Monday, December 24, 2018

CHÍNH PHỦ MỸ CÓ THỂ ĐÓNG CỬA ĐẾN ĐẦU NĂM 2019 (tổng hợp)




VOA Tiếng Việt
24/12/2018

Giám đốc ngân sách của Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump hôm 23/12 cho biết rằng việc đóng cửa chính phủ một phần có thể tiếp tục cho đến ngày 3/1, khi Quốc hội mới nhóm họp, theo Reuters.

Ông Mick Mulvaney, Giám đốc ngân sách, đồng thời là quyền Chánh văn phòng Nhà Trắng, nói với đài truyền hình Fox News: “Rất có khả năng việc chính phủ đóng cửa sẽ kéo dài đến hết ngày 28/12 và qua đến khi Quốc hội mới nhóm họp.”

Ông Mulvaney nói thêm: “Tôi nghĩ trong vài ngày tới mọi việc sẽ không diễn ra nhanh chóng.”

Hôm 22/12, Chính phủ Mỹ đóng cửa một phần vì bất đồng liên quan tới việc Tổng thống Donald Trump đòi Quốc hội cấp 5 tỉ đôla để xây một bức tường dọc theo biên giới với Mexico.

Bế tắc xảy ra khi ông Trump gây rối loạn tiến trình thương thảo hồi đầu tuần trước bằng việc từ chối tán thành một thỏa thuận tài trợ ngắn hạn mà các thượng nghị sĩ Đảng Dân chủ và Cộng hòa đạt được vì nó không bao gồm 5 tỉ đôla cho bức tường biên giới của ông.

Hạ viện Hoa Kỳ, nơi phe Cộng hòa chiếm đa số cho đến khi phe Dân chủ tiếp quản vào ngày 3 tháng 1, sau đó thông qua dự luật bao gồm 5 tỉ đôla, nhưng nó bị kẹt lại tại Thượng viện và việc đóng cửa bắt đầu vào nửa đêm ngày 21/12.

Khoảng ba phần tư các chương trình của chính phủ liên bang được cấp ngân quỹ cho đến ngày 30/9 năm sau, nhưng ngân quỹ cho các cơ quan khác - bao gồm các bộ An ninh Nội địa, Tư pháp và Nông nghiệp - đã hết hạn vào nửa đêm hôm 21/12.

Các công viên liên bang sẽ đóng cửa và hơn 400.000 công chức “thiết yếu” của liên bang trong các cơ quan đó sẽ làm việc mà không được trả lương cho đến khi tranh chấp được giải quyết. 380.000 người khác sẽ bị cho nghỉ không lương, nghĩa là họ được nghỉ phép tạm thời.

Để chấm dứt việc đóng cửa, cả Hạ viện lẫn Thượng viện sẽ phải phê chuẩn bất kì thỏa thuận nào được thương thuyết giữa đội ngũ của ông Trump và các nhà lãnh đạo Cộng hòa và Dân chủ.

Việc đóng cửa có thể kéo dài đến ít nhất là khi một Quốc hội mới nhóm họp vào ngày 3/1/2019 và phe Dân chủ nắm quyền kiểm soát Hạ viện từ tay phe Cộng hòa.

--------------------------

Tú Anh – RFI
Đăng ngày 23-12-2018

Kể từ ngày 22/12/2018, bộ máy hành chánh của Mỹ bị « shutdown ». Tình trạng bế tắc ngân sách có thể kéo dài cho đến sau Giáng Sinh. Nỗ lực đàm phán vào giờ chót tại Thượng Viện thất bại vì phe Dân Chủ dứt khoát không chấp nhận tài khoản 5 tỷ đô la để xây bức tường ngăn di dân, lời hứa lúc tranh cử của Donald Trump.

Theo AFP, trong cố gắng tìm thỏa hiệp, thượng nghĩ sĩ Mitch McConnel, lãnh đạo phe đa số Cộng Hòa tại Thượng Viện cho biết đã có nhiều cuộc « thảo luận xây dựng trong hậu trường »với đảng Dân Chủ để giải quyết « màn đáng tiếc » trong sinh hoạt chính trị Mỹ.

Phía đối lập, thượng nghị sĩ Chuck Schumer cho biết thêm hai bên đang thảo luận « ba văn kiện », mỗi văn kiện đề nghị cấp cho ngân sách « an ninh biên giới » 1,3 tỷ đô la. Nhưng đảng Dân Chủ dứt khoát chống xây tường vừa tốn kém, vừa không hiệu quả, vừa bị đa số công luận chống đối.

Đến trưa hôm qua, Thượng Viện ngưng thảo luận và dời cuộc đàm phán đến sau ngày Noel 25/12.

Hệ quả là bộ máy hành chánh liên bang bị tê liệt bán phần. Một phần ba công chức trên tổng số 2,4 triệu bị ảnh hưởng. Tổng cộng trong số 800.000 công chức liên bang, phân nửa nghỉ làm không lương, phần còn lại tiếp tục đến sở làm nhưng phải chờ khi có ngân sách mới lãnh lương.

Ngoài các bộ, nhiều công viên, tượng đài và viện bảo tàng phải tạm đóng cửa ngay trong mùa nghỉ lễ và du lịch.

*
*
Thanh Hà – RFI
Đăng ngày 22-12-2018 

Kể từ ngày 22/12/2018, một số cơ quan hành chính Mỹ lại bị tê liệt, do Thượng Viện và cơ quan hành pháp bất đồng về ngân sách của chính phủ liên bang. Hàng trăm ngàn nhân viên nhà nước bị tạm thời cho nghỉ việc. Nguyên nhân dẫn tới tình trạng bế tắc lần này là ngân sách hơn 5 tỷ đô la xây bức tường biên giới giữa Hoa Kỳ với Mêhicô.

Tổng thống Mỹ Donald Trump muốn thực hiện bằng được kế hoạch này và coi bức tường nói trên là phương tiện duy nhất ngăn cản các làn sóng người nhập cư từ biên giới Mêhicô tràn vào Hoa Kỳ. Ông vấp phải sự chống đối mạnh mẽ tại Thượng Viện, nơi đảng Cộng Hòa tuy chiếm đa số nhưng không hội đủ 60 phiếu thuận trên tổng số 100 để thông qua, như giải thích của thông tín viên Grégoire Pourtier từ New York :

"Thứ Năm vừa qua, Hạ Viện đồng ý về ngân sách 5,7 tỷ đô la để tài trợ cho công trình xây tường ở đường biên giới giữa Hoa Kỳ và Mêhicô. Đây là một dự án được tổng thống Donald Trump coi là một ưu tiên hàng đầu. Nhưng rõ ràng là tại Thượng Viện, đảng Cộng Hòa không có đủ đa số để văn bản này được thông qua. Do vậy, tối Thứ Sáu là cơ hội cuối cùng để các bên đàm phán. Thế nhưng, cuộc thương lượng đã không kéo dài và chỉ hai giờ đồng hồ trước hạn chót, Donald Trump đã cho công bố một đoạn video, cảnh báo là chính phủ sẽ lại phải đóng cửa.

Lỗi tại ai ? Thoạt đầu, tổng thống Mỹ khẳng định ông sẵn sàng nhận trách nhiệm về việc một phần các hoạt động hành chính bị tê liệt, thế nhưng giờ đây Donald Trump nêu đích danh đối phương. Ông nói : "Chúng ta không thể làm gì khác, bởi vì chúng ta cần lá phiếu của đảng Dân Chủ. Ta có thể gọi đây là một vụ shutdown của phe Dân Chủ, hay bằng một cái tên nào đó, tùy ý. Nhưng chúng ta cần họ giúp đỡ để thông qua kế hoạch của chúng ta. Hỡi các vị bên đảng Dân Chủ, chúng ta có một danh sách tuyệt vời các nhu cầu để bảo vệ đất nước của chúng ta. Hãy ngưng các trò chống đối, để cùng bắt tay vào việc, bất luận màu sắc chính trị, và hãy cùng nhau đi đến đích ..."

Kết thúc bài phát biểu, Donald Trump hy vọng đợt shutdown lần này sẽ không kéo dài. Nhưng để được như vậy thì một trong hai phe phải nhượng bộ. Hiện tại, đảng Dân Chủ nhắc đi nhắc lại là sẽ không chấp nhận tài trợ cho bức tường biên giới. Nhà Trắng liệu có thể chấp nhận những giải pháp khác để bảo vệ đường ranh giới với Mêhicô hay không ? Trong tuần, tổng thống Mỹ đã nhượng bộ, nhưng rồi có lẽ trước những lời chỉ trích mạnh mẽ của một số nhà bình luận vốn trung thành với ông, Donald Trump cuối cùng đã thay đổi thái độ và giờ đây, ông tỏ ra cứng rắn hơn bao giờ hết".

Thượng Viện tiếp tục đàm phán
Ngày 22/12/2018, Thượng Viện Mỹ lại đàm phán tiếp nhằm tháo gỡ bế tắc, tránh để các hoạt động hành chính bị tê liệt trong nhiều này. "Shutdown" có nghĩa là một số các cơ quan của chính phủ phải tạm thời đóng cửa vì không có ngân sách để hoạt động. Hàng chục dịch vụ của chính quyền liên bang bị ảnh hưởng, có tới gần 850.000 nhân viên nhà nước phải tạm cho nghỉ việc. Riêng một số cơ quan nhậy cảm như an ninh biên phòng, nhân viên cai ngục và y tế không bị ảnh hưởng.

Trong 40 năm qua, nước Mỹ đã trải qua nhiều đợt "shutdown", lần dài ngày nhất (21 ngày liên tiếp) là dưới thời tổng thống Bill Clinton và đợt tê liệt gần đây nhất là hồi tháng 2/2018 nhưng lần đó, các cơ quan nhà nước chỉ phải ngưng hoạt động trong vài giờ.

Nguyên nhân dẫn tới tình trạng bế tắc nói trên thường rất khác nhau, dưới thời tổng thống Barack Obama, lập pháp và hành pháp đối đầu với nhau trên hồ sơ bảo hiểm y tế. Mỗi đợt khủng hoảng như vậy thường gây thiệt hại hàng tỷ đô la cho kinh tế Hoa Kỳ.





No comments:

Post a Comment