Saturday, December 29, 2018

CHÚNG TA ĐỒNG HÀNH TRÊN CÙNG MỘT HÀNH TINH (Lê Phan)




Lê Phan
December 29, 2018

Vào đêm Giáng Sinh năm 1968, con người lần đầu tiên đi quanh quỹ đạo của Nguyệt Cầu. Tin tức từ sự thành công của phi thuyền Apollo 8 của Cơ Quan Hàng Không và Không Gian Quốc Gia (NASA) chế ngự tin tức thế giới. Ở Sài Gòn, Phòng Thông Tin Hoa Kỳ USIS tổ chức loan tin về chuyến du hành. Thông tấn xã AP ngày hôm sau nói một người Việt, sau khi chứng kiến cuộc du hành, đã trong giây lát quên cuộc chiến ác liệt đang tàn phá Việt Nam, ôm lấy một người Mỹ sung sướng nói: “Chúng ta đã lên đến Mặt Trăng.”

Trên tờ New York Times ngày hôm sau, thi sĩ Archibald MacLeish đã viết một bài ghi lại cảm xúc trước những gì ông được chứng kiến và được nghe tối hôm trước. Và 50 năm sau, những lời cảm động của ông nói lên hình ảnh Địa Cầu mà chúng ta có ngày nay, hình ảnh chụp được của phi hành gia William Anders, mà khi được phổ biến đã được mệnh danh “Earthrise” tức là “Địa Cầu mọc” như là chúng ta vẫn thường thấy “Trời mọc” hay “Trăng mọc.” Qua thời gian, cả bài luận văn lẫn hình ảnh đã quyện vào nhau thành một bức chân dung gây kinh ngạc: Địa Cầu tròn trịa, xanh một cách rực rỡ, nổi trong không gian đen tối trên một chân trời khô cằn của Mặt Trăng. Nó là một hình ảnh đã cho chúng ta thấy nhân loại nhỏ bé đến mức nào – nhưng hơn thế, hình ảnh đẹp đến nín thở của hành tinh của chúng ta, ngôi nhà tuyệt vời, mong manh, và không thể nào thay thế được của chúng ta. Địa Cầu là một báu vật. Địa Cầu là một ốc đảo.

Ðịa Cầu xuất hiện trên đường chân trời của Mặt Trăng, được chụp bởi phi hành đoàn Apollo 15, năm 1971. (Hình: Hulton Archive/Getty Images)

Khi vị chỉ huy của phi thuyền Apollo 8 Frank Borman nói chuyện với Quốc Hội sau khi về đến Địa Cầu, ông tự tả mình là “một người không chắc là thi sĩ, hay không phải là thi sĩ” và ông đã dẫn lời ông MacLeish để diễn tả ảnh hưởng của những gì ông đã chứng kiến. Phi hành gia, dẫn lời thi sĩ, nói: “Được thấy Địa Cầu như nó thực sự hiện hữu, nhỏ bé và xanh và tuyệt đẹp trôi nổi trong cái im lặng vĩnh cửu, là thấy chúng ta như là những kẻ đang đi trên Địa Cầu cùng với nhau, anh em trên ánh sáng xinh đẹp trong cái lạnh vĩnh cửu – anh em mà nay biết rằng họ thực sự là anh em.”

Thông điệp đó mang lại hy vọng cho một thời gian khó khăn. Không xa lắm cũng trên các trang báo đó là những tin tức về ngưng bắn ngày Giáng Sinh ở Việt Nam lại một lần nữa bị Việt Cộng vi phạm. Đây là những ngày cuối của năm 1968, một năm đầy chia rẽ và chết chóc. Đó là năm Hoa Kỳ mất Mục Sư Martin Luther King Jr và ông Bobby Kennedy, trải qua một cuộc bầu cử náo loạn và cuộc chiến tiếp tục. Ở Việt Nam, đây cũng là năm của cuộc chiến đẫm máu vào đầu năm khi Cộng Sản tìm cách chiếm miền Nam.

Đối với thi sĩ, những hình ảnh của Địa Cầu từ không gian sẽ giúp mang lại một thời đại mới, lật đổ những ý tưởng cổ hủ của nhân loại như là trung tâm của vũ trụ và lập trường mới coi con người chúng ta như chẳng khác gì “nạn nhân của một sự đánh lừa vô nghĩa lý.” Vượt qua những cực đoan này, ông MacLeish đề nghị, là một hình ảnh của hành tinh như là một thứ tàu phao “cái bè nhỏ xíu trong một đêm tối khổng lồ trống rỗng.”

Hải Quân Trung Tá Borman thì so sánh Địa Cầu như là “một hòn bi,” hẳn nhớ đến chơi bi thời còn niên thiếu. Cái hình ảnh “viên bi màu xanh” nổi tiếng – một trong những tấm hình được lập lại nhiều nhất lịch sử nhân loại – thì phải đến bốn năm sau với Apollo 17. Nhưng cho cả Trung Tá Borman và thi sĩ MacLeish, điều “Địa Cầu mọc” tiết lộ không phải là một hòn bi làm bằng một hành tinh nhưng là một hành tinh thu nhỏ. Một trái cầu màu xanh tròn trịa, một viên bi quý báu của đứa trẻ, trôi một mình trong vực thẳm.

Nhiều năm sau đó, Carl Sagan, nhà vũ trụ học, đã tiếp tục giòng suy nghĩ đó trong cuốn sách năm 1994 mang cái tên “Pale Blue Dot: A Vision of the Human Future in Space,” trong đó Địa Cầu, như được chụp năm 1990 bởi phi thuyền Voyager 1 từ 3.7 tỷ dặm cách đó, trở thành “một mảnh bụi, bị treo trong ánh nắng.” Đối với ông Sagan, hình ảnh mới này thách thức “cái ảo tưởng là chúng ta có một vị trí đặc quyền trong vũ trụ,” và đồng thời nó “nhấn mạnh trách nhiệm của chúng ta hãy đối xử tử tế hơn và thương yêu nhau và bảo vệ và yêu dấu cái chấm màu xanh lạt, căn nhà duy nhất mà chúng ta được biết.”

Kể từ khi đó, chúng ta đã biết thêm nhiều điều nữa. Khi Voyager 1 chụp tấm hình đó, chúng ta vẫn còn chưa chắc là liệu có một hành tinh nào ngoài thái dương hệ của chúng ta hay không. Nhưng ngày nay, nhờ những kính viễn vọng nhìn ra khỏi quỹ đạo Địa Cầu, chúng ta biết khi chúng ta nhìn trong đêm tối chúng ta nhìn vào một thiên hà có nhiều hành tinh hơn là sao. Chúng ta nay có thể cảm nhận, như chưa từng bao giờ, sự hiếm có tuyệt vời và đầy giá trị của Địa Cầu. Chúng ta sống trên một sự kỳ lạ.

Chúng ta nay cũng biết là DNA liên hệ chúng ta với nhau và với sự sống nói chung trên hành tinh của chúng ta. Chúng ta không cần tưởng tượng mình là anh chị em, bởi khoa học đã nói cho chúng ta biết chúng ta là một gia đình của sự sống vốn bao gồm cây cỏ, súc vật, chim chóc, côn trùng, nấm, và ngay cả vi trùng. Tất cả sự sống trên Địa Cầu này đều cùng đồng hành.

Khi ông Sagan viết thông điệp “bảo tồn và ôm ấp” hành tinh của chúng ta, ý thức về trách nhiệm của chúng ta cho Địa Cầu đã mọc rễ. Năm 2018, thật là hầu như không thể thấy “Địa Cầu mọc” mà không nghĩ đến cách mà bầu sinh quyển của hành tinh – mỏng như là một lớp sơn trên một quả địa cầu giả – không những mong manh mà luôn bị tấn công bởi hành động của con người. Thật khó mà không kết luận là chúng ta đã hoàn toàn thất bại trong việc thực hiện trọng trách mà phi hành đoàn của Apollo 8 và “Địa Cầu mọc” đã truyền đạt cho chúng ta.

Chính các kỹ thuật đã phóng chúng ta lên Nguyệt Cầu rồi trở lại, những thiên tài kỹ nghệ đã cung cấp cho chúng ta những phương tiện di chuyển bằng nhiên liệu hóa thạch và điện năng, chăn nuôi và tất cả, đã thay đổi từ căn bản địa cầu của chúng ta, và nay chúng đang đe dọa nấu chúng ta trong một thảm họa. Chúng ta có thể trôi trong điều mà ông MacLeish gọi là “cái lạnh vĩnh cửu” nhưng điều ông lúc đó chưa thấy là chúng ta đang điên cuồng đốt lò.

Và nó đều có đó, trong “Earthrise” nếu chúng ta nhìn kỹ. Những sợi ru-băng đám mây đã là tiên phong của những thời tiết cực đoan sắp đến. Ở tiền cảnh, Nguyệt Cầu xám xịt cho thấy luật thiên nhiên bất biến như thế nào. Và đằng sau ống kính có thể nói là cả một hệ thống của thời đại kỹ nghệ hiện đại, thả ra một lớp khói cách nhiệt quanh một trái bi màu xanh nhỏ xíu, căn nhà duy nhất mà chúng ta biết.

Ngày hôm nay, trước hậu cảnh của thách thức kinh hồn mà chúng ta đang đối diện để cứu vãn Ðịa Cầu, thông điệp của thi sĩ MacLeish hầu như là lạ, nếu không nói là lỗi thời. Nhưng thi sĩ vẫn có lý một phần nào. Hình ảnh của “Earthrise” vẫn còn làm chúng ta kính nể và suy tư. Khi chúng ta tiếp tục mạo hiểm ngoài quỹ đạo của Địa Cầu, chúng ta, những công dân của Địa Cầu, có thể ít nhất hy vọng là chúng ta biết hạ mình trước mỗi hình ảnh của hành tinh cô đơn của chúng ta từ không gian, và hy vọng là ngôi nhà duy nhất đó không bị tiêu hủy chỉ vì sự dại dột của chúng ta. (Lê Phan)







No comments:

Post a Comment