Saturday, December 29, 2018

TỔNG THỐNG PHILIPPINES DUTERTE - NHÀ DÂN TÚY ĐIỂN HÌNH Ở CHÂU Á (Thùy Dương - RFI)




Thùy Dương – RFI
Đăng ngày 28-12-2018 

Với « cuộc chiến chống ma túy » khiến 12.000 người chết, những phát biểu dung tục, bài phụ nữ …, tổng thống Philippines Rodrigo Duterte là một trong những nhà dân túy điển hình ở châu Á, cùng với Thaksin Shinawatra của Thái Lan, Imran Khan ở Pakistan hay Mahinda Rajapaksa của Sri Lanka …

Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte nổi tiếng với chiến dịch bài trừ ma túy khiến 12.000 người bị giết chết.REUTERS/Erik De Castro

Trên trang châu Á The Asialyst ngày 21/12/2018, tiến sĩ lịch sử chính trị David Camroux, nhà nghiên cứu hợp tác với Trung tâm nghiên cứu quốc tế CERI thuộc viện nghiên cứu chính trị Sciences Po Paris phân tích về hiện tượng Duterte và chủ nghĩa dân túy ở Philippines.

Làm thế nào mà Philippines, nền dân chủ đầu tiên ở châu Á, lại có nhà lãnh đạo dân túy như Duterte?
Duterte là một hệ quả. Chúng ta nên lần ngược lại thời thuộc địa. Trái ngược với Indonesia và Việt Nam, Philippines không có giai đoạn bản lề là cuộc chiến đòi độc lập. Trong giai đoạn giải phóng khỏi ách thực dân, thường có sự chia rẽ về sắc tộc, giai tầng … Nhưng Philippines không bị như vậy. Đây là một đất nước được ban cho nền độc lập. Giới tinh hoa không thay đổi từ gần như suốt cả thế kỷ qua, ngoại trừ một số nhân vật trong giới thể thao và điện ảnh mới nổi lên từ vài năm nay. 80% thành viên Quốc Hội Philippines xuất thân từ các gia tộc làm chính trị.

Tại sao một người như Duterte lại xuất hiện trong bối cảnh chính trị này ?
Duterte không phải là trường hợp đầu tiên. Philippines đã từng có nhiều nhà độc tài, người cuối cùng là Ferdinand Marcos, nhà độc tài trong giai đoạn 1972-1986. Không nên quên là Marcos là do dân bầu : ông ấy đã đắc cử tổng thống. Ở Philippines, cũng như tại Indonesia, luôn có những người tiếc nuối các nhà độc tài. Đó là một phản xạ của con người : sàng lọc các kỷ niệm trong quá khứ và chỉ lưu giữ lại điều tốt đẹp nhất. Hiện giờ vẫn còn có những người dân nói : « Marcos không tôn trọng nhân quyền, đúng là vậy, nhưng ít nhất thời đó vẫn còn có trật tự ».

Duterte tận dụng điều đó thế nào vào các phát biểu chính trị của ông ?
Duterte nói với dân chúng : « Quý vịđã bị lừa gạt vào những năm 1986, 1992, do phong trào Quyền lực nhân dân », ý nói tới các đợt biểu tình rồi các kỳ bỏ phiếu chấm dứt chế độc độc tài Marcos. Duterte giải thích là một vị lãnh đạo bị thay thế bằng một vị lãnh đạo khác, dù chuyển đổi thế nào thì dân chúng cũng chẳng được lợi gì. Điều thú vị về phong trào Quyền lực nhân dân đầu tiên là đó không phải « Quyền lực của dân » mà là « Quyền lực do dân ».Nhân dân chỉ được coi là một phương tiện hoặc công cụ. Như vậy là đã có xu hướng dân túy.

Nhưng Duterte cũng xuất thân từ một gia tộc chính trị …
Đúng là như vậy, cái giỏi của ông ấy là đã làm mọi người quên đi điều đó. Cha ông ấy từng là thị trưởng thành phố Davao, và con gái Rodrigo Duterte cũng kế nhiệm chức vụ này. Đây cũng là kiểu gia tộc chính trị cha truyền con nối. Nhưng Duterte nói thứ ngôn ngữ dân dã, và cũng chẳng ngần ngại thể hiện tính dung tục nhiều khi khiến người khác choáng váng và nhớ mãi. Cũng tương tự như trường hợp của Donald Trump. Họ đã vượt lằn ranh đỏ trong khi nói chuyện chính trị nhiều tới mức khiến các cuộc tranh luận đôi khi là không thể thực hiện được. Nhưng cũng giống như Trump, đằng sau sự thô thiển, Duterte là một nhà chính trị với một năng khiếu thực thụ.

Duterte đã tận dụng lợi thế đó như thế nào để được coi là người của nhân dân ?
Khi còn nhỏ, Duterte từng là một học trò lười biếng, bị đuổi khỏi nhiều trường học, chưa bao giờ học hành thực sự … Trái lại, Duterte trải qua nhiều thời gian bên các vệ sĩ của mình và các vệ sĩ của người cha. Có thể nói, ông ấy đã thực sự trải qua thời thơ ấu với nhân dân. Và ông ấy bày tỏ ý kiến nhân danh nhân dân : nhân dân có đạo đức, có công lao, trái ngược với giới tinh hoa tham nhũng ở Manilla. Duterte nói : « Tôi biết điều dân nghĩ, chỉ có tôi mới có thểnói vì lợi ích của dân ». Dân túy đích thực là như thế !

Những người ủng hộ Duterte là những người cảm thấy bị lãng quên, bị đẩy ra bên lề cộng đồng. Nếu họ ở Paris, trên đại lộ Champs-Elysées hồi đầu tháng 12, có lẽ họ đã khoác lên người chiếc áo vàng. Duterte cũng được các tầng lớp bình dân ủng hộ. Chúng ta không nên quên là Philippines là nước bất bình đẳng nghiêm trọng nhất ở Đông Nam Á.

Duterte làm cách nào để dung hòa được các sự ủng hộ khác nhau ?
Duterte cũng gần giống như cảnh sát trưởng và hiệp sĩ rừng xanh. Ông ký các thỏa thuận với cả phe Hồi Giáo và Cộng Sản, có các phát biểu bài Mỹ nhưng lại chỉ huy quân đội thân Mỹ. Duterte có các phát biểu theo chủ nghĩa dân tộc, nhưng lại có chính sách kinh tế tự do. Có một chi tiết thú vị : ông ấy không bao giờ nói « Tôi là tổng thống » mà chỉ nói « Tôi là thị trưởng », điều đó cho thấy ông ấy gắn bó với thành phố Davao. Đó là một chiến lược : thị trưởng thường là nhân vật duy nhất trong giới chính trị được tôn trọng, bởi vì khi thị trưởng thông qua một cải cách, người ta sẽ thấy ngay lập tức hành động của thị trưởng có hệ quả trực tiếp như thế nào.

Chủ nghĩa dân túy ở Philippines giống với chủ nghĩa dân túy ở châu Âu hay châu Mỹ La tinh hơn ?
Nếu chủ nghĩa dân túy thể hiện qua các phát biểu thù hằn nhắm vào một nhóm sắc tộc hay một bộ phận trong xã hội, thì Duterte lại thường chỉ trích một « giới tinh hoa » bằng cách phóng đại sự bất bình đẳng giữa các vùng miền, khoảng cách biệt giữa thủ đô Manilla và phần lãnh thổ còn lại của Philippines.

Một kẻ thù khác của Duterte đương nhiên là ma túy. Ma túy ảnh hưởng đến tất cả mọi người ở Philippines, nhất là các gia đình nghèo khó. Lái xe taxi thường dùng ma túy để có thể làm việc 18-20 giờ/ngày. Người ta thấy « cuộc chiến chống ma túy » mà Duterte phát động có những tác hại khủng khiếp thế nào : cảnh sát thành lập các biệt đội tử thần để tiêu diệt những người nghiện hút ma túy trong các khu phố nghèo.

Người ta thống kê có khoảng 12.000 người bị giết hại phi pháp. Duterte thì công khai thừa nhận và tự đề cao là đã tiêu diệt được 100 người. Ông ấy thích vũ khí. Chính Duterte đã thành lập các biệt đội tử thần ở Davao. Và cuộc chiến chống ma túy này lại được lòng nhiều người. Nhà làm phim Brillante Mendoza, vốn ủng hộ Duterte, thậm chí đã sản xuất một seri phim cho Netflix về cuộc chiến chống ma túy của Duterte.

Thật là khó tránh liên tưởng tới việc Trump ca tụng súng ống và kêu gọi bạo lực …
Người ta có thể coi Duterte là một « Trump thu nhỏ », nhưng làm như thế có nghĩa là nhìn nhận không đúng về Philippines. Ở Mỹ, các định chế có khả năng phản bác Trump. Nhưng quyền lực đối trọng này không tồn tại ở Philippines. Nhà nước yếu kém. Chỉ có 15% PIB là dành cho các hoạt động của Nhà nước. Người dân không được tiếp cận với các dịch vụ công cơ bản như y tế, giáo dục, tư pháp. Philippines thiếu khoảng 50.000 thẩm phán, nhà tù thì quá tải, các công trình xây dựng cấp quốc gia bị bỏ dở giữa chừng, các công trình nhà nước cũng vậy. Tất cả những điều này tạo cho chủ nghĩa dân túy nhiều cơ hội phát triển.

Như vậy là không có ai để đối chọi lại với Duterte ?
Vào năm 1986, một liên minh giữa Giáo Hội Công Giáo, quân đội và các tầng lớp trung lưu được hình thành để lật đổ nhà độc tài Marcos. Philippines hiện giờ không có một liên minh như vậy để chống Duterte. Giáo Hội Công Giáo suy yếu. Tổng thống Duterte cũng chú ý thắt chặt quan hệ với quân đội. Mặc dù ông ấy cũng không phải là có quyền năng tối thượng, nhưng ba chính trị gia đối lập chính của ông đều đang bị tù giam hoặc đã bị cách chức. Hiện giờ chỉ còn phó tổng thống Leni Robredo là còn công khai chỉ trích Duterte. Bà ấy đang tiến hành chiến dịch vận động tranh cử giữa nhiệm kỳ 05/2019. Đây sẽ là kỳ bầu cử có vai trò quyết định.

Chủ nghĩa dân túy sẽ còn kéo dài bao lâu nữa ở Philippines ?
Sức khỏe của Duterte không tốt lắm. Có nhiều tin đồn thổi đáng lo ngại về tình trạng sức khỏe của tổng thống Philippines. Người ta cũng biết rằng ông ấy có vấn đề thực sự với chất gây nghiện. Dường như ông ấy phụ thuộc vào fetanyl, một chất gây nghiện rất mạnh được kê cho ông để giảm đau sau khi Duterte bị một tai nạn moto khi còn trẻ. Người ta đôi khi tự hỏi liệu Duterte có thay đổi hệ thống để tiếp tục làm tổng thống hay không. Tôi thì không nghĩ thế. Nhưng có một khả năng khác còn đáng lo ngại hơn. Rất có thể Duterte đang chuẩn bị mở đường để con trai nhà độc tài Marcos có thể thay Duterte lãnh đạo nếu ông qua đời hoặc từ chức.







No comments:

Post a Comment