Wednesday, January 30, 2019

THÀNH PHẦN DA TRẮNG THƯỢNG ĐẲNG TRONG CHÍNH PHỦ TRUMP MUỐN GÌ? (Nguyễn Quốc Khải)




Nguyễn Quốc Khải
Tác giả gửi tới Dân Luận
30/01/2019

Tổng Thống Donald Trump có liên hệ mật thiết với các nhóm da trắng thượng đẳng (white supremacist) và da trắng quốc gia (white nationalist). Trong nội các của Ô. Trump có một số thành phần này theo phân tách của báo chí. Tiểu sử của những người này có thể tìm thấy trên Internet. Người ta sẽ thật sự có cảm giác ớn lạnh ở xương sống khi biết về nhân sinh quan của những nhân vật này.

Thành phần cực hữu trong nội các Trump

Hai nhân vật đầu tiên Ô. Trump tuyển vào nội các là TNS Jeff Sessions (Cộng Hòa, Alabama) với chức vụ bộ trưởng tư pháp và cựu Trung Tướng Michael Flynn, cố vấn an ninh quốc gia. Sau cuộc tranh đấu đòi quyền bình đẳng của người Mỹ da đen vào thập niên 1960, Luật về Quyền Đi Bầu 1965 (Voting Rights Act of 1965) ra đời. Đạo luật này cho phép những công dân thuộc các nhóm thiểu số có quyền bầu cử như những người da trắng. Ô. Jeff Sessions đã chống đối cực liệt đạo luật này và xem đó là một pháp chế tai hại. Ông xem một luật sư da trắng đại diện cho thân chủ da đen là một điều ô nhục cho giống da trắng. Jeff Sessions bị Trump cách chức vào ngày 7-11-2018 vì từ chối không can thiệp vào vụ điều tra Nga lũng đoạn cuộc bầu cử ở Mỹ vào 2016.

Ô. Michael Flynn là một thành viên của Đảng Dân Chủ. Ông lớn lên trong một gia đình truyền thống Dân Chủ, nhưng có một quan điểm cực đoan về Hồi Giáo. Ông không phân biệt những tổ chức khủng bố như Nhà Nước Hồi Giáo (Islamic State of Iraq and Syria – ISIS) và Đạo Hồi Giáo. Ông cho rằng mối lo sợ những người Hồi giáo là hợp lý. Ông xem Hồi Giáo là một trong những nguồn gốc gây ra khủng bố. Ông từng nói rằng Hồi Giáo là một học thuyết chính trị và căn bệnh ung thư. Flynn từ chức vào 13-2-2017 sau 22 ngày làm cho Nhà Trắng vì lừa dối FBI và Phó Tổng Thống Mike Pence về việc ông liên lạc với đại sứ Nga và làm việc cho chính phủ Turkey mà không khai báo.

Thành phần da trắng thượng đẳng trong nội các Trump (X : đã ra khỏi nội các)

Ngay sau khi Nhà Trắng thông báo Tổng Thống Trump đã mời Jeff Sessions và Michael Flynn gia nhập nội các, David Duke, cựu thủ lãnh của Ku Klux Klan đã gửi một thông điệp ăn mừng trên Twitter như sau: “Bannon, Flynn & Sessions – Americans are on the way to taking back our government, our nation and our children’s future”.

Trong số những phần tử kỳ thị chủng tộc hiện nay còn ở trong nội các của Ô. Trump có Ô. Richard B. Spencer, một người nguy hiểm chúng ta cần chú ý. Spencer theo chủ trương tân quốc xã (neo-nazism), da trắng thượng đảng (white supremacy), và quốc gia da trằng (white nationalism). Ông là chủ tịch và giám đốc của Viện Nghiên Cứu Chính Sách Quốc Gia (National Policy Institute – NPI), một tổ chức cổ võ da trắng thượng đẳng, trụ sở đặt tại Old Town Alexandria, Virginia. Ông lập ra phong trào “Alternative Right”, viết tắt là "Alt-Right". Phong trào này công khai chủ trương loại trừ những sắc dân da mầu ra khỏi Hoa Kỳ bằng phương tiện “ôn hòa” (peaceful ethnic cleansing of non-whites from America), áp dụng đường lối của Đức Quốc Xã, kể cả cách chào tay của Nazi.

Chính Alt-Right đã tổ chức cuộc tập hợp biểu tình lớn "United The Right" tại Charlottesville, Virginia vào tháng 8, 2017. Một thành viên của Alt-Right đã lái xe đâm vào đoàn người phản biểu tình làm một người thiệt mạng và ít nhất 19 người bị thương. Trump lên án cả hai bên thay vì chỉ trích nhóm da trắng thượng đẳng. Ba thành viên khác của Alt-Right cũng bị thưa ra tòa về tội mưu toan giết người sau khi Spencer diễn thuyết tại University of Florida hai tháng sau đó.

Khi Trump thắng cử tổng thống vào 2016, Spencer gọi đó là một "Chiến Thắng của Ý Chí" (Victory of Will) theo cuốn phim tuyên truyền thời Nazi (Triumph of the Will) của Đức Quốc Xã. Ủng hộ Trump là ủng hộ bọn kỳ thị chủng tộc đang tìm cách tiêu diệt các sắc dân da mầu. Đừng mơ tưởng người Việt là dân da trắng.

Một nhân vật thứ hai cần được chú ý là Stephen Miller, cố vấn cao cấp về chính sách cho Ô. Trump trong chiến dịch tranh cử 2016. Ông trở thành một cố vấn chính trị cao cấp cho Tổng Thống Trump từ 20-1-2017 cho tới nay. Miller, 33 tuổi, tốt nghiệp cử nhân về Chính Trị học tại Duke University, một bạn học của Richard Spencer và cũng là một thành phần cực hữu. Mặc dù gốc Do Thái, nhưng Miller lại chủ trương da trắng thượng đẳng và kỳ thị những người da mầu cũng như Spencer.

Miller cùng với cựu Bộ Trường Tư Pháp Jeff Session, cố vấn cho Trump về nhiều vấn đề như giới hạn số người tị nạn vào Hoa Kỳ và tạm ngưng nhận mọi người tị nạn trong 120 ngày, giới hạn công dân bẩy nước Hồi giáo du lịch và di dân vào Hoa Kỳ, ngưng vô thời hạn những người Syria vào Mỹ, xiết chặt chính sách tị nạn chính trị, đòi tiền xây bức tường biên giới, tách trẻ em ra khỏi cha mẹ tị nạn khi bước vào Mỹ để cản trở dân tị nạn vào Mỹ. Trong khi đó, cũng như Trump và những người có chủ trương da trắng thượng đẳng trong chính phủ, mở rộng chương trình di dân cho những người nói tiếng Anh và da trắng.

Biểu tình của nhóm tân Quốc Xã (neo-Nazi) tại California (photo: IBTimes)

Bức tường biên giới không đơn giản chỉ là bức tường ngăn chặn những người Mỹ Latin xậm nhập vào Mỹ bất hợp pháp, mà còn là một công trình kiến trúc lớn tốn kém tượng trưng cho tư tưởng Da Trắng Thượng Đẳng của Trump và những người muốn lật ngược Phong Trào Dân Quyền ở Mỹ. Đây là một “White Supremacy Monument” như Ô. Bryan Lee Jr đã viết. Những người này muốn thành lập một quốc gia da trắng, chưa bao giờ hiện hữu ở trên đất này vì họ đã thất bại không giết hết những người bản xứ da đỏ vì còn có những người da trắng tử tế. Họ làm những lỗi lầm nhập cảng nô lệ da đen để làm trong những đồn điền, những người Trung Hoa để xây đường rầy xe lửa, và gần 2 triệu người Việt để chia xẻ hậu quả chiến tranh.

Phong trào dân túy
Jeff Session và Michael Flynn đã làm việc cùng với Chiến Lược Gia Trưởng của Nhà Trắng Steve Bannon, một nhân vật chủ trương quốc gia da trắng khét tiếng. Ông Bannon từng phục vụ trong ngành Hải Quân, ngân hàng và điện ảnh trước khi tham gia hoạt động chính trị. Ông là một người đồng sáng lập và đồng thời là chủ tịch của Breibart News, một mạng truyền thông cực hữu. Ô. Bannon có những liên hệ mật thiết với những tổ chức cực hữu da trắng, trở thành biểu tượng của phong trào da trắng thượng đẳng và phong trào dân tộc thuần túy hay còn gọi tắt là dân túy (populism).

Ông liên kết với cả những phong trào dân túy da trắng ở Âu châu và Nam Mỹ và cổ võ cho phong trào dân túy da trắng toàn cầu (global populist movement) loại trừ các sắc dân còn lại. Nga là một giống dân da trắng. Do đó, chúng ta đương nhiên phải hiểu rằng đối với Trump hoặc Bannon, Nga không phải là địch thủ vì không còn xung đột giữa tư bản và cộng sản như thời chiến tranh lạnh 1946-1991, mà cùng mầu da với Hoa Kỳ.

Khi Tổng Thống Trump bổ nhiệm Ô. Bannon vào làm tại Nhà Trắng, rất nhiều nhà lập pháp Hoa Kỳ và các tổ chức dân quyền đã quyết liệt phản đối, bao gồm Anti-Defamation League, Council on American-Islamic Relations, Southern Poverty Law Center. Nhưng Ô. Trump cương quyết giữ Ô. Bannon. Khi xẩy ra cuộc biểu tình hận thù đẫm máu tại Charlottesville, Virginia vào năm 2017, tất cả những tổ chức dân quyền và những thành viên của hai đảng lên án những người da trắng quốc gia, tân Quốc Xã, và thành viên Alt-Right, nhưng Bannon lại cố vấn Ô. Trump lên án cả hai phe biểu tình và phản biểu tình. Hội Quốc Gia Thăng Tiến Những Người Da Mầu (National Association for the Advancement of Colored People – NAACP) đã yêu cầu Tổng Thống Trump cách chức Ô. Bannon. Vì sự phẫn nộ của dân, Nhà Trắng đã phải nhượng bộ và buộc lòng để Ô. Bannon từ chức.

Phục hồi chính sách di dân đầu thế kỷ XX
Chính sách di dân của Hoa Kỳ hiện nay phần lớn đặt căn bản trên Đạo Luật Di Dân và Quốc Tịch 1965 (Immigrantion and Nationlity Act of 1965) bắt đầu có hiệu lực từ 1968. Theo đó, hạn ngạch di dân dựa trên quốc tịch gốc (national origin quota) được bải bỏ. Thay vào đó, luật mới ấn định số di dân cho mỗi nước không phân biệt sắc tộc và quốc tịch. Ngoài ra, luật mới còn cấp thị thực nhập cảnh (entry visa) cho những người có kỹ năng chuyên môn hoặc liên hệ gia đình với những người có quốc tịch hay thường trú trên đất Mỹ.

Dĩ nhiên, những thành phần thượng đẳng da trắng trong nội các của Trump chủ trương dân túy không thể chấp nhận Đạo Luật 1965. Họ muốn trở lại những luật di dân cũ bao gồm Đạo Luật 1882 Loại Trừ Người Trung Quốc (1882 Chinese Exclusion Act), Đạo Luật Di Dân 1907 (Immigration Act of 1907), và Đạo Luật Di Dân 1917 nhắm loại trừ người Á châu (Immigration Act of 1917). Cả ba đạo luật này được hợp nhất lại thành Đạo Luật Di Dân 1924 (Immigration Act of 1924).

Đạo Luật Di Dân 1924 gồm hai phần: (1) Đạo Luật Quốc Tịch Gốc (National Origins Act) và Đạo Luật Loại Trừ Người Á Châu (Asian Exclusion Act). Đạo Luật 1924 hạn chế số di dân từ mỗi nước bằng 2% số người cũng từ nước này đã sinh sống ở Hoa Kỳ theo cuộc điều tra dân số 1890. Chế độ hạn ngạch (quota) này ưu đãi di dân từ Bắc Âu và Tây Âu như Anh, Ái Nhĩ Lan, Đức và các nước thuộc vùng Scandinavia như Na Uy, Thụy Điển, Phần Lan, Iceland và Đan Mạch. Kết quả là 87% số di dân thời đó đến từ Bắc Âu và Tây Âu. Di dân từ các nước Đông Âu kể cả Nga và Nam Âu bị hạn chế. Di dân từ Á châu hoàn toàn bị cấm. Trong Đệ Nhất Thế Chiến công nhân Mỹ Latin đặc biệt là Mexico, đã cung cấp nhân cộng cần thiết cho Hoa Kỳ trong kỹ nghệ quốc phòng và nông nghiệp, nên Đạo Luật 1924 không hạn chế di dân từ những quốc gia Mỹ Latin.

Quốc Hội Hoa Kỳ đã nhanh chóng phê chuẩn Đạo Luật 1924 và Tổng Thống Calvin Coolidge đã ký thành luật vào 15-5-1924. Đạo Luật 1924 nhắm vào một số mục tiêu khác nhau như muốn hạn chế nạn thất nghiệp do tình trạng kinh tế trì trệ sau Thế Chiến I. Nghiệp đoàn lao động của Hoa Kỳ lo sợ “nhân công rẻ tiền” từ các nước Đông Âu. Mục tiêu quan trọng nhất là Hoa Kỳ muốn duy trì tình đồng nhất sắc tộc. Và đây cũng là mục tiêu của những thành phần cực hữu trong chánh quyền Trump. Do đó, họ muốn hủy bỏ Đạo Luật Di Dân 1965 và phục hồi Đạo Luật 1924 hoặc đi xa hơn nữa là loại bỏ tất cả những người da mầu ra khỏi nước Mỹ.

Kết quả
Trong kỳ bầu cử giữa nhiệm kỳ 2016, người dân Hoa Kỳ đã bầu ra một quốc hội đa dạng nhất, có một không hai trong lịch sử với số 127 phụ nữ đông nhất từ trước đấn nay. Quốc Hội 116 đạt được 10 cái nhất nổi tiếng: (1) Lần đầu tiên có hai phụ nữ bản xứ da đỏ; (2) Một bà mẹ LGBTQ; (3) Một phụ nữ trẻ nhất; (4) Hai phụ nữ Hồi giáo; (5) 47 phụ nữ da mầu; (6) Hai phụ nữ Mỹ Latin đại diện Texas; (7) Phụ nữ da đen trẻ nhất; (8) Phụ nữ sinh tại Nam Mỹ; (9) Phụ nữ tị nạn và chít khăn hijab; (10) Nhiều phụ nữ đầu tiên (42) trở thành dân biểu và nhiều phụ nữ nhất (127) trong quốc hội.

Lựa chọn của người dân Hoa Kỳ đã đưa đến một quốc hội đa dạng đại diện nhiều sắc tộc khác nhau hoàn toàn trái ngược với sự mong ước của những thành phần cực hữu, da trắng thượng đẳng trong chính quyền Trump. Nhóm người này thật sự đi ngược với trào lưu văn minh của nhân loại và không được đa số dân Hoa Kỳ ủng hộ. Tuy nhiên, những hành động kỳ thị chủng tộc của họ sẽ tiếp tục phân hóa xã hội và làm hại đến thanh danh của quốc gia Hoa Kỳ.







No comments:

Post a Comment