Monday, January 28, 2019

BẢN TIN NGÀY 28/1/2019 (Báo Tiếng Dân)




28/01/2019

Tin Biển Đông

VOA đặt câu hỏi: Biển Đông ‘nóng’ hay ‘nguội’ trong năm 2019? Ông Gregory Poling, giám đốc AMTI dự đoán, “trong thời gian tới Trung Quốc sẽ có hành động quyết liệt để khiến các nước đồng minh của Mỹ kiềm chế các hoạt động FONOP trên Biển Đông”. Tiến trình đối thoại ở Biển Đông sẽ “không có tiến bộ gì nhiều” dù Trung Quốc tuyên bố đặt mục tiêu hoàn tất COC với các nước ASEAN trong thời gian 3 năm.

Ông Poling lưu ý, “Trung Quốc quân sự hóa nhanh chóng Biển Đông trong năm qua đến mức hiện giờ họ đã có sự hiện diện luân phiên 24/7 của các tàu chiến của Hải quân và Tuần dương trên toàn bộ Biển Đông”.

RFA bàn về Biển Đông 2019: Lấy nhu thắng cương! Bài báo cho biết: “Nhà cầm quyền vẫn còn e ngại việc chia sẻ đầy đủ tin tức về Hoàng Sa, Trường Sa, cũng như về dã tâm độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc. Bởi thế, dẫu cho có thành tâm hay thiện ý đến mấy thì lòng yêu nước của người dân vẫn thường bị cáo buộc là có mưu đồ xấu”.

Báo Thanh Niên có bài: ASEAN trước tham vọng của Trung Quốc. Nhìn lại tình hình Biển Đông trong 8 năm qua, Trung Quốc tiếp tục hiện thực hóa “chiến lược đơn phương sử dụng lực lượng quân sự phục vụ cho tuyên bố chủ quyền tại đây”. Bắc Kinh còn muốn thiết lập “trật tự mới” ở châu Á. “Thông qua những gì đang thể hiện ở Biển Đông nói riêng và châu Á nói chung, Trung Quốc đang muốn tạo ra một trật tự quốc tế mới thay cho hệ thống hậu Bretton Woods”.


Hai cựu Thứ trưởng BCA hầu tòa hôm nay

Sáng nay, Vũ ‘nhôm’ và hai cựu thứ trưởng công an hầu tòa, Zing đưa tin. Lần thứ ba hầu tòa, Vũ “nhôm” bị cáo buộc“lợi dụng danh nghĩa công ty bình phong để thâu tóm 7 lô đất, còn 2 thứ trưởng công an thiếu trách nhiệm khiến sai phạm trên xảy ra”. Bài báo cho biết: Vũ “nhôm” được tuyển dụng làm nhân viên tình báo của Tổng cục Tình báo thuộc Bộ Công an từ năm 2009. Mọi hoạt động nghiệp vụ của Vũ do các ông Nguyễn Hữu Bách, Phan Hữu Tuấn và Trần Việt Tân, đều là cựu lãnh đạo Tổng cục Tình báo, chỉ đạo.



Báo Người Lao Động có bài: Vũ “nhôm” và các cựu tướng công an hầu tòa. Theo đó, để tạo điều kiện cho Vũ “nhôm” thực hiện “nhiệm vụ” thu tóm đất công, Tổng cục Tình báo đã sử dụng 2 công ty do Vũ làm Chủ tịch HĐQT, làm tổ chức bình phong, gồm: Công ty Bắc Nam 79 và Công ty Nova Bắc Nam 79.

Trong quá trình điều hành 2 công ty nói trên, Vũ “nhôm” đã “lợi dụng danh nghĩa tổ chức bình phong của Tổng cục V để đề nghị các bộ, ngành và chính quyền địa phương cho thuê đất, chuyển quyền sử dụng đất và tài sản trên đất của các dự án nhà, đất công sản có diện tích lên tới hàng ngàn m2 ở các vị trí đắc địa tại hai TP lớn là TP HCM và TP Đà Nẵng”.


Các vụ “ăn” đất

VietNamNet có bài: Đất công có biến, nóng chuyện trục lợi ở Thủ Thiêm. Theo đó, “thời gian qua, nhiều khu đất công, đất có nguồn gốc từ doanh nghiệp có vốn Nhà nước, đưa vào làm dự án, nhưng không thông qua đấu giá”. Các dự án bất động sản được thực hiện trên nền đất vướng sai phạm đã dẫn đến nhiều rủi ro pháp lý cho người mua nhà, đất.

Vụ Công ty Mland Vietnam 2 lần bán dự án Khu dân cư liên xã Phước Hậu-Long Thượng với những tiện ích không có trong quy hoạch 1/500 đã được phê duyệt, GĐ Sở Xây dựng tỉnh Long An Nguyễn Văn Hùng cho biết: “Giữa tuần này sẽ có đoàn kiểm tra do đồng chí Phó Giám đốc Sở làm trưởng đoàn. Sau đó sẽ cung cấp thông tin”.

Chuyện ở Quảng Ngãi: Dự án “treo” hơn 10 năm gây lãng phí quỹ đất, trang Kinh Tế và Đô Thị đưa tin. Hơn 10 năm“nhưng vẫn chưa hoàn thành thủ tục pháp lý có liên quan để triển khai thực hiện, dự án trường Đại học Đông Á tại Quảng Ngãi (thuộc tổ 11, phường Nghĩa Chánh, TP Quảng Ngãi) đã làm ảnh hưởng mỹ quan đô thị, lãng phí quỹ đất TP”.

Trưởng phòng Quản lý đô thị TP Quảng Ngãi Nguyễn Văn Nguyên cho biết: “Dự án ‘treo’ quá lâu đã gây lãng phí quỹ đất, gây bức xúc cho người dân nên chính quyền TP Quảng Ngãi nhiều lần đề nghị UBND tỉnh thu hồi, chấm dứt dự án”, nhưng vẫn chưa tới đâu.


Luật riêng dành cho quan

Báo Đất Việt dẫn lời Đại tá Trương Xuân Lai, Chính ủy Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Đắk Nông, trả lời vụ chỉ huy trưởng lái xe tông chết người được điều lên tỉnh: “Bình thường”. Đó là trường hợp ông Trần Văn Thiết, khi còn là Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự huyện Tuy Đức “dù không có giấy phép lái xe, nhưng đã tự ý điều khiển xe ôtô thuộc sự quản lý của Ban Chỉ huy quân sự huyện tham gia giao thông, gây tai nạn chết người”.

Đại tá Lai cho biết: “Chúng tôi có cách hết chức vụ và cho ông Thiết… lên Bộ chỉ huy quân sự tỉnh làm nhân viên”. Phải chăng vì người gây tai nạn là cán bộ quân đội, lá chắn bảo vệ chế độ toàn trị CSVN, nên hình phạt sau khi lấy đi một mạng người, thay vì phải đi tù, lại được đưa lên cấp tỉnh làm việc?

Trang Gia Đình và Xã Hội đặt câu hỏi: Vì sao cựu Chánh văn phòng Sở TN&MT Bắc Giang đánh bạc không bị khai trừ đảng lại dự kiến được bổ nhiệm tiếp? Theo đó, ông Vũ Văn Hữu, Phó GĐ Trung tâm phát triển Quỹ đất dự kiến được lãnh đạo Sở TN&MT bổ nhiệm chức vụ Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Quan trắc TNMT, dù từng phạm tội đánh bạc.

LS Quách Thành Lực đặt câu hỏi: “Không hiểu sao khi ông Vũ Văn Hữu bị Công an TP. Bắc Giang bắt quả tang đánh bạc tại trụ sở thì Sở TN&MT tỉnh Bắc Giang chỉ cách chức cấp ủy đối với ông Vũ Văn Hữu mà không khai trừ đảng theo đúng Quy định 181/QĐ-TW của Bộ Chính trị?”


Tin nhân quyền

Vụ 30 năm án oan giết cha: Tòa giảm mức bồi thường, còn 3 tỉ đồng, báo Giao Thông đưa tin. Ngày 26/1/2019, LS Vũ Thị Nga cho biết, TAND tỉnh Điện Biên vừa tổ chức thương lượng với gia đình bà Đặng Thị Nga “để bồi thường cho gần 30 năm bà cùng hai người con trai mang thân phận bị can với tội giết chồng, giết cha”. Tuy nhiên, phía tòa án “chỉ bồi thường mức 3 tỉ đồng, thấp hơn 4 lần so với mức bồi thường thương lượng trước đó”.

Bài viết lưu ý: Tháng 1/1992, VKSND tỉnh Lai Châu đã có quyết định hủy bỏ việc tạm giam với 2 người con của bà Nga “sau 28 tháng tạm giam. Kể từ đó, vụ án bị treo lơ lửng suốt gần 30 năm không có bất cứ kết luận nào dù gia đình bà Nga liên tục gửi đơn kêu oan”.


Tài xế vs BOT

Chiều 27/1/2019, UBND quận Bình Tân, TP HCM tuyên bố sẽ xử lý dứt điểm tình trạng gây rối tại Trạm thu phí BOT An Sương – An Lạc trước 31/1, báo Sài Gòn Giải Phóng đưa tin. Lãnh đạo quận thừa nhận chuyện an ninh “cẩu xe của các tài xế”, nhưng cho rằng các tài xế đã gây ùn tắc giao thông, trong khi họ chỉ muốn phản đối trạm BOT này tiếp tục thu phí dù đã quá thời hạn.    

Trung tá Nguyễn Thanh Phong, Phó trưởng Công an quận, trong lúc điểm mặt các tài xế bị xử lý vì phản đối BOT An Sương – An Lạc, đã nêu đích danh nhà báo Trương Châu Hữu Danh và các đồng sự. Ông Hữu Danh gần đây thường viết bài, đưa tin trên trang Facebook cá nhân về loạt sai phạm ở trạm BOT này.

Báo Thanh Niên đặt câu hỏi: Chủ đầu tư nói gì về BOT An Sương – An Lạc? Vụ người dân phản đối vì cho rằng trạm BOT này đã thu phí quá hạn, GĐ Công ty IDICO Nguyễn Hồng Ninh khẳng định, kết luận thanh tra ngày 6/6/2017 của Thanh tra Chính Phủ “về hợp đồng dự án BOT An Sương – An Lạc đã ghi nhận thời gian thu phí theo hợp đồng là đến hết tháng 1/2033”.


Vấn nạn “đất tặc”: Phóng viên “lề đảng” bị hành hung

Chuyện ở TP Kon Tum: Phóng viên VTV bị hành hung sau khi phản ánh về “đất tặc”, trang Thương Hiệu và Pháp Luật đưa tin. Nhà báo Hoàng Đình Chiểu kể, sáng 27/1/2019, khi ông cùng 4 người trong gia đình đi ăn sáng tại đường Hồ Quý Ly “thì bất ngờ xuất hiện 2 đối tượng đi xe máy xông vào đấm đá vào mặt và người”.

Bài báo cho biết: Chiều 26/1, ông Chiểu nhận được tin báo của người dân về hiện tượng khai thác đất sét lậu ở địa phương, liền gọi điện cho Chủ tịch UBND phường Ngô Mây. Tuy nhiên, sau đó, ông Chiểu “nhận được cuộc gọi từ số điện thoại lạ muốn nói chuyện liên quan đến tin báo khai thác đất sét trái phép”. Đến sáng hôm sau thì ông Chiểu bị hành hung.

Phóng viên TTXVN bị truy sát khi tác nghiệp tại huyện Sơn Dương, Tuyên Quang, theo trang Nông Nghiệp Việt Nam. Sáng 26/1/2019, khi đang tác nghiệp tại xã Lương Thiện, về hình trạng khai thác quặng trái phép, các nhà báo Nguyễn Văn Tý và Trần Đức Vinh “bị một nhóm người yêu cầu xóa hình ảnh trong máy quay và máy ảnh. Tuy nhiên, khi 2 PV này không đồng ý thì bị những đối tượng trên dùng búa ném và đuổi đánh”.


Môi trường bị bức tử

Trang Doanh Nghiệp Việt Nam đặt câu hỏi: Việt Nam có thành bãi rác phế liệu?  Bộ Tài chính thừa nhận “tổng số lượng phế liệu Việt Nam nhập khẩu năm 2018 là hơn 9,2 triệu tấn, tăng khoảng 1,3 triệu tấn so với năm 2017”. Riêng đối với phế liệu nhựa, loại phế liệu dễ gây ô nhiễm môi trường mà Trung Quốc đã chủ trương cấm nhập khẩu, “thì lượng phế liệu này vào Việt Nam gia tăng đột biến trong 6 tháng đầu năm 2018”.

Người dân xã Vân Sơn, huyện Triệu Sơn, Thanh Hóa tiếp tục lập lán trại chặn đoàn xe tải nghi chở hóa chất độc hại, báo Lao Động đưa tin. Ngày 27/1/2019, UBND xã cho biết, “hôm nay là ngày thứ 4, người dân vẫn tập trung lập lán trại, chặn những xe tải nghi chở hóa chất độc hại vào Công ty CP Cromit Nam Việt”.

Người dân xã kể rằng, họ làm vậy là “do quá bức xúc trước việc nhà máy của Cty Nam Việt đi vào hoạt động gây nên tình trạng ô nhiễm, người dân thì đau đầu, chóng mặt; gia súc, gia cầm thì thường xuyên chết không rõ nguyên nhân”.

Sông hồ ở Hà Nội bị ô nhiễm quá nặng, cá không sống được. Zing có clip từ Hà Nội, ghi lại cảnh cá chép cúng ông Công ông Táo tắt thở khi vừa được thả xuống hồ.

VIDEO :


Kinh tế VN: Vẫn đầy bất ổn

Trang Diễn Đàn Doanh Nghiệp bàn về rủi ro hoà vốn ODA vào ngân sách Nhà nước do thủ tục pháp lý. Ngân hàng Thế giới cho biết, “Trong giai đoạn 2011-2015, Việt Nam giải ngân khoảng 4,5 tỷ USD/năm, chiếm gần một nửa tổng vốn đầu tư công từ nguồn ngân sách Nhà nước”.

Tuy nhiên, chuyện “hoà vốn ODA vào ngân sách Nhà nước trong giai đoạn khung pháp lý về lập ngân sách và quản lý đầu tư công bị thay đổi nhiều cũng có thể dẫn đến những hệ quả ngoài dự kiến”.

VOV đặt câu hỏi: Việt Nam sẽ xóa bỏ thuế quan như thế nào khi thực hiện CPTPP? Theo đó, phía Việt Nam “cam kết xóa bỏ thuế XK đối với phần lớn các mặt hàng hiện đang áp dụng thuế XK, cơ bản theo lộ trình từ 5-15 năm sau khi hiệp định có hiệu lực”.

VTC đưa tin: Nợ xấu BaoVietBank vọt tăng, lãi ròng giảm sâu. Báo cáo tài chính quý 4 vừa được công bố, BaoVietBank thừa nhận thu nhập lãi thuần của ngân hàng này “giảm 40% so với cùng kỳ năm 2017. Lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh giảm 57% so với cùng quý năm trước đạt gần 61 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế và sau thuế lần lượt giảm 20% và 22% so với cùng kỳ năm trước”.

Bài viết lưu ý: Nợ xấu tại ngân hàng này đã lên đến “1.024 tỷ đồng, tăng 201 tỷ đồng so với hồi đầu năm. Theo đó, tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay tăng từ mức 3,78% lên 3,98%. Riêng nợ có khả năng mất vốn vọt lên 721,5 tỷ đồng”.


Khủng hoảng chính trị ở Venezuela

BBC dẫn lời bình của Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo: ‘Thử nghiệm xã hội chủ nghĩa’ khiến kinh tế Venezuela sụp đổ. Phát biểu tại cuộc họp bất thường về Venezuela vừa diễn ra ở Liên Hiệp quốc, ông Pompeo nhận định, “cuộc thử nghiệm xã hội chủ nghĩa” của Tổng thống Maduro “đã khiến nền kinh tế sụp đổ và đẩy người dân Venezuela đến đường cùng phải bới rác tìm đồ ăn”.

Ông Pompeo nói: “Bây giờ là lúc để mọi quốc gia chọn một bên. Hoặc là quý vị đứng về phía lực lượng tự do, hoặc quý vị liên minh với Maduro và tình trạng hỗn loạn của ông ta”. Nhiều người lưu ý, các chính sách quốc hữu hóa nền kinh tế, bức tử kinh tế tư nhân để xây dựng CNXH ở Venezuela rất giống với các chính sách được thực thi trong nền “kinh tế thị trường định hướng XHCN” ở Việt Nam.



***




No comments:

Post a Comment