Wednesday, December 26, 2018

THÀNH VIÊN HỘI ANH EM DÂN CHỦ - NHÀ HOẠT ĐỘNG NGUYỄN TRUNG TRỰC BỊ Y ÁN 12 NĂM TÙ (BBC Tiếng Việt)




BBC Tiếng Việt
26 tháng 12 2018

Tòa án Nhân dân tại Đà Nẵng tuyên y án 12 năm tù, 5 năm quản chế cho nhà hoạt động Nguyễn Trung Trực tại phiên xử phúc thẩm hôm 26/12/2018.

Nhà hoạt động Nguyễn Trung Trực ra tòa hôm 26/12/2018. FB LUẬT SƯ NGUYỄN VĂN MIẾNG

Ông Nguyễn Trung Trực, thành viên Hội Anh Em Dân Chủ, bị kết tội "hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân", quy định tại Điều 79, Bộ luật Hình sự năm 1999.
Phiên tòa phúc thẩm được xử trong buổi sáng hôm thứ Tư với công tác an ninh được thắt chặt.

Luật sư Nguyễn Văn Miếng, đại diện pháp lý cho ông Trực tại phiên tòa, nói với BBC ngay sau phiên tòa:
"Ông Nguyễn Trung Trực luôn khẳng định rằng ông không có tội."
"Trong lời sau cùng tại tòa, ông Nguyễn Trung Trực nói: 'Tôi khẳng định rằng: Tôi không lật đổ bất kỳ ai. Tôi chỉ cổ suý cho dân chủ, nhân quyền và bảo vệ môi trường tại Việt Nam cho đến khi nó được thực thi tốt nhất'."

Ông Trực cũng nói, "Phản đối phiên tòa."

Ông Nguyễn Trung Trực (phải) trong một lần tiếp xúc với Linh mục Phê-rô Phan Văn Lợi. HAEDC

Y án sơ thẩm

"Phần trình bày của ông Trực cũng như của luật sư đều không được tòa chấp nhận," luật sư Nguyễn Văn Miếng nói.

"Tội này phải có mục đích. Nhưng tòa không xác định được mục đích của ông Trực là nhằm lật đổ chính quyền nhân dân."
"Nhưng tòa nói căn cứ vào hành vi khách quan là có thể suy luận ra là ông này có ý chủ quan."
"Và tòa đã y án [sơ thẩm]."
"Bên luật sư chúng tôi thì cố gắng hết sức thôi, nhưng dường như tòa có một quy chuẩn nào đó mà tôi không hiểu được."
"Do dù mình có trình bày như thế nào đi chăng nữa thì những phiên tòa chính trị như thế này thường biết trước là y án."

Ông Nguyễn Trung Trực là ai?

Luật sư Miếng cũng cho biết, dù khá mệt mỏi, sức khỏe không tốt do phải di chuyển chặng đường xa từ Quảng Bình ra Đà Nẵng, nhưng tinh thần của ông Nguyễn Trung Trực 'rất tốt'.
"Ông rất sáng suốt trong phần trình bày của mình."

Phó Giám đốc khu vực châu Á của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW), ông Phil Robertson, trong thông cáo gửi đi ngày 26/12 nói rằng hành vi phạm tội duy nhất của ông Nguyễn Trung Trực là "bày tỏ quan điểm của mình về nhu cầu cấp thiết phải cải cách chính trị ở Việt Nam".
"Đây không phải là một tội hình sự. Ông Nguyễn Trung Trực cần được trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện."

"Bản án 12 năm mà ông Nguyễn Trung Trực nhận được vào tháng Chín vì các hoạt động của mình là vô lý. Nhưng với sự kiểm soát của Đảng Cộng sản đối với hệ thống tòa án tại nước này thì không ai tin rằng ông Trực sẽ nhận được công lý tại phiên tòa phúc thẩm hôm nay," ông Robertson nói thêm.

Bốn thành viên của Hội Anh em Dân chủ, trong đó có Luật sư Nguyễn Văn Đài, bị tuyên mức án tổng cộng là 66 năm tù giam trong một phiên tòa từ trước tại Việt Nam. GETTY IMAGES

Ông Nguyễn Trung Trực, sinh năm 1974, từng là thuyền nhân trong trại tị nạn ở Hong Kong hơn bảy năm hồi thập niên 1990, sau đó bị trục xuất về Việt Nam vào năm 1997.

Năm 2003, ông đi làm ở Malaysia, nơi ông tham gia Phong Trào Chấn Hưng Nước Việt do các nhà hoạt động nhân quyền Vũ Quang Thuận và Lê Thăng Long thành lập. Phong trào này vận động cho hệ thống chính trị dân chủ, đa đảng tại Việt Nam.

Cáo trạng của Viện Kiểm sát nói ông Trực khoảng giữa năm 2015 đã tham gia Hội Anh em Dân chủ, một tổ chức do luật sư Nguyễn Văn Đài thành lập từ 4/2013.

Ông Trực bị giới chức bắt giam hồi tháng 8/2017.

Trong phiên sơ thẩm hôm 12/9/2017, tòa Quảng Bình kết án ông 12 năm tù và 5 năm quản chế.

Hồi tháng 4/2018, bốn thành viên khác của Hội Anh em Dân chủ cùng luật sư Nguyễn Văn Đài và bà Lê Thu Hà đã bị kết án với cùng tội danh với ông Trực.

Ông Nguyễn Văn Đài và cộng sư Lê Thu Hà đã được trả tự do và xuất cảnh sang Đức trong tháng 6/2018.

Bốn người còn lại, gồm các ông Trương Minh Đức, Phạm Văn Trội, Nguyễn Bắc Truyển và Mục sư Nguyễn Trung Tôn, vẫn đang trong tù, với các mức án từ 7 đến 13 năm tù.

----------------

Tin liên quan
·        

·        

·        

·        

·        





No comments:

Post a Comment