Saturday, January 26, 2019

AI SẼ LÃNH ĐẠO VIỆT NAM SAU HAI NĂM NỮA? (Kính Hòa - RFA)




Kính Hòa RFA
2019-01-25
Nhân sự là một nội dung quan trọng trong hội nghị trung ương đảng lần thứ 9 của Đảng Cộng sản Việt Nam vừa diễn ra cuối năm 2018.

Hội nghị này xem như là một hội nghị giữa nhiệm kỳ của Đại hội 12 Đảng Cộng sản Việt Nam.

Sau đây là một số ý kiến xung quanh tương lai của bộ phận lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam sắp tới đây.

Hội nghị trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ 9 được tổ chức vào cuối năm 2018, kết thúc vào ngày 26/12/2018. Hội nghị này được công luận chú ý nhiều đến chi tiết các các bộ cao cấp bị kỷ luật, như ông Tất Thành Cang, thuộc thành ủy thành phố Hồ Chí Minh, đồng thời cũng là ủy viên trung ương đảng, bị cách chức vì có liên quan đến những vụ bê bối về quản lý đất đai tại khu đô thị mới Thủ Thiêm.

Những tin tức đó phần nào che lấp đi một nội dung quan trọng khác của hội nghị trung ương 9, đó là việc chuẩn bị nhân sự cho tầng lớp lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam cho giai đoạn sau năm 2021, tức là thời điểm tổ chức đại hội toàn quốc của Đảng Cộng sản vào năm 2021.

Theo những bản tin của thông tấn xã nhà nước Việt Nam đưa ra trong thời gian hội nghị trung ương 9, có hơn 200 cán bộ đảng được chọn lựa từ 250 người được các tỉnh thành và cơ quan đưa lên. Những người này, theo các bản tin của nhà nước Việt Nam, đã được chọn lựa ở cấp cơ sở vào tháng 11/2018.

Theo hai tác giả Hà Hoàng Hợp và Lại Lương Phúc viết trên trang của viện nghiên cứu Yusof Ishak, Singapore, danh sách các ủy viên trung ương tiềm năng là 205 người.

Theo báo chí Việt Nam những người này sẽ được tiếp tục theo dõi và “huấn luyện” sau hội nghị trung ương 9.

Bình luận về việc đưa ra danh sách ủy viên trung ương, tuy rằng không công bố cho công chúng, hai năm trước khi bắt đầu đại hội đảng toàn quốc, nhà quan sát chính trị trong nước là Tiến sĩ Phạm Chí Dũng, cho biết:

Việc chuẩn bị nhân sự cho đại hội 13 như vậy là không có sớm, thực ra việc chạy đua đã bắt đầu từ hồi năm 2017 rồi. Và cuộc chạy đua này sẽ tăng tốc trong những kỳ hội nghị trung ương tiếp theo.”

Một nhà quan sát khác là Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp, từ Singapore cũng cho rằng việc chuẩn bị nhân sự tại một kỳ họp giữa nhiệm kỳ như vậy là cũng bình thường như trước đây.

Nhưng theo Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp, danh sách 205 người vừa được xem xét là một danh sách có tên gọi là qui hoạch chiến lược, lần đầu tiên một danh sách như vậy xuất hiện. Đó là một điều mới.

Điều đó có thể đưa đến nhận định rằng Đảng Cộng sản Việt Nam đang rất lo lắng trước việc chuẩn bị cho thế hệ lãnh đạo tương lai của mình.

Một câu hỏi thường hay được giới quan sát đưa ra sau những kỳ họp đảng quan trọng của Đảng Cộng sản Việt Nam, là ai sẽ là người đứng đầu đảng, cũng như những chức danh thủ tướng, chủ tịch nước, chủ tịch quốc hội kèm theo, thường được gọi là tứ trụ.

Các vị trí tứ trụ, hiện nay chỉ còn tam trụ, vì ông Nguyễn Phú Trọng đang cáng đáng hai chức Tổng bí thư và Chủ tịch nước, thường được bầu lên từ Bộ chính trị đương thời.

Theo phân tích của Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp, giới hạn tuổi tác sẽ làm cho các vị Nguyễn Phú Trọng, Nguyễn Thị Kim Ngân, Nguyễn Xuân Phúc có thể sẽ về hưu vào năm 2021, và như vậy hai ứng viên hàng đầu cho chức Tổng bí thư đảng có thể là hai ông Trần Quốc Vượng và Phạm Minh Chính.

Tuy nhiên theo ông Lê Hồng Hiệp, cũng chưa thể biết được, và khả năng ông Nguyễn Phú Trọng ở lại thêm dù đã quá tuổi vẫn có thể xảy ra, như trường hợp ông Đỗ Mười vào Đại hội đảng lần thứ tám.

Ông Phạm Chí Dũng đồng ý rằng chuyện sửa lại luật đảng để cho ông Trọng nắm quyền thêm vẫn có thể xảy ra. Ông Hà Hoàng Hợp cũng đồng ý là khả năng đưa ra tiêu chuẩn áp dụng cho chức vị Tổng bí thư một cách riêng biệt vẫn có thể xảy ra.

Quan sát những hoạt động trong nước của các vị lãnh đạo Việt Nam ông Phạm Chí Dũng đưa ra một nhận xét khá thú vị, dù ông không muốn đưa ra kết luận gì:

Cũng nên lưu ý là trong thời gian gần đây những hoạt động của ông Nguyễn Xuân Phúc trở nên rộn rã hơn, những hoạt động đi đến địa phương. Nhiều người cho rằng ông Phúc đang tự vận động cho mình đế tiến tới đại hội 13.”

Trong những hoạt động đó, ông Phạm Chí Dũng đưa ra một cuộc thăm viếng Tổng cục 2, là cơ quan tình báo của quân đội, là lạ và quan trọng, vì nó nằm ngoài chức năng điều hành kinh tế của ông Phúc.

Theo ông Phạm Chí Dũng, cơ quan Tổng cục 2 là rất quan trọng trong chính trường Việt Nam, nhất là trong bối cảnh cơ quan tình báo của Bộ Công an đã bị giải tán.

Một điều rất đáng chú ý trong bộ máy chính trị Việt Nam hiện nay là ba cái ghế trống trong Bộ Chính trị, cơ quan có quyền lực cao nhất tại Việt Nam hiện nay.

Ba chiếc ghế đó là ông Đinh La Thăng bị bắt về tội tham nhũng vào tháng 12/2017, ông Đinh Thế Huynh, chính thức nghỉ bệnh vào tháng 3/2018, và ông Trần Đại Quang, Chủ tịch nước, mất vào tháng 9/2018.

Qua các kỳ hội nghị trung ương, các chiếc ghế này không được bầu bổ sung.

Người đưa ra nhận xét này đầu tiên là Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp, ông cho rằng với việc thiếu vắng ba người như vậy, cuộc đua vào vị trí tối cao vào năm 2021 có thể sẽ đơn giản hơn.
Ông Phạm Chí Dũng thì đưa ra nhận xét khác, ông cho rằng đó là thủ đoạn chính trị của ông Nguyễn Phú Trọng muốn để ba chổ trống, tạo nên sự tranh giành từ bên dưới lên, để ông có thể dễ dàng kiểm soát hơn.





No comments:

Post a Comment