Thursday, January 3, 2019

BẢN TIN NGÀY 3-1-2019 (Báo Tiếng Dân)




03/01/2019

Tin Biển Đông

Zing đưa tin: Anh dự định thiết lập căn cứ quân sự ở Đông Nam Á để đối phó TQ. Bộ trưởng Quốc phòng Anh Gavin Williamson bình luận: “Đây là thời cơ lớn đối với chúng tôi kể từ khi Thế chiến II kết thúc, khi chúng tôi có thể tự phục hồi theo cách khác. Chúng tôi thực sự có thể đóng vai trò trên toàn thế giới mà quốc tế mong đợi ở chúng tôi”.

Kế hoạch xây dựng căn cứ mới này “có thể là tin tốt cho các đồng minh và đối tác của Mỹ trong khu vực. Những quốc gia đang lo ngại về sự miễn cưỡng của Washington trong vai trò lãnh đạo nhằm thách thức sự quyết đoán của Bắc Kinh trong tranh chấp ở Biển Đông”.

Trang Infonet có bài: Giải quyết tranh chấp Biển Đông: Tướng Trung Quốc muốn đánh chìm tàu sân bay Mỹ. Thiếu tướng Luo Yuan, Phó Giám đốc Học viện Khoa học quân sự TQ, cho rằng, “với năng lực ngày càng lớn của lực lượng tên lửa hành trình và tên lửa chống hạm, quân đội Trung Quốc hoàn toàn có thể tiêu diệt nhóm hộ tống tàu sân bay Mỹ. Ngoài ra, đánh chìm một tàu sân bay Mỹ đã cướp đi sinh mạng của 5.000 quân nhân và nếu đánh chìm hai tàu sân bay, con số thương vong sẽ tăng lên gấp đôi“.

VTC bàn về sức mạnh ‘bất khả xâm phạm’ của những tàu sân bay Mỹ điều tới Biển Đông trong năm 2018. Bài viết dẫn lời Thiếu tá Tim Hawkins, phó chỉ huy tàu sân bay USS Carl Vinson phát biểu hồi tháng 2/2018: “Luật pháp quốc tế cho phép chúng tôi hoạt động ở đây, bay ở đây, huấn luyện ở đây, cho phép chúng tôi ra khơi ở đây và chúng tôi sẽ tiếp tục làm điều đó”.


Vụ phụ nữ Việt Nam làm “máy đẻ” cho người Trung Quốc

Trang VietNamNet có bài: Chuyện chưa biết về đường dây mang thai hộ xuyên quốc gia. Cai GuoYong, một trong các nhân vật cầm đầu đường dây, “có 1 phòng khám vô sinh tại Trung Quốc, tổ chức hoạt động mang thai hộ, mục tiêu nhắm đến là tuyển chọn phụ nữ Việt Nam”.

Cai GuoYong đã điều động 2 người làm công tại phòng khám là Cai GuoLin và Cai GuoFang “sang Việt Nam tìm phụ nữ mang thai hộ, giá đưa ra là 300 triệu đồng/trường hợp”. Chỉ đến khi một phụ nữ sợ bị lừa bán sang Trung Quốc, gọi điện cầu cứu gia đình, đường dây này mới bị lộ.

Công an TP HCM công bố lời khai của nhóm phụ nữ trong đường dây mang thai hộ vừa bị bắt, theo trang Bảo Vệ Pháp Luật. Bị can Triệu Thị Hằng khai rằng, “đã giới thiệu cho Cai GuoLin một phụ nữ Việt Nam và đưa sang Campuchia mang thai hộ thành công.

Trong vụ này, Cai GuoLin đưa Hằng 100 triệu đồng và Hằng trả cho người phụ nữ mang thai hộ 50 triệu đồng”. Chừng đó tiền đã đủ biến một phụ nữ Việt Nam thành máy đẻ cho người Trung Quốc!


Vụ 152 du khách Việt bỏ trốn tại Đài Loan

Đến nay, đã có 24 người bị bắt giữ, 4 người tự nguyện về nước. Cơ quan di trú Đài Loan kêu gọi 124 du khách Việt còn “mất tích” ra đầu thú, theo VOA. Cơ quan này kêu gọi cộng đồng người Việt ở Đài Loan nếu biết những người “mất tích” thì khuyên họ ra đầu thú “để được hưởng sự khoan hồng và sớm trở về quê nhà”. Đây là vụ du khách “mất tích” lớn nhất kể từ khi Đài Loan nới lỏng thị thực cho du khách từ Việt Nam và một số nước khác. Chính phủ Đài Loan xem đây là một vụ buôn người nghiêm trọng.

Trang Pháp Luật TP HCM có bài: Cô dâu Việt tiết lộ lý do 152 khách Việt ‘mất tích’ ở Đài Loan. Một cô dâu gốc Việt trải qua gần 20 năm sinh sống, làm việc tại Đài Loan cho biết: “Với đoàn khách 152 người vừa rồi từ nhiều vùng miền khác nhau, trong đó có nhiều lứa tuổi khác nhau, có cả nam và nữ lớn tuổi. Những người này đã liên hệ với người thân từ trước, khi đến khách sạn thì có người đến đón đi luôn”.

Cô dâu này chia sẻ thêm, những người lớn tuổi sẽ “được đưa đến những vùng quê trên núi để hái chè và trái cây… Với công việc hái chè và trái cây những người mới sang chưa quen tay được các chủ vườn trả khoảng 800.000 đồng/ngày, còn những người thạo tay nghề lương 2 triệu đồng/ngày”. So với mặt bằng thu nhập trung bình của người lao động Việt Nam thì mức lương này có thể lý giải được con số 152 du khách “mất tích”.


Tin nhân quyền

Thông điệp đầu năm của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, nêu 6 trọng tâm chỉ đạo, điều hành cho ‘năm tăng tốc, bứt phá’ 2019, đăng trên trang Chính phủ, rất sắt máu. Trong đó có câu: “Chủ động nắm chắc tình hình, kịp thời đấu tranh ngăn chặn, làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động chống phá Đảng, Nhà nước“; “Xử lý nghiêm các trường hợp lợi dụng quyền tự do ngôn luận, vi phạm lợi ích của nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân“…

VOA đưa tin: Nhiều người có ảnh hưởng kêu gọi thách thức Luật An ninh mạng. Võ sư Đoàn Bảo Châu cho rằng Luật An ninh mạng hay bất kỳ một luật nào “cũng không bao giờ khiến những con người yêu quý sự thật và có khát vọng cải tạo xã hội bằng ngòi bút nao núng chứ đừng nói tới run sợ”. Các nhà báo Hoàng Hải Vân, Phạm Đoan Trang cũng đã viết bài phê phán luật An ninh mạng.

Tai nạn giao thông kinh hoàng ở Bến Lức, Long An

Vụ tai nạn vừa xảy ra gần cầu Bến Lức, Long An: Xe container cuốn hàng chục xe máy vào gầm, 4 người chết, theo trang VietNamNet. Khoảng 15h30 chiều 2/1/2019, tại ngã tư Bình Nhật, 1 xe container chạy hướng Tiền Giang đi TP.HCM “đã tông vào hàng chục xe máy đang dừng chờ đèn đỏ. Vụ tai nạn làm 3 người chết tại chỗ. Xe container tiếp tục chạy đến dốc cầu Bến Lức thì dừng lại, kéo khoảng 5 xe máy đi hàng chục mét”.

VTV24 có clip: Xe container tông hàng loạt xe máy đang dừng đèn đỏ.

Một số người có kinh nghiệm cho biết: Nhiều tài xế container và xe chở hàng thường phải dùng ma túy và chất kích thích ở liều thấp, không phải vì nghiện mà để giữ tỉnh táo vì họ thường phải chở hàng liên tỉnh và chạy thâu đêm. Một vấn đề nữa là chuyện đăng kiểm xe ở Việt Nam thường được làm rất ẩu, bỏ qua những tiêu chuẩn an toàn cần thiết.

Facebooker Nguyễn Tấn viết: “Nhiều kẻ kêu ngậm miệng lại mà lo làm kiếm tiền lo cho gia đình, lo cho vợ cho con, đất nước nào, chế độ nào, xã hội nào cũng có sai trái, bất công. Nói được chó gì đâu? Có đất nước nào tỉ lệ người chết vì tai nạn giao thông còn hơn thời chiến như thế kia không?

Có đất nước nào mà một ngày số người chết gần 41 người vì TNGT (vị chi gần 15.000 người/năm) như Việt Nam không? Rồi tỉ lệ chết vì ung thư đứng top thế giới. Ba ngày nghỉ lễ tết Tây gần 110 người ra đi vì tai nạn giao thông, và đây là hình ảnh tai nạn giao thông diễn ra tại Bến Lức – Long An cách đây 1h đồng hồ. Gần 10 người chết, 20 xe máy bị cuốn vào gầm, nhìn những hình ảnh này thật xót xa“.


Nhà văn Nguyễn Đình Bổn đặt câu hỏi“Vụ đánh bom ở Ai Cập làm chết 4 công dân VN đã được cả ‘hệ thống chính trị’ quan tâm, lên án, nhưng vấn đề giao thông như cái cối xay thịt công dân ngay tại đất nước mình xảy ra hàng ngày thì sao?”

VOA tổng kết tình hình tai nạn giao thông đầu năm 2019 ở VN: Số người chết vì tai nạn giao thông đầu năm cao hơn cả ‘khủng bố’, ‘chiến tranh’. Bài viết lưu ý: Trước khi vụ tai nạn gần cầu Bến Lức xảy ra, công an thông báo, “chỉ trong 4 ngày nghỉ Tết Dương lịch, trên cả nước đã xảy ra 136 vụ tai nạn, khiến cho 111 người chết và 54 người bị thương”. Các số liệu biết nói có thể phản biện lời tuyên truyền của các lãnh đạo CSVN rằng, đất nước vẫn “bình yên”.



Ngân hàng VN: Vẫn đầy bê bối

Báo Thanh Tra đặt câu hỏi: Một khách hàng không rút được 100 tỷ đồng tiền gửi từ VietABank? Bà T cho biết, bà 2 lần chuyển tiền vào VietABank với tổng số tiền 100 tỷ đồng, “đến nay, cả hai khoản đã quá hạn hợp đồng tiền gửi nhưng ngân hàng không chịu chi trả”. Trưởng phòng Giao dịch Nguyễn Toàn Thắng thông báo, rằng GĐ Phòng Giao dịch Đông Đô – Chi nhánh Hà Nội của VietABank (nơi bà T đến rút tiền nhưng không được) “đang bị đình chỉ công tác phục vụ điều tra”.

Bài viết cho biết, khi phóng viên đề nghị ngân hàng “cung cấp hồ sơ gốc hoặc hồ sơ phô tô của việc thế chấp khoản tiền trên đều không được đáp ứng”. Sau đó, Giám đốc Pháp chế VietABank Nguyễn Văn Hải đã phủ nhận tất cả thông tin do ông Thắng cung cấp trước đó.

Trang Đầu Tư Tài Chính VN có bài: Tiền khách hàng lại ‘bốc hơi’ tại VietABank. Phóng viên tìm cách liên lạc với VietABank thì được người đại diện thông báo “vụ việc đang trong giai đoạn điều tra và không chỉ có trường hợp bà Trinh mà còn một số trường hợp khác trong tình trạng tương tự”. Không riêng gì VietABank mà rất nhiều vụ tiền gửi “bốc hơi” đã xảy ra ở nhiều ngân hàng Việt Nam trong vài năm qua.

Trước đó, đã có vụ khởi tố nhóm lừa đảo hàng trăm tỷ tại VietABank, theo Zing. Thiếu tướng Nguyễn Anh Tuấn, Thủ trưởng cơ quan an ninh điều tra Công an Hà Nội cho biết: Bị can Nguyễn Thị Hà Thành vừa bị khởi tố, tạm giam “là người ngoài, không phải cán bộ ngân hàng. Một người khác liên quan vụ án làm ngân hàng Việt Á cũng bị khởi tố nhưng được tại ngoại do đang nuôi con nhỏ”. Phía VietABank khẳng định “đang hợp tác với cơ quan chức năng” nhưng từ chối thông tin về số lượng sổ tiết kiệm bị chiếm đoạt.


Bất ổn ở Sabeco

Tài khoản Sabeco trống rỗng, Cục thuế TP.HCM không thể thi hành cưỡng chế thuế, theo VTC. Chiều 2/1/2019, lãnh đạo Cục thuế TP.HCM xác nhận thông tin này, đồng thời “yêu cầu Sabeco làm việc lại với đơn vị này để giải quyết và cung cấp tài khoản ngân hàng khác, nhưng hiện chưa nhận được phản hồi từ Sabeco”. Hiện ngành thuế đang chờ kết quả buổi làm việc giữa Sabeco với Thủ tướng Chính phủ.

Trước đó, bị cưỡng chế hơn 3.140 tỷ đồng, Sabeco “tố” Cục thuế TPHCM “vi phạm pháp luật”, theo báo Đấu Thầu. Phía Sabeco tuyên bố “không đồng ý với việc cưỡng chế thi hành của Cục thuế TP HCM và Sabeco buộc phải thực hiện các hành động pháp lí cần thiết ngay lập tức để bảo vệ lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp”. Ngày 28/12/2018, Cục Thuế TP HCM quyết định cưỡng chế thuế từ tài khoản của Sabeco tại VietinBank. Kiểm tra mới biết tài khoản của Sabeco ở ngân hàng nói trên đang trống rỗng.  


“Cát tặc”, “đất tặc” hoành hành

Báo Công An TP Đà Nẵng có bài: “Sa tặc” lại hoành hành. Bài báo cho biết: “Chủ bến cát nào tại Quảng Nam cũng có từ 3 đến 10 thuyền chuyên chở và hút cát. Công việc ban ngày là vận chuyển cát mua từ các mỏ có giấy phép kèm theo hóa đơn hẳn hoi”, còn ban đêm họ trở thành… “cát tặc”.

Bàn về hậu quả khai thác cát bừa bãi, một người dân huyện Điện Bàn, Quảng Nam cho biết: Trước đây, đất biền của người dân “ở tít giữa lòng sông”, nhưng từ khi bến cát của một người sở hữu 5 thuyền khai thác cát được cấp phép thì “đất ngày càng mất dần, đất lở sâu vào trong cả trăm mét. Trung bình, mỗi hộ dân ở đây bị mất từ 1.000m2 đến 2.000m2”.

Báo Tài Nguyên và Môi Trường đặt câu hỏi: Gia Lai: Lợi dụng mua đấu giá để khai thác đá trái phép? Chuyên viên Phòng TN&MT TP Pleiku khẳng định, bãi đá tại cánh đồng làng Quăh, xã Chư Á “đã được thẩm định khối lượng và thực hiện bán đấu giá theo quy định”. Tuy nhiên, phóng viên đã “chứng kiến cảnh một công trường khai thác đá rầm rộ với gần 10 nhân công, máy múc, khoan, đập. Chỉ trong 45 phút đã có tới 3 xe ô tô chở đá chẻ ra khỏi bãi khai thác”.


***





No comments:

Post a Comment