Tuesday, February 19, 2019

BẢN TIN NGÀY 19/02/2019 (Báo Tiếng Dân)





19/02/2019

Tin Biển Đông

Trang Đầu Tư Tài Chính Việt Nam có bài: Mỹ gia tăng sức ép ở Biển Đông, Trung Quốc vẫn phớt lờ. Học giả Philippines Richard Heydarian, nhận định rằng, hoạt động tuần tra vì tự do hàng hải (FONOP) “dường như khiến Trung Quốc ngày càng hành động quyết liệt hơn, và FONOP cũng không đủ mạnh để đề phòng sự hiện diện quân sự ngày càng mở rộng của Bắc Kinh trong khu vực”.

Mỹ có thể triển khai ‘siêu đại bác’ trên biển Đông, báo Tiền Phong đưa tin. Bộ trưởng Lục quân Mỹ Mark Esper vừa tiết lộ, một loại pháo mới của quân đội Mỹ “có thể được đặt trên một đảo nào đó ở biển Đông, bắn tới các mục tiêu của Trung Quốc cách đó gần 2.000 km, phá hủy các đảo nhân tạo mà Bắc Kinh tạo dựng trái phép để biến chúng thành các tiền đồn quân sự”.

Bài viết cho biết, một siêu pháo như vậy được triển khai ở Philippines “có thể bắn tới các thực thể mà quân đội Trung Quốc tạo dựng trên một số vị trí thuộc quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa của Việt Nam mà Trung Quốc chiếm đóng trái phép”.

Trung Quốc hậm hực với Anh về Biển Đông, theo báo Thanh Niên. Bộ trưởng Tài chính Anh Philip Hammond vừa hủy chuyến công du Trung Quốc sau khi đại sứ quán nước này tại London chỉ trích Bộ trưởng Quốc phòng Gavin Williamson. Trước đó, ông Williamson cho biết, các phi đội chiến đấu cơ F-35B của Anh và Mỹ sẽ được triển khai trên tàu sân bay HMS Queen Elizabeth trong chuyến hải hành đến Biển Đông.

RFI đặt câu hỏi: Không gian nào cho tham vọng địa chính trị của Việt Nam ở Biển Đông? Nhà nghiên cứu Laurent Gédéon, giảng viên Viện Đông Á Lyon nhận định: “Hiện giờ khó mà nghĩ rằng tự bản thân Việt Nam có thể đẩy lùi được ảnh hưởng của Trung Quốc và lấy lại kiểm soát một số khu vực ở Trường Sa mà họ không có và lấy lại Hoàng Sa mà họ đã bị mất. Vì thế, tôi nghĩ rằng mục tiêu hiện nay của Việt Nam là giữ thế cân bằng hiện tại”.


Vụ dời lư hương trước tượng Đức Thánh Trần

Báo Giao Thông có bài: Bỏ lư hương trước tượng đài: “Không để xã hội chỗ nào cũng hương khói”. Bài viết dẫn lời nhà nghiên cứu Nguyễn Hùng Vĩ cho rằng, việc dời lư hương khỏi chân tượng Đức Thánh Trần là “tốt cho quy hoạch không gian thành phố“, và rằng “Không thể để một xã hội ‘thần cây đa, ma cây gạo, cú cáo cây đề’, chỗ nào cũng hương khói. Một xã hội nghi ngút hương khói là một xã hội nhộn nhạo“.

Họa sĩ Đỗ Duy Ngọc viết: “Khi xây tượng đài này, cái chính quyền mà các người gọi là nguỵ đó đã tạo một lư hương, và lư hương này đã có mặt ở đó từ thập niên sáu mươi của thế kỷ trước. Đã một thời gian dài hơn nửa thế kỷ, đã gần 44 năm rồi các người có mặt ở thành phố Sài Gòn, sao các người không di dời, lại chờ cho đến ngày có người muốn thắp nén nhang tưởng niệm để nhắc lại nỗi đau thương mất mát nhưng cũng rất oai hùng của một cuộc chiến tranh chống bọn xâm lược Trung quốc, các người mới cuống cuồng lo sợ dời đi với những lời thanh minh chẳng ai thuận nhĩ“.

Bí thư Quận 1 thông tin việc di dời lư hương trước tượng đài Trần Hưng Đạo, VOV đưa tin. Sáng 18/2/2019, bà Trần Kim Yến, Bí thư Quận 1 TP HCM, ngụy biện vụ an ninh dùng xe cẩu dời lư hương trước tượng Trần Hưng Đạo: “Vị trí của tượng đài nằm trong công viên, thờ phụng ở đó không trang nghiêm, không trân trọng nên quận chủ trương di dời về đúng nơi thờ phụng để phục vụ hoạt động tâm linh của bà con”.

Nhà giáo Dũng Hoàng có bài phản biện: Đỉnh lư hương và thói dối trá. Theo đó, cả Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân và bà Yến “không đủ nhạy cảm để hiểu rằng cẩu lư hương và dùng xe rác để chắn lối vào tượng đài của vị anh hùng dân tộc” vào đúng ngày 17/2 “là một quả búa tạ đánh thẳng vào lòng yêu nước của nhân dân và là một thông điệp khiến người dân phải hiểu kẻ ra lệnh đó đang đứng về phía bọn bán nước cầu vinh”.

Đối với lời ngụy biện “dời về đúng nơi thờ phụng”, bài viết lập luận: “Đề nghị ông Nguyễn Thiện Nhân làm gương, đề xuất Bộ Chính trị dẹp bỏ tất cả lư hương trước tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh trên cả nước. Không lẽ Chủ tịch Hồ Chí Minh thì được phép có lư hương, mà Đức Trần Hưng Đạo lại không?”

Tượng ông Hồ với lư hương đặt ngoài trời giống tượng Trần Hưng Đạo, nhưng không có quan chức, an ninh nào lý luận “thờ phụng ở đó không trang nghiêm”. Nguồn: FB Dũng Hoàng

Ảnh chụp Tổng – Chủ Nguyễn Phú Trọng đang thắp hương trước một lư hương ngoài trời, cũng là nơi “thờ phụng không trang nghiêm” theo lý luận của bà Trần Kim Yến. Ảnh trên mạng

Nhà thơ Đỗ Trung Quân viết về thái độ thành kính của người lính hải quân Việt Nam Cộng Hòa: “Tiếng còi tàu hú vang một góc sông, chiếc chiến hạm chầm chậm lướt qua tượng Đức Thánh Hưng Đạo Vương toàn thể sĩ quan, chiến sĩ trong quân phục trắng, găng tay trắng xếp hàng ngang trên boong tàu nghiêm chào Đức Thánh trước khi ra biển”.

Còn bây giờ, “đúng ngày chúng tấn công thảm sát đồng bào 6 tỉnh biên giới phía bắc (17/2/1979 – 17/2/2019) nơi tượng Đức Thánh Trần, người thành thánh trấn quốc được nhân dân thờ phụng nghìn đời, bọn lãnh đạo TP HCM cho cẩu lư hương dưới chân tượng phòng ngừa người dân đến thắp hương”.

VOA bàn về vụ di dời lư hương gây tranh cãi ở TP HCM. Sau lời giải thích của bà Yến, “nhiều người sử dụng mạng xã hội, trong đó có các nhà hoạt động, tiếp tục đăng các hình ảnh về các lư hương được đặt trước nhiều bức tượng ở nhiều nơi ở Việt Nam, như tượng đài Lý Thái Tổ ở Hà Nội”.

Báo Người Việt đặt câu hỏi: Ai rước Hoa Vi dày mả tổ? Ai dời lư hương phụ tiền nhân? Hai sự kiện diễn ra gần như cùng lúc trong dịp tưởng niệm 40 năm chiến tranh biên giới Việt – Trung: Bộ TT&TT ở Việt Nam chuẩn bị “rước” Hoa Vi (Huawei) của Trung Quốc về trong cuộc đua cung cấp hạ tầng 5G, an ninh TP HCM huy động xe cần trục dời lư hương trước tượng Đức Thánh Trần và thay thế bằng… thùng rác. Hai sự kiện cho thấy bản chất của chế độ CSVN.


Tin nhân quyền

Trang Người Đà Lạt Xưa viết: Thông báo cập nhật về Facebooker Selena Zen/ Diệu Hằng. Facebooker Selena Zen, tức Diệu Hằng, tên thật là Huỳnh Thị Tố Nga, 36 tuổi, làm việc trong khoa xét nghiệm, khu giải phẫu bệnh, bệnh viện Nguyễn Tri Phương, “đã bị bắt tại nơi làm việc trong khoa xét nghiệm, khu giải phẫu bệnh, bệnh viện Nguyễn Tri Phương, Quận 5 Sài Gòn”, khoảng 3 giờ 47 phút chiều 28/1/2019.

Theo bài viết, cô Tố Nga chính là em ruột của Facebooker Huỳnh Trí Tâm, tức nhà hoạt động Huỳnh Minh Tâm, là người bị Công an tỉnh Đồng Nai bắt khoảng 8 giờ sáng 26/1/2019. Thông qua nick Facebooker Selena Zen, cô Nga đã viết nhiều bài “có giá trị với chủ đề kinh tế, chính trị và nhân văn”. Cách đây hơn 8 tháng, một thân nhân đã cảnh báo cô “hãy ngừng viết những bài kêu gọi dân chủ và nhân quyền” vì rủi ro cho bản thân và gia đình.

Cô Huỳnh Thị Tố Nga. Nguồn: FB nhân vật

Trang Vườn Rau Lộc Hưng đưa tin: Nhà cầm quyền cho trẻ vị thành niên làm “bảo vệ” khu đất Vườn Rau Lộc Hưng. Theo đó, sáng 18/2/2019 tại Vườn Rau Lộc Hưng, “chúng tôi đã tiếp cận được một nhóm bảo vệ ở đâu đến không rõ. Những người này được nhà cầm quyền cho ngồi ở các chốt canh”.

Các “bảo vệ” trả lời: “Tụi em đang làm cho một công ty bảo vệ, tụi em chẳng biết gì về sự việc của Vườn Rau Lộc Hưng cả và cũng không hiểu rõ chuyện gì đã và đang xảy ra cả, chỉ biết họ thuê thì đi làm thôi”.


Hậu quả các “quả đấm thép”

Báo Người Đưa Tin đặt câu hỏi: Vì sao dự án Gang thép Thái Nguyên bị điều tra? Theo kết luận của Thanh tra Chính phủ, “một trong những sai phạm nghiêm trọng của dự án này là đã điều chỉnh tổng mức đầu tư tăng thêm hơn 4.200 tỷ đồng thiếu cơ sở căn cứ pháp lý”. Trước đó, nhiều bộ, ngành và Ngân hàng Nhà nước đã khuyến cáo, chuyện điều chỉnh tổng mức đầu tư “là thiếu cơ sở căn cứ pháp lý, ảnh hưởng đến hiệu quả dự án”.

Bài viết lưu ý: “Trách nhiệm liên quan đến việc tăng tổng mức đầu tư này theo TTCP thuộc về lãnh đạo và các cán bộ liên quan thuộc Văn phòng Chính phủ, Bộ Công thương” cùng với lãnh đạo của Tổng Công ty Thép Việt Nam và Công ty Gang thép Thái Nguyên. Thủ tướng Chính phủ đương nhiệm lúc dự án này được thông qua, chính là “đồng chí X”.

Báo Thanh Niên bàn về hàng ngàn tỉ đồng ‘đốt’ tại dự án gang thép Thái Nguyên. Công ty Gang thép Thái Nguyên đã thanh toán cho nhà thầu Trung Quốc (MCC) “trên 92% giá trị hợp đồng, nhưng các hạng mục chính của gói thầu EPC đều chưa hoàn thành. Từ năm 2013, MCC và các nhà thầu đã ngừng thi công… đồng thời cung cấp nhiều máy móc thiết bị sai khác về xuất xứ, thông số kỹ thuật không phù hợp với quy chuẩn của VN”.

Thêm quan chức “vào tròng” ở dự án gang thép ngàn tỉ “đắp chiếu”: Chuyển vụ việc VINAINCON sang Bộ Công an. Thanh tra Chính phủ chỉ ra rằng, Tổng Công ty Xây dựng công nghiệp Việt Nam (VINAINCON) “là nhà thầu phụ thực hiện phần C của hợp đồng EPC số 01 nhưng thi công dang dở, thậm chí bán thầu hưởng phí trái quy định”.

Bài viết trích dẫn kết luận của TTCP: “Kết quả kiểm tra cho thấy TISCO sử dụng số liệu tổng hợp giá trị phần C do VINAINCON lập chi phí phát sinh phần C hơn 15,5 triệu USD không có cơ sở nhưng vẫn trình các bộ, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt là thiếu trách nhiệm”. Trước đó, TTCP cũng đã chuyển hồ sơ sai phạm của TISCO sang Bộ Công an.

Thông Tấn Xã Việt Nam dẫn lời Bộ Tài chính: Licogi chưa bảo toàn vốn Nhà nước tại doanh nghiệp. Theo đó, “kết quả kinh doanh của Tổng công ty Licogi cho thấy, đơn vị này chưa bảo toàn vốn đầu tư của Nhà nước. Đáng nói là tổng nợ ngắn hạn của công ty mẹ của Licogi đang vượt quá tài sản ngắn hạn tới hơn 1.200 tỉ đồng”.

Thêm một doanh nghiệp quốc doanh thành gánh nặng: “6 tháng đầu năm 2018, Công ty mẹ cũng chỉ đạt hơn 157 tỉ đồng doanh thu, giảm hơn 77 tỉ đồng so với cùng kỳ năm 2017, tương đương mức giảm 33%. Lợi nhuận kế toán trước thuế qua đó chỉ đạt gần 2,6 tỉ đồng”.

Trang BizLive dẫn lời Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh bàn về số phận nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2: “Không có lý do gì chúng ta để thất thoát tài sản lớn như vậy”. Đây là một dự án có tổng mức đầu tư khoảng 41 ngàn tỉ đồng, “có công suất 1.200 MW. Dự án này do Tập đoàn Dầu khí Quốc gia (PVN) làm chủ đầu tư, hiện mới đạt khoảng 83% khối lượng, tiến độ”.

Ông Tuấn Anh thừa nhận: “Dự án có quy mô lớn, nếu không sớm thực hiện, hoàn thành sẽ dẫn đến phát sinh chi phí và gây thiệt hại lớn về kinh tế, ảnh hưởng tới việc đảm bảo cung cấp điện và tạo dư luận không tốt”.



Các vụ “ăn” đất

Trang Nông Nghiệp Việt Nam bàn về vụ ‘phù phép’ biến hàng chục nghìn m2 đất lâm nghiệp thành đất ở tại Hà Tĩnh: Một kết luận nửa vời. Đó là vụ hơn 3ha đất lâm nghiệp của gia đình ông Nguyễn Thức, ở thị trấn Hương Khê bị “phù phép” chuyển cho 4 hộ dân khác làm đất trồng rừng và đất ở. “Vụ việc vỡ lở, chính quyền thị trấn Hương Khê, UBND huyện Hương Khê chậm trễ, bất lực trong việc xử lý đơn thư của công dân”.

Ông Thức cho biết, “tất cả hồ sơ cấp đất cho 4 hộ dân trên đều có dấu hiệu bị làm khống nhằm chiếm đoạt đất của Nhà nước bất hợp pháp. Trong đó, một số diện tích đã được chuyển nhượng với giá hàng tỷ đồng”.

Vụ cán bộ huyện Thạch Thất, Hà Nội giao 200 lô đất không qua đấu giá, Phó Thủ tướng chỉ đạo dứt điểm, theo VietNamNet. UBND TP Hà Nội thừa nhận, các cán bộ này vi phạm luật đất đai rất nghiêm trọng, đã bị khởi tố về “Tội lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”. Vụ UBND huyện Thạch Thất giao 200 lô đất ở tại xã Canh Nậu không qua đấu giá quyền sử dụng đất đã gây thất thoát lớn cho ngân sách nhà nước.

Bài viết lưu ý: Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an đã chuyển toàn bộ hồ sơ vụ này đến Công an TP Hà Nội “từ đầu năm 2014 để giải quyết theo thẩm quyền nhưng đến tháng 12/2017 mới ra quyết định khởi tố vụ án để điều tra”.



Luật riêng cho quan chức

Báo Tuổi Trẻ đưa tin: 4 đơn vị giải trình vụ xe biển xanh dự tiệc thôi nôi cháu bí thư huyện. Bài báo cho biết: “Xe công dự thôi nôi cháu nội Bí thư Huyện ủy Vị Thủy (tỉnh Hậu Giang) ngày 16-2 là xe của Sở Lao động – thương binh và xã hội, UBND huyện Vị Thủy, Huyện ủy Châu Thành và Thành ủy Vị Thanh”. Hướng giải quyết của lãnh đạo UBND tỉnh Hậu Giang là… “kiểm điểm nghiêm túc”.

Bí thư Thành ủy Vị Thanh nhận lỗi dùng xe công đi dự tiệc thôi nôi, theo Zing. Bí thư Võ Minh Tâm thừa nhận, do “thân tình” với ông Lê Minh Cường, Bí thư Huyện ủy Vị Thủy, “nên ông Tâm đã dùng xe cơ quan để đi lên TP Cần Thơ dự tiệc thôi nôi. Cùng đi với ông Tâm còn có một cán bộ hưu trí từng công tác chung với ông Cường”. Nhiều khả năng vụ lạm dụng tài sản công này sẽ “chìm xuồng” ở đây.


Việt Nam trước thềm hội nghị thượng đỉnh Mỹ – Triều
Trang Lao Động Thủ Đô có đồ họa: Hành trình Thượng đỉnh Mỹ-Triều Tiên lần 2 tới Hà Nội.

VOA đưa tin: Gia đình nghi can Đoàn Thị Hương mong ông Kim Jong Un giúp. Ông Đoàn Văn Thạnh, bố cô Hương, nói với Reuters: “Ông Kim Jong Un sắp tới Việt Nam thì gia đình cũng mong muốn ông giúp đỡ gia đình để cho Hương được về gần [sớm] nhất”. Bà Nguyễn Thị Vì, mẹ kế của cô Hương, nói:“Thủ phạm nó tròng cháu vào, chứ còn nó không dám làm như vậy. Thôi thì cũng nhờ ông ý giúp đỡ”.


Giáo dục hay trại tù?

Phụ huynh tố cô giáo dùng thước đánh sưng mắt học sinh, nguy cơ mù một bên, VTC đưa tin. Bà Dương Thị Tâm, Phó trưởng Phòng GD&ĐT huyện Cao Lộc, Lạng Sơn, cho biết, đã nhận được thông tin vụ ông Đàm Văn Bào tố giáo viên chủ nhiệm dùng thuốc đánh vào mắt con trai ông đang học lớp 1, khiến cháu có nguy cơ bị mù.

Ông Đàm cho biết, con trai ông là Đàm Công Minh, học sinh trường Tiểu học Thụy Hùng “bị cô giáo chủ nhiệm L.T.H.H dùng thước đánh trúng mắt khiến mắt cháu sưng vù, nguy cơ bị mù một bên mắt”. VTC đã “liên lạc với cô giáo L.T.H.H. nhưng cô này từ chối trả lời”.

Cháu M. bị tổn thương nặng mắt phải, do bị cô giáo dùng thước đánh. Ảnh trên mạng

Chiều 18/2/2019, Công an huyện Buôn Đôn, Đắk Lắk đề nghị phê chuẩn quyết định khởi tố vụ công an huyện bắt quả tang cán bộ Phòng giáo dục “say sưa” đánh bài, trang Bảo Vệ Pháp Luật đưa tin. Tối 27/1, Công an huyện kiểm tra nhà một người dân tại xã Ea Wer thì bắt quả tang người đang đánh bài ăn tiền, trong đó có một cán bộ Phòng GD&ĐT huyện.


“Sư sãi” đại náo thiền viện Phước Sơn

Một video clip được cư dân mạng chia sẻ mạnh mẽ trên Facebook, cho thấy cảnh các “sư” đánh nhau tại buổi lễ khất thực, một nghi lễ theo Phật giáo Nam tông, ở Thiền viện Phước Sơn, Long Thành, tỉnh Đồng Nai: https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2019/02/Su-danh-nhau.mp4?_=1

Trang Phật sự Online phỏng vấn Hòa thượng Thích Bửu Chánh, trụ trì Thiền viện Phước Sơn, Hòa thượng cho biết, “các đối tượng này không phải là tu sĩ của thiền viện hay những sư được Ban tổ chức mời mà là giả sư trà trộn vào lễ hội để nhận tiền cúng dường từ các Phật tử“.

Chuyện buôn thần bán thánh ở chùa Phúc Khánh: Giải hạn xong, muốn cầu an lại phải đóng thêm tiền, theo báo Lao Động. Một người làm dịch vụ trông xe ở cổng chùa này chia sẻ vụ một người bị từ chối cúng giải hạn vì thiếu 50 ngàn đồng: “Năm nào báo chí cũng viết nhiều nhưng chưa lần nào thấy dư luận chỉ trích nặng như lần này. Nhà chùa xử sự vậy với phật tử đúng là không hay”.

Báo Tuổi Trẻ đặt câu hỏi về chuyện chấn hưng văn hóa đi chùa: Làm sao dẹp nạn trục lợi tâm linh? Nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Ngọc Tiến cho rằng, “vai trò quan trọng nhất thuộc về Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Giáo hội cần ra thông cáo chính thức gửi tới các tín đồ phật tử rằng chuyện dâng sao giải hạn không có trong giáo lý nhà Phật”. Tuy nhiên, chính Giáo hội Phật giáo đã bị biến chất dưới chế độ CSVN, bởi tổ chức này đã bị thu tóm và khống chế khi CS tiến vào miền Nam.


***





No comments:

Post a Comment