Monday, December 31, 2018

NHỚ ANH BA SÀM (FB Nguyễn Thông)





Ngày mai 1.1.2019, nhà cai trị chính thức áp dụng luật an ninh mạng. Rồi sẽ diễn ra những cuộc đe dọa, trấn áp, hoạnh họe, đấu tố, bắt bớ; rồi sẽ là cả một không khí ngột ngạt kiểu “cách mạng văn hóa” bên Tàu hồi những năm 1960 mà nay nhà cai trị An Nam (Trung Quốc) đang bắt chước, làm theo. Càng sát thời điểm “đấu tố” ấy, trên mạng xã hội càng thấy nhiều băn khoăn lo lắng sợ sệt, nhưng cũng có không ít thái độ bất khuất hiên ngang “bay thẳng cánh muôn trùng tiêu hán/Phá vòng vây bạn với kim ô”. Cuộc đời là vậy, mạng xã hội là thế.

Trước cái gọi là luật ấy, có lẽ mọi người cũng nên tìm hiểu về một con người, biết đâu để ta “học tập và làm theo tấm gương” được ít nhiều.

Người ấy là “Anh Ba Sàm”. Tôi sẽ có loạt bài về con người này, đăng nối vắt qua 2 năm, ngay cả cái thời điểm mà thứ luật vớ vẩn kia có hiệu lực.

Tục ngữ mới “Ba Sàm thông tin chính thống. Chính thống nói chuyện ba sàm”.

Đây có thể coi là tục ngữ mới, gắn với một nhân vật, sự vật cụ thể. Nhân vật đó là anh Ba Sàm (Nguyễn Hữu Vinh) và trang điểm tin điện tử Basàm nổi tiếng mà anh và các cộng sự thực hiện. Trang này ra đời cách nay chừng 12 năm nhưng mau chóng thu hút bạn đọc trong – ngoài nước, thành hiện tượng đặc biệt của làng truyền thông thời đại internet.

Tôi tra mấy cuốn từ điển tiếng Việt, trong đó có cả cuốn dày cộp, phải bưng hai tay mới nổi, do Trung tâm Từ điển học biên soạn (GS Hoàng Phê chủ biên) và cuốn do Viện Ngôn ngữ học soạn- 2003 (cũng GS Phê chủ biên) thì không có từ ba sàm. Đây là thiếu sót của các nhà ngôn ngữ bởi từ này tôi nghe người lớn nói từ hồi tôi còn bé tí, tỉ dụ ai đó bảo nhau “để ý làm gì, chúng nói chuyện ba sàm ấy mà”. Theo tôi, nghĩa của ba sàm là linh tinh, vớ vẩn, tào lao, rẻ tiền, không có ý nghĩa và giá trị gì, không có gì đáng quan tâm. Chuyện ba sàm, thông tin ba sàm tức là chuyện, là thông tin có nội dung vớ vẩn như vậy.

Chính thống là cái được nhà nước, nhà cầm quyền chấp nhận, nuôi dưỡng, thuộc hệ thống cai trị. Tất cả những gì không chính thống đều bị coi như đồ bỏ, đáng ghét, thậm chí xấu xa, phản động, cần phải loại trừ.

Trong câu tục ngữ “Ba Sàm thông tin chính thống. Chính thống nói chuyện ba sàm” ta thấy sự trái khoáy, oái oăm, thể hiện tính tương phản nhưng lại có cơ sở hiện thực xác nhận.

Theo lập luận thường tình thì người ưa ba sàm tất nhiên chỉ thể thông tin ba sàm, còn chính thống phải nói chuyện chính thống. Nhưng không, đã có sự đảo ngược.

Ở khía cạnh nào đó, đây là bi kịch của thời đại, ở xứ ta. Điều mà người dân, bạn đọc mong chờ, nhẽ ra cần ở chỗ này, hướng này thì nó lại chuyển sang chỗ khác, hướng khác. Hơn 800 tờ báo và tạp chí, đài phát thanh, truyền hình chính thống, phần lớn do dân còng lưng đóng thuế nuôi dưỡng, đã không đáp ứng được nhu cầu thông tin ngày càng cao của dân. Và cái trang tin, tự nhận là Ba sàm kia, không mất một xu ngân sách nào, lại thu hút họ mỗi ngày, thậm chí từng giờ.

Thế mới xảy ra hiện tượng không biết là đáng yêu hay đáng ghét đây: rất nhiều người đã quay lưng với báo chí chính thống, chuyển sang Ba sàm và những cái tương tự như Ba sàm. Thậm chí nhiều người bảo, việc đầu tiên mỗi sáng là mở đọc điểm tin trên Ba sàm. Một (ba sàm) thay cho tất cả, còn tất cả chỉ như đồ bỏ. Sự lựa chọn quá dễ, không cần lăn tăn.

Tại sao như vậy? Tôi nghĩ nông cạn rằng, do thời thế đã đổi thay, thời đại internet đã tác động mạnh vào nhận thức, hiểu biết của công chúng. Họ không chấp nhận thứ thông tin một chiều, gọt giũa ve vuốt tròn trặn, thiếu khách quan, thậm chí lừa dối, lừa đảo trắng trợn. Không muốn bị bịt mắt, bít tai, bị người ta cho ăn món nào biết món ấy. Dù dân chúng có thời rất yêu chính thống, nhưng chính thống không tự điều chỉnh, thay đổi cho phù hợp thì họ cũng đành nói nhời chia tay. Cái đã cũ, lỗi thời, dù có ráng giữ cũng chả thu hút được ai.

Và bây giờ, tới lúc này, trang Ba Sàm không còn nữa, Anh Ba Sàm đang ở trong ngục – kết quả sự đàn áp tàn bạo của nhà cầm quyền, nhưng ai cũng thấy thực tế không thể chối cãi: Sự thắng lợi, lấn lướt của mạng xã hội, và sự hấp hối của báo chí, truyền thông chính thống.
Câu tục ngữ này, tôi cũng có nghe rằng, người phát ra đầu tiên là nhà báo Huy Đức trong bài viết hồi tháng 6.2011, nhân ngày báo chí Việt Nam. Nếu vậy thì nể bác Osin thật.









No comments:

Post a Comment