Friday, December 21, 2018

LÀM SAO NGĂN CHẶN HỦ HOÁ TRONG NHÀ TRƯỜNG? (Nguyễn Anh Tuấn)




Thứ Tư, 12/19/2018 - 10:06 — nguyenanhtuan

Vụ việc hiệu trưởng dâm ô nhiều học sinh trong thời gian dài ở Phú Thọ - với sự im lặng, thờ ơ, đôi khi là đùa cợt của các giáo viên trong trường [1], thực sự thách thức tâm can dư luận, không chỉ là bởi hành vi hủ hóa của hiệu trưởng, mà còn là vì sự tê liệt của toàn thể nhà trường trước sự hủ hóa đó.

Với thực tế bết bát của ngành giáo dục thời gian vừa qua, ai trong chúng ta có thể tự tin nói rằng sự việc tệ hại trên là cá biệt và sẽ không tiếp diễn?

Những buổi họp rút kinh nghiệm, những phong trào chấn chỉnh đạo đức, hay cả những án tù liệu có ngăn được sự hủ hóa này tiếp diễn và ngày một trầm trọng hơn?

Không, vì nó không giải quyết nguyên nhân của sự hủ hóa.

Thế nguyên nhân của hủ hóa là gì?

‘Quyền lực có xu hướng [khiến người ta] hủ hóa, quyền lực tuyệt đối thì hủ hóa tuyệt đối.’ [2]

Ở đâu xảy ra sự việc hủ hóa nghiêm trọng, có thể cần phải tìm nguyên nhân trong cách thức tổ chức quyền lực ở đó.

Trong trường học của ta hiện nay, với các quy định hiện hành, hiệu trưởng đang là người nắm giữ siêu quyền lực đối với toàn bộ giáo viên, học sinh. [3]

Hiệu trưởng nếu có thì chỉ sợ mỗi quan chức bổ nhiệm mình: Trưởng phòng Giáo dục quận huyện (đối với bậc tiểu học, THCS), Giám đốc Sở Giáo dục (đối với bậc THPT).

Nghĩa là chỉ cần giao hảo với quan chức cấp trên, khép cánh cổng trường lại, hiệu trưởng là vua trong vương quốc nho nhỏ của mình.

Khả năng một người hiệu trưởng, trong khung cảnh tổ chức quyền lực như vậy, trở nên hủ hóa, dưới một hình thức nào đó, là rất cao. Nói thế nghĩa là, chính mỗi chúng ta, nếu được đặt ở vị trí đó, trong khung cảnh quyền lực như thế, cũng có thể hủ hóa cách này hoặc cách khác. Cũng có nghĩa là, giải pháp gốc rễ không nằm ở chỗ trừng trị kẻ hủ hóa, dù là điều cần làm, mà ở chỗ tổ chức lại quyền lực trong nhà trường theo hướng kiểm soát và đối trọng (checks and balances).

Cách đây 7 năm, trong một nỗ lực đổi mới cơ chế quản lý trường học, Bộ Giáo dục Đào tạo đã du nhập thiết chế Hội đồng trường hòng tạo ra một kênh giám sát trong trường học [4]. Chưa nói đến thực tế là chẳng mấy trường thực thi quy định này, ngay cả khi có thực thi đi chăng nữa, Hội đồng trường cũng sẽ nhanh chóng bị vô hiệu hóa bởi hiệu trưởng với thành phần được luật định như sau:

(1) Đại diện tổ chức đảng nhà trường. [Hiệu trưởng thường là Bí thư hoặc Phó Bí thư cấp ủy]

(2) Ban giám hiệu nhà trường. [Hiệu trưởng là lãnh đạo BGH].

(3) Đại diện Công đoàn, Đại diện Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh [Chủ tịch công đoàn và Bí thư đoàn nằm trong cấp ủy đảng, đồng thời cũng là giáo viên dưới quyền quản lý của hiệu trưởng]

(4) Đại diện các tổ chuyên môn, đại diện tổ Văn phòng. [Tổ trưởng do hiệu trưởng bổ nhiệm, đều là giáo viên dưới quyền quản lý hiệu trưởng]

Hoàn toàn không có chỗ cho học sinh, phụ huynh, cộng đồng địa phương trong Hội đồng trường; và trên thực tế, hiệu trưởng thường kiêm nhiêm luôn chức danh Chủ tịch Hội đồng trường khiến thiết chế này phá sản hoàn toàn trong mục tiêu giám sát quyền lực.

Trong khi đó, Hội đồng trường (local school council) ở một trường công lập của Chicago (Mỹ) có thành phần gồm: 6 đại diện phụ huynh (do phụ huynh bầu), 2 đại diện cộng đồng địa phương (cư dân địa phương bầu), 2 đại diện giáo viên (giáo viên bầu), 1 đại diện nhân viên nhà trường (nhân viên nhà trường bầu), và 1 đại diện học sinh (học sinh bầu, áp dụng với cấp THPT).

Quyền hạn của Hội đồng trường lại còn rất lớn, bao gồm quyết định phân bổ nguồn lực, kế hoạch đường hướng của trường, lẫn LỰA CHỌN và ĐÁNH GIÁ HIỆU TRƯỞNG. [5]

Khả năng hiệu trưởng hủ hóa trong một cơ chế như thế là thấp hơn rất nhiều, bởi lẽ người này hiểu rằng, chưa cần tới báo chí và dư luận, Hội đồng trường cũng đã sẵn đó để truy xét mọi hành vi thiếu chuẩn mực của mình, và hoàn toàn có thể sa thải mình.

Tóm lại, mỗi nơi một mô hình nhưng bài học vẫn nguyên đó là quyền lực phải được kiểm soát và đối trọng. Ngai vàng của hiệu trưởng phải bị lật đổ để nhà trường trở về với chủ nhân đích thực của nó: học sinh, phụ huynh, giáo viên, cộng đồng xã hội. Và cũng là để phục vụ lợi ích của học sinh, phụ huynh, giáo viên, cộng đồng xã hội.

Đó cũng là bài học dân chủ hóa vậy. Và không chỉ trong nhà trường.

---


[2]  ‘Power corrupts; absolute power corrupts absolutely’, Lord Acton. 












No comments:

Post a Comment