Friday, December 21, 2018

LUẬT AN NINH MẠNG GIỮA BỐI CẢNH HÀ NỘI THUẦN PHỤC BẮC KINH (Mẹ Nấm)





Để gửi lời chúc mừng tới lực lượng Quân đội Nhân dân Việt Nam nhân ngày thành lập 22/12/2018, Trung Cộng đã gửi quà mừng là đầu đạn tập bắn và thu hồi do ngư dân Tuy Hoà nhặt được. Ngay sau đó, thông tin Tập đoàn quân 75 Trung Cộng thực hành tập trận đối kháng sử dụng đạn thật diễn ra tại Vân Nam, nơi giáp giới với 4 tỉnh Hà Giang, Lai Châu, Điện Biên, Lào Cai của Việt Nam cũng được công bố. Một trong những nội dung quan trọng của cuộc tập trận lần này là chống lại đặc công của nước láng giềng. Theo quan sát từ các hình ảnh được công bố, người xem có thể dễ dàng đoán tên của nước láng giềng qua trang phục của quân xanh. Liệu đây có phải là sự trùng hợp ngẫu nhiên?

Từ ngày 10/10/2016 lúc bị bắt giam, tôi đã bỏ lỡ khá nhiều sự kiện chính trị quan trọng, và khi bị chuyển từ Khánh Hoà ra Thanh Hoá, tôi dành thời gian để xem tin tức trên VTV với hy vọng có thêm thông tin về tình hình bên ngoài. Tháng 6/2018, các cuộc biểu tình lớn nổ ra tại khắp nơi trên cả nước. Ti vi đưa tin “quần chúng bị lôi kéo, kích động, tìm hiểu chưa kỹ Dự luật Đặc khu và Luật An ninh mạng”. Tôi lại nghĩ về những ngày biểu tình đầu tiên năm 2007-2009, năm 2014-2015... Ban Tuyên giáo không có luận điệu mới. Nhưng Bộ Chính trị đã quyết tâm kiểm soát tư tưởng của người dân một cách quyết liệt hơn. Luật An ninh mạng được thông qua trong bối cảnh hoãn lại Dự luật Đặc khu! Và với góc nhìn của tôi, nếu bị buộc phải lựa chọn, đảng CSVN vẫn rất khôn khéo như họ đã từng: lùi một bước, tiến 2-3 bước. Họ chọn cách xiết chặt quản lý người dùng Internet trong bối cảnh thông tin bùng nổ, và họ tạm hoãn dự luật có thể gây phẫn nộ trong dân, như một cách rút lui có mặt mũi.

Nếu nhìn ngược lại từ Nghị định 72, mọi sự phản đối đều vô hiệu hoá, và chiếc thòng lọng dùng để bóp nghẹt mọi tiếng nói tự do dần được tô thêm màu, vẽ thêm kiểu và ngày càng khắc nghiệt hơn với những điểm liên quan đến tội xâm phạm an ninh quốc gia được cụ thể hoá trong Luật An ninh mạng.

Không còn răn đe với những blogger, những người bất đồng chính kiến nữa. Khái niệm “an ninh mạng” được nâng tầm, mở rộng ra đối với mọi tầng lớp trong xã hội. Không có sự minh bạch hiện hữu, mọi dự luật, nghị định và luật ban hành thực chất là gia tăng thêm quyền lực kiểm soát cho đảng Cộng sản, cho một nhóm người luôn muốn kiểm soát tư tưởng của người dân. Yêu cầu nội địa hoá dữ liệu từ Google, Facebook và các tập đoàn công nghệ lớn từ nước ngoài khác cho thấy đảng CSVN đang cố gắng chiếm hữu kho thông tin dữ liệu cá nhân khổng lồ để mã số hồ sơ và đời tư của từng công dân. 

Từ trước đến nay có thể thấy, mô hình quản lý xã hội, các biện pháp răn đe trừng phạt các công dân bất tuân dân sự và cả các cuộc thanh trừng phe nhóm trong nội bộ lãnh đạo, Hà Nội luôn áp dụng nguyên mẫu từ Bắc Kinh. Chính vì thế, khi Luật An ninh mạng và Dự luật Đặc khu được công bố cùng lúc, tôi không tránh khỏi nghi ngờ về những thoả thuận trong Hiệp ước Thành Đô năm 1990.

Đảng đã ký thoả thuận, luật đã được ban hành, phần còn lại chấp nhận hay không là do người dân tự lựa chọn.

Với tôi, Luật An ninh mạng được ban hành giữa bối cảnh Ba Đình thuần phục Bắc Kinh khá rõ rệt trong thời gian qua, một lần nữa đảng Cộng sản đã ban hành phép thử với sức chịu đựng của người dân.

Chấp nhận tiếp tục bị bịt miệng và bị bịt chặt hơn nữa hay không, chúng ta phải lựa chọn.

22.12.2018


--------------------------------------

XEM THÊM
22/12/2018

Khoảng 70.000 người đã ký vào một thỉnh nguyện thư yêu cầu Quốc hội Việt Nam hoãn thi hành Luật An ninh mạng. Ngày 21/12, tổ chức theo dõi nhân quyền quốc tế (HRW) cũng đưa ra lời kêu gọi tương tự chỉ 2 tuần trước khi bộ luật này có hiệu lực.

*
*
Chỉ chưa đầy hai tuần trước khi Luật An ninh mạng được áp dụng ở Việt Nam, tổ chức theo dõi nhân quyền quốc tế (HRW) kêu gọi Hà Nội hoãn thi hành bộ luật gây nhiều tranh cãi cũng như sửa đổi thêm cho phù hợp với luật pháp quốc tế.

Quốc hội Việt Nam thông qua Luật An ninh mạng ngày 12/6. Trước và sau thời gian đó đã nổ ra nhiều cuộc biểu tình, khi người dân Việt ở trong nước và ở hải ngoại phản đối dự luật được cho là sẽ hạn chế tự do phát biểu ý kiến trên mạng. Bộ luật này dự kiến bắt đầu có hiệu lực ngày 1/1/2019.

Theo Luật An ninh mạng, các nhà cung cấp phải lưu trữ dữ liệu trong nước, “xác thực” thông tin người sử dụng và cung cấp các dữ liệu về người dùng cho nhà cầm quyền mà không cần có lệnh của tòa án. Theo nhận định của HRW, bản dự thảo nghị định có cách định nghĩa quá rộng về dữ liệu người sử dụng.

“Luật an ninh mạng này được thảo ra để tạo điều kiện cho Bộ Công an dễ dàng hơn trong việc theo dõi gắt gao và nhận diện những người lên tiếng phê bình, và bảo đảm độc quyền cao hơn cho Đảng Cộng sản,” ông Phil Robertson, Phó Giám đốc Ban Á châu của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền nói. “Nếu bộ luật này được thi hành, tất cả mọi người sử dụng mạng Internet ở Việt Nam sẽ hoàn toàn không có một chút riêng tư nào.”

Theo nhận định của HRW, các điều khoản về theo dõi và lưu trữ dữ liệu tại địa phương trong bộ luật an ninh mạng và dự thảo nghị định sẽ trao quyền cho các cơ quan an ninh và thực thi pháp luật vốn đã và đang lạm quyền rất nhiều, có thể tiếp cận dữ liệu người sử dụng dễ dàng hơn, mà không có cơ chế bảo đảm đầy đủ quyền riêng tư, quyền được xét xử công bằng, và các quyền khác.

Bộ luật mới đã và đang bị phê phán rộng rãi ở cả trong và ngoài nước Việt Nam. Trong vòng bốn tháng kể từ khi bộ luật này được thông qua, gần 70.000 người đã ký vào thỉnh nguyện thư trên mạng đề nghị chính phủ Việt Nam hoãn thi hành và sửa đổi.

Hồi tháng 9, 32 Nghị viên châu Âu đã gửi một bức thư chung cho bà Federica Mogherini, đại diện cấp cao về chính sách an ninh và đối ngoại châu Âu, và bà Cecilia Malmström, cao ủy thương mại châu Âu, yêu cầu “đạt thêm được những tiến bộ về nhân quyền ở Việt Nam.” Bức thư này ghi rõ rằng Việt Nam cần “sửa đổi bộ Luật An ninh Mạng cho phù hợp với các tiêu chuẩn nhân quyền quốc tế, trong đó có ICCPR (Công ước Quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị) mà Việt Nam đã tham gia từ năm 1982.”

Tình hình nhân quyền ở Việt Nam đã xấu đi trong năm 2018, theo HRW. Chính quyền Hà Nội đã xử có tội ít nhất là 41 nhà hoạt động và blogger và kết án họ nhiều năm tù giam, trong đó có Lê Đình Lượng, người nhận mức án 20 năm tù – mức án cao nhất từ trước đến giờ cho giới bất đồng chính kiến tại Việt Nam.

Hồi tháng 6, hàng ngàn người đã xuống đường biểu tình ở nhiều thành phố để phản đối Luật An ninh mạng và dự thảo luật về đặc khu kinh tế. Có tin công an tấn công nhiều người và bắt giữ hàng loạt. Đến tháng 11, có ít nhất là 127 người bị xử có tội vì tham gia biểu tình. Các mức án dao động từ vài tháng tù treo cho đến năm năm tù giam.

“Bộ Luật An ninh Mạng của Việt Nam và dự thảo nghị định kèm theo đã chà đạp lên quyền riêng tư và đi ngược hẳn với cam kết của chính quyền Hà Nội với Liên minh châu Âu về tôn trọng nhân quyền,” ông Robertson nói. “Các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu cần tạm hoãn bỏ phiếu về thỏa thuận thương mại tự do với Việt Nam cho đến khi chính quyền Việt Nam sửa đổi bộ luật này và thể hiện các tiến bộ cụ thể và đo đếm được về hồ sơ nhân quyền tồi tệ của mình.”







No comments:

Post a Comment