Friday, February 1, 2019

CUBA ĐANG LỘ NGUYÊN HÌNH TRONG CUỘC KHỦNG HOẢNG VENEZUELA (Kirk Semple - The New York Times)




Kirk Semple  -  The New York Times
Mai Hưng (VNTB) dịch
1/2/2019

 Ông Pompeo nói “Không có chế độ nào mà lại làm nhiều hơn để duy trì các điều kiện khủng khiếp tại Venezuela, như chế độ ở Havana đã làm. Có rất nhiều động lực để Cuba tiếp tục can dự ngày càng nhiều hơn để củng cố chính quyền Maduro. Havana có nguy cơ đánh mất một nhà hảo tâm kinh tế quan trọng, ấy là chưa kể đến một đồng minh cánh tả trong một khu vực mà gần đây đã chuyển sang phía hữu”.

Raúl Castro cùng đồng minh Nicolás Maduro năm 2016

Tuần vừa rồi, khi nhà lãnh đạo phe đối lập Juan Guaidó (sinh 1983, là một kỹ sư và chính trị gia người Venezuela hiện đang giữ chức Chủ tịch Quốc hội. Hiện tại Quốc hội Venezuela đã thống nhất để Juan Guaidó giữ vị trí tổng thống lâm thời. Tổ chức các nước châu Mỹ, chính phủ các nước Argentina, Brazil, Canada, Colombia, Ecuador, Peru, Vương quốc Anh và Hoa Kỳ … đã ngay lập tức công nhận chính quyền lâm thời này – người dịch) bị các điệp viên tình báo Venezuela tạm giữ một thời gian ngắn, một số người đã nhìn thấy bàn tay của một chính phủ khác đang điều hành công việc tại đó (nguyên văn: “some saw the hand of another government at work”). 

Thượng nghị sĩ Marco Rubio, đại diện cho bang Florida,  trên Twitter, cho biết rằng “Cơ quan này được kiểm soát và chỉ đạo bởi những kẻ đàn áp có kinh nghiệm được gửi bởi #Cuba và những loại chiến thuật này là những phương pháp kinh điển được sử dụng bởi chế độ Cuba”.
Cuba dường như đang hiện hình ngày càng rõ nét hơn trong cuộc khủng hoảng chính trị đang làm rung chuyển quốc gia Venezuela khi Tổng thống Nicolás Maduro (sinh 1962) đang phải đối mặt với thách thức mạnh mẽ từ ông Guiadó khi, trong tuần qua, đã tự tuyên bố mình là nhà lãnh đạo lâm thời.

Cuba là đồng minh lâu năm của Venezuela và là người hỗ trợ lớn nhất trong khu vực. Chính phủ của Chủ tịch Miguel Díaz-Canel (sinh 1960, Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Cuba đương nhiệm, từ tháng Tư, 2018 – người dịch) đã bày tỏ một “tình đoàn kết không gì lay chuyển nổi” với ông Maduro sự và gọi là cuộc khủng hoảng chính trị ở Venezuela là “một cố gắng nhằm áp đặt một cuộc đảo chính nhà nước, một chính phủ bù nhìn phục vụ cho Hoa Kỳ”.
Tuy nhiên, theo quan điểm của nhiều những đối thủ của ông Maduro, Cuba phải chịu phần lớn trách nhiệm đối với sự tại vị kéo dài của tổng thống Maduro tại Venezuela. Họ chỉ ra sự hiện diện của các điệp viên Cuba tại Venezuela - gián điệp, cố vấn tình báo và cố vấn chính trị, đặc vụ phản gián, cố vấn quân sự - và cho rằng họ đã chống lưng cho ông Maduro bằng cách giúp đàn áp các nhà bất đồng chính kiến trong các lực lượng vũ trang và trong toàn xã hội.

María Corina Machado, một nhà lãnh đạo phe đối lập của Venezuela, trong một cuộc phỏng vấn, đã nói rằng sự hiện diện của những người Cuba trong các lực lượng vũ trang Venezuela là không thể chấp nhận được. Bà nhấn mạnh, “Chính phủ Cuba phải hiểu rằng họ phải rút khỏi Venezuela”.

Hai quốc gia bắt đầu tạo dựng mối quan hệ thân thiết với nhau từ cuộc bầu cử của người tiền nhiệm của ông Maduro, Hugo Chávez (1954 - 2013), vào năm 1998. Mối quan hệ này được thúc đẩy bởi một tình bạn sâu sắc giữa ông Chávez và người tương nhiệm bên phía Cuba lúc đó, là ông Fidel Castro (1926 - 2016).

“Họ rất thân thiết, giống như mối quan hệ cha con vậy”, Richard Feinberg, giáo sư tại Đại học California, San Diego, và là chuyên gia về nền kinh tế Cuba, cho biết như vậy.

Hai nhà lãnh đạo đã phát triển một liên minh kinh tế và chính trị chặt chẽ. Ngoài việc gửi các chuyên gia an ninh và quân sự đến Venezuela, Cuba còn gửi đến các chuyên gia thuộc các ngành nghề khác - bao gồm bác sĩ, y tá, giáo viên và huấn luyện viên thể thao - để tăng cường độ ngũ cán bộ chuyên nghiệp của quốc gia Nam Mỹ này.

Tuy nhiên, một số nhà phân tích nói rằng trong khi sự hỗ trợ của Cuba đối với chính phủ Venezuela hiện tại là quan trọng, thì, xét đến cùng, nó sẽ chẳng mang một ý nghĩa quyết định nào.

“Sự khẳng định rằng Cuba đang kiểm soát Venezuela, thực tế là bắt đầu từ Chávez”, ông David Smilde, giáo sư xã hội học và chuyên gia về Venezuela tại Đại học Tulane cho biết như vậy. “Nó được thổi phồng đã từ lâu rồi”.

Ông nói thêm “Người Cuba là những cố vấn chính, nhưng tôi không nghĩ rằng họ kêu gọi sử dụng súng ống hoặc là nói rằng những người Venezuela phải làm thế này, phải làm thế nọ”.

Trong khi các cựu quan chức quân đội, những người mà đã chạy trốn khỏi Venezuela đã cho biết về một sự dính líu, liên quan của người Cuba trong các lực lượng an ninh và tình báo, thì các chuyên gia nói rằng mức độ của sự liên quan đó vẫn còn là một điều bí ẩn.

Năm 2017, trong cuộc điều trần trước Thượng viện Hoa Kỳ, Luis Almagro, Tổng thư ký của Tổ chức các quốc gia châu Mỹ và là người phê phán bộc trực đối với ông Maduro, đã khẳng định rằng có khoảng 15.000 binh lính người Cuba ở Venezuela và ví nó như “một đội quân chiếm đóng”.

Ông Ted Piccone, một nghiên cứu viên cao cấp chuyên ngành chính sách đối ngoại của Viện Brookings nói rằng “Có rất nhiều suy đoán, đồn đại xung quanh điều này, và xung quanh những con số và về mức độ thân thiết của họ đối với Maduro. Tuy nhiên, tôi chưa nhìn thấy bất kỳ báo cáo chắc chắn nào về những điều này”.

Các chuyên gia cho biết rằng, cho dù mức độ hỗ trợ của Cuba có là như thế nào đi nữa, thì, trong nhiều năm, Venezuela đã cung cấp rất nhiều dầu thô được trợ giá cho đảo quốc này, với mức độ khoảng 100.000 thùng mỗi ngày. Cuba sẽ lọc lại số thặng dư (dùng không hết) và bán lại trên thị trường quốc tế.

Theo một bản tóm tắt chính sách được xuất bản bởi Viện Brookings, vào năm 2012, thương mại hàng hóa và dịch vụ chiếm tới 20,8% tổng sản phẩm quốc nội của Cuba.

Tuy nhiên, trong cuộc khủng hoảng kinh tế Venezuela vốn đã diễn ra trong nhiều năm qua, lượng xuất khẩu dầu thô sang Cuba đã giảm do ngành công nghiệp dầu khí của Venezuela đã sụp đổ (và số tiền tỷ USD mà Đinh La Thăng nhận lệnh cùng quyết tâm chính trị đem đi đầu tư tại đây thế là cũng đi đứt – người dịch). Năm 2017, sức khỏe tài chính của công ty dầu khí nhà nước Venezuela, Pdvsa, đã suy giảm rất nhiều, đến nỗi Cuba đã chiếm tới 49% cổ phần trong một nhà máy lọc dầu Cuba như là một phương thức để thanh toán các khoản nợ tồn đọng.

Ngoài ra, các nhà phân tích còn nói rằng đội ngũ chuyên gia Cuba làm việc tại quốc gia Nam Mỹ này đã giảm đi trong những năm gần đây, và mối quan hệ giữa ông Maduro và lãnh đạo Cuba hiện tại không còn nồng nàn như tình bạn giữa những người tiền nhiệm của họ.

Ông Piccone nói “Họ chắc chắn là những chiến hữu cùng ý thức hệ - những người anh em cùng chung chiến hào chống Mỹ và đó là tất cả”(nguyên văn: “They are certainly ideological brothers-in-arms — against the United States and all that”). Tuy nhiên, nhưng nó không thân thiện đến mức như trước đây đã từng có. Và những người Cuba đã không nhận được nhiều thứ từ nó (từ Venezuela) như trước đây”.

Tuy nhiên, đó vẫn là một liên minh bền vững.

Trong một chương trình phát sóng trên truyền hình trong tháng này, ông Maduro cho biết rằng Venezuela sẽ tiếp nhận 2.000 bác sĩ Cuba, những người mà đã phải rời khỏi Brazil sau một cuộc tranh cãi giữa hai chính phủ Brazil và Cuba. Các phòng khám y tế do các bác sĩ Cuba điều hành đã từng sinh sôi nảy nở khắp Venezuela, nhưng nhiều phòng khám đó đã rơi vào tình trạng hoang tàn trong cuộc khủng hoảng kinh tế.

Các cố vấn chính trị vẫn được các các quan chức chủ chốt trong chính quyền Maduro tham vấn, mặc dù ông Smilde nói rằng “Người Cuba thường phàn nàn rằng ông Maduro không lắng nghe lời họ”.

Các nhà phân tích cho biết rằng, dầu vậy, có lẽ điều quan trọng nhất đối với ông Maduro vẫn là người Cuba vẫn là thành phần chủ chốt trong lĩnh vực tình báo và quân sự, cung cấp sự hỗ trợ cho công việc giám sát, dò la tin tức trong nước, nghe lén điện tử và giám sát nội bộ quân đội - để giúp đàn áp phe đối lập, những người bất đồng chính kiến và củng cố lòng trung thành.

Trong trường hợp không có thông tin rõ ràng về mức độ can dự của Cuba ở Venezuela, thì các tin đồn càng ngày càng tăng lên, và các đánh giá bên ngoài thường được thiết kế nhằm tạo ra một sự tiện lợi về chính trị.

Hôm thứ Bảy (26/01/2019), phát biểu tại cuộc họp của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, Ngoại trưởng Mike Pompeo đã chỉ rõ sự can dự, dính líu của Cuba tại Venezuela, ông nói rằng các sĩ quan tình báo của họ (Cuba) đã “thực hiện những hành vi tồi tệ nhất của họ” tại thành phố Caracas.

Ông Pompeo nói “Không có chế độ nào mà lại làm nhiều hơn để duy trì các điều kiện khủng khiếp tại Venezuela, như chế độ ở Havana đã làm. Có rất nhiều động lực để Cuba tiếp tục can dự ngày càng nhiều hơn để củng cố chính quyền Maduro. Havana có nguy cơ đánh mất một nhà hảo tâm kinh tế quan trọng, ấy là chưa kể đến một đồng minh cánh tả trong một khu vực mà gần đây đã chuyển sang phía hữu”.

Ông Piccone nói nếu ông Guaidó và phe đối lập ở Venezuela dành được quyền kiểm soát tại Caracas, thì, “dĩ nhiên, đó sẽ là một tin rất xấu đối với Havana. Họ sẽ rất nhanh chóng thay đổi mối quan hệ đối với Cuba”.

*
Mguồn: The New York Times International Edition
Tác giả: Kirk Semple
Monday, January, 28, 2019




No comments:

Post a Comment