Tuesday, December 4, 2018

GIÁO DỤC VIỆT NAM - CHIẾC XE KHÔNG CÓ MÁY (FB Chất Lượng Sống)





Học sinh tát bạn tới nhập viện, cô giáo tự vẫn, hiệu trưởng cho lấy ý kiến mấy đứa trẻ để cố bao biện cho mình,… Tất cả những điều này cho thấy sự mục ruỗng vô cùng ghê gớm của giáo dục quốc dân.

Nói thẳng ra, nó đã lầm đường, không bắt kịp xã hội hiện đại và dần xuống cấp, thối nát.

Vậy mà những người “tâm huyết” với giáo dục như BT Xuân Nhạ, PTT Đức Đam hay các lãnh đạo địa phương, trung ương vẫn chưa có động thái hợp lý và cho thấy xứng đáng là những người quản lý giáo dục có tư duy tiên tiến.

Giáo dục đúng đắn, mãi chỉ là giấc mơ. Mà trên thiên đường thì… ta cứ đành mơ vậy.
Bệnh thành tích, tư duy một chiều hôm nay sẽ đánh gục thế hệ kế cận. Đồng nghĩa, nó sẽ giết chết tương lai của dân tộc.

Sự sĩ diện, thành tích phủ lên tư duy ngu muội. Sự ca ngợi lẫn nhau để giấu đi cái dốt nát bên trong sẽ kéo dân tộc xuống hố sâu của bạc nhược, dối trá và đê hèn.

“Giáo dục là một trận đánh” – dường như câu nói ngớ ngẩn của ông Vũ Luận (bộ trường GD tiền nhiệm) có vẻ đúng hơn bao giờ hết, nhất là trong lúc này.

Thầy cô là sĩ quan, học sinh là binh sĩ và trường học là trại lính. Cả đoàn quân cùng phải tiến theo một hướng, nghĩ một chiều và nhất nhất tuân lệnh chỉ huy.

Đoàn quân ấy không có quân tinh nhuệ. Chỉ là những kẻ không có năng lực nhưng lại thừa độ trung thành, bảo thủ và ấu trĩ. Đoàn quân ấy luôn thất bại thảm hại suốt nửa thế kỷ nay.

Đừng vội phủ nhận những điều trên. 20.000 tiến sĩ mà không có một sáng chế nào được thế giới công nhận là sự minh chứng rõ ràng nhất cho kiểu dạy và học bết bát ấy.

Đây sẽ là một vết đen của tri thức nước nhà, một sự hợm hĩnh của dân tộc, một đỉnh cao của sự giễu nhại và nó chắc chắn, sẽ đi vào sử sách như một nỗi đau khó có thể quên.

Nó có thành tựu gì? Các mục tiêu công nghiệp đặt ra đều thất thủ. Nợ công ngày càng tăng tới mực báo động. Đất nước ngày càng mất đoàn kết và chia rẽ. Đấy là thành quả của nó mà cả dân tộc đang còng lưng lĩnh hội.

Giáo viên thì thừa, trường học lại thiếu và xuống cấp trầm trọng. Trong khi ấy, quảng trường, tượng đài và nhà hát thì vung không tiếc tay. Người có lương tâm, không ai làm vậy.

Cái bóng thành tích phủ rộng lên khắp nơi, khắp mọi ngành nghề, khắp hang cùng ngõ hẻm của đất nước. Nó tạo ra một thứ vỏ bọc hư ảo nhưng bên trong thì rỗng tuếch chả có gì.

Nửa thể kỷ cả dân tộc cùng ngồi trên một chiếc xe mà không có máy, không thể chạy, kể cũng thú vị lắm thay. Có vẻ như có ai đó muốn nó đừng chạy để được an toàn?

Hay là ta chúng ta cứ ngồi tiếp thế để ru nhau tự sướng: chuyến xe giáo dục của nước mình tốt nhất thế giới là đây chăng?


NHỮNG CÁI TÁT...CỦA NGÀNH GIÁO DỤC!

"Trẻ thơ như búp trên cành"
Ươm trồng sao, để mầm xanh nảy chồi
"Cho nguồn nguyên khí sinh sôi
Mới mong Xã tắc đến hồi thái lai"

Ấy vậy mà:

Nền giáo dục, "cải hoài chẳng tiến"
Toàn thấy lời "bao biện, quanh co"
Rối như cuộn chỉ tơ vò
Cô, thầy trăm mối sầu lo, vẫn nghèo

Vì căn bệnh "chạy theo thành tích"
Mà, phơi bày thảm kịch bi ai
"Cạn nguyên khí, thiếu hiền tài
Hỏi rồi đất nước, tương lai thế nào??"

Ngành giáo dục, nơi nao cũng thấy
Những chiêu trò "mất dậy, vô lương"
Trẻ vui cắp sách tới trường
Ngỡ rằng sẽ được yêu thương..vậy mà

Thầy cô nỡ bày ra nghịch cảnh
Học sinh đành phải gánh ách tai
Làm sao có được hiền tài
Khi thầy, cô chỉ đường sai, lối nhầm?

Giáo viên thiếu "lương tâm, trách nhiệm"
Mà lại đòi "tốt điểm thi đua"
"Kỷ cương, chẳng khác trò đùa
Khi trầm kha bệnh a dua dởm đời"

"Trường, lớp nếu là nơi thân thiện
Ắt học trò sẽ mến thầy, cô
Còn khi hành xử côn đồ
E rằng đạo lý bị xô tan tành"

Những cái tát của ngành giáo dục
Đã đẩy dần hạnh phúc lùi xa
Ngả nghiêng Xã tắc, Sơn Hà
Bởi nền giáo dục trầm kha bệnh rồi!

Khi hiền, tài chẳng sinh sôi
Thì nguyên khí cũng tới hồi mạt, vong!

Thủ Thiêm, ngày 03/12/2018
Nguyen Kimlong






No comments:

Post a Comment