Friday, December 28, 2018

TÌNH HUYNH ĐỆ (Nguyễn Đạt Thịnh)




Nguyễn Đạt Thịnh
Wednesday, 26/12/2018

Trong lời rao giảng Urbi et Orbi (răn dân Thánh Địa và dân Toàn Cầu) nhân ngày Giáng Sinh, Giáo Hoàng Francis nói, “Điều tôi cầu nguyện cho một ngày Giáng Sinh hạnh phúc, là cầu cho tình huynh đệ tương thân.” (My wish for a happy Christmas is a wish for fraternity.)

Quả là đầy đủ, và quả là thâm thúy. Chỉ cần mỗi người và mọi người thương nhau như anh em một nhà là đủ.

Nếu tổng thống Mỹ coi mỗi người Nam Mỹ cõng con vượt biên lẻn vào lãnh thổ Mỹ như một đứa em, là ông có thể thảo luận với quý vị quốc trưởng Trung và Nam Mỹ, để cùng tìm cách an toàn hóa, sung túc hóa toàn thể Mỹ Châu, hầu diệt đi hai nguyên nhân chính của khát vọng trốn vào đất Mỹ, chỉ với mong cầu được sống bất hợp pháp tại Mỹ, với rất nhiều thiệt thòi, nhưng sống trong no ấm, và an toàn, không còn sợ nạn du đãng hà hiếp, đánh, giết, không còn sợ đói, lạnh nữa.

Đứng trên cái “ban công” nho nhỏ, và khá cao tại công viên St. Peters Square, Vatican City, tiếng nói của Đức Thánh Cha 82 tuổi, vang dội khắp thế giới, tạo hy vọng cho nhân loại.

Giáo Hoàng rao giảng tình huynh đệ tương thân

Tuy nhiên, việc thể hiện tình tương thân giữa một cuộc sống vô cùng phức tạp hiện tại, lại không dễ như đọc lên lời khuyên chí lý đó.

Pope Francis, nói tiếp, “Tôi kêu gọi tình HUYNH ĐỆ TƯƠNG THÂN giữa những người khác biệt chủng tộc, khác biệt văn hóa; HUYNH ĐỆ TƯƠNG THÂN giữa những người không đồng quan điểm nhưng vẫn tương kính -người này vẫn quý trọng người kia, lắng nghe quan điểm của nhau. Tôi kêu gọi HUYNH ĐỆ TƯƠNG THÂN giữa những người không thờ chung một tín ngưỡng. Được như vậy thì khác biệt không còn nguy hiểm nửa, không còn bất lợi nữa, mà chỉ giúp kiến thức của con người thêm phong phú, rộng rãi.”

Nhưng giữa lúc chiến tranh giết nhiều người bằng súng đạn và đói khổ, thiếu thốn, có ai còn nghe được tiếng Giáo Hoàng kêu gọi tình HUYNH ĐỆ TƯƠNG THÂN nữa hay không?

Trẻ em bị bỏ đói trong cuộc chiến tại Yeman.

Những đứa trẻ vô tội nạn nhân chiến tranh tại Yemen, đang chết vì đói, và vì bom đạn.

Giáo Hoàng nêu lên nhiều cuộc chiến tranh và lên án toàn bộ những cuộc chiến tranh đó, kể cả hai cuộc chiến tranh mà Hoa Kỳ hoặc trực tiếp, hoặc gián tiếp tham dự; gián tiếp như Yemen, và trực tiếp như Syria.

Mỹ bán bom, bán máy bay cho Saudi Arabia để Thái Tử Mohammed sử dụng giết và bỏ đói trẻ con Yemen; tại Syria, Mỹ có 2,000 quân trực tiếp tham chiến, vừa chống quân khủng bố ISIS, vừa chống chính phủ Syria vì thành tích sử dụng bom hóa học giết thường dân.

Mỹ bán bom và khu trục cơ giúp Saudi Arabia giết và bỏ đói trẻ con Yemen

Trong lúc Giáo Hoàng còn đang kêu gọi cộng đồng thế giới thương yêu nhau, để cùng tích cực tìm cho ra một giải pháp loại bỏ tệ trạng chia rẽ, chấm dứt tranh giành quyền lợi đảng phái, để người Syria có thế chấm dứt cuộc sống tha hương cầu an, và trở lại mảnh đất quê hương của họ, thì tổng thống Mỹ đã đi trước ông, thực hiện việc đó.

Tổng thống Trump ra lệnh rút toàn bộ 2,000 quan Mỹ ra khỏi Syria, viện cớ là Mỹ đã thắng trận, đã tiêu diệt toàn bộ quân ISIS, và không còn gì nữa để làm tại đó nữa.

Hành động dứt chiến đó bị người Mỹ phản đối, khởi đầu bằng việc Bộ Trưởng Quốc Phòng Jim Mattis từ chức; trong bức thư xin từ nhiệm, ông Mattis viết, “Một trong những niềm tin cốt lõi mà tôi luôn luôn giữ vững là sức mạnh của Hoa Kỳ gắn bó chặt chẽ với sức mạnh của hệ thống liên minh và đối tác độc đáo và toàn diện của chúng ta.

“Mặc dù Mỹ là quốc gia không thể thiếu trong thế giới tự do, nhưng chúng ta không thể bảo vệ quyền lợi của mình hoặc phục vụ vai trò quốc gia không thể thiếu một cách hiệu quả mà không duy trì liên minh mạnh mẽ đó và thể hiện sự tôn trọng với các quốc gia đồng minh.

“Cũng như tổng thống, tôi quan niệm lực lượng vũ trang của Hoa Kỳ không nên là cảnh sát của thế giới. Thay vào đó, chúng ta phải sử dụng toàn bộ sức mạnh của Mỹ để cung cấp cho nhu cầu quốc phòng chung, bao gồm cung cấp sự lãnh đạo hiệu quả cho các liên minh của chúng ta. Các nền dân chủ của NATO 29 thành viên dân chủ, đã chứng minh rằng sức mạnh trong cam kết chiến đấu bên cạnh chúng ta sau cuộc tấn công 9-11 vào lãnh thổ Mỹ. Liên minh thất bại-ISIS của 74 quốc gia cũng là bằng chứng rõ ràng khác.”

Thái độ từ nhiệm của Bộ Trưởng Mattis được sự ủng hộ của dư luận Mỹ! Tại sao? Họ thích chiến tranh ư?

Câu hỏi đó đã nhiều lần được đặt ra trong lịch sử Mỹ, và câu trả lời cũng khá phức tạp; nhưng nhìn chung những cuộc chiến tranh mà Mỹ tham dự, chúng ta thấy là, mặc dù không thích, nhưng nhiều lần Mỹ đã không tránh được, mà phải tham chiến.

Hai cuộc chiến tranh -Thế Chiến II, và Chiến Tranh VN- là hai điển hình chứng minh thái độ Mỹ không thích, nhưng vẫn phải tham chiến.

Có thể nói Thế Chiến Thứ Nhì khởi đầu từ năm 1937, bằng cuộc tấn công (không tuyên chiến) của Nhật đánh vào lãnh thổ Trung Quốc, hoặc từ năm 1939, khi Đức xâm lấn quân sự, chiếm Ba Lan. Mỹ chỉ nhập cuộc ngày mùng 7 tháng Chạp 1941, sau khi Nhật tấn công Trân Châu Cảng.

Như vậy, lý do khiến Nhật và Đức phát động Thế Chiến II không phải là thù ghét mà là tham lam; Nhật tham nguồn lợi “bá chủ Á Châu,” Đức muốn gồm thâu Tây Âu. Cộng Sản cũng không vì thù ghét mà đánh chiếm Nam Việt, Mỹ không vì ghét trẻ con Yemen mà bán khu trục cơ, bom, đạn cho Saudi Arabia, mà vì Tổng Thống Trump thích số tiền $110 tỉ.

Chỉ cần cầu nguyện xin đấng Tối Cao trừng phạt khiến toàn bộ vài chục cái “Trump Towers” trên toàn thế giới đột ngột biến mất là thế giới hòa bình ngay, vì tổng thống mất cái thú xây khách sạn thượng hạng, cho mướn đắt tiền.

Hy vọng ngày đó là ngày mùng 9 tháng Giêng sang năm, ngày bắt đầu của một quốc hội mới.







No comments:

Post a Comment