Monday, December 31, 2018

TRUNG QUỐC : ĐỊA NGỤC TRẦN GIAN "HÁN HÓA" NGƯỜI HỒI GIÁO Ở TÂN CƯƠNG (RFI)




Đăng ngày 31-12-2018

Tại vùng Tân Cương rộng lớn, giáp với Kazakhstan, có ít nhất 220 địa điểm giam giữ khoảng 1 triệu người thiểu số theo Hồi Giáo. Những trại tập trung, mà Trung Quốc gọi là “các trung tâm đào tạo nghề nghiệp” này, với diện tích khác nhau, nằm trong chương trình giam giữ có quy mô lớn cộng đồng người nói tiếng Thổ và người theo đạo Hồi ở Tân Cương, nơi sinh sống của khoảng 11 triệu người Duy Ngô Nhĩ và 1,5 triệu người gốc Kazakhstan.

Trung Quốc tăng cường an ninh ngăn chận phóng viên quốc tế tại thủ phủ Tân Cương, Urumqi. Ảnh ngày 27/11/2018.Reuters

Nhà báo Brice Pedroletti đã đến Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) và Almaty (Kazakhstan) gặp gỡ một số người bị đi cải tạo ở Tân Cương. RFI tiếng Việt xin tóm tắt cuộc tiếp xúc “Với một số nạn nhân của trại lao cải Trung Quốc” được đăng trên nhật báo Le Monde ngày 29/12/2018.

Lừa để bắt giam người theo Hồi Giáo
Orinbek Koksebek, 38 tuổi, bị giam 125 ngày vào đầu năm 2018, là nhân chứng đầu tiên được nhà báo Brice Pedroletti nêu trong bài phóng sự. Sống tại Kazakhstan từ năm 2005 và đã nhập tịch nước này, Orinbek Koksebek về Trung Quốc thăm gia đình hai lần, vào năm 2016 và 2017. Chính lần cuối, vì không rành tiếng Hoa, Orinbek Koksebek bị lừa ký vào một tờ khai bằng chữ Hoa mà theo lời giải thích của nhân viên hải quan Trung Quốc, đó là mẫu đơn xin từ bỏ quốc tịch Trung Quốc.

Khi trở lại cửa khẩu để về Kazakhstan, thanh niên này bị “đưa về đồn cảnh sát với lý do phải ký vào một tài liệu. Tiếp theo là vào trạm xá để kiểm tra sức khỏe. Sau đó, họ dẫn vào một trại có tường rào quanh, như một nhà tù. Họ nói : Anh phải ở đây 3 ngày, đây là thủ tục”.

Chỉ khi đó, quản giáo mới cho Orinbek Koksebek biết rằng tờ khai anh ký khi nhập cảnh là đơn xin giữ quốc tịch Trung Quốc, chứ không phải là từ bỏ. Lý do hai quốc tịch chỉ là cái cớ vì hàng triệu người Trung Quốc gốc Hán có nhiều hộ chiếu khác nhau nhưng vẫn giữ quốc tịch Trung Quốc dù luật pháp cấm điều này.

Trường hợp cụ thể thứ hai, được nêu trong bài báo, là lời kể của Marmar Torekhan, một bé gái 12 tuổi có cha mẹ bị “mời” về Trung Quốc để hoàn tất một số thủ tục hành chính. Cả hai có thẻ định cư ở Kazakhstan nhưng chưa nhập tịch đều một đi không trở về.

Ali (tên đã được đổi), khoảng 40 tuổi hiện sống ở Istanbul, từng là kĩ sư tin học cho một công ty nhà nước Trung Quốc (không được nêu tên) ở Urumqi, thủ phủ vùng Tân Cương. Ông bị hai lần đưa vào trại giam giành cho “những người không đáng tin cậy” chỉ vì tải phần mềm nén dữ liệu KuaiZip của Trung Quốc. Sau khi ra khỏi trại, Ali đã hối lộ 50.000 đô la để có được hộ chiếu và rời Trung Quốc. Theo ông, chính quyền Trung Quốc “sợ những người có học, biết được nhiều điều về hệ thống hơn là những người bình thường”.

Sophia (tên giả), gốc Kazakhstan, là nhân chứng cụ thể thứ ba “bị lừa”. Sinh ở Tân Cương và gia đình vẫn sống ở đó, nữ sinh viên 20 tuổi của một trường đại học ở phía Bắc Kazakhstan bị bắt khi về thăm gia đình ở Trung Quốc. Bị chất vấn rất lâu ở biên giới, nên cô quyết định ngủ lại đêm ở Urumqi. Đêm đó, một người bạn gái Duy Ngô Nhĩ gọi điện, nói muốn vay tiền. Cô đến gặp bạn và cảnh sát Trung Quốc đón lõng. Bị thẩm vấn trên chiếc ghế cọp, cảnh sát hỏi tại sao cô lại có bạn người Duy Ngô Nhĩ, tại sao lại đi học đại học ở Kazakhstan, trong khi hệ thống đại học Trung Quốc tốt hơn? Cuối cùng, cảnh sát chìa cho cô lệnh giam 6 tháng.

Từ 1 đến 3 triệu người sống trong 220 trại giam
Những người bị cải tạo phải sống trong điều kiện vô cùng khắc nghiệt. Theo Kakharman Khozamberdi, một nhà đấu tranh người Duy Ngô Nhĩ sống ở Kazakhstan, “có khoảng 220 trại giam, chứa từ 1 đến 3 triệu người. (Giới lãnh đạo Trung Quốc) tự cho thời hạn 7 đến 9 năm để vào cải tạo hết những người Hồi Giáo từ 15 đến 84 tuổi”. Phòng giam quá tải, chen chúc nhau trong diện tích rất nhỏ là điểm chung được các nhân chứng kể lại.

Kĩ sư tin học Ali từng sống chung với 50 người khác trong phòng giam rộng 60 m2. Nơi ông bị giam nằm gần huyện Phụ Khang (Fukang) “có 12 dãy nhà, mỗi dãy gồm 20 phòng giam. Cửa sổ nằm tít trên cao và lính gác theo dõi họ qua những ô cửa đó. Khi họ mở cửa, mùi hóa chất xộc vào nồng nặc. Đèn công suất lớn chiếu sáng suốt đêm. Chúng tôi không thể duỗi người. Cứ hai tiếng, khoảng 15 người dậy để theo dõi những người khác. Thời gian còn lại, chúng tôi ngồi hàng giờ, không được phép nói chuyện”.

Khu trại cũng là nơi phân loại, một số người bị đi cải tạo giáo dục, một số khác bị ngồi tù. Điều tồi tệ nhất khi bị giam, theo Ali, là nỗi sợ : “Khoảng chục người bị giam, tay bị còng giữa hai chân trong suốt 15 ngày. Và họ bị chọn ngẫu nhiên. Chúng tôi phải giúp họ ăn uống, đi vệ sinh”.

Nữ sinh viên Sophia bị giam cùng với 23 người khác trong căn phòng rộng 25 m2, nhớ lại : “Ban đêm, chúng tôi phải thay nhau theo dõi những người khác để tránh ai đó tìm cách tự vẫn”. Cô bị đá vào vùng kín, kinh nguyệt bỗng dừng khi bị giam.

Đàn áp tôn giáo và âm mưu Hán hóa
Khác với ba nhân chứng bị “sập bẫy” ở trên, Bekbol (tên giả), một người Hoa gốc Kazakhstan, chuyển sang sống ở Almaty (Kazakhstan) năm 2014 khi cảm thấy chính quyền Trung Quốc ngày càng thắt chặt chính sách về người thiểu số Hồi Giáo. Cựu đảng viên đảng Cộng Sản Trung Quốc này hiện là tình nguyện viên cho tổ chức phi chính phủ AtaZhurt (“Mẹ tổ quốc”, theo tiếng Kazakhstan) nhận xét : “Người Kazakhstan Trung Quốc là cộng đồng thiểu số ở Tân Cương tiếp xúc với thế giới bên ngoài nhiều nhất. (Chính quyền Trung Quốc) sợ thiểu số Kazakhstan tiết lộ những đợt truy bức người Duy Ngô Nhĩ. Nhưng người Kazakhstan Trung Quốc không ưa người Duy Ngô Nhĩ lắm và người Hán luôn tìm cách đẩy hai cộng đồng thiểu số Hồi Giáo đối đầu nhau”.

Mưu đồ Hán hóa các cộng đồng thiểu số Hồi Giáo ở Tân Cương được thể hiện rõ qua lời kể của hai nhân chứng Orinbek Koksebek và Sophia. Trong những khu trại giam đã tồn tại, những nhà tù bí mật, những ngôi trường đảng hoặc những trại tập trung mới được xây, trong đó có khoảng 60 trại được vệ tinh chụp lại, tất cả học viên phải học thuộc ba bài hát : Hành khúc nghĩa dũng quân (quốc ca Trung Quốc) và hai bài hát “yêu nước”Đông phương hồng và Không có đảng Cộng Sản, không có tân Trung Hoa.

Ngoài những ca khúc yêu nước trên, nữ sinh viên Sophia còn phải học những điều răn của Khổng Tử, 33 điều về “hoạt động tôn giáo bất hợp pháp”, như không đội khăn hijab, không đi lễ ở đền thờ Hồi Giáo, không nói “nhân danh đấng tối cao” trước khi ăn…

Basitava Guzel, một phụ nữ Duy Ngô Nhĩ 34 tuổi, sống ở Kazakhstan từ lâu. Chồng cô bị chính quyền địa phương ở Tân Cương cấm rời khỏi ngôi làng gần thành phố Y Ninh (Ghulja, Tân Cương), sau khi chồng cô về thăm bố mẹ. Cô kể lại với nhà báo Brice Pedroletti rằng “trong ngôi làng của cha mẹ, đền thờ bị đóng cửa. Họ sợ cầu nguyện ở nhà. Tất cả sách vở đều bị tịch thu và những cuốn không liên quan đến tôn giáo được trả lại, có đóng dấu. Ngày trước, mọi người vẫn quen vừa đi vừa cầu nguyện bằng cách khoanh tay trước ngực. Nhưng giờ những người bước đi như thế đều bị bắt giữ”. Mới đây, cô nhận được tin bố mẹ chồng và anh chị em nhà chồng đều bị đưa đi cải tạo. Riêng chồng cô vẫn bặt vô âm tín.
Nhà đấu tranh người Duy Ngô Nhĩ Kakharman Khozamberdi cho rằng “tất cả những người thể hiện khuynh hướng tôn giáo, tầng lớp tăng lữ, những sinh viên đặt quá nhiều câu hỏi… đều là đối tượng bị nhắm đến. Mục đích là loại mọi ý thức bản sắc Duy Ngô Nhĩ hay Kazakhstan và thay vào đó là bản sắc Trung Hoa”.

Còn theo phân tích của nhà nghiên cứu chính trị người Kazakhstan, Rasul Jumaly, Trung Quốc đang tiến hành “chính sách đồng hóa nhanh chóng với những phương tiện triệt để”. Ông giải thích : “So sánh với thời Liên Xô, Trung Quốc tương đối tự do : ở Tân Cương, người ta thấy có nhiều trường học, báo chí bằng tiếng Kazakhstan hoặc Duy Ngô Nhĩ, nhiều hơn cả Kazakhstan có vào thời thuộc Liên Bang Xô Viết. Nhưng dự án Một Vành đai, Một Con đường mang tính chiến lược rất lớn đối với giới lãnh đạo Trung Quốc hiện nay. Ưu tiên chính của họ là bình ổn khu vực, bỏ qua những lời chỉ trích của cộng đồng quốc tế”, như yêu cầu được đến kiểm chứng thông tin của Cao ủy Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc Michelle Bachelet, bức thư gửi của khoảng 15 đại sứ phương Tây ở Bắc Kinh gửi đến ông Trần Toàn Quốc (Chen Quanguo), bí thư tỉnh Tân Cương.

Trong khi đó, theo xã luận của Le Monde, phần lớn các quốc gia Hồi Giáo không dám lên tiếng về thảm cảnh của sắc dân theo đạo Hồi ở Tân Cương vì sợ làm mất lòng Bắc Kinh. Chính quyền Astana hiện vẫn để các hiệp hội phi chính phủ lên tiếng bảo vệ quyền của người Kazakhstan bị giam ở Trung Quốc, nhưng không dám chính thức phản đối vì quá lệ thuộc vào nước láng giềng, đặc biệt trong dự án Con đường Tơ lụa mới.









No comments:

Post a Comment