Wednesday, February 20, 2019

CHUYỆN LƯ HƯƠNG : SỰ SỤP ĐỔ KHÓ GƯỢNG CỦA PHÍA CHÍNH QUYỀN (Tuấn Khanh)




Thứ Tư, 02/20/2019 - 11:30 — tuankhanh

Giữa cơn giận dữ đang ngày càng lan rộng của người dân Việt, chính quyền thành phố Hồ Chí Minh vội vã tổ chức lễ an vị lư hương của Đức Thánh Tổ Trần Hưng Đạo tại đền thờ Ngài tại số 36 Võ Thị Sáu, phường Tân Định, quận 1, (tức Hiền Vương cũ), ngay vào trưa 20-2, nhằm 16 âm lịch Kỷ Hợi.

Trong những bản tin ngắn đầy tính đối phó về việc an vị lư hương, nhà cầm quyền thành phố Hồ Chí Minh không cách nào che giấu nổi sự vội vã và lấp liếm sự kiện này, bắt nguồn từ việc đã manh động nhằm cản trở người dân đến thắp hương tưởng niệm Đức Thánh Trần, nhân ngày 17-2-1979, ngày tưởng niệm Trung Cộng xua 600.000 quân sang Việt Nam, giết hại người già, phụ nữ, em bé… và tàn phá làng mạc Việt Nam.

Trên thực tế, hành động vô thần của nhà cầm quyền, đã và sẽ không có lời nào giải thích nổi vì sao một bộ máy nhà nước hùng hậu đã cho quây xe rác, dựng bao cát, kẽm gai chắn tượng đài, tổ chức an ninh, mật vụ bao vây khu vực này, không cho ai đến gần tượng đài Đức Thánh Trần vào ngày 17-2, một ngày chủ nhật, và cẩu lư hương đi mà không có bất kỳ một hành động tôn kính nào, chẳng hạn như làm lễ niêm hương cho việc di dời đó. Nên việc tổ chức rình rang lễ an vị, có hình ảnh phát đi chỉ cho thấy sự trí trá, mưu mẹo của kẻ cầm quyền. Đặc biệt thô bỉ khi cố ý tách một lư hương trong tổng thể kiến trúc tâm linh của người Việt đã có từ năm 1930, để gá ghép thừa vào một đền thờ vốn đã hoàn chỉnh.

Đó là còn chưa nói vô số người yêu nước bị an ninh, mật vụ bao vây trước cửa nhà, đuổi chặn trên khắp các con đường dẫn đến tượng đài của Đức Thánh Tổ Trần Hưng Đạo vào ngày 17-2. Chuỗi bi kịch về con người, đất nước Việt Nam trong các hành xử nhà cầm quyền lâu nay nhiều đến mức để không ai có thể đủ sức nhếch mép cười nổi, khi chứng kiến trò hề nhạt vào trưa 20-2 vừa rồi.

Nội bộ của chính quyền thành phố Hồ Chí Minh rối loạn đến mức, ai cũng đùn đẩy việc có mặt tại lễ an vị lư hương, và cố ý chỉ để phát đi những bức ảnh chính được chụp từ sau lưng vì sợ dư luận quần chúng. Bà Trần Kim Yến, bí thư quận nhứt đã trở thành con dê tế thần trước dư luận sôi sục vừa qua để chạy án cho hành động ngu xuẩn tập thể. Nhưng gánh nặng quá lớn đến mức một ngày sau, phía chính quyền đã phải đưa ra thêm công văn, ghi rằng có quyết định di dời lư hương là do bà Phó chủ tịch Ủy ban thành phố Nguyễn Thị Thu đưa ra. Tin trong giới thân quen với gia đình bà Thu cho biết cách làm hèn hạ, đùn đẩy trách nhiệm cho một người chết, là điều khiến cho gia đình cũng như bạn bè của bà Thu vô cùng tức giận.

Đang có lời vận động từ trong nhiều nhóm và cá nhân trên facebook, nói rằng mỗi người dân cần mang một lư hương nhỏ đến trước tượng đài để thắp hương, bày tỏ lòng tôn kính Đức Thánh Trần cũng như bày tỏ sự phản đối với hành động báng bổ tồi tệ của nhà cầm quyền hiện nay. Một facebooker giấu tên nói rằng nếu nhà cầm quyền ngăn cản, thì hãy thắp hương ở bất kỳ nơi nào chung quanh đó, hoặc đặt một lư hương trên các lề đường bất kỳ của thành phố để biểu lộ thông điệp về sự bất bình. Điều đáng nói, câu chuyện này đang xuất hiện ở các nơi, với sự bàn thảo bởi những guơng mặt rất mới, chưa từng tham gia bàn luận gì về chính trị. Họ chỉ bắt đầu bằng sự phẫn nộ của ý thức mình là người Việt.

Một nhà báo từ miền Trung, hiện đang viết cho các tờ báo thời sự quốc tế, nhận định vào tối ngày 20-2 rằng có điều gì đó đang diễn ra, cho thấy một phía là bộ mặt chính quyền đang sụp đổ hoàn toàn trong dân chúng, một mặt là sự nhen nhóm của một làn sóng bất mãn, bất tuân, tạm gọi tên là cuộc “Cách mạng lư hương”.

Cũng trong ngày 20-2, có tin các nhóm dư luận viên hàng đầu đang được phổ biến gấp các nội dung để tuyên truyền chống đỡ cho giới nhà cầm quyền. Trước các diễn biến rất mới và liên tục, nội dung phổ biến của “phản sự kiện” này vẫn lặp đi lặp lại cách làm rất cũ, là nhân dân “bị kích động, xúi giục”.

---------

(*) Lễ Niêm Hương: Thông thường các buổi lễ trong đạo Phật đều có phần niêm hương bạch Phật, gọi tắt là niêm hương.

Từ Đại lễ Phật đản tổ chức trên các lễ đài lộ thiên, cho đến lễ cầu an, cầu siêu trong các chùa, lễ an vị Phật tại tư gia, lễ cúng giỗ, ghi nhớ, nhắc nhở về Ông bà, Tổ tiên trong gia đình đều có niêm hương.

Niêm hương bạch Phật là tay cầm cây hương dâng lên cúng dường và trình bạch lên đức Phật hôm nay mình làm việc gì đó, cầu xin Tam bảo chứng minh gia hộ cho buổi lễ được thành tựu viên mãn.

Đức Thánh Tổ Trần Hưng Đạo, sống và chết trong thời đại cúa Phật giáo.


----------------------------------

Thứ Tư, 02/20/2019 - 12:28 — nguyentuongthuy

Không phải ngẫu nhiên mà vào đúng ngày kỷ niệm 40 năm Trung Cộng phát động chiến tranh xâm lược Việt Nam, Quận 1 Tp HCM cho xe rác vây quanh tượng đài Trần Hưng Đạo ở phường Bến Nghé, sực mùi xú uế, dùng vật chắn, dây dợ vây quanh tượng đài, đặt biển báo công trường đang thi công để ngăn chặn người dân đến thắp hương. Sự phẫn nộ của dư luận đang dâng lên từng giờ thì táo tợn hơn, cùng ngày, quận này lại cho cẩu lư hương đi chỗ khác, đẩy sự giận dữ trong công chúng lên ngùn ngụt.

Mọi lời giải thích từ nhà chức trách Quận 1 không có lý do nào thuyết phục, rằng đặt lư hương ở nơi công cộng không phù hợp với tâm linh của người Việt, rằng cẩu đi để đặt lư hương vào đúng vị trí thờ phụng.

Ngay lập tức, cư dân mạng không khó để tìm ra rất nhiều tượng đài kèm lư hương đặt ở nhiều nơi. Đó là Tượng đài Trần Hưng Đạo ở Nha Trang, Quy Nhơn, Vũng Tàu, đảo Nam Yết, đảo Song Tử Tây, Hải Dương. Tượng Hồ Chí Minh kèm lư hương còn nhiều hơn, hầu như tỉnh thành nào cũng có. Có người chỉ nhoằng một cái đã kê ra ảnh một loạt tượng đài Hồ Chí Minh kèm lư hương ở Công an tỉnh Ninh Bình, ở quảng trường TP. Cam Ranh, TP Vũng Tàu, ở khuôn viên Tổng công ty Điện lực TP Hà Nội, ở Kho 205 Bộ Quốc phòng...

Xin hỏi lãnh đạo Tp HCM và Quận 1, phải chăng, những lư hương kèm theo các tượng đài này đều đặt không phù hợp và cần di dời?

Phải chăng, lư hương trước những tượng đài như thế này đặt không đúng vị trí, cần phải di dời? Ảnh Internet

Từ khi xây dựng năm 1967 đến nay, tượng đài Trần Hưng Đạo nói trên đã trở thành thiêng liêng, gắn với tâm linh người dân Sài Gòn, là biểu tượng cho tinh thần chống ngoại xâm của cha ông ta. Thế mà chỉ có vài người mà dám bàn nhau cẩu lư hương đi như thể mang đi một thứ đồ gốm. Đây là một sự hỗn láo, xấc xược với tiền nhân, không thể dung thứ.
*
Có thật là tượng đài Trần Hưng Đạo đặt không đúng chỗ nên phải di dời cho đúng vị trí?
Trước ngày 17/2, Câu Lạc bộ Lê Hiếu Đằng thông báo sẽ đến tượng đài Trần Hưng Đạo thắp hương tưởng niệm liệt sĩ đã hy sinh trong chiến đấu chống quân TQ xâm lược nhân kỷ niệm 40 năm chiến tranh Trung - Việt. Ngày 17/2, nhiều người trong Câu lạc bộ Lê Hiếu Đằng bị canh giữ không cho đến nơi tưởng niệm, một số người đến được tượng đài lập tức bị áp giải trở về.

Nơi đây cũng là địa điểm mà các tổ chức xã hội dân sự thường đến thắp hương tưởng niệm liệt sĩ chống Trung Cộng hàng năm hoặc làm nơi hẹn mỗi khi kêu gọi biểu tình. Vì vậy, có thể khu vực tượng đài Trần Hưng Đạo có ấn tượng không thiện cảm đối với nhà cầm quyền.

Việc dỡ bỏ lư hương phải chăng xuất phát từ việc ngăn chặn bọn “phản động” đến thắp hương cho liệt sĩ chống Tàu và cha ông đã từng đánh đuổi quân xâm lược ra khỏi bờ cõi, làm mếch lòng anh bạn vàng Trung Quốc? Phải chăng, do Trần Hưng Đạo là vị tướng tài ba lỗi lạc, đã từng đánh cho quân Nguyên không còn mảnh giáp, Thoát Hoan phải chui ống đồng tháo chạy, để lại nỗi nhục nhã muôn đời cho kẻ thù xâm lược?

Luận điệu cẩu lư hương đi để đưa về đúng vị trí thờ phụng là không thể chấp nhận. Có phải hàng trăm lư hương đặt kèm tượng đài ở khắp nơi đều “không phù hợp” cần phải dỡ bỏ đưa về “đúng vị trí”?

Có người còn lo rồi đây, các quận huyện khác học theo quận 1, các tỉnh thành khác học theo Tp HCM dẫn đến một cuộc càn quét lư hương ở các tượng đài nơi công cộng.

Liên quan đến việc cẩu lư hương ở tượng đài Trần Hưng Đạo, một trang báo cho biết, “ngày 15-1-2019, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thị Thu đã có văn bản giao UBND quận 1 thực hiện việc tu sửa, tôn tạo công trình tượng đài Trần Hưng Đạo và tượng đài Thánh Gióng". 

Hôm nay, sau 3 ngày văn bản này được thực thi, báo chí đồng loạt đưa tin bà Nguyễn Thị Thu từ trần. Dư luận đang xôn xao cho rằng 2 sự việc có liên quan đến nhau, là hậu quả của việc báng bổ thánh thần. Tôi không khẳng định trường hợp này nhưng tin rằng quả báo là có thật.

Lựa chọn khôn ngoan nhất cho chính quyền quận 1 và Tp HCM là xin lỗi nhân dân, trả lư hương về vị trí cũ và thắp hương ăn năn trước Đức Thánh Trần.

20/2/2019






No comments:

Post a Comment