Friday, January 25, 2019

CÂU CHUYỆN CHINESE NEW YEAR hay LUNAR NEW YEAR (Nguyễn Đại Cồ Việt)




Nguyễn Đại Cồ Việt 阮大瞿
Posted on January 24, 2019 by editor

Tết là lễ hội truyền thống, không chỉ của riêng người Trung Quốc, mà còn là của Hàn Quốc hay Việt Nam nữa. 

Câu chuyện Chinese New Year hay Lunar New Year và vài suy nghĩ của một người dạy tiếng Trung Quốc

Ông đồ  (Nguồn: Trần Quang Đức)

Có người đề đạt lên Hội đồng thành phố Sydney (Úc), yêu cầu sử dụng ‟Lunar New Year”(1) (năm mới tính theo âm lịch) thay vì ‟Chinese New Year” (năm mới của người Trung Quốc) bởi vì các cộng đồng người Việt và người Hàn cũng đón lễ hội năm mới này. Tết là lễ hội truyền thống, không chỉ của riêng người Trung Quốc, mà còn là của Hàn Quốc hay Việt Nam nữa. Tôi ủng hộ ngay.

Câu chuyện dẫn đến một liên tưởng khác, về vấn đề ‟bài Hoa”, về thái độ quá khích trong cố gắng chối bỏ Trung Quốc.

Điều này gợi cảm hứng để tôi viết cái note này. Câu chuyện không đơn giản là một cái tên, mà liên quan thế nào đó đến phong trào bài Hoa đang rầm rộ. Mà tôi đang ở vị trí ‟nhạy cảm” là dạy tiếng Trung Quốc, những sinh viên của tôi chắc không ít người cũng hoang mang vì bị tác động bởi phong trào bài Hoa. Hoặc một số bạn bè của tôi, những người không liên quan đến tiếng Trung Quốc, thấy bối rối khi nhận thức về Việt Nam. Thực lòng tôi thấy buồn khi một số bạn tự ti về dân tộc đến vậy.

Trong note này, tôi sẽ nói mấy ý kiến cá nhân về những chuyện này:

1. Tại sao nên ủng hộ việc đổi Chinese New Year thành Lunar New Year
Tôi ủng hộ vì, đón Tết Nguyên Đán không phải là truyền thống của riêng người Trung Quốc, mà còn là truyền thống của người Việt Nam và người Hàn Quốc/ Triều Tiên nữa. (Tôi đồng ý với quan điểm của người đưa ra đề xuất trên lên Hội đồng thành phố Sydney.)

Tết Nguyên Đán có xuất xứ từ Trung Quốc. Nhưng cũng tất nhiên, đón Tết là một truyền thống của người Việt. Những người bài Hoa cuồng nhiệt nhất cũng không phản đối nó là truyền thống của người Việt. Cái họ cố gắng làm là chối bỏ xuất xứ Trung Quốc của nó, ta sẽ nói vấn đề này sau. Cái quan trọng là không ai phản đối Tết Nguyên Đán là truyền thống của người Việt.

Tôi không biết có thể hiểu, Chinese New Year, thành ‟năm mới có xuất xứ từ Trung Quốc” không? (Tương tự khi ta nói ‟đây là rượu Champagne” thì chữ Champagne là để chỉ xuất xứ ban đầu của thứ rượu ấy, chứ nó được sản xuất khắp nơi trên thế giới.) Nhưng tôi biết những cư dân nói tiếng Anh thành thạo ở Sydney cho rằng Chinese New Year sẽ khiến người ta nghĩ rằng đây là Năm mới CỦA (riêng) người Trung Quốc. Mà điều đó thì không đúng, cũng là truyền thống của chúng tôi nữa. Lunar New Year không gây ra sự hiểu nhầm nào, do đó diễn đạt như thế tốt hơn.

2. Vấn đề bài Hoa quá khích

2.1 Nguồn gốc của vấn đề bài Hoa

a. Bị chèn ép
Việt Nam và Trung Quốc là hai nước láng giềng, trong hàng nghìn năm lịch sử, hai nước thường xuyên có xung đột về biên giới lãnh thổ. Điểm lại một số cuộc chiến trong lịch sử thế này:

Âu Lạc An Dương Vương vs. Triệu Đà (Tần) (Thua. Mất nước. Nhưng tay họ Triệu sau đó lại cắt đất xưng Đế, mở nước Nam Việt, đối lập với chính quyền phương Bắc, nên các sử gia phong kiến lại coi ông này như một vị vua nước Việt. Đại cáo bình Ngô kể: từ Triệu, Đinh, Lý, Trần xây nền độc lập, cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên mỗi bên xưng đế một phương.)

Nam Việt Triệu Đà vs. Hán (Thua. Mất nước)

Tiền Lý (Lý Nam Đế) vs. Lương (Thua. Mất chính quyền)

Tiền Lê (Lê Hoàn) vs. Tống (Thắng. Giữ được nước)

Lý vs. Tống (Thắng. Giữ được nước)

Trần vs. Nguyên (ba lần) (Thắng. Giữ được nước)

Hồ vs. Minh (Thua. Mất nước)

Hậu Lê (Lê Lợi) vs. Minh (Thắng. Đuổi được giặc về, xây dựng chính quyền)

Nguyễn Tây Sơn (Nguyễn Huệ) vs. Thanh (Thắng. Đuổi được giặc về)

Việt Nam Cộng Hòa vs. TQ (1974) (Thua. Mất Hoàng Sa)

Cộng hòa xã hội chủ nghĩa VN vs. TQ (1979, 1988) (1979, Thắng hay Thua? Chỉ biết mất một ít lãnh thổ vùng biên giới. 1988, Thua. Không giữ được Gạc Ma – Trường Sa)

Điểm lại để thấy, từ Hán, Lương, Tống, Nguyên, Minh, Thanh, Trung Quốc mới, không đời nào không có chiến tranh xung đột. VN luôn ở thế yếu hơn, tức là thua thì mất đất, thậm chí mất nước, thắng thì giữ được nước, nhưng phải chủ động sang xin hòa hiếu. Ngay ở thời điểm này, vẫn luôn bất an về một cuộc chiến chưa biết khi nào sẽ xảy ra trên biển Đông.

Trên các phương diện khác, như chính trị, kinh tế, văn hóa… chỗ nào cũng thấy cái bóng đồ sộ của Trung Quốc đè xuống.

Cảm giác bị chèn ép nảy sinh tâm lý bài Hoa ở một số người. Tâm lý này ngày càng bị thúc đẩy cho nặng thêm. Nó trở thành thứ bài Hoa quá khích, tức là bài lung tung, cái gì cũng chối bỏ liên hệ, hoặc nhận về là của mình một cách vô lối. Đó là biểu hiện của tư tưởng tự ti dân tộc, bị ám ảnh bởi sự ‟thấp kém” của dân tộc, chứ không phải yêu nước.

b. Từ đồng văn thành dị văn
Một yếu tố lâu nay ít được nhắc đến, nhưng nếu thiếu nó thì tâm lý bài Hoa quá khích không có cơ hội phát triển như hiện nay. Đó là việc chuyển từ sử dụng chữ Hán sang dùng chữ Quốc Ngữ(*)

Tôi không nghĩ Nguyễn Du cảm thấy việc mượn cốt truyện của Thanh Tâm Tài Nhân (TQ) diễn lại thành Truyện Kiều có gì đó không ổn. Tôi không nghĩ việc truyện Kiều trở nên phổ biến trong lòng người Việt, được tôn xưng là kiệt tác văn chương của Việt, lại có điều gì đó không ổn. Cốt truyện là của TQ đấy, những câu văn chương bóng bảy như ‟trước sau nào thấy bóng người, hoa đào năm ngoái còn cười gió đông” là mượn ý thơ của TQ đấy, với những người Việt xưa, điều đó không sao cả. Rất hay là đằng khác. Nói Nguyễn Du là gần, xa hơn nữa thì:

‟Ta thường nghe: Kỷ Tín đem mình chết thay, cứu thoát cho Cao Đế; Do Vu chìa lưng chịu giáo, che chở cho Chiêu Vương; Dự Nhượng nuốt than, báo thù cho chủ; Thân Khoái chặt tay để cứu nạn cho nước. Kính Đức một chàng tuổi trẻ, thân phò Thái Tông thoát khỏi vòng vây Thế Sung; Cảo Khanh một bầy tôi xa, miệng mắng Lộc Sơn, không theo mưu kế nghịch tặc. Từ xưa các bậc trung thần nghĩa sĩ, bỏ mình vì nước, đời nào chẳng có?”

Đấy là hai câu mở đầu trong Hịch tướng sĩ. Các ‟bậc trung thần nghĩa sĩ” được Trần Quốc Tuấn liệt kê, đều người bên Tàu cả. Vương chắc chắn không cấn cá gì khi dùng tấm gương của Tàu mang cho tướng sĩ Việt soi. Bởi trong tâm thức của những bậc ấy, chữ Hán là tài sản chung, văn hóa Hán là tài sản chung. Việt Nam và Trung Quốc là những nước đồng văn. Thậm chí, khi TQ bị chiếm lĩnh bởi rợ Hồ (Nguyên, Thanh), chính Việt Nam tự xưng mình là Hoa (rực rỡ), là đại diện của văn hóa Trung Hoa thuần khiết.

Chuyển sang dùng chữ Quốc ngữ, chấm dứt giai đoạn đồng văn giữa Trung Quốc và Việt Nam, ý thức về sự khác biệt giữa Việt Nam và Trung Quốc bị đẩy lên. Người ta cố gắng ‟thoát Hoa”, thoát càng nhiều càng tốt, càng triệt để càng hay. Đến nỗi bây giờ, người ta có thể bình luận về một bộ phim cổ trang một cách nhẹ tênh như thế này: áo mão gì như thế, giống Trung Quốc thế là không phải Việt Nam rồi.

Ở thời đại đồng văn, giống Trung Quốc thế, là một lời khen.

Ở thời đại dị văn, giống Trung Quốc thế, là một nhận xét có phần soi mói, hàm ý chê bai.

2.2 Chối bỏ liên hệ, cưỡng từ đoạt lý
Những người mang tâm lý bài Hoa nặng nề rất bối rối khi nhìn về văn hóa Việt lại có quá nhiều bóng dáng Trung Hoa.

Phản ứng đầu tiên là từ chối: Giống Tàu như thế, đâu phải Việt Nam. Của Việt Nam phải khác chứ. Tết Nguyên Đán ư, đâu phải của Tàu đâu, người Việt có sử dụng lịch âm của Tàu, nhưng Tết là Tết Việt chứ…Một số người khác: hay là bỏ quách Tết đi nhỉ, gộp chung với Tết Tây cho thế giới đại đồng.

Nhưng đâu có chỉ một mình Tết Nguyên Đán đâu. Còn bao nhiêu ngày lễ trong năm: Thượng Nguyên, Tảo mộ, Hàn thực, Đoan Ngọ, Vu Lan, Trung Thu, cúng ông Công ông Táo… chả nhẽ lại chối hết, bỏ hết?

Mà ảnh hưởng của văn hóa Trung Hoa thì đâu chỉ có mỗi lễ hội. Đơn cử văn hóa họ tên của người Việt là nhập từ Trung Quốc sang. Các họ: Đinh, Lê, Lý, Trần, Hồ, Nguyễn… đều là Trung Quốc cả. Chối nữa? Chối rồi thì rường mối văn hóa Việt Nam là dòng họ cũng tan nát cả.

Phản ứng thứ hai thâm trầm hơn, là biến văn hóa Trung Hoa thành ‟gốc Việt”. Các cơ sở của văn hóa Trung Hoa như lịch pháp, âm dương, ngũ hành vân vân hóa ra đều do người Việt sáng tạo cả.

Vâng, nếu người Việt có khả năng sáng tạo ra những cái đó, không lẽ gì không sáng tạo ra chữ viết để lưu truyền tri thức lại cho hậu thế cả. Thực tế thì, chỉ những trung tâm văn minh lớn của thế giới mới sáng tạo ra chữ viết cho riêng mình, như Lưỡng Hà, Ai Cập, Ấn Độ, Trung Quốc. Ngụy biện chúng ta bị mất đi chữ viết riêng ư? Không có nhẽ cứ bị chinh phục là mất hết sao? Văn minh Su-me, văn minh Lưỡng Hà bị tiêu diệt, nhưng chữ viết của họ vẫn còn đấy thôi. Vả nữa, người Hán có thể dùng võ lực để chinh phục phương Nam, nhưng nếu kẻ đi chinh phục ở một trình độ phát triển văn hóa thấp hơn kẻ bị chinh phục, ắt sẽ bị nền văn hóa cao hơn đồng hóa ngược lại. Nhà Nguyên nhà Thanh là những ví dụ điển hình. Người Mãn Thanh có ngôn ngữ, có chữ viết, nhưng vẫn bị khuất phục bởi nền văn hóa Trung Hoa, đến mức đánh mất chính ngôn ngữ của dân tộc mình. Lịch sử Việt Nam không cho phép ta tưởng tượng chúng ta đã ‟đồng hóa” người Hán như thế nào.

Phản ứng thứ ba: người Trung Hoa là hậu duệ của người Việt. Lý do là có thuyết ‟Ra khỏi châu Phi” (out of Africa), cho rằng tổ tiên loài người rời khỏi châu Phi, một nhánh đi sang tiểu lục địa Ấn Độ, rồi qua Đông Nam châu Á, men theo đường biển đến Việt Nam rồi ngược tiếp lên phía Bắc đến Tàu, rồi tỏa đi tiếp. Suy ra, ‟tiếng Việt” có trước mới đến tiếng Tàu. Suy ra tiếp…

Tôi không muốn bàn thêm về điều này, cứ suy ra như vậy thì đừng nói văn hóa Việt hay văn hóa Trung Hoa, nguồn gốc của mọi nền văn minh trên thế giới đều từ rừng rậm ở châu Phi ra cả.

Với những con người ‟bài Hoa” chỉ vì ghét, bất chấp tất cả ấy, tôi không muốn nhắc đến nữa. Song, cũng thấy hơi lo lo, một ngày nào đó, họ đòi lôi cả Hưng Đạo Vương ra hạch tội vì đã trót ‟dùng hàng Tàu” thì sao nhỉ?

3. Nhận thức về ‟tự hào dân tộc”

Thừa nhận trong văn hóa truyền thống của người Việt có nhiều thành tố có nguồn gốc từ văn hóa Trung Hoa, thừa nhận trong ngôn ngữ Việt có nhiều yếu tố là ngôn ngữ Trung Hoa, tôi không cảm thấy đó là điều đáng phải chối bỏ. Ngược lại, tôi thấy tự hào.

Người Tàu có 1000 năm để đồng hóa chúng ta, và họ thất bại. Đó là điều hiếm có trên thế giới. Hãy so sánh thế này, tương đương với thời điểm Triệu Đà xâm lược Âu Lạc của An Dương Vương, Caesar chinh phục xứ Gaul (Gô-loa) (năm 59 TCN). Nhưng đến giờ thì tiếng Việt vẫn là tiếng Việt, cho dù nó vay mượn nhiều cỡ nào từ tiếng Hán, thì về bản chất nó không phải là một nhánh nào đó của tiếng Hán. Còn cư dân vùng Gaul đang nói một ngôn ngữ ngành Roman- tiếng Pháp, tức là đã bị La mã hóa triệt để. Tiếng bản địa xứ Gaul chỉ còn lưu vết tích ở một vài tên địa danh. Hãy so sánh với người Mãn Thanh, dù đủ sức mạnh quân sự để chinh phục cả Trung Quốc, nhưng lại bị đồng hóa đến mức mất cả ngôn ngữ, chỉ sau có ba trăm năm. Để cưỡng lại được sự đồng hóa từ phía người Tàu, thì chỉ có thể bởi, dân tộc này thực sự bền bỉ, và có một nền văn hóa bản địa đủ mạnh để chống lại việc bị chinh phục.

Nền văn hóa bản địa rất mạnh đó là gì, rất khó nói. Nhưng nhìn vào việc dân tộc ‟chiếm” những yếu tố văn hóa- ngôn ngữ của Trung Quốc về làm của riêng, tôi thấy nó là một thứ văn hóa mang tính NỮ.

Giống như một cô gái lấy chồng, thì, tài sản của chồng là của mình, tài sản của mình vẫn là của mình.

4. Tóm lại

Happy Lunar New year 2019, Year of pig | Mừng Năm mới Kỷ Hợi 2019. Nguồn: OntheNet/DCVOnline

Tôi ủng hộ việc đổi Chinese New Year thành Lunar New Year. Nhưng tuyệt đối không nên gắn điều này với phong trào bài Hoa. Nói cho cùng, bài Hoa quá khích là biểu hiện của sự tự ti dân tộc. Chúng ta không cần làm như vậy. Của anh à? Tôi lấy về nhà tôi đấy, ý kiến gì? Thái độ cứ phải bá đạo như vậy.

Còn chuyện bị chèn ép và bài Hoa như một hình thức chống lại sự chèn ép đó. Cứ nhìn vào lịch sử, trong khi chia sẻ văn tự và văn hóa chung với người Hán, tổ tiên ta vẫn giữ nước rất tốt. Chúng ta cũng có thể làm được như vậy. Không phải lo.

Nhân hứng mà viết, không đầu không đuôi, chắc có nhiều chỗ không đúng. Nhưng nếu có ý kiến khác về vấn đề này, tôi xin phép lắng nghe mà không tranh luận.

Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc Thể lệ “trích đăng lại bài từ DCVOnline.net”


Nguồn: Câu chuyện Chinese New Year hay Lunar New Year và vài suy nghĩ của một người dạy tiếng Trung Quốc. Nguyễn Đại Cồ Việt 阮大瞿越. Facebook, February 5, 2014. Đăng lần đâu trên DCVOnline ngày 05/02/2014.

(*) Câu này thuần túy miêu tả sự thay đổi của thời đại. Nếu nói nhận xét gì về điều này thì, chuyển sang dùng chữ Quốc Ngữ là sáng suốt, đoạn tuyệt hoàn toàn với chữ Hán (như hệ thống giáo dục Việt Nam hiện nay đang làm) là không nên. Nhìn sang Hàn Quốc, đã từng một thời bỏ chữ Hán ra khỏi giáo dục, nay lại khôi phục, yêu cầu học sinh tốt nghiệp trung học phải nhận biết khoảng 1800 chữ Hán. Chúng ta thì sao?

DCVOnline: (1) Không riêng gì ở Sydney (Úc), đã có những yêu cầu dùng ‟Lunar New Year” thay vì ‟Chinese New Year” từ nhiều năm nay ở Mỹ, Canada và nhiều nơi khác. Xem thêm:
– It’s Lunar New Year, not Chinese New Year – The Star-Ledger. By Yeomin Yoon. NJ. USA.
– Lunar or Chinese New Year? By Long Hoang, Temple City, CA. USA.





No comments:

Post a Comment