Friday, December 28, 2018

NỘI BỘ TRUNG QUỐC CĂNG THẲNG VÌ ÁP LỰC CỦA DONALD TRUMP (Tú Anh - RFI)




Tú Anh  -  RFI
Đăng ngày 28-12-2018

Viễn cảnh chiến tranh thương mại với Mỹ và áp lực của Washington đã làm dao động tinh thần ban lãnh đạo Trung Quốc. Để siết chặt kiểm soát tư tưởng, chủ tịch Tập Cận Bình đã áp đặt lên bộ chính trị hai ngày học tập tự phê 25-26/12/2018. Điều đó cho thấy nội bộ Trung Quốc đang căng thẳng.

Bộ chính trị đảng Cộng Sản Trung Quốc đã được triệu tập để học tập trong hai ngày thứ Ba và thứ Tư vừa qua. Theo bản tin của AFP từ Bắc Kinh, các ủy viên được yêu cầu phải « nhanh chóng » học tập các bài diễn văn của chủ tịch Tập Cận Bình, tuân thủ kỷ luật cho bản thân, cho gia đình và những người cộng sự.

Ông Tập Cận Bình tái diễn những phương thức kiểm tra tư tưởng thời Mao Trạch Đông : những quan chức cao cấp phải tự kiểm điểm, tự phê dưới ánh sáng chỉ đạo của chủ tịch, theo bản tóm tắt nội dung được Tân Hoa Xã loan báo ngày 27/12/2018, một ngày sau khi cuộc họp mật kết thúc.

Căng thẳng ở thượng tầng lãnh đạo
Theo giáo sư Willy Lam (Lâm Hoà Lập), đại học Hồng Kông, Tập Cận Bình áp đặt một « cuộc trắc nghiệm » lòng trung thành của 24 ủy viên bộ chính trị. Nhưng qua biện pháp này, chủ tịch Trung Quốc mặc nhiên thừa nhận « có căng thẳng trong hàng ngũ lãnh đạo, một số vị không chứng tỏ họ hoàn toàn trung thành ». Cuộc họp bộ chính trị được triệu tập trong bối cảnh Trung Quốc đối đầu với cuộc chiến tranh thương mại với Mỹ từ mùa hè năm nay và tình trạng kinh tế tăng trưởng chậm lại.

Trong cuộc họp bên lề G20 tại Achentina vào đầu tháng 12, ông Tập Cận Bình đã thuyết phục được tổng thống Donald Trump cho ba tháng để đàm phán một thỏa thuận thương mại. Theo nguồn tin của Bloomberg, phái đoàn thương thuyết Mỹ sẽ đến Bắc Kinh ngày 07/01/2019.

Từ đánh giá thấp đối thủ đến thiếu tự tin
Theo phân tích của chuyên gia Willy Lam, chủ tịch Tập Cận Bình bị nội bộ chỉ trích vì xem thường quyết tâm chính trị của Donald Trump, không ngờ tổng thống Mỹ nói là làm, tăng thuế đánh lên hàng Trung Quốc. Hệ quả là miền nam và đông Trung Quốc cũng như các ngành công nghệ xuất khẩu bị thiệt hại nặng nề. Do vậy, với tư cách là lãnh đạo tối cao, là « hạt nhân », Tập Cận Bình bị áp lực rất mạnh phải đạt được một thỏa hiệp với Mỹ vào đầu tháng Ba 2019, khi « tối hậu thư » đến kỳ hạn.

Thời điểm này trùng hợp với khóa họp khoáng đại của Quốc Hội Trung Quốc. Tập Cận Bình có nguy cơ bị đại biểu các địa phương chất vấn. Trong cuộc đọ sức Mỹ-Trung, tổng thống Donald Trump chiếm thế thượng phong, khai thác nhược điểm của lãnh đạo Trung Quốc.

Từ khi đưa « tư tưởng Tập » vào Hiến pháp, hủy bỏ giới hạn hai nhiệm kỳ, Tập Cận Bình được xem là lãnh đạo quyền uy số một như Mao. Nhưng vì không có uy thế của cha đẻ chế độ, nên ông Tập không cảm thấy an toàn, thiếu tự tin, luôn sợ người khác giành ghế, theo nhà phân tích chính trị độc lập (Hua Po) Hoa Pha ở Bắc Kinh. Do vậy, lãnh đạo Trung Quốc cần phải « tập trung thêm quyền lực » để đối phó với thách thức bên trong lẫn bên ngoài. Một dấu hiệu nữa cho thấy nội bộ chao đảo : Sự kiện đại hội Trung ương đảng định kỳ vào mùa thu năm nay đã bị hủy bỏ. Có lẽ Tập Cận Bình e ngại có nhiều câu hỏi gây khó cho ông.

Chính danh
Vì không có tính chính danh qua bầu cử dân chủ, đảng Cộng Sản cai trị dựa trên chiêu bài « Giấc mơ Trung Quốc » với hai điểm tựa : kinh tế và chủ nghĩa đại Hán. Người dân Hoa lục đã nhìn thấy những mặt yếu kém của mô hình Trung Quốc và điều này làm tổn hại tính chính danh của chế độ, theo ông Willy Lam.

Cho dù thống kê chính thức « không phát hiện dấu hiệu báo động », nhưng báo chí nhà nước bắt đầu đổi giọng, nhìn nhận « tình hình kinh tế rất nghiêm trọng ». Theo phân tích của giáo sư Hoa Pha : Nhiều xí nghiệp phá sản, số người thất nghiệp tăng nhanh. Tập Cận Bình đã làm nhiều người tin vào giấc mơ Trung Quốc « thất vọng » và « nỗi thất vọng này có thể trở thành nỗi tuyệt vọng ».





No comments:

Post a Comment