Sunday, January 27, 2019

BIỂN ĐÔNG TRONG NĂM 2019 (tổng hợp)




26/01/2019

Trung Quốc sẽ phản ứng quyết liệt hơn để ngăn các nước tuần tra vì tự do hàng hải trên Biển Đông, có thể có va chạm nhỏ giữa các nước tranh chấp và leo thang thành sự cố lớn trong khi mặt trận đàm phán vẫn hết sức cam go và mối quan hệ đồng minh Mỹ-Philippines đang đứng trước thời điểm thử thách.

Những dự đoán của các chuyên gia về chính trị quốc tế Mỹ cho năm 2019 được đưa ra trong khuôn khổ hội thảo thường niên nhan đề ‘Dự báo Châu Á năm 2019’ được tổ chức ở Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (CSIS) tại thủ đô Washington, Mỹ, hôm 23/1. Các học giả hàng đầu của CSIS đã đưa ra những phân tích và dự đoán về tình hình Bắc Triều Tiên, Biển Đông và chiến tranh thương mại Trung-Mỹ.

Thực lòng đàm phán?

Về khả năng xảy ra sự cố trên Biển Đông, ông Gregory Poling, giám đốc Chương trình Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á (AMTI), nhắc đến các cuộc tuần tra tự do hàng hải (gọi tắt là FONOP) mà Mỹ và các nước đồng minh dồn dập thực hiện trong suốt năm 2018 như là một yếu tố tiềm năng gây ra sự cố.

Ông giải thích rằng Trung Quốc đang tức giận với sự tham gia của ngày càng nhiều nước phương Tây vào chiến dịch FONOP khi không chỉ có Mỹ mà còn có Anh, Pháp, Úc cũng thực hiện FONOP của riêng họ. Do đó, Bắc Kinh đang phản ứng quyết liệt hơn và liều lĩnh hơn trước.

“Trung Quốc nghĩ rằng họ có thể chiến thắng trên Biển Đông nếu họ giữ nó trong phạm vi tranh cãi song phương Trung-Mỹ,” ông Poling nói, “Nhưng nếu nó là vấn đề giữa Trung Quốc và cộng đồng quốc tế thì Trung Quốc sẽ khó mà chiến thắng hơn.”

Do đó, ông dự đoán trong thời gian tới Trung Quốc sẽ có hành động quyết liệt để khiến các nước đồng minh của Mỹ kiềm chế các hoạt động FONOP trên Biển Đông.

Về tiến trình ngoại giao, ông Poling chỉ ra rằng ‘không có tiến bộ gì nhiều’ mặc dù phía Trung Quốc đã tuyên bố đặt mục tiêu hoàn tất bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC), với các nước ASEAN trong thời gian ba năm.

Ông đưa ra dẫn chứng hồi tuần trước trong cuộc họp thường niên giữa Trung Quốc và Việt Nam về các vấn đề biên giới, Ngoại trưởng Việt Nam Phạm Bình Minh đã thể hiện sự bực dọc rõ ràng với tốc độ tiến triển chậm chạp của phía Trung Quốc trên hồ sơ COC.

“Họ (các bên đàm phán) đã bàn được 50% những vấn đề dễ dàng nhất nhưng họ thậm chí còn chưa bàn đến những vấn đề chủ chốt chẳng hạn như phạm vi địa lý của COC đến đâu, liệu nó có bao gồm Quần đảo Trường Sa hay bãi cạn Scarborough hay không, làm sao hiện thực hóa những vấn đề như quyền đánh bắt, dầu khí, cơ chế giải quyết tranh chấp,” ông Poling cho biết.

Đàm phán COC còn gặp một trở ngại lớn trong năm 2019 là nước giữ vai trò chủ tịch ASEAN và chịu trách nhiệm thúc đẩy cuộc đàm phán là Thái Lan sẽ bị ‘xao nhãng’ bởi cuộc tổng tuyển cử trong nước họ nên họ sẽ không tích cực và chủ động thúc đẩy đàm phán, ông Poling dự đoán.

Một nước khác đang giữ vai trò điều phối viên quan hệ với Trung Quốc là Philippines cũng ‘không hiệu quả’ trong việc nắm bắt ý đồ của Trung Quốc. Theo lời ông Poling thì không có gì mà Manila tuyên bố về ý định của Trung Quốc là đúng và Manila luôn nói những điều mà Trung Quốc không bao giờ thực hiện, chẳng hạn như bắt đầu tiến trình COC vào năm 2017 hay sẽ ký kết COC vào năm 2018.

‘COC khó khả thi’

“Điều đó đòi hỏi sự thay đổi rất nhiều trong chiến lược của các bên,” ông nhận định và đưa ra ví dụ về điều duy nhất mà Bắc Kinh sẽ quyết định là làm rõ về đường chín đoạn của họ trên Biển Đông và phạm vi của ‘chủ quyền lịch sử’ của họ như đòi hỏi của các bên.

Bắc Kinh lâu nay vẫn mập mờ về đường chín đoạn để họ có dư địa rộng rãi để hành động trên Biển Đông vì họ có thể tùy nghi giải thích theo ý họ muốn.

“Để làm được như vậy cần phải có áp lực rất rất nhiều của cộng đồng quốc tế để thuyết phục Trung Quốc rằng việc họ bị xem là kẻ đứng ngoài pháp luật ở Biển Đông sẽ hủy hoại tính chính đáng của họ như là một cường quốc đang nổi có trách nhiệm được tham gia vào việc xác lập luật lệ toàn cầu,” ông Poling nói.

Tuy nhiên, áp lực đó không hề có với việc ông Rodrigo Duterte lên làm Tổng thống Philippines và chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump chỉ tập trung vào vấn đề Bắc Triều Tiên và thương mại với Trung Quốc, cũng theo ông Poling

Trả lời câu hỏi của VOA liệu Bắc Kinh có thật sự nghiêm túc đàm phán COC để hướng tới một khu vực Biển Đông hòa bình và ổn định hay không khi họ đã công khai tuyên bố với thế giới về thời hạn chót trong ba năm, ông Poling cho là ‘có’.

“Đó chủ yếu bởi vì họ (Bắc Kinh) nghĩ rằng thời gian hiện giờ đã chín muồi để ép các nước đông nam Á có những nhượng bộ mà trước đây họ không chịu,” ông giải thích. “Bắc Kinh tin rằng Philippines giờ đây đã dễ bị nắm đầu hơn, họ cũng đang dùng đòn bẩy để ép Việt Nam và các nước khác như Indonesia chấp nhận một thỏa thuận dựa trên lập luận về sự thoái lui của Mỹ khỏi khu vực là không tránh khỏi và Trung Quốc chắc chắn sẽ thắng lợi trên Biển Đông để lôi kéo các nước đông nam Á đi theo Trung Quốc. Họ đang thuyết phục ông Duterte như vậy.”

Ông Poling cũng chỉ ra việc Trung Quốc quân sự hóa nhanh chóng Biển Đông trong năm qua đến mức hiện giờ họ đã có sự hiện diện luân phiên 24/7 của các tàu chiến của Hải quân và Tuần dương trên toàn bộ Biển Đông là bằng chứng cho thấy Trung Quốc không hề xem đàm phán là con đường duy nhất mà ‘đó là hành động của một nước chuẩn bị dùng vũ lực nếu các cuộc đàm phán thất bại’.

Đàm phán đa phương là thế, còn các cuộc đàm phán song phương thì theo ông Poling cũng không mấy sáng sủa. Ông dẫn ra chuyến thăm Manila của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hồi cuối năm ngoái khi hai bên ký bản ghi nhớ về hợp tác cùng khai thác thăm dò dầu khí và đặt ra khung thời gian để đạt được thỏa thuận chính thức vào tháng 11 năm nay.

“Nếu Trung Quốc thật sự sẵn sàng chấp nhận nguyên tắc của Philippines được ghi trong bản ghi nhớ rằng các công ty Trung Quốc đầu tư khai thác dầu khí phải tuân theo luật pháp Philippines và đóng thuế cho Philippines thì điều đó có nghĩa là Trung Quốc công nhận thềm lục địa của Philippines,” ông giải thích. “Tôi không thấy có bằng chứng nào cho thấy Trung Quốc sẽ có nhượng bộ như thế. Do đó, thời hạn chót này sẽ tiếp tục được đẩy lùi.”

Về việc Bắc Kinh có hành động cưỡng ép Hà Nội phải dừng thăm dò dầu khí trên Biển Đông trong năm 2017 và 2018, ông Poling cho rằng Việt Nam sẽ không chấp nhận mãi như vậy.
“Luôn luôn có khả năng một sự cố nhỏ giữa Việt Nam và Trung Quốc leo thang,” ông nói.

Đồng minh xích mích

Trong khi đó, mối quan hệ đồng minh có hiệp ước giữa Mỹ và Philippines vốn đã có trên 60 năm đang gặp rất nhiều khó khăn nhất là trước yêu cầu của Manila đòi Washington phải làm rõ cam kết của mình, nhất là trên Biển Đông.

Chính quyền Mỹ trước giờ vẫn rất miễn cưỡng trong việc đưa các tranh chấp lãnh thổ giữa Philippines và Trung Quốc vào phạm vi của Hiệp ước Phòng vệ tương hỗ (MDT) vốn yêu cầu Mỹ phải bảo vệ Philippines nếu họ bị tấn công do Washington không muốn dính vào một cuộc đối đầu quân sự với Bắc Kinh.

Bên cạnh đó, theo bà Amy Searight, giám đốc chương trình đông nam Á của CSIS thì chính quyền của ông Duterte ngày càng tỏ ý nghi ngờ về ý nghĩa của MDT đối với Philippines nhất là sau sự kiện Trung Quốc giành quyền kiểm soát bãi cạn Scarborough hồi năm 2012 mà Mỹ không có hành động gì để can thiệp.

Bà Searight cho biết ông Duterte đã nói rõ rằng ông không hào hứng với liên minh với Mỹ và đã nói về việc tách ra khỏi Mỹ.

Bà chỉ ra một loạt những tuyên bố nối tiếp nhau cho đến gần đây ở phía Philippines là đòi xem xét lại MDT với Mỹ và công khai chất vấn ý nghĩa của nó. Bà nói rằng ông Duterte sẽ xem việc rút ra khỏi hiệp ước mà ông xem là không còn ý nghĩa nữa là một lựa chọn.

“Bất chấp việc phía Mỹ tiếp tục bày tỏ cam kết sắt đá đối với quan hệ đồng minh với Philippines, phía Philippines muốn biết liệu Mỹ sẽ làm gì nếu họ rơi vào một cuộc xung đột ngày càng leo thang với Trung Quốc?” bà Searight nói.

Ông Poling nhận định rằng việc xem xét lại MDT cũng là một rủi ro tiềm tàng trên Biển Đông.

“Nếu Mỹ đưa ra một cam kết không đủ rõ ràng thì sẽ khiến Trung Quốc phiêu lưu trên Biển Đông,” ông nói.

Tuy nhiên, việc đưa ra cam kết rõ ràng với Manila sẽ khó khăn hơn khi Hạ viện đã rơi vào tay Đảng Dân chủ vốn rất quan ngại về những vi phạm nhân quyền của ông Duterte và không muốn ông Trump quá thân thiết với một nhà lãnh đạo độc tài như ông Duterte, theo nhận định của ông Michael J. Green, phó Giám đốc cao cấp phụ trách châu Á của CSIS.

Vai trò Mỹ-Nhật-Ấn-Úc

Về vai trò của nhóm Bộ Tứ bao gồm Mỹ, Nhật, Ấn, Úc mà chính quyền Trump đưa ra để thay thế cho chính sách tái cân bằng về châu Á-Thái Bình Dương của cựu Tổng thống Barack Obama, ông Richard M. Rossow, chuyên gia cao cấp về Ấn Độ của CSIS nói rằng vào lúc này mối bận tâm chủ yếu của New Delhi là lấy lại phạm vi ảnh hưởng ở khu vực của họ vốn đang rơi dần vào tay Trung Quốc.

“Do đó, xử lý các vấn đề ở Ấn Độ Dương hiện đang được Ấn Độ quan tâm nhiều trong khi các thành viên khác của Bộ Tứ lại quan tâm về Đông Á,” ông Rossow nói. “Đó là sự chia rẽ mà Bộ Tứ phải giải quyết.”

Bà Searight cho rằng các nước ASEAN không hào hứng gì về vai trò của Bộ Tứ trong các vấn đề an ninh khu vực bởi vì họ xem ‘nó được định hình giống như là nỗ lực để loại bỏ vai trò trung tâm của Asean’ và các nước ASEAN đang tìm kiếm sự đảm bảo rằng Bộ Tứ sẽ không có bất cứ sự cạnh tranh vai trò gì với các định chế mà ASEAN lãnh đạo.

Ngoài vấn đề an ninh ra thì ASEAN hoan nghênh vai trò của Bộ Tứ trong việc phát triển cơ sở hạ tầng vốn họ xem là một lựa chọn thay thế cho ‘Vành đai và Con đường’ của Trung Quốc, cũng theo bà Searight.

“Chỉ có Việt Nam là hoan nghênh vai trò lớn hơn của Bộ Tứ trong vấn đề an ninh,” bà nói.
Về khả năng các nước Asean sẽ bị lôi kéo nhiều hơn về quỹ đạo của Bắc Kinh trong năm 2019, bà Searight cho rằng bản thân Trung Quốc đang gặp rất nhiều ngờ vực xung quanh Sáng kiến Vành đai-Con đường của họ và những hành xử của Bắc Kinh tại hội nghị thượng đỉnh APEC ở Papua New Guinea càng khiến các nước trong khu vực bất mãn.

Bà đưa ra dẫn chứng ở Malaysia là sau khi chính quyền của Thủ tướng Mahathir Mohamad lên nắm quyền ông đã đàm phán lại những dự án Vành đai và Con đường với Trung Quốc mà chính phủ tiền nhiệm khởi xướng và phê phán những hành động hung hăng của Trung Quốc trên Biển Đông.

Thay vì Trung Quốc, bà Searight cho rằng các nước đông nam Á sẽ ‘xích lại gần hơn với Nhật Bản’ vì Nhật Bản đã can dự về kinh tế rất sâu trong khu vực và ngày càng tăng cường can dự về an ninh.

“Thủ tướng Shinzo Abe đã tăng cường hợp tác không chỉ về an ninh mà còn về các ý tưởng xây dựng cơ sở hạ tầng và đổ tiền nhiều hơn vào các dự án hạ tầng,” bà Searight cho biết.
Bà phân tích rằng với Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương Toàn diện và Tiến bộ (CPTPP) đi vào hiệu lực thì Việt Nam và Malaysia, những nước là thành viên của CPTPP, sẽ càng gắn kết với Nhật về kinh tế sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump đã từ bỏ CPP vốn là tiền thân của CPTPP.

Bên cạnh đó, việc ông Abe có mối quan hệ cá nhân tốt đẹp với tất cả các lãnh đạo các nước đông nam Á hơn bất cứ lãnh đạo các cường quốc nào khác cùng với việc ông Abe không mặn mà với vấn đề nhân quyền khiến nước Nhật của ông càng có ưu thế ở các nước đông nam Á, nhất là đối với các nước như Thái Lan và Myanmar vốn bị Mỹ và EU chỉ trích về nhân quyền.

Riêng về Campuchia, ông Gregory Poling bày tỏ quan ngại về khả năng Trung Quốc sẽ xây dựng căn cứ quân sự tại đây trong tương lai.

“Mặc dù Campuchia đã hết sức bác bỏ việc họ cho Trung Quốc xây căn cứ nhưng Campuchia vẫn thường phủ nhận rất nhiều điều mà sau đó thật sự đã xảy ra,” ông Poling cảnh báo.

“Nếu có nơi nào đó ở đông nam Á mà anh có thể hình dung quân đội Trung Quốc có sự hiện diện thì đó sẽ là Campuchia,” ông nói, “Tôi không cho rằng đó sẽ là căn cứ thường trực mà là sự hiện diện luân phiên của Trung Quốc.”

“Bắc Kinh không cần phải lo về sức ép của dư luận do những người xung quanh mà ông Hun Sen dựa vào tương đối nhỏ,” ông Poling nói. “Họ chỉ cần mua chuộc lãnh đạo là xong.”

------------------------------------

Phương Hiền
2019-01-26

“Nhu” ở đây không phải là những tuyên bố suông. “Nhu” là triệt để tận dụng các chuyển động từ thời cuộc, khi mà quốc tế đồng lòng trong việc kềm chế các hành động bành trướng của Trung Quốc. Hoà cùng với trào lưu của thời đại, hãy để cho người dân phát huy lòng yêu nước, ý thức trách nhiệm trước sự tồn vong của dân tộc.


———————-
Tuần giáp Tết, truyền thông quốc tế sôi nổi về việc Việt Nam cứng lên trong vấn đề Biển Đông. Cứng lên được cho trên hai hồ sơ căn bản: thứ nhất, khẳng định Bộ Quy tắc COC phải được ràng buộc về pháp lý và thứ hai, ngăn chặn Trung Quốc thiết lập ADIZ (Khu vực nhận dạng phòng không) trên BĐ. Tuy nhiên, theo ý kiến chuyên gia trong nước, VN chẳng “cứng lên” là bao nhiêu.

Ảnh hưởng khu vực và toàn vùng

Quan điểm chính thống xưa nay vẫn thế. Chẳng qua gần đây, người phát ngôn Bộ Ngoại giao được phép “dõng dạc hơn” trong việc khẳng định chủ quyền của VN đối với Hoàng Sa và Trường Sa. Thêm nữa, phát biểu của Ngoại trưởng Phạm Bình Minh ở Chiang Mai ngày 17/1 vừa qua được mở volume “to hơn” các hội nghị truớc đây một chút.

Theo ông Minh, thực địa vẫn diễn biến phức tạp, hoạt động quân sự hóa tiếp tục gia tăng. Và ông đề nghị ASEAN đoàn kết, đóng góp cho hòa bình, ổn định và an ninh khu vực trên cơ sở tự kiềm chế và không quân sự hóa, thực hiện đầy đủ, hiệu quả DOC và phấn đấu đạt COC, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Luật biển 1982.

Tình hình 2018 quả thật hết sức phức tạp, theo ngoại trưởng VN, là do sự thay đổi nguyên trạng, do kết quả của mở rộng và quân sự hóa các đảo đá (Chỗ này thì ông ngoại trưởng nói rất khác với TQ). Các nước đều lo ngại, tương lai có thể xảy ra những sự kiện gây ảnh hưởng tới môi trường hòa bình, không chỉ ở khu vực mà còn trên toàn Châu Á – TBD.

Theo nhiều chuyên gia, các hoạt động xây đắp, với tổng diện tích hàng nghìn acre và với tốc độ nhanh chóng như vậy, là chưa từng có trong lịch sử nhân loại. Việc xây dựng nói trên đã phá hủy hoàn toàn hệ sinh thái ở nhiều nơi, đến mức khôngthể hồi phục. Điều đáng lưu ý là các hoạt động bồi đắp và xây dựng đảo nhân tạo diễn ra dồn dập cách đây hơn 3 năm, đúng thời điểm mà Tòa Trọng tài Thường trực của Liên Hiệp Quốc chuẩn bị ra phán quyết về vụ Manila kiện Bắc Kinh.

Đá Chữ Thập được Trung Quốc xây lấp ở Trường Sa AMTI (CSIS)

Vẫn theo ngoại trưởng Minh, từ lâu Biển Đông đã là mối quan tâm chung của cộng đồng quốc tế, nhưng quan điểm của VN vẫn là không tiến hành các hoạt động có thể dẫn đến sự cố hay gây xung đột, bởi VN sẽ là nước chịu ảnh hưởng nhiều nhất. Vậy xin hỏi ngoại trưởng Phạm Bình Minh, nếu không có sự chung tay của cộng đồng quốc tế thì lấy đâu ra sức mạnh đối trọng? Chỉ tuyên bố “suông” liệu TQ có bớt hung hăng?

Sức mạnh đến từ thời đại

Ngày 24/01/2019, Reuters cho biết, lo ngại trước việc Trung Quốc gia tăng hiện diện quân sự tại Ấn Độ Dương, New Delhi sẽ mở thêm một căn cứ Không quân thứ ba trên quần đảo Andaman và Nicobar. Mục tiêu của New Delhi khi lập thêm một căn cứ Không quân mới tại hai nơi này là để tăng cường giám sát tàu chiến và tàu ngầm của Trung Quốc đi vào khu vực Ấn Độ Dương, qua ngả eo biển Malacca.

Hàng năm có khoảng 120.000 tàu thuyền qua lại Ấn Độ Dương, trong đó gần 70.000 chiếc đi qua Malacca. Cựu sĩ quan hải quân Anil Jai Singh lưu ý là Trung Quốc đang có xu hướng bành trướng tại đây. Để theo dõi các hoạt động của Hải quân TQ, cần có đủ phương tiện. Theo ông, cùng với Không quân, phải triển khai thêm nhiều tàu chiến tại căn cứ quân sự nói trên.

Ngày 16/1/2019, lần đầu tiên hai chiến hạm của Mỹ và Anh đã kết thúc cuộc tập trận chung trên Biển Đông, nơi TQ đã xây dựng một loạt căn cứ trên các thực thể họ chiếm đóng. Cuộc diễn tập được tổ chức trong bối cảnh Washington đang tìm kiếm sự hỗ trợ từ các đồng minh để gây áp lực với Bắc Kinh.

Reuters trích một thông cáo báo chí cho biết, khu trục hạm USS McCampbell có trang bị tên lửa dẫn đường và khu trục Anh HMS Argyll đang được triển khai tại châu Á, cùng tiến hành một loạt thao diễn thông tin liên lạc, hậu cần và những bài tập khác từ 11/1 đến 16/1. Mục tiêu là nhằm “giải quyết các ưu tiên an ninh chung” của hai bên.

Từ năm 2010 đến nay, Anh và Mỹ chưa từng có cuộc tập trận chung nào trên Biển Đông. Một mặt, cuộc tập trận Anh—Mỹ vừa diễn ra vào lúc London ngày càng có những cam kết sâu hơn về Biển Đông. Bộ trưởng Quốc phòng Anh mới tiết lộ ý định thiết lập một căn cứ quân sự của Anh tại khu vực, có thể ở Singapore hay Brunei.

Mặt khác, từ 2018, Mỹ đã liên tục thực thi các chiến dịch tự do hàng hải (FONOP) trên Biển Đông, dẫn đến những vụ chạm trán chưa từng thấy với Hải quân Trung Quốc. Về phía mình, Trung Quốc có những bước leo thang liều lĩnh như lần đầu tiên triển khai tên lửa, máy bay ném bom ra các thực thể mà họ cưỡng chiếm trái phép ở Trường Sa.

Hình minh hoạ. Các tàu chiến Mỹ (Arleigh Burke, USS McCampbell) dẫn đường cho các tàu chiến của Hải quân Hoa Kỳ và Nhật Bản trong cuộc tập trận chung ở Guam hôm 21/1/2016 . Courtesy US NAVY

Mùa hè vừa qua, Jakarta cũng thỏa thuận tăng cường hợp tác quốc phòng, đặc biệt là hải quân, với Ấn Độ trong một kế hoạch triển khai cảng quân sự trên Ấn Độ Dương. Tổng thống Joko Widodo tiếp Thủ tướng Narendra Modi, đã đề xuất một kế hoạch phát triển cơ sở hạ tầng và khu kinh tế ở Sabang, nằm giữa đảo Sumatra và eo biển Malacca, một trong những kênh thương mại nhộn nhịp nhất.

Đối với Ấn Độ, đây là một phần của chính sách “Hành động hướng Đông” nhằm thắt chặt quan hệ với ASEAN. Narendra Modi tuyên bố: “Quan hệ đối tác giữa Ấn Độ và ASEAN phải trở thành sức mạnh bảo đảm hòa bình, tiến bộ tại khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương và xa hơn nữa”. Thủ tướng Ấn cho biết, nước này sẽ xây thêm các hải cảng và phi cảng tại ĐNÁ.

Giới quan sát không mấy ngạc nhiên khi nghe bộ trưởng Quốc phòng Pháp Florence Parly tuyên bố, sẽ cử hàng không mẫu hạm Charles de Gaulle đến Biển Đông với lực lượng mạnh chưa từng có vào tháng Giêng này. Lần đầu tiên, Charles de Gaulle sẽ thực hiện tuần tra trên Biển Đông bằng toàn bộ khả năng tác chiến với gần 40 máy bay tiêm kích Rafale M. Xem thế để thấy, cộng đồng quốc tế chắc chắn chưa dừng lại trước các làn sóng bành trướng của TQ.

Người dân cần biết sự thật

Điều đáng ngạc nhiên là, một tờ báo trong nước lại công kích các nỗ lực quốc tế nhằm đối phó với nguy cơ TQ. Mạng SOHA, trích ý kiến từ một đại sứ (Việt Nam hẳn hoi) cho rằng, tập trận Mỹ—Anh vừa qua chỉ là hành động kéo bè kéo cánh, nêu vấn đề khi nào thì Mỹ “để TQ muốn làm gì thì làm ở khu vực Biển Đông”, đồng thời còn đe nẹt “những hậu quả chưa lường hết khi Anh tuyên bố đặt căn cứ quân sự ở Đông Nam Á!”

Tiếp đến, việc “rón rén” kỷ niệm 45 ngày mất Hoàng Sa (19/1/1974—19/1/2019) xem ra cũng lại là một hạ sách. Mặc dù đã để mất toàn bộ Hoàng Sa vào 1974 và một phần quan trọng của quần đảo Trường Sa vào cuối thập niên 1980 nhưng phải đến giữa thập niên 2010, nhiều người trong nước mới được biết và một phần thông tin, khi ấy cũng mới được đăng tải trên các mặt báo, về Hoàng Sa, Trường Sa, cùng với sự tàn bạo của Trung Quốc.

Hình minh hoạ. Biểu tình phản đối Trung Quốc ở Hà Nội hôm 19/1/2014 đánh dấu 40 năm trận chiến Hoàng Sa với Trung Quốc. Người biểu tình cầm tấm biểu ngữ với hình của sĩ quan Hải quân Nguỵ Văn Thà đã hy sinh trong trận chiến bảo vệ Hoàng Sa năm 1974. AFP

Ngay cho đến tận bây giờ, dường như nhà cầm quyền vẫn còn e ngại việc chia sẻ đầy đủ tin tức về Hoàng Sa, Trường Sa, cũng như về dã tâm độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc. Bởi thế, dẫu cho có thành tâm hay thiện ý đến mấy thì lòng yêu nước của người dân vẫn thường bị cáo buộc là có mưu đồ xấu. Vụ tướng đả tướng xung quanh cuốn sách “Gạc Ma – Vòng tròn bất tử” là một ví dụ đau xót.

Trước xu thế hội nhập toàn diện và sâu rộng, chính quyền vẫn lẫm lũi ngược dòng khi tìm cách hạn chế hành động phản đối (ôn hòa) của người dân trước sự “vô luân vô pháp” của TQ bằng các uyển ngữ như “tàu lạ” mỗi khi tàu cá của ngư dân Việt bị tàu hải cảnh TQ húc chìm, hay chỉ dám gọi mơ hồ là “thương lái nước ngoài” mỗi khi con buôn TQ rắp tâm triệt hạ đầu ra của nông sản Việt bằng đủ thứ thủ đoạn???

Dù muộn, song biết rằng đã bắt đầu có sự điều chỉnh! Chẳng hạn, việc Mỹ đưa khu trục hạm đi qua Hoàng Sa hôm 9/1 là một ví dụ. Trong lúc BNG Trung Quốc cho rằng hoạt động ấy là vi phạm luật Trung Quốc, luật quốc tế và Trung Quốc “kịch liệt phản đối” thì người phát ngôn BNG Việt Nam Lê Thị Thu Hằng lại bày tỏ quan điểm “tôn trọng quyền tự do hàng hải” của Mỹ (tức không phản đối FONOP!) Tuy nhiên, chỉ vậy xem ra chưa đủ.

Một quốc gia có trách nhiệm

Để không bị cô lập trong cuộc đấu tranh vì hoà bình và công lý cho Biển Đông, cũng như vì lợi ích tối cao của dân tộc, chính quyền phải thể hiện cho thế giới thấy hình ảnh một quốc gia có trách nhiệm đối với các vấn đề khu vực và quốc tế, bên cạnh tinh thần thượng tôn pháp luật. Chỉ như vậy, một khi Trung Quốc đụng đến Việt Nam thì mới hy vọng người dân từ EU đến ASEAN, từ Nhật Bản đến Hoa Kỳ… cùng đứng vào hàng ngũ bảo vệ Việt Nam.

Từ góc nhìn này, những trường hợp bỏ tù các nhà yêu nước như Nguyễn Thị Nga, Trần Huỳnh Duy Thức, Nguyễn Hữu Vinh…, đàn áp bà con Giáo xứ Thái Hà và mới đây nhất là người dân ở vườn rau Lộc Hưng…, thực sự là những bước lùi nguy hiểm. Tiếp tục đà này, vô hình chung chính quyền tự loại bỏ một nguồn sức mạnh khổng lồ từ hàng chục triệu bà con cả lương lẫn giáo, mà nhẽ ra họ có thể góp phần xứng đáng vào sứ mệnh phục hưng dân tộc và bảo vệ chủ quyền biển đảo.

Để nhận được sự tôn trọng của thế giới, chính quyền cần thay đổi ngay thái độ lẫn cách hành xử với người dân, đặc biệt là bà con công giáo, để khỏi bị chỉ trích “là cừu trước các thế lực ngoại bang, nhưng lại là sói đối với chính đồng bào mình” (Nhận định của Lưu Á Châu, chính ủy Học viện Quốc phòng TQ). Chẳng hay ho gì khi chính quyền phải sử dụng đến các công cụ cứng rắn để tước đoạt đất đai, tài sản và trấn áp các ý kiến bất đồng, mà lại coi đó là thành tích trị nước.

Một quyết định như việc EU hoãn phê chuẩn hiệp định EVFTA trong lúc Thủ tướng Phúc đang vận động hành lang ở Davos (ngày 24/1) là một thất bại đối với chính phủ, có sức huỷ hoại ghê gớm “sức mạnh mềm” gây dựng bao lâu nay. Cách hành xử của chính quyền nếu không được soi sáng bởi các giá trị của thời đại thì con đường chấn hưng dân tộc, cũng như việc đòi lại chủ quyền biển đảo cho đất nước vẫn còn đối mặt với nhiều bất trắc ở phía trước./.

-------------------------
* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do





No comments:

Post a Comment