Friday, January 25, 2019

LÁ CỜ TỔ QUỐC (Bùi Bích Hà)




Bùi Bích Hà
January 23, 2019

Một người bạn vừa có nhã ý gởi cho tôi cuốn lịch có chủ đề “Vinh Danh Cờ Vàng mừng Xuân Kỷ Hợi 2019,” do nhóm Vinh Danh Cờ Vàng Việt Nam tại Hòa Lan thực hiện.

Nữ sinh với lá cờ tổ quốc Việt Nam. (Hình: Dân Huỳnh/Người Việt)

Hòa Lan là tên gọi như tôi thường đọc, viết và học về nước Hòa Lan thời đi học trong các giờ địa lý, phiên âm từ các chữ Hollande (Pháp Ngữ) hay Holland (Anh Ngữ) không hề là Hà Lan theo cách viết/đọc/học về đất nước này thời xã hội chủ nghĩa.

Như vậy, nhóm Vinh Danh Cờ Vàng đích thật là những đồng hương như tôi, chấp nhận lưu vong vì không chấp nhận Cộng Sản, xa mặt nhưng không xa lòng, ở đâu, lúc nào, vẫn nhớ về mảnh đất phía Nam sông Bến Hải, một phần lãnh thổ bị chia cắt năm 1954 rồi đứt đoạn năm 1975.

Vậy, hai chữ Hòa Lan in trên trang bìa cuốn lịch là dấu hiệu để chúng tôi nhận ra nhau với tấc lòng bồi hồi xúc cảm, biết rằng dù không gian bao xa, thời gian bao lâu, đó đây chúng tôi vẫn còn nhau và cùng nhìn về hướng quê nhà.

Một năm có 12 tháng, là 12 dịp để lá cờ tổ quốc Việt Nam tung bay dưới mọi gầm trời.
*Tháng Giêng, cuộc diễn hành được ống kính của người nghệ sĩ nặng tình sông núi ghi lại vào ngày Quốc Khánh của Úc, 26 Tháng Giêng, 2018. Các thiếu nữ Việt Nam tha thướt áo dài màu vàng, hoa hướng dương rực rỡ trên tay, quần xanh màu lục biếc, cùng đồng hương rước cờ đi thành hàng ngũ qua con phố bỗng nhiên bừng sáng trong những ngày đầu năm, cả quốc kỳ và lòng người cùng reo vui niềm hy vọng mới. “Lòng em như hoa hướng dương/ Trăm nghìn đổ lại một phương mặt trời…” (Thơ Nguyễn Bính)

*Tháng Hai, cờ tổ quốc phơi phới bay trong cuộc diễn hành Tết Mậu Tuất, 17 Tháng Hai, 2018, trên đại lộ Bolsa, con đường xương sống của thủ đô tị nạn Little Saigon, nay có phố Trần Hưng Đạo, là địa điểm hẹn hò của bằng hữu gần xa tìm nhau giữa một khu thương mại sầm uất với đủ loại bảng hiệu viết bằng tiếng Việt.

Đi về phía Nam chừng hơn một dặm, có tượng đài Vua Quang Trung và con đường rẽ vào dãy hàng quán phía sau mang tên Đại Đế Quang Trung. Nhà thơ Mai Thảo thuở sinh tiền đã tiên cảm mà viết câu “Ta thấy tên ta những bảng đường…” Các em nữ sinh trong đoàn rước cờ trang trọng với tà áo dài trắng, các em nam sinh sơ mi trắng, quần đen, gợi nhắc những sân trường xưa một thời tuổi trẻ của cha anh rộn rã, xanh tươi mộng ước lấp trời vá biển.

*Tháng Ba, ngày 10 Tháng Sáu, 2018, cộng đồng người Việt di tản ở Hòa Lan biểu tình tại La Haye, chống Việt Cộng bán nước cho Tàu Cộng, cờ tổ quốc lồng lộng chen lẫn quốc kỳ Hòa Lan cùng diễn hành để bày tỏ tâm tình của người dân Việt yêu quê cha đất mẹ, nguyện một lòng gìn giữ từng mảnh giang sơn tiền nhân đã tạo dựng và lưu lại cho con cháu đời sau. Cuộc biểu tình không một chút hình thức phô diễn, gồm một số người ít ỏi với y phục sinh hoạt thường ngày cho thấy tấm chân tình mộc mạc của người tham dự, hồn nhiên như hơi thở.

*Tháng Tư, ngày 30 Tháng Tư, 2018, lễ chào cờ VNCH diễn ra tại Quốc Hội Ottawa, Canada, với nghi thức hết sức trang trọng, khiến người xem không thể không thấy niềm tự hào dâng ngập lòng. Phụ nữ nhiều lứa tuổi mặc áo dài vàng, quần trắng, dải băng-rôn cờ tổ quốc nền vàng ba sọc đỏ vắt xéo một bên vai, rước đại kỳ VNCH. Một số các bạn gái mặc âu phục đen, nam giới áo vét đen tề chỉnh, cổ quàng khăn hình thể và màu sắc của lá cờ VNCH thu nhỏ, rước quốc kỳ Canada, là hình ảnh phản chiếu rõ nhất sự hội nhập thành công nhưng không đánh mất căn tính của cộng đồng tị nạn người Việt định cư tại xứ sở rừng phong này.

*Tháng Năm, tại Geneva, Thụy Sĩ, trong cuộc biểu tình chống Trung Cộng trước trụ sở Liên Hiệp Quốc ngày 6 Tháng Mười Một, 2018, một nhóm nhỏ đồng hương của chúng ta cầm cờ VNCH, cờ Anh Quốc, cờ Thụy Sĩ, mạnh mẽ bày tỏ quan điểm chính trị đòi hỏi một nước Việt Nam tôn trọng tự do, độc lập và nhân quyền. Khác với một cộng đồng đông đảo mà người tham gia ít, một cộng đồng nhỏ mà hầu như tất cả tự nguyện xuống đường, hiện tượng này tự nó khơi gợi nơi những ai chứng kiến một niềm cảm khái khôn cùng, tựa như ngọn bấc trong đĩa dầu vơi vẫn cố sáng và nở ra những hoa đèn, không hẹn giờ tàn lụi.

*Tháng Sáu, trong cuộc biểu tình ngày 10 Tháng Sáu, 2018, của người Việt tị nạn Cộng Sản tại Toronto, Canada, cờ VNCH và cờ Canada bên cạnh nhau, cùng cất tiếng chống lại ý đồ xâm thực dã man của Tàu Cộng trên lãnh thổ Việt Nam. Các biểu ngữ viết bằng tiếng Anh bày tỏ thái độ căm phẫn của cộng đồng người Việt sống xa quê hương, dù cánh tay không thể với qua đại dương nhưng không vì vậy mà không cùng tâm sự buồn đau với người ở lại. “Formosa & Red China get out of VietNam.” Cũng như nhóm người Việt biểu tình tại Hòa Lan, các đồng hương tham gia biểu tình tại Toronto không câu nệ hình thức nên mặc y phục hằng ngày, trong một tập hợp tự nhiên, xem như việc phản kháng những điều sai trái cũng thường hằng chẳng khác những sinh hoạt khác trong đời họ.

*Tháng Bảy, không biết trời Hòa Lan có mưa ngâu không mà cả một rừng người nhiều chủng tộc đi như suối chảy trong bốn ngày đi bộ quốc tế tại Nijmegen từ 17 đến 20 Tháng Bảy, 2018. Đoàn người Việt cầm cờ tổ quốc đi những bước chân vui trong nắng Hè chan chứa. Dường như lá cờ là nhân chứng thiêng liêng cho mọi tâm sự buồn vui của đám công dân tản lạc khắp bốn phương trời. Bất cứ ở đâu, trong tình huống nào, những đứa con xa bầy trong bão giông thời cuộc luôn nhớ về một dấu mốc chung để nhận ra nhau, quây quần bên nhau, thương yêu vẫy cờ như vẫy tay qua ngàn trùng sông núi, gọi tên bà mẹ sầu bi bên kia bờ biển rộng, nói với bà rằng “Mẹ Việt Nam ơi, chúng con vẫn còn đây…”

Lá cờ tổ quốc Việt Nam từng lẫm liệt trường tồn qua bao nhiêu lớp sóng… (Hình: Dân Huỳnh/Người Việt)

*Tháng Tám, cộng đồng người Việt tị nạn Cộng Sản khắp nơi rung chuyển vì tin những đặc khu kinh tế trong nước nghiễm nhiên thành hình vô tội vạ, được coi là một hình thức nhượng địa cho Tàu Cộng, người dân bị xua đuổi, bị cấm tiệt hay trở thành nô lệ ngay trên chính phần đất tổ tiên để lại nhằm đổi lấy không chỉ sự an thân nhục nhã của riêng giới lãnh đạo mà còn để chúng tiếp tục giàu có trên nỗi đau tan nhà nát cửa của người dân bị tước đoạt mọi quyền sống như một con người. Ngày 7 Tháng Bảy, 2018, những lá cờ tổ quốc Việt Nam tung bay với một nhóm nhỏ thôi, là chút tự do chắt chiu đầy cảm xúc của những công dân Việt Nam lưu vong trước tiền đình quốc hội Đức (?) dưới bầu trời Berlin qua thời Nam Bắc phân tranh, tố cáo trước công luận quốc tế hành vi bán nước của một chính quyền vô luân đang cưỡng chiếm quê hương họ.

*Tháng Chín ngày 30, 2018, ở Paris, cuộc biểu tình không quy tụ nhiều người nhưng là tiếng kêu thống thiết của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam thống nhất Âu Châu dưới bóng quốc kỳ Việt Nam, nói với lương tri thế giới rằng chưa ở đâu có một Đức Tăng Thống bị cầm tù hàng thập kỷ như trong thời pháp nạn đang xảy ra ở đất nước họ; chưa ở đâu tôn giáo bị ô nhiễm và người tín đồ bị bách hại nhiều cách như ở quê hương bị xích hóa của họ.

*Tháng Mười, ngày 7 Tháng Bảy, 2018, ở Canberra, Úc, trời vẫn còn lạnh, đêm biểu tình của người Việt tị nạn Cộng Sản ấm hơi nhau trong áo dạ, mũ len, khăn quàng, diễn ra với một rừng cờ VNCH vàng rực xen lẫn cờ Anh Quốc, gởi ra quốc tế và gởi về quốc nội  mối quan hoài của thêm một cộng đồng lưu xứ không ngừng cất tiếng vì nhiều oan khuất của quê hương. Dẫu là vô vọng, rồi cũng tan vào hư không nhưng bao lâu hai lá phổi trong xác thân mỗi con người còn thở, hơi thở ấy vẫn là dấu hiệu của sự sống huyền diệu và không hề vô ích.

*Tháng Mười Một, ngày 10 Tháng Sáu, 2018, tại Frankfurt, Đức Quốc, một nhóm cư dân người Việt ở đây cũng hòa điệu cùng đồng hương lưu vong khắp nơi, biểu tình chống chính quyền Việt Cộng bán nước. Cờ quốc gia VNCH lại tung bay ở cái góc địa cầu xa xôi này, là hình ảnh một phần của cuộc di tản khốc liệt từ khước chế độ Cộng Sản trước sau chưa từng thấy trong lịch sử nhân loại.

*Tháng Mười Hai, ngày 1 Tháng Tám, 2018, phải nói là một ân sủng đặc biệt với ông Nguyễn Văn Rị khi ông có cơ hội trao choàng cờ quốc gia VNCH lên vai Đức Giáo Hoàng Francis lúc ngài đi giữa hai hàng tín đồ vươn tay xin ơn tại đại thánh đường Phao Lồ VI, La Mã. Tỷ phú Hoa Kỳ Donald Trump khi tranh cử, khi đắc cử tổng thống năm 2016, thề hứa sẽ luôn luôn bảo vệ nước Mỹ và, để làm được điều này, ngoài niềm tin sắt đá vào sự trung thành với tổ quốc của mình (cho dù nguồn gốc ông là con của cái của những người di dân) ông đã khiêm cung và thành khẩn xin Thiên Chúa giúp ông: “God, help me.”

Không biết khi nuôi ý định trao choàng lá cờ tổ quốc Việt Nam cho đấng chủ chăn, ông Rị có gởi theo ước nguyện nào không nhưng tự lá cờ là kết tụ tinh hoa và máu xương của biết bao anh hùng tử sĩ, của biết bao thường dân lớn lên nhờ thóc gạo quê hương đã đem thân đền nợ nước, tự lá cờ cũng đã đủ linh thiêng để nguyện cầu.

Tất cả những đốm lửa âm ỷ của tình yêu nước trôi dạt khắp nơi cùng với người di tản, gom lại theo thời gian, nhóm lên, trong nâng niu, gìn giữ, không bao giờ tàn lụi, vững bền cùng bước chân đi tìm sinh lộ của con dân Việt Nam qua thời bĩ cực, là những tín hiệu ấm áp chờ dịp cháy lên và gửi cho nhau bằng lá cờ tổ quốc: “Của tin còn một chút này…” (Nguyễn Du).

Xin vô vàn cảm tạ sáng kiến làm lịch 2019 với hình ảnh lá cờ tổ quốc của nhóm Vinh Danh Cờ Vàng Việt Nam tại Hòa Lan, cùng nhắc nhở nhau món nợ quê nhà cần thanh thỏa.

Thế nhưng kẻ viết bài này không biết do đâu, từ lúc nào, vì ai mà lá cờ tổ quốc bị gọi vắn tắt là “cờ vàng,” thường khiến bỉ nhân tôi cảm thấy buồn bã vì lá cờ rất linh thiêng và cao trọng với riêng mình, lại bị xếp ngang hàng với “cờ đỏ” của Cộng Sản, thậm chí “cờ đen,” “cờ vàng” của bè lũ tướng giặc đuôi sam như Lưu Vĩnh Phúc trong những trang sử tối tăm không ai muốn nhớ (*).

Xin hãy trả lại địa vị đúng nhất của lá cờ tổ quốc Việt Nam từng lẫm liệt trường tồn qua bao nhiêu lớp sóng phế hưng trên kỳ đài Ngọ Môn, Hoàng Thành Huế; từng oai hùng tung gió trên cổ thành Quảng Trị và nhiều chiến trường oanh liệt khác trong quân sử của một quân đội lừng lẫy chiến công trước khi bị thời thế xoay chiều bức tử.

Xin hãy lấy chút thời gian viết đủ, gọi đủ danh xưng của lá cờ tổ quốc hay cờ Việt Nam Cộng Hòa, là biểu tượng được suy tôn của một đất nước có lãnh thổ, có lịch sử, có thể chế, có quân đội và dân tộc thống nhất, có tên chính thức trên bản đồ thế giới nay tạm thời bị bạo quyền Cộng Sản xâm chiếm nhưng không vì thế mà bị xóa tên. Mong lắm thay! (Bùi Bích Hà)

------------
(*) Tòa soạn chú thích:

Giữa thế kỷ 19, ở bên Tàu có Hồng Tú Toàn nổi lên chống nhà Thanh (1849), khi bị dẹp tan (1863), một nhóm do Ngô Côn cầm đầu chạy qua Việt Nam, thành những đám thảo khấu. Tướng Ông Ích Khiêm đã giết được Ngô Côn, tại trận thành Bắc Ninh (1870). Sách “Việt Nam Sử Lược” của Trần Trọng Kim, Quyển V, Chương IX kể rằng, “Ngô Con tuy chết, song còn những đồ đảng là Hoàng Sùng Anh, hiệu cờ vàng, Lưu Vĩnh Phúc, hiệu cờ đen, Lương Văn Lợi, hiệu cờ trắng, vẫn cứ quấy nhiễu…”

Trong Chương X, Trần Trọng Kim viết, “…Còn ở mạn Tuyên Quang thì có giặc cờ vàng nhũng nhiễu đã lâu… 1875 là năm Tự Đức thứ 28, tướng cờ vàng là Hoàng Sùng Anh đem quân về đóng ở… quan Tán tương quân vụ tỉnh Sơn Tây là Tôn Thất Thuyết về đánh một trận, bắt được Hoàng Sùng Anh… Giặc ấy từ đó tan dần.”

*






No comments:

Post a Comment