm soát chặt chẽ. Mọi hình ảnh đều phải phù hợp đường lối, chủ trương. Không ai được quyền biểu thị thứ gì “trái ý Đảng” nếu không muốn bị trừng phạt nặng nề, thậm chí mất mạng. Và có lẽ rất ít ai bên trong đất nước này biết được thế giới bên ngoài diễn ra như thế nào, ngoại trừ số ít những người được đứng bên trên hệ thống kiểm duyệt.

Bạn đọc có thể tự làm khảo sát, hỏi 100 người bất kỳ, xem thử có bao nhiêu người muốn sống ở một nơi “ổn định” như vậy?

Và quan trọng hơn, nếu có thể đưa 100 người Bắc Triều Tiên ra ngoài đất nước họ, để họ sống “bất ổn” một thời gian, hãy hỏi xem có bao nhiêu người muốn quay về với kiểu “ổn định” đó?

So sánh với Thụy Điển, nước đầu tiên vào năm 1766 đưa vào trong hiến pháp luật bãi bỏ việc kiểm duyệt, bảo đảm quyền tự do báo chí, có lẽ người ta sẽ hình dung được thứ ổn định nào mới đáng được giữ gìn.

Nó cũng giống như việc một người mỗi ngày ra đường đều bị kẻ cướp trấn lột tiền. Ngày này qua tháng khác, người đó không phản ứng gì, ngoan ngoãn nộp tiền cho kẻ cướp. Đó là “giữ ổn định”. Cho tới một ngày đẹp trời, người đó bất ngờ phản ứng lại, gây ẩu đả với tên cướp. Những người xung quanh thay vì lên án kẻ cướp lại chỉ trích người này “gây rối”, làm “mất ổn định”. Và để giữ cái “ổn định” đó, họ muốn người đó lại ngoan ngoãn cứ mỗi ngày chịu cướp.

Đó có phải thứ “ổn định” bạn muốn dành lại cho con cháu mình?

Hình ảnh thường thấy trên hệ thống truyền hình cáp của Việt Nam khi người dùng xem những kênh tin tức nước ngoài. Ảnh: Chưa rõ nguồn.

Kiểm duyệt có gì xấu?

Thứ kiểm duyệt thường bị nhiều người phản đối là kiểm duyệt mượn danh tập thể, không được số đông chấp thuận.

Không do số đông quyết định, chỉ là ý chí cá nhân của một nhóm nhỏ, nên hành vi cắt chặn thông tin này, cho dù mang danh nghĩa “an toàn” hay “ổn định”, vẫn rất ngang ngược, ngổ ngáo, thậm chí phi lý.

Những cá nhân đó nhân danh đám đông ăn cắp gần như mọi thể loại thông tin họ thấy “không phù hợp”, từ việc chặn toàn bộ trang web của một tờ báo vì dám đăng tải thông tin về tài sản kếch xù của lãnh đạo, cấm vĩnh viễn các bài hát vì “sai lời so với bản gốc” (!), hay tịch thu sách vì “nhạy cảm chính trị”, cho tới việc cắt bỏ hình ảnh nhân vật khỏi ảnh chụp chung với lãnh tụ khi người này đã “hết thời”, hoặc giấu nhẹm số liệu về việc thi hành án được cho là “rất công khai”, v.v.

Ở những loại kiểm duyệt mượn danh này, người kiểm duyệt thường lẩn mặt, không dám đứng ra trả lời công khai và đặc biệt là không dám tranh luận để bảo vệ cho quyết định của mình.

Tranh luận có vẻ là một khái niệm mà họ không ưa thích. Để tranh luận, ít nhất người ta phải có một chút lý lẽ. Còn nếu chỉ thuần túy áp đặt, hoặc làm theo chỉ đạo, thì không cần phải có lý lẽ nào trên đời. Họ lựa chọn cách đơn giản dễ dàng hơn nhiều là phải mất công đi tranh luận.

Đơn cử là việc trang Luật Khoa mà các bạn đang đọc hiện bị tất cả các nhà mạng ở Việt Nam chặn truy cập. Việc chặn truy cập này diễn ra âm thầm và lặng lẽ, không có thông báo, cũng không có bất kỳ giải thích nào.

Nếu thật sự có lý do chính đáng để chặn (vì “nội dung xấu”), hẳn những người ra quyết định kiểm duyệt phải có đủ tự tin để công khai chỉ ra nội dung nào xấu, định nghĩa thế nào là xấu, và hoàn toàn có thể kiện Luật Khoa hoặc người viết bài “xấu” đó nếu không chịu xin lỗi bồi thường, cũng như thẳng thắn tranh luận cho lý lẽ của họ ở tòa. (Với điều kiện phiên tòa diễn ra hoàn toàn công khai, không có việc phá sóng, cũng không có việc “tín hiệu âm thanh trục trặc”.)

Nếu thật sự là đại diện cho người khác để ra quyết định (kiểm duyệt), họ đương nhiên phải có trách nhiệm giải thích lý do.

Trừ phi họ muốn quay ngược lại thời kỳ trung cổ.

Vào năm 1559, Giáo hội Công giáo, vốn đang thống trị quyền lực ở châu Âu, đã đưa ra một bản danh sách các quyển sách bị cấm (Index librorum prohibitorum). Nó được cập nhật liên tục và thường xuyên, bao gồm những “nội dung xấu” không được xuất bản lẫn bị cấm đọc. Trong các “nội dung xấu” đó có cả các phát minh khoa học nổi tiếng của Johannes Kepler lẫn những tác phẩm triết học của Immanuel Kant. Bất kỳ thứ gì mà nhà cầm quyền tôn giáo cho là đi ngược với thứ tư duy to lớn vĩ đại của họ.

Bản danh sách này được lưu truyền và cập nhật đến tận bốn thế kỷ sau đó, chỉ được chính thức bãi bỏ vào năm 1966.

Đó chỉ là một trong vô số những nỗ lực kiểm duyệt của giới cầm quyền, đặc biệt là sau Cách mạng in ấn vào thế kỷ 15 khi Johannes Gutenberg phát minh ra kỹ thuật in sắp chữ (movable type printing). Phát minh của Gutenberg giúp cho việc in ấn trở nên dễ dàng, thuận tiện, với chi phí thấp và có sức lan tỏa nhanh chóng ra khắp châu Âu rồi toàn thế giới chỉ sau vài thập niên. (Trước đó vài trăm năm, người Trung Quốc đã phát minh ra phương pháp in tương tự, nhưng vì những lý do lịch sử, phát minh này của họ không lan truyền ra bên ngoài vào thời điểm đó.)

Trăm hoa đua nở trong ngành in ấn kéo theo sự ra đời của hàng trăm loại “thuốc xịt côn trùng” của các nhà cầm quyền. Họ vẽ ra đủ điều luật, yêu cầu, cấm đoán, hình phạt để hạn chế việc xuất bản các thông tin “không phù hợp”.

Cuộc đấu tranh trường kỳ để có được tự do báo chí (Freedom of the press) cũng bắt đầu từ thời kỳ này. Từ “press” (ấn xuống) vốn dùng để chỉ việc in ấn. Tự do báo chí vì vậy có nghĩa gốc là “tự do in ấn”. Không phải ngẫu nhiên mà quyền tự do ngôn luận (Freedom of speech) thường đi kèm với tự do báo chí. Đó đều là những hình thức khác nhau của quyền tự do biểu đạt (Freedom of expression).

Những cuốn sách bị cấm ở Việt Nam. Ảnh: Luật Khoa tạp chí.

Kiểm duyệt vì vậy là kẻ thù của tự do.

Có nhiều người lấy việc kiểm duyệt ở các doanh nghiệp như Facebook hay Google để so sánh, cho rằng chính quyền cũng chỉ làm cùng động tác như vậy. Facebook kiểm duyệt, chúng tôi cũng kiểm duyệt, có gì khác nhau?

Điểm khác biệt cơ bản là, khi một doanh nghiệp, một tổ chức cung cấp sản phẩm dịch vụ thực hiện các biện pháp kiểm duyệt, người dùng hoàn toàn có quyền từ chối sử dụng dịch vụ sản phẩm đó của họ. Nói cách khác, người dùng có quyền “đuổi việc” họ (tẩy chay, khiến họ mất công ăn việc làm).

Đối với những doanh nghiệp lớn, có sức ảnh hưởng như Facebook, họ còn phải chịu trách nhiệm giải trình trước mọi quyết định của mình.

So với việc các chính quyền âm thầm kiểm duyệt thông tin của công chúng, các tổ chức doanh nghiệp tính ra vẫn còn có trách nhiệm và minh bạch hơn nhiều. Đương nhiên, đó là khi ở những nơi họ hoạt động có luật pháp minh bạch và những người thực thi luật có trách nhiệm bảo vệ quyền lợi người dân. Còn tại những nơi mà luật pháp mơ hồ, nhập nhằng thì quyền lợi của người dân chắc chắn xếp chót bảng sau lợi ích của nhóm cầm quyền và doanh nghiệp câu kết với họ.

Việc kiểm duyệt mượn danh tập thể, ở những nơi mà luật pháp không tôn trọng quyền tự do tiếp cận, chia sẻ thông tin của cá nhân, là một tội ác.

Nói như Frederick Douglass, nó vừa cướp đi quyền của người nói, vừa cướp luôn quyền của người nghe.

Nhưng kiểm duyệt không chỉ là kẻ thù của tự do.

Kiểm duyệt còn là kẻ thù của sáng tạo.

Một trong những kỹ thuật cơ bản của sáng tạo là brainstorming (tạm dịch là “động não” hay “bung não”). Nguyên tắc đầu tiên khi “bung não” là… bung hết: có bao nhiêu ý tưởng, dù tốt hay xấu, thông minh hay ngớ ngẩn, mới hay cũ, trên trời hay dưới đất, tất cả đều phải được phát ra và ghi nhận. Quá trình chọn lọc phát triển ý tưởng tiếp theo là do lựa chọn của cá nhân (nếu bung não một mình) hoặc từ tập thể (bung não nhiều mình). Những người dõng dạc tuyên bố “Sáng tạo cũng phải có giới hạn!” chắc chắn không bao giờ làm được một công việc sáng tạo nào ra hồn.

Trong khi là kẻ thù của tự do và sáng tạo, kiểm duyệt lại là bạn thân của hai “ông lớn” bất công và tin đồn.

Như đã nói ở trên, kiểm duyệt là hình thức ăn cướp tài nguyên thông tin. Giống như mọi thể loại ăn cướp khác, nó tạo ra sự bất bình đẳng: một nhóm người ăn gian, chơi không theo luật, hoặc tự đặt ra luật có lợi cho mình, đẩy phần thiệt về đa số còn lại.

Không khó để tìm những ví dụ người ta trục lợi thế nào qua các hành vi kiểm duyệt mượn danh này. Từ việc không công khai, mập mờ các thông tin về đầu tư quy hoạch, giúp một số cá nhân “nhạy bén nắm được thông tin” đi trước thiên hạ, bắt tay nhau trở thành đại gia, cho tới việc giấu nhẹm thông tin về tài sản của quan chức, thậm chí cho rằng công khai là “vấn đề rất khó, nhạy cảm”, nó khiến người dân không có cơ sở để truy vấn và giám sát các công bộc của mình, chỉ biết căm phẫn trước những lời giải thích trơ trẽn kiểu Bá Kiến như “nhờ buôn chổi đót có tiền xây biệt phủ”.

Đặc biệt là những vụ việc của các công trình đầu tư xây dựng BOT gần đây ở Việt Nam mà đụng tới đâu thấy sai phạm tới đó (nói như dân gian là “ăn cướp”). Khi các tài xế phản ứng lại những trạm thu BOT “bẩn” này, họ đã liên tục bị những nhóm côn đồ bịt mặt hành hung, và chính quyền địa phương huy động lực lượng áp chế bất chấp các quy định pháp luật. Sự việc căng thẳng diễn ra suốt nhiều tuần, tất cả đều được ghi hình lại, nhưng tuyệt đại đa số các tờ báo lớn trong nước như Tuổi Trẻ hay Thanh Niên đều ngậm tăm không lên tiếng. Đến khi đưa tin, các báo này chỉ dẫn lại lời của chính quyền (hay doanh nghiệp BOT) chỉ trích các “đối tượng gây rối” mà không có một biện pháp điều tra nghiệp vụ nào của riêng mình.

Người ta không thể không đặt câu hỏi, vì sao các tờ báo lớn lại đồng lòng im tiếng trước những vụ việc gây bức xúc mạnh mẽ như vậy?

Khó có thể biết được sự im lặng đáng sợ này có bao nhiêu phần đến từ việc họ buộc phải im miệng theo lệnh cấp trên, và bao nhiêu phần là họ tự kiểm duyệt.

Dù vì bất kỳ lý do gì, những người làm báo này có lẽ đã quên thứ tự do mà họ được hưởng ké xuất phát từ đâu.

Kiểm duyệt có thể khiến chúng ta hiểu nhầm một sự vật, hiện tượng. Ảnh: Chưa rõ nguồn

Ngoài việc là bạn với bất công, kiểm duyệt, và cả tự kiểm duyệt, còn là người bạn lớn của tin đồn.

Mà tin đồn (rumor) là anh em một nhà với tin vịt (fake news).

Điều này nghe có vẻ nghịch lý, vì những người (ủng hộ) kiểm duyệt rất hay biện minh rằng họ kiểm duyệt để hạn chế tin thất thiệt.

Trên thực tế, điều này thường có tác dụng hoàn toàn ngược lại.

Tin đồn là những tin không có căn cứ. Nó chỉ có thể tồn tại trong một môi trường (1) thiếu tin tức và (2) thiếu căn cứ xác thực.

Vì thế, chế độ kiểm duyệt mượn danh, vừa chặn đứng các nguồn tin, vừa tránh né công khai, mập mờ giấu đầu giấu đuôi, là nơi tạo ra môi trường không thể lý tưởng hơn cho tin đồn, và kéo theo đó là tin vịt, sinh sôi nảy nở.

Vậy có phải dẹp kiểm duyệt (mượn danh) đi thì sẽ hết tin đồn tin vịt?

Câu trả lời là chưa đủ. Kiểm duyệt là người bạn của tin đồn, không phải là cha mẹ sinh ra chúng.

Dẹp bỏ kiểm duyệt mượn danh chỉ là bước đầu tiên trả lại quyền cho tất cả mọi người, và cùng với đó là trách nhiệm dành cho tất cả để cùng xác thực tin đồn, dẹp bỏ tin vịt.

Ta có thể nhìn ví dụ các chính trị gia phương Tây thường xuyên công khai thông tin trên các trang mạng xã hội, và phản đối mạnh mẽ sự kiểm duyệt, đặc biệt là những người thuộc trường phái dân túy ở Anh, Mỹ, Ý, .v.v. Thế nhưng, trong rất nhiều trường hợp, chính những người này lại phổ biến lan truyền các tin thất thiệt, những lời hứa hão. Nhờ thể chế tự do, không áp đặt, tất cả người dân đều có quyền giám sát và lật tẩy những tin tức không có căn cứ (dân gian gọi là “nói láo”), từ các luận điệu của phe Brexit ủng hộ nước Anh rời khỏi EU, cho tới các thông tin thất thiệt của Donald Trump.

Thông tin vốn dĩ là tài sản chung của tất cả (không bàn đến các trường hợp thông tin thuần túy riêng tư, hoặc thông tin thuộc loại sở hữu trí tuệ). Do đó, trách nhiệm và quyền được tạo ra, chia sẻ, tiếp nhận nó như thế nào không thể thuộc về một nhóm người. Nó phải do tất cả đồng thuận, hoặc ít nhất là do số đông quyết định.

Việc xử lý thông tin như thế nào, cũng giống như mọi việc khác của cuộc sống, là một việc phức tạp, mà mỗi trường hợp có thể sẽ phải có một cách ứng xử khác nhau. Càng phức tạp, nó lại càng đòi hỏi trách nhiệm và quyền được quyết định, lựa chọn của số đông; đây là việc không thể để cho một nhóm người tự áp đặt theo ý chí hạn hẹp của họ.

Kiểm duyệt là bạn của bất công và tin đồn, nên không bao giờ thích Sự Thật.

Như truyền thuyết về thuở ban đầu của Tất Đạt Đa, mọi nỗ lực kiểm duyệt mượn danh xưa nay đều không bao giờ thành công.

Từ thời xa xưa khi Socrates bị cấm đoán chia sẻ các hiểu biết triết học của mình (ông từ chối và bị kết tội chết sau đó), cho đến trừng phạt kiểu văn tự ngục của Trung Quốc, hay Galileo phải lãnh tội vì dám tuyên bố trái đất quay quanh mặt trời, tất cả các nỗ lực cấm đoán sự thật này, thật nghịch lý, đều chỉ làm cho sự thật được lan truyền mạnh thêm tới thiên thu.

Không ai có thể một tay che trời, đó là câu nói thời xưa.

Thời nay, cho dù có thêm một tỷ cánh tay, thì thứ duy nhất họ có thể che chỉ là đôi mắt của chính họ.

Những ai không chấp nhận che mắt mình luôn luôn có thể nhìn thấy mặt trời.

Bình luận của Ban biên tập: 

Tác giả lập luận rằng kiểm duyệt thông tin trái với ý chí của số đông là phi lý. Điều này đặt ra một vấn đề: giả sử ý chí của số đông sai thì sao? Mặc dù trong nhiều trường hợp, ý kiến của số đông là đúng/hợp lý/chấp nhận được, nhưng có phải khi nào số đông cũng hành xử như vậy?

Quan điểm của trường phái luật tự nhiên cho rằng quyền được nói và quyền được tiếp cận thông tin là quyền con người của mỗi cá nhân mà không phụ thuộc vào ý kiến của số đông. Ở Mỹ, Anh, Úc, người ta có thể nói thoải mái về chủ nghĩa phát xít và chủ nghĩa cộng sản. Lại cũng có những nước dân chủ khác như Đức và Ba Lan cấm các nội dung tuyên truyền cho chủ nghĩa phát xít và chủ nghĩa cộng sản, và có vẻ họ được số đông công chúng ủng hộ. Ở nhiều nước Hồi giáo, nơi tuyệt đại đa số người dân theo đạo Hồi, những nội dung trái với giáo lý của tôn giáo này như nội dung về tình dục và người đồng tính cũng bị cấm. 

Trường phái luật tự nhiên vẫn thường xung khắc với trường phái tương đối văn hoá ở chỗ: trong khi trường phái thứ nhất coi trọng tính phổ quát của nhân quyền, cho rằng nhân quyền gắn với cá nhân mỗi con người (mặc dù họ vẫn đồng ý đặt ra những vùng cấm), thì trường phái thứ hai lại cân nhắc và coi trọng các yếu tố văn hoá đặc thù của xã hội để đặt ra những vùng cấm mà họ cho là phù hợp. 

Chúng tôi đặt ra vấn đề như vậy để bạn đọc tham khảo và tranh luận thêm. 






No comments:

Post a Comment