Tuesday, January 29, 2019

BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU : KHI CÔNG DÂN LÊN TIẾNG (Thanh Phương - RFI)




Đăng ngày 29-01-2019 

Ngày 25/01/2019, một nhóm nghiên cứu của Mỹ, Berkeley Earth đã ra một báo cáo cho thấy, trong số 4 năm nóng nhất được ghi nhận kể từ 1850, tức là kể từ thời kỳ công nghiệp, năm 2018 rất là thể là năm nóng hàng thứ tư. Nhưng điều đáng ngại là bốn năm nóng nhất kể từ thời kỳ công nghiệp lại chính là bốn năm gần đây nhất:  2015, 2016, 2017 và 2018. Như vậy, rõ ràng là nhiệt độ trên Trái đất của chúng ta đang tăng một cách nhanh chóng do tác động của biến đổi khí hậu.

Trước đó một hôm, ngày 24/01/2019, bên lề Diễn đàn Davos, tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres đã lên tiếng báo động « chúng ta đang thua trong cuộc đua », trước tình trạng biến đổi khí hậu đang diễn ra nhanh hơn những nỗ lực của các nước. Đối với ông Guterres, những cam kết trong hiệp định Paris ( mà Hoa Kỳ đã rút ra và Brazil có thể cũng sẽ quyết định tương tự ) nay không còn đủ để đảo ngược tình thế, mà chính phủ các nước phải có những cam kết đầy tham vọng hơn nữa để tránh một thảm kịch cho hành tinh chúng ta. Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc cho rằng thế giới không thật sự có « quyết tâm chính trị » để chặn đứng đà biến đổi khí hậu.

Tuần hành vì khí hậu
Không chỉ có ông Guterres, mà công dân của một số nước như Pháp và Vương quốc Bỉ nay cũng rất bất bình khi thấy chính phủ nước họ không có hành động mạnh mẽ để chống biến đổi khí hậu và họ đã xuống đường để bày tỏ sự bất bình đó.

Theo hãng tin AFP, hôm chủ nhật vừa qua, 27/01/2019, mặc dù trời mưa gió, hàng chục ngàn người đã xuống đường trên toàn nước Pháp, cũng như ở Bỉ, để phản đối các nhà nước cũng như các xã hội không có hành động kiên quyết chống biến đổi khí hậu.

Tại Pháp, theo lời kêu gọi của một tập hợp các tổ chức môi trường, đã có đến hơn 80 ngàn người tham gia tuần hành vì khí hậu, tuy ít hơn so với con số 100 ngàn người trong những lần xuống đường trước vào tháng 9, tháng 10 và tháng 12 năm ngoái, nhưng điều đáng chú ý đó là trong số những tham gia, ngoài các nhà hoạt động môi trường, còn có nhiều gia đình bình thường, xuống đường chỉ vì họ lo lắng cho các thế hệ con cháu của mình.

Bên Vương quốc Bỉ, chủ nhật vừa qua cũng đã có đến 70 ngàn người tập hợp tại Bruxelles để tuần hành đến trụ sở Nghị Viện Châu Âu.

Phong trào xuống đường vì khí hậu sẽ không dừng ở đó, mà sẽ còn tiếp diễn, vì tập hợp các tổ chức nói trên đã kêu gọi tuần hành mỗi tháng.

Trong khi đó, tại Anh Quốc, đang nổi lên một phong trào bất phục tùng dân sự bất bạo động « Extinction rebellion ». Từ tháng 10 tại Luân Đôn, các nhà hoạt động môi trường đã chặn 5 cây cầu, tự dán mình vào hàng rào của các cơ quan hành chính. Phong trào « Extinction rebellion » đã kêu gọi một « tuần quốc tế nổi loạn » vào giữa tháng 4 tới tại nhiều quốc gia.

Bỉ : Sự năng động của giới trẻ
Một điều bất ngờ, đó là tại Vương quốc Bỉ, giới trẻ tham gia ngày càng nhiều vào phong trào tuần hành vì khí hậu. Ngày thứ năm tuần trước, 24/01/2019, theo thống kê của cảnh sát, đã có đến 35 ngàn thanh thiếu niên xuống đường ở Bruxelles, tức là nhiều hơn gần gấp ba lần so với con số của ngày thứ năm tuần trước đó.

Cuộc tuần hành mang tên « Youth for Climate » ( Giới trẻ vì Khí hậu )  kể từ nay sẽ diễn ra vào mỗi thứ năm hàng tuần tại thủ đô Vương quốc Bỉ. Trong cuộc tuần hành đầu tiên, mới chỉ có chưa tới 3 ngàn em tham gia, nhưng nay số thanh thiếu niên xuống đường ngày càng tăng. Đó là những em học sinh đã quyết định sẽ « bỏ học » vào mỗi thứ năm cho đến khi nào các lãnh đạo chính trị Vương quốc Bỉ có một chính sách đầy tham vọng trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Các học sinh này còn được sự yểm trợ của đàn anh, bởi vì các sinh viên, nhất là những em thuộc phong trào « Sinh viên vì khí hậu », hôm thứ năm tuần trước cũng đã tham gia tuần hành.

Biểu tượng Greta Thunberg
Phong trào giới trẻ vì khí hậu nay coi như đã có một gương mặt tiêu biểu đó là Greta Thunberg, một thiếu nữ Thụy Điển 16 tuổi.

Từ tháng 8 vừa qua, cô thiếu nữ Thụy Điển này đã bắt đầu bãi khóa vì khí hậu, bỏ học vào mỗi thứ sáu để đến biểu tình phản đối trước Quốc Hội Thụy Điển. Greta Thunberg đã bắt đầu được cả thế giới biết đến tại hội nghị quốc tế về khí hậu ở Ba Lan vào tháng trước, khi cô đến đây để bày tỏ sự bất bình và lo lắng của thế hệ trẻ trước sự thiếu quyết tâm chính trị của và kể từ nay, như chúng ta đã thấy với các học sinh Bỉ, trên toàn thế giới, hàng chục ngàn bạn trẻ nay cũng làm giống như cô, tức cũng bãi khóa mỗi tuần vì khí hậu. Greta Thunberg cũng đã làm lu mờ mọi lãnh đạo chính trị và kinh tế thế giớitại Diễn đàn Davos vừa qua, khi cô phát biểu trước một cử tọa ngồi chật kín khán phòng, để khẩn thiết kêu gọi mọi chính phủ trên hành tinh của chúng ta hãy thật sự có hành động chống biến đổi khí hậu trước khi quá muộn.

Cô cũng đã tung ra lời kêu gọi học sinh tham gia bãi khóa vào ngày 15/03 tới, như là một lời báo động gởi đến các lãnh đạo thế giới về thảm họa khí hậu đang chờ đón nhân loại.

Công cụ pháp lý
Nhưng không chỉ xuống đường tuần hành, theo lời kêu gọi của một số tổ chức phi chính phủ, tại nhiều quốc gia, một số người nay sử dụng những công cụ pháp lý để buộc nhà nước phải có hành động chống biến đổi khí hậu.

Chẳng hạn như thị trưởng của thành phố Grande-Synthe, miền bắc nước Pháp, ông Damien Careme ( Đảng Xanh ) gần đây đã kiện chính phủ Pháp ra Tham chính viện ( Conseil d’Etat ) vì đã không có hành động chống biến đổi khí hậu, khiến thành phố ven biển của ông có nguy cơ bị ngập do nước biển dâng cao. Theo hãng tin AFP, hành động của thị trưởng Grande – Synthe là nhằm hưởng ứng kiến nghị của các tổ chức phi chính phủ kiện Nhà nước Pháp đã không có hành động để chống biến đổi khí hậu. Kiến nghị này đã thu được trên 2 triệu chữ ký ủng hộ, một điều chưa từng có đối với một kiến nghị trên mạng. 

Bà Corine Lepage, cựu bộ trưởng Môi trường và cũng là luật sư của của thành phố Grande – Synthe, giải thích với AFP: « Chúng tôi đã yêu cầu Tham chính viện buộc các bộ trưởng và thủ tướng phải có hành động để nước Pháp thay đổi chính sách về việc thực hiện những cam kết khí hậu. Nhưng thủ tục này phải mất từ một năm đến 18 tháng ».

Không chỉ có Pháp, mà ở nhiều nước khác, chính phủ cũng đang bị công dân kiện vì không có hành động chống biến đổi khí hậu. Theo thống kê của Viện Nghiên cứu Grantham, có hơn 270 vụ kiện như vậy đang được xử lý tai nhiều nước, ngoài Hoa Kỳ, nơi đang có hơn 800 vụ kiện tương tự.

Tại Hà Lan, vào năm 2015, theo yêu cầu của một tổ chức phi chính phủ và 900 công dân, một tòa án đã ra lệnh cho nhà nước giảm 25% lượng khí thải từ đây đến năm 2020.

Thế nhưng, theo các chuyên gia tại Pháp, những hình thức gây áp lực như tuần hành, bãi khóa, kiện cáo sẽ không đủ để làm thay đổi tình hình. Riêng tại Pháp, các yêu sách xã hội của phong trào « Áo Vàng » trong những tuần qua đã tạm thời đẩy những đòi hỏi của phong trào vì  khí hậu xuống hàng thứ yếu. Nhưng cả hai phong trào coi như có chung một yêu sách, đó là đòi hỏi phải có một hình thức dân chủ mới, để người dân có cơ hội đối thoại, vượt qua những bất đồng, mâu thuẫn, để tìm ra những giải pháp cho tương lai của hành tinh chúng ta.

-----------------------------
.
.
.
If we keep burning fossil fuels indefinitely, global warming will eventually melt all the ice at the poles and on mountaintops, raising sea level by 216 feet. Explore what the world’s new coastlines would look like.




No comments:

Post a Comment