Wednesday, January 30, 2019

BẢN TIN NGÀY 30/1/2019 (Báo Tiếng Dân)




30/01/2019

Tin Biển Đông

Hải quân Mỹ, Trung thảo luận giảm nguy cơ sai lầm trên Biển Đông, VOA đưa tin. Phát biểu tại Viện Brookings ở Washington ngày 28/1/2019, Đô đốc John Richardson của Hải quân Hoa Kỳ cho biết, hải quân Mỹ và Trung Quốc đang tiến hành “đối thoại liên tục” để trao đổi thông tin nhằm “giảm nguy cơ xảy ra các lầm quân sự ở Biển Đông”.

Ông Richardson nói thêm: “Tôi nghĩ rằng không có một nghi vấn nào về việc chúng tôi cạnh tranh với Trung Quốc”, và lưu ý rằng giữa hai quốc gia này vẫn đang tồn tại nhiều “bất đồng” về “các quy tắc ứng xử” khi các tàu tuần tra đi qua Biển Đông.

Báo Một Thế Giới có bài: Trung Quốc hoang mang khi Mỹ phát triển ‘Siêu pháo’ tại Biển Đông. Trước thông tin Mỹ phát triển siêu pháo với tầm bắn 1.000 dặm để đối phó với tàu chiến Trung Quốc ở Biển Đông, Wei Dongxu, một nhà phân tích quân sự ở Bắc Kinh, nói với Hoàn Cầu Thời Báo rằng, “vũ khí như vậy có thể gây ra mối đe dọa nghiêm trọng” cho các tàu Trung Quốc.

Philippines lo Trung Quốc thao túng cảng Subic, theo báo Dân Trí. Giới chức Philippines “đang lo lắng trước khả năng cảng chiến lược Subic gần Biển Đông của nước này có thể rơi vào tay Trung Quốc”. Có 2 công ty Trung Quốc “bày tỏ quan tâm đến việc tiếp quản nhà máy đóng tàu” ở đây, nhưng quan chức Philippines đã lên tiếng phản đối.


Vụ xử hai cựu Thứ trưởng Bộ Công an

Phiên xử ngày 29/1/2019, VKS đề nghị thu hồi 7 dự án đất vàng mà Vũ “nhôm” thâu tóm, VOV đưa tin. Bên cạnh đó, VKS đã luận tội và đề nghị mức án đối với các bị cáo. Vũ “nhôm” bị đề nghị mức án 14-15 năm tù, cựu quan chức Bộ Công an Nguyễn Hữu Bách đối diện mức án 7-8 năm tù, cựu tướng tình báo Phan Hữu Tuấn bị đề nghị án 6-7 năm tù, cựu thứ trưởng Trần Việt Tân đối diện mức án 36-42 tháng tù, cựu thứ trưởng Bùi Văn Thành bị đề nghị 30-36 tháng tù. Có thể thấy, chức vụ càng cao thì số năm tù bị đề nghị càng thấp.

Báo Dân Trí có bài: Cựu lãnh đạo Tổng cục Tình báo Bộ Công an nói về 2 công ty bình phong của Vũ “nhôm”. Cựu Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tình báo Phan Hữu Tuấn nói rằng, hai công ty bình phong của Vũ “nhôm” “chưa hề có hoạt động nghiệp vụ nào đối với lĩnh vực tình báo. Có những điệp viên được đào tạo tới cả chục năm nhưng khi sử dụng chỉ cần 15 phút cũng có hiệu quả. Nhưng cũng có những điệp viên được đào tạo ở nước ngoài hàng chục năm nhưng đến giờ vẫn chưa được sử dụng một lần”.

Hai cựu thứ trưởng Công an thừa nhận thiếu trách nhiệm trong phiên tòa xét xử Vũ “nhôm” cùng đồng phạm, theo báo Công Lý. Hai cựu thứ trưởng Bùi Văn Thành và Trần Việt Tân “đều thừa nhận đã thiếu trách nhiệm, không kịp thời phát hiện các sai phạm của Vũ để chấn chỉnh, ngăn chặn dẫn tới để xảy ra hậu quả gây thiệt hại”.

VnExpress đặt câu hỏi: Luật sư bào chữa gì cho hai cựu thứ trưởng công an? Chuyện ông Bùi Văn Thành thiếu trách nhiệm quản lý lô đất số 129 Pasteur, TP HCM, LS Phan Trung Hoài cho rằng, lô đất này nằm “trong chủ trương sắp xếp lại tài sản do Bộ Công an quản lý, Chính phủ cho phép chuyển nhượng” từ năm 2009.

Bào chữa cho cựu thứ trưởng Công an Trần Việt Tân, LS Trần Văn Tạo cho rằng, “cáo buộc ông Tân thiếu trách nhiệm trong quản lý Cục B61 là không có căn cứ. Ông Tân chỉ có hai trách nhiệm: quản lý Tổng cục V, giúp việc Bộ trưởng”.

Bên cạnh đó, LS kiến nghị không áp dụng tù giam với cựu tướng công an Bùi Văn Thành, báo Giao Thông đưa tin. LS Hoài cho rằng, hình phạt tù “chỉ là một biện pháp ngăn chặn, giáo dục, phòng ngừa chung, còn với cá nhân một con người như ông Bùi Văn Thành, không cần phải cách ly ông ra khỏi xã hội cũng đủ giáo dục và phòng ngừa chung”. Dường như có một thứ luật lệ chỉ dành riêng cho các quan chức và công an ở Việt Nam.  

Báo Dân Việt đặt câu hỏi: Cựu Thứ trưởng Trần Việt Tân, Bùi Văn Thành có tình tiết giảm nhẹ nào? Sau khi đề nghị mức án, chính đại diện VKS lại… lưu ý tình tiết giảm nhẹ cho 4 đồng phạm và cấp trên của Vũ “nhôm”. Tình tiết giảm nhẹ cho các ông Phan Hữu Tuấn, Nguyễn Hữu Bách, Bùi Văn Thành, Trần Việt Tân đều dựa trên chi tiết giống nhau: Thừa nhận một phần trách nhiệm, trong lúc đương chức đã có “cống hiến”, công lao.

Mới qua 2 ngày, nhưng phiên tòa xử thượng cấp của Vũ “nhôm” đã có biểu hiện nhiều sự ưu ái, đặc quyền dành cho 2 cựu thứ trưởng và 2 cựu sĩ quan tình báo. Riêng ông Trần Việt Tân trong phiên xử ngày 28/1 gần như ra lệnh cho HĐXX không hỏi quá, vì sẽ đụng chạm và đã được chấp thuận. Ông Tân còn được nói chuyện thoải mái với ông Thành khi đang là bị cáo tại phiên tòa.

RFA viết: Vụ án Vũ Nhôm, điển hình về cái bóng công an trong hoạt động kinh tế tại Việt Nam. TS Nguyễn Huy Vũ bình luận về ảnh hưởng của công an đối với nền kinh tế Việt Nam: “Một lực lượng đúng ra là để bảo vệ pháp luật, duy trì sự công bằng của pháp luật mà lại đi làm kinh tế, bằng cách dựa vào cái quyền uy của mình thì nó sẽ bóp méo nền kinh tế thị trường đi”.



Chiến dịch “đốt lò” và vấn nạn tham nhũng

BBC có bài: Chỉ số CPI cho thấy tham nhũng VN tệ đi dù có chiến dịch ‘đốt lò’. Theo kết quả xếp hạng Corruption Perceptions Index (CPI) năm nay, Việt Nam xếp thứ 117 trên 180 nước, tụt 10 hạng so với năm trước. Tổ chức Minh bạch Quốc tế lưu ý rằng, các nước giảm điểm năm nay “có các điểm chung, như thiếu các định chế độc lập, dân chủ có thể kiểm soát và cân bằng quyền lực”.

Văn phòng Towards Transparency đặt ở Hà Nội, trực thuộc tổ chức Minh bạch Quốc tế, cho biết: “Về mặt thống kê, việc giảm điểm này được xem là không đáng kể. Tuy nhiên, xét trên thang điểm từ 0 – 100 của CPI, trong đó 0 là rất tham nhũng và 100 là rất trong sạch, tham nhũng trong khu vực công ở Việt Nam vẫn được cho là rất nghiêm trọng”.

Tổ chức Minh bạch Quốc tế (TI) công bố Chỉ số cảm nhận tham nhũng năm 2018, cho biết Việt Nam chỉ đạt 33/100 điểm, xếp hạng 117/180 toàn cầu. Nguồn: VOA

Trang Pháp Luật Plus dẫn lời Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình nói về sai phạm để xảy ra tham nhũng và chậm trễ trong thu hồi tài sản: Phải xem xét trách nhiệm của người đứng đầu. Ông Bình lưu ý các cơ quan tố tụng, “trong nhiều trường hợp, chưa chủ động, xác minh, truy tìm tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt, tài sản thuộc quyền sở hữu của bị can, bị cáo để thu giữ, kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản”.


Tin nhân quyền

Báo Pháp Luật TP HCM có bài: Tù oan 14 tháng, được xin lỗi chưa đến 10 phút! Đó là trường hợp ông Trần Triệu Bảo Hoàn ở Phú Yên “ở tù oan hơn 14 tháng sau khi lao vào giải cứu cha mình đang bị người khác hành hung”. Ngày 29/1/2019, TAND tỉnh Phú Yên thừa nhận “HĐXX không đánh giá đúng tính chất, hậu quả, nguyên nhân, động cơ, mục đích của anh Hoàn gây ra để ra quyết định đúng pháp luật. Việc TAND tỉnh vẫn giữ nguyên bản án sơ thẩm của TAND huyện Sông Hinh là không đúng pháp luật”.

Bài viết lưu ý: Ngay khi mẹ ông Hoàn lên tiếng phản đối chuyện ông Hoàn chỉ được nhận số tiền bồi thường rẻ mạt sau hơn 1 năm tù oan, “TAND tỉnh tuyên bố kết thúc buổi xin lỗi diễn ra chưa được 10 phút trước sự ngạc nhiên của nhiều người”.


“Lực lượng nòng cốt” của đảng

Hơn 10.000 công nhân tại Trà Vinh bị cho thôi việc ngay trước Tết, VOV đưa tin. Chuyện xảy ra ở Công ty Giày Da Mỹ Phong, “lúc sản xuất kinh doanh thuận lợi, thu nhận hơn 28.000 công nhân vào làm việc, nhưng thời điểm hiện chỉ còn trên 19.000 công nhân và hơn một nửa trong số này phải nghỉ việc từ tháng 2 tới”. Tuy nhiên, “do lo ngại một số công nhân bị cho thôi việc phản ứng thái quá, gây mất an ninh trật tự nên danh sách công nhân bị cho thôi việc vẫn chưa được niêm yết”.

RFA đặt câu hỏi: Tình trạng công nhân vay tín dụng đen đón Tết bao giờ dứt? Sống trong chế độ lấy “giai cấp công nhân” làm “nòng cốt” nhưng công nhân càng lúc càng cùng quẫn: “Mặc dù mức lãi suất vay nóng cao đến hơn 500%/năm, nhưng nhiều công nhân được nói là đành phải cắn răng mà vay vì mặc dù làm việc vất vả quanh năm suốt tháng… mà vẫn không thể nào có được khoản dành dụm để về quê sum họp gia đình”.

Một nữ công nhân chia sẻ: “Giờ thì không có tiền thưởng, chỉ có lương tháng về quê ăn Tết thôi. Công ty nói mình đợi đến tháng 3, sẽ thông báo cho biết có tiền thưởng hay không… Còn như im ru, không phát giấy thông báo thì từ từ cắt giảm bớt tiền thưởng luôn đó”.


Tài xế vs BOT

Lãnh đạo Sở GTVT Cần Thơ đặt mục tiêu ‘tuyệt đối không ùn tắc tại các trạm BOT’, báo Thanh Niên đưa tin. Ban Giám đốc cơ quan này đã yêu cầu các Đội TTGT trực thuộc thực hiện công văn của TCĐB Việt Nam về “tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm” trong giao thông, không để xảy ra “tình trạng ùn tắc giao thông, nhất là các trạm BOT trên địa bàn”.

Ùn tắc giao thông là hệ quả thường thấy mỗi khi các tài xế đấu tranh phản đối BOT, nhằm buộc BOT xả trạm và chấm dứt tạm thời nạn móc túi dân. Chính các tài xế cũng không muốn ùn tắc, nhưng họ càng không muốn bị “bóp cổ” bởi các trạm BOT mờ ám.

Vụ tài xế Hà Văn Nam bị hành hung đã lên báo “lề đảng”. Báo Kiến Thức đặt câu hỏi, Hà Nội: Nghi vấn phản đối thu phí BOT, tài xế bị đánh gãy xương sườn? Ông Nam kể chuyện bị những người không rõ danh tính hành hung: “Họ trói cả hai tay, hai chân và dùng túi bóng chụp đầu, rồi dùng gậy đánh tôi trong xe ô tô”.

Bài báo cho biết: Ông Nam “là một trong những tài xế tham gia phản đối việc thu phí ở các trạm BOT bất cập trong nước”. Gần đây, ông Nam “cùng nhiều tài xế khác tiếp tục phản đối trạm BOT Bắc Thăng Long – Nội Bài (Hà Nội) thu phí hộ tuyến tránh TP Vĩnh Yên”.

Bài thứ nhất trong loạt bài tổng hợp trên báo Tiêu Dùng về trạm BOT An Sương – An Lạc nhiều tai tiếng: Thu phí cầu hay thu phí đường? Sự tồn tại của 2 trạm thu phí trên Đường số 7 và Đường M1 trong hệ thống trạm của dự án An Sương – An Lạc “ảnh hưởng lớn tới các doanh nghiệp và người dân trong khu vực cũng như các doanh doanh nghiệp hoạt động tại KCN Vĩnh Lộc và KCN Tân Bình. Thậm chí, các trạm thu phí tại đây, theo người dân, còn gây mất thời gian, phiền toái và khiến giao thông thêm ùn ứ”.

Báo Lao Động đặt câu hỏi: Nếu có thể mua lại sự bất hợp lý? Đối với ít nhất 17 trạm BOT “đặt nhầm chỗ” khiến người dân bất bình, lãnh đạo đề xuất giải pháp… bỏ hàng ngàn tỉ mua lại, dĩ nhiên là từ ngân sách, cũng là tiền dân. Bài viết quyết định giùm người dân: “Vài chục ngàn tỉ ấy từ đâu thì cũng là từ dân, của dân, do dân trả. Và có lẽ chính người dân cũng là người đồng ý đầu tiên nếu phải bỏ ra một khoản dẫu là để sửa sai”. Vấn đề là người dân phải trả giá cho cái sai không phải do họ gây ra.


Những tục lệ trong ngày Tết ông Công, ông Táo gây tranh cãi

Những ngày Tết ông Công, ông Táo vừa qua, nhiều người dân Hà Nội thả cá chép, vứt luôn túi nilon và các vật dụng khác xuống hồ, gây ô nhiễm môi trường, khiến một số người nước ngoài bỏ công dọn dẹp rác rưởi của người dân địa phương. Báo VnExpress đăng tải một số hình ảnh: Người nước ngoài kêu gọi không thả túi nylon xuống sông Hồng.

Hiểu tập quán thả cá của người Việt, hai du khách Rebeca và Sara, quốc tịch Anh từ sáng sớm đã đứng ở đầu cầu Chương Dương, cầm tấm biển vận động người dân không ném túi nylon xuống sông hồ. Ảnh: VNE

Chết người, ô nhiễm môi trường: Biến tướng xấu xí ngày ông Công, ông Táo, theo báo Kiến Thức. Bài báo cho biết: “Không khó để bắt gặp những cảnh cẩu thả của người dân khi đi thả cá chép như hành động đứng mép bờ sông, hồ lớn, ngoài người trên cầu, đứng trên thành cầu thản nhiên ném cá chép, ban thờ, bát hương, đồ thờ cúng, túi bóng… xuống dưới lòng sông, hồ, kênh, mương rạch một cách bừa bãi”, gây nguy hiểm cho chính họ và môi trường họ sinh sống.  


Ô nhiễm môi trường

Trang Môi Trường và Cuộc Sống đặt câu hỏi về tình trạng không khí Hà Nội chạm ngưỡng nguy hại, nguyên nhân do đâu? Sở TN&MT TP Hà Nội xác nhận, trong tuần cuối tháng 1/2019, “ở một số khu vực của thành phố, mức độ ô nhiễm của không khí đã rơi vào mức nguy hại”. Theo một số chuyên gia môi trường, “có thể có 2 nguyên nhân. Thứ nhất là do lượng người tham gia giao thông tăng cao trong dịp cận Tết, thứ hai có thể do hiện tượng nghịch nhiệt xảy ra”.

Chỉ số ô nhiễm không khí tại các thành phố lớn trên thế giới tại thời điểm chụp lại màn hình của nhà báo Mai Quốc Ấn ngày 27/1/2019. VN đứng nhất thế giới.

Trang Lao Động Thủ Đô đặt câu hỏi về Mương Đồng Bông ở quận Cầu Giấy, Hà Nội: Bao giờ mới hết ô nhiễm. Bài báo cho biết: “Dưới lòng mương, nước đã biến thành một màu đen đục, túi bóng, rác thải trôi nổi khắp nơi. Mùi hôi thối bốc lên khiến cho ai nấy đi qua đề phải rùng mình, lấy tay bịt mũi”. Người dân sống chung với ô nhiễm trong nhiều năm qua, nhưng vẫn chưa có giải pháp nào khả thi.

Trang Môi Trường và Đô Thị có bài: TP.HCM: Bãi vật liệu xây dựng gây ô nhiễm, mất an toàn giao thông. Đó là bãi vật liệu xây dựng của Công ty Thịnh Phát ở ngã tư Giếng Nước, huyện Hóc Môn, TP.HCM. Một người dân cho biết: “Cứ mỗi lần có xe vô ra bãi cát là y rằng bụi bay mù trời. Đất cát thì rơi vãi lung tung khắp mặt đường, mưa thì nhơ nhớp mà nắng thì bụi bặm”.


***






No comments:

Post a Comment