Wednesday, December 26, 2018

BỨC TRANH ĐẦY BIẾN ĐỘNG CỦA THẾ GIỚI NĂM 2018 (Dân Trí Online)




Dân Trí
25/12/2018

Thế giới năm 2018 chứng kiến nhiều biến động, nổi bật là cuộc cạnh tranh chiến lược Mỹ-Trung trên các mặt trận kinh tế - chính trị - an ninh, sự tham gia của các nước lớn trong bàn cờ Biển Đông hay quan hệ không ngớt căng thẳng giữa Nga và phương Tây.


Cuộc cạnh tranh chiến lược toàn diện giữa Mỹ và Trung Quốc

Quan hệ Mỹ - Trung năm qua chứng kiến những sóng gió có thể nói là chưa từng thấy trong lịch sử quan hệ hai nước. Về bản chất, những căng thẳng này xuất phát từ sự cạnh tranh chiến lược giữa hai cường quốc, khi Tổng thống Mỹ Donald Trump muốn khôi phục vai trò của Washington trên trường quốc tế, trong khi Trung Quốc ngày càng mạnh lên, đe dọa vị thế cường quốc số 1 thế giới của Mỹ.

Vào những ngày cuối cùng của năm 2017, Tổng thống Trump đã công bố chiến lược an ninh quốc gia, trong đó chỉ rõ việc Trung Quốc bành trướng kinh tế và muốn sắp xếp lại trật tự thế giới phục vụ lợi ích của mình. Giọng điệu cứng rắn hiếm có từ Washington nhằm vào Bắc Kinh đã báo hiệu những sóng gió trong quan hệ giữa hai nước trong năm 2018.

Mỹ đã "nổ phát súng" đầu tiên trong chiến tranh thương mại Mỹ - Trung hồi tháng 7 khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố áp thuế nhập khẩu 25% với 50 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc. Đến tháng 9, Mỹ tiếp tục áp thuế 10% lên 200 tỷ USD hàng Trung Quốc. Tổng cộng cho tới nay, Mỹ đã áp thuế đối với 250 tỷ USD hàng hóa từ Trung Quốc và đe dọa chuyển sang giai đoạn 3 với việc áp thuế lên khoảng 267 tỷ hàng nhập khẩu nữa. Đáp trả, Trung Quốc đã áp thuế đối với 110 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ và cảnh báo về các biện pháp bổ sung có thể ảnh hưởng tới các công ty Mỹ hoạt động tại Trung Quốc.

Giữa lúc chiến tranh thương mại leo thang, Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đầu tháng 12 đã gặp nhau bên lề thượng đỉnh G20 tại Argentina, trong đó hai bên nhất trí đình chiến thương mại trong vòng 90 ngày để đàm phán, tạm ngưng kế hoạch áp thuế bổ sung từ ngày 1/1/2019. Thế giới đang chờ đợi kết quả từ các cuộc đàm phán giữa Washington và Bắc Kinh để xem hai nền kinh tế khổng lồ có thể đi đến một giải pháp đôi bên cùng có lợi hay không.

Cuộc cạnh tranh chiến lược toàn diện giữa Mỹ và Trung Quốc chứng kiến sự va chạm giữa hai nước trên mọi mặt của các phạm trù chính trị và kinh tế. Không chỉ có chiến tranh thương mại, quan hệ Mỹ - Trung cũng va chạm ở một loạt các vấn đề khác. Việc Trung Quốc đẩy mạnh tầm với và sức ảnh hưởng toàn cầu thông qua chiến lược "Vành đai và con đường" đã khiến Mỹ đặc biệt lo ngại, nhất là tại những quốc gia vốn được coi là "sân sau" của Mỹ. Sau 5 năm kể từ khi ra đời, Dự án "Vành đai và con đường" đã giúp Bắc Kinh phần nào xây dựng vị thế, gây dựng chân rết tại một loạt các quốc gia. Washington đã bắt đầu có các biện pháp nhằm cạnh tranh với dự án này của Trung Quốc, trong đó có việc phát động một chương trình hỗ trợ phát triển hạ tầng ở các nước đang phát triển.

Vụ việc Canada bắt giữ giám đốc tài chính tập đoàn công nghệ viễn thông Trung Quốc Huawei Mạnh Vãn Chu theo yêu cầu của Mỹ là một sự kiện khác có thể làm gia tăng thêm căng thẳng trong quan hệ Mỹ - Trung. Mặc dù bà Mạnh bị bắt vì bị cáo buộc vi phạm các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Iran, nhưng giới phân tích cho rằng vụ việc phản ánh sự cạnh tranh ngày càng gay gắt giữa Mỹ và Trung Quốc trong lĩnh vực công nghệ cao. Mỹ đã nhiều lần đích danh cáo buộc Trung Quốc chiếm dụng hoặc đánh cắp nhiều bí mật công nghệ cao.

Những chuyển biến tích cực trên bán đảo Triều Tiên

Những chuyển biến tích cực trên bán đảo Triều Tiên được xem là điểm sáng của thế giới trong suốt năm 2018. Chỉ một năm trước đó, bán đảo Triều Tiên liên tục leo thang căng thẳng với các cuộc đấu khẩu qua lại giữa Bình Nhưỡng và Washington, các vụ thử tên lửa của Triều Tiên và các biện pháp đáp trả của Mỹ.

Mở đầu là cuộc gặp gỡ lịch sử giữa hai nhà lãnh Triều Tiên và Hàn Quốc vào ngày 27/4. Truyền thông khắp thế giới đã đổ về Khu phi quân sự (DMZ) liên Triều Tiên để phát những hình ảnh trực tiếp về cuộc gặp đầu tiên giữa Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, cũng là cuộc gặp đầu tiên giữa lãnh đạo 2 miền Triều Tiên kể từ năm 2000. Tại biên giới, ông Kim đã bắt tay ông Moon và bước qua vĩ tuyến 38 chia cắt hai nước, trở thành nhà lãnh đạo đầu tiên của Bình Nhưỡng làm như vậy kể từ khi Chiến tranh Triều Tiên kết thúc năm 1953. Hai nhà lãnh đạo đã thảo luận về tiến trình phi hạt nhân hóa và các bước đi nhằm thúc đẩy quan hệ liên Triều.

Hai nhà lãnh đạo Hàn - Triều còn gặp nhau lần thứ 2 cũng tại biên giới vào ngày 26/5. Sau đó, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã có chuyến thăm đầu tiên tới Bình Nhưỡng vào ngày 18/9 để có cuộc gặp thượng đỉnh lần 3 với nhà lãnh đạo Kim Jong-un.

Các cuộc gặp thượng đỉnh giữa hai nhà lãnh đạo Hàn - Triều còn tạo điều kiện thuận lợi cho cuộc gặp thượng đỉnh lịch sử giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong-un tại Singapore vào ngày 12/6. Lần đầu tiên trong lịch sử, một tổng thống đương nhiệm của Mỹ đã có cuộc hội đàm trực tiếp với nhà lãnh đạo Kim Jong-un tại một hội nghị thượng đỉnh mà Hàn Quốc gọi là "cuộc đàm phán của thế kỷ". Tại hội nghị, hai nhà lãnh đạo đã ra tuyên bố chung, trong đó Triều Tiên tái cam kết nỗ lực phi hạt nhân hóa hoàn toàn Bán đảo Triều Tiên.

Đến cuối năm, hai miền bán đảo Triều Tiên đã thống nhất dỡ mìn khỏi khu phi quân sự, phá hủy các trạm gác tại biên giới. Hồi tháng 11, một đoàn tàu từ Hàn Quốc đã lăn bánh tới lãnh thổ Triều Tiên lần đầu tiên trong nhiều thập niên. Hai bên cũng hướng tới kế hoạch rút toàn bộ vũ khí khỏi Khu vực An ninh Chung thuộc Khu phi quân sự.

Tuy nhiên, tiến trình phi hạt nhân hóa hoàn toàn Bán đảo Triều Tiên cho tới nay vẫn chưa các kết quả thực sự cụ thể và hành trình này dường như vẫn còn nhiều chông gai ở phía trước. Triều Tiên mới đây tuyên bố sẽ không bao giờ đơn phương từ bỏ vũ khí hạt nhân trừ khi Mỹ loại bỏ mối đe dọa hạt nhân trước. Thế giới vẫn đang chờ đợi cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều lần 2 và chuyến thăm Hàn Quốc của nhà lãnh đạo Kim jong-un mà ban đầu được lên kế hoạch vào năm 2018.

Biển Đông trong bàn cờ của các nước lớn

Tình hình Biển Đông đã chứng kiến những sắc thái mới trong năm 2018, mà đáng chú ý là sự đối đầu ngày càng quyết liệt giữa Mỹ và Trung Quốc và sự vào cuộc của các nước lớn trong khu vực và trên thế giới.

Tổng thống Donald Trump đã cho thấy lập trường mạnh mẽ chưa từng thấy của Mỹ ở Biển Đông, xóa tan những ngờ vực việc việc ông có thể nương nhẹ với Trung Quốc khi ông mới nhậm chức tại Nhà Trắng. Chính quyền Mỹ đã thể hiện tiếng nói phản đối tham vọng bành trướng của Bắc Kinh ở mọi cấp độ, mà đỉnh điểm là bài phát biểu chỉ trích Trung Quốc trực diện tại Viện Hudson ở thủ đô Washington của Phó tổng thống Mike Pence.

Trên thực địa, Mỹ đã thẳng thừng cáo buộc Trung Quốc phá vỡ lời hứa không quân sự hóa Biển Đông, khi các hình ảnh vệ tinh được truyền thông Mỹ đăng tải cho thấy Bắc Kinh đã triển khai và bí mật thử nghiệm các hệ thống vũ khí như tên lửa đất đối không, tên lửa hành trình chống hạm, radar, các thiết bị tác chiến điện tử tại các tiền đồn do Bắc Kinh xây dựng trái phép trên các đảo nhân tạo. Đáp trả, Mỹ đã thể hiện bằng những hành động cụ thể. Mỹ đã đẩy mạnh các cuộc tuần tra tự do hàng hải, điều các tàu chiến áp sát các đảo nhân tạo phi pháp do Trung Quốc xây dựng, điều tàu sân bay tập trận trong khu vực, đưa các máy bay ném bom bay qua Biển Đông…

Phó Tổng thống Mỹ: Sự gây hấn không có chỗ ở Ấn Độ - Thái Bình Dương

Một trong những chỉ trích thẳng thắn nhất của giới chức Mỹ nhằm vào Trung Quốc là bài phát biểu của Phó tổng thống Pence tại Viện Hudson hôm 4/10, trong đó ông nói về quan điểm của chính quyền Mỹ đối với Trung Quốc và các biện pháp ứng phó của Washington. Ông Pence thẳng thắn "tố" Bắc Kinh quân sự hóa Biển Đông và có những hành vi nguy hiểm như vụ đối đầu với tàu hải quân Mỹ tuần tra khu vực. Ông Pence cũng một lần nữa khẳng định Mỹ sẽ không lùi bước ở Biển Đông và sẽ vẫn tiếp tục hoạt động tại vùng biển này trên cơ sở luật pháp quốc tế.

Biển Đông cũng nằm ở trung tâm trong chính sách Ấn Độ - Thái Bình Dương mở và tự do mà Mỹ đã thúc đẩy trong năm qua. Chiến lược do Mỹ khởi xướng đã nhận được sự quan tâm và ủng hộ của các nước lớn trong khu vực và thế giới. Nhật Bản, Ấn Độ, Australia, Pháp, Anh đã công khai hoặc gián tiếp ủng hộ Mỹ ở Biển Đông theo các cách khác nhau, như điều tàu hải quân đi qua Biển Đông, điều máy bay tuần tra khu vực hay tham gia tập trận chung.

Một số quốc gia thành viên ASEAN có tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc ở Biển Đông và ASEAN cũng đang đàm phán với Trung Quốc về một bộ quy tắc ứng xử (COC) để tránh xung đột và thúc đẩy hợp tác một cách hiệu quả. Vì thế, ASEAN cũng là diễn đàn thích hợp để Mỹ phát đi các thông điệp quan trọng về chính sách đối với vùng biển này. Tại hội nghị cấp cao ASEAN ở Singapore tháng 11 vừa qua, Phó tổng thống Mỹ Mike Pence đã nói Biển Đông không thuộc về riêng một nước nào, đồng thời tái khẳng định các cam kết của Mỹ với khu vực. Ông Pence một lần nữa nhấn mạnh điều này tại hội nghị thượng đỉnh APEC sau đó, nơi ông và Chủ tịch Trung Quốc cũng đấu khẩu gay gắt chủ yếu về thương mại và Biển Đông.

Chính sách của Mỹ đối với Biển Đông nói riêng và khu vực nói chung cũng thu hút sự quan tâm đặc biệt của các nước ASEAN. Các nhà phân tích cho rằng ASEAN dường như đang tìm cách tận dụng sự hậu thuẫn của Mỹ và các cường quốc thế giới để đối trọng với sự lấn át của Trung Quốc, nhưng cũng muốn tránh rơi vào thế kẹt trong cuộc đối đầu giữa hai cường quốc hàng đầu thế giới. Kết quả của nỗ lực này ra sao hoàn toàn phụ thuộc vào sự khéo léo của chính phủ các nước thành viên của khối.

Quan hệ Nga - phương Tây liên tiếp gặp sóng gió

Sóng gió lớn đầu tiên trong mối quan hệ giữa Nga và phương Tây trong năm 2018 là vụ cựu điệp viên Nga Sergei Skripal và con gái bị phát hiện bất tỉnh trên băng ghế tại thành phố Salisbury, Anh hôm 4/3. Anh, Pháp, Mỹ và nhiều nước phương Tây cáo buộc Nga sử dụng chất độc thần kinh do Liên Xô sản xuất từ thời chiến tranh Lạnh để đầu độc cha con ông Skripal. Tuy nhiên, Moscow đã bác bỏ cáo buộc này.

Căng thẳng dâng cao khi Anh cùng các nước phương Tây trục xuất hơn 150 nhà ngoại giao Nga và đây là vụ trục xuất nhà ngoại giao tập thể lớn nhất từ sau chiến tranh Lạnh. Đáp lại, Nga cũng trục xuất số lượng nhà ngoại giao tương tự của các nước phương Tây. Ngoài ra, Mỹ cũng áp đặt các lệnh trừng phạt khác nhằm vào Nga sau vụ việc này.

Tổng thống Vladimir Putin hồi tháng 3 đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống với tỷ lệ gần 77% phiếu bầu. Ngày 7/5, ông Putin đã tuyên thệ nhậm chức tổng thống Nga nhiệm kỳ thứ 4 tại Điện Kremlin.

Chưa đầy 2 tháng sau ngày nhậm chức, Tổng thống Putin đã có cuộc gặp thượng đỉnh chính thức đầu tiên với Tổng thống Donald Trump tại Helsinki, Phần Lan kể từ khi ông Trump tới Nhà Trắng. Ông Putin cho biết cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo đã diễn ra thành công và hai bên đã đạt được những thỏa thuận hiệu quả. Tuy vậy, quan hệ Nga - Mỹ tiếp tục đối mặt với thử thách sau khi Tổng thống Trump tuyên bố rút khỏi Hiệp định vũ khí hạt nhân tầm trung (INF), một văn kiện được ký với Nga từ thời chiến tranh Lạnh. Mỹ cáo buộc Nga vi phạm cam kết của INF, trong khi Moscow phủ nhận thông tin này.

Ngày 25/11, lực lượng an ninh Nga nổ súng và bắt giữ 3 tàu hải quân Ukraine cùng 24 thủy thủ với cáo buộc xâm phạm lãnh hải Nga tại eo biển Kerch gần bán đảo Crimea. Vụ việc một lần nữa làm dấy lên căng thẳng trong quan hệ giữa Nga và phương Tây khi Mỹ và các nước châu Âu kêu gọi tăng cường trừng phạt Moscow.

Bầu cử giữa kỳ và những chính sách gây tranh cãi của Tổng thống Trump

Cuộc bầu cử giữa kỳ Mỹ diễn ra hôm 6/11 được cho là một bước ngoặt lớn trên chính trường Mỹ khi đảng Dân chủ giành lại quyền kiểm soát Hạ viện từ đảng Cộng hòa của Tổng thống Donald Trump. Đây là lần đầu tiên đảng Dân chủ giành kiểm soát Hạ viện sau 8 năm trong bối cảnh cử tri Mỹ dưới thời Tổng thống Trump dường như chia rẽ sâu sắc hơn về các vấn đề như sắc tộc, nhập cư.

Tuy là một cuộc bỏ phiếu nhằm xác định cán cân quyền lực ở quốc hội, song bầu cử giữa kỳ này cũng có thể coi là một cuộc trưng cầu dân ý với nửa nhiệm kỳ đã qua và nửa nhiệm kỳ còn lại của ông Trump. Với chính sách "Nước Mỹ trên hết", nước Mỹ đã có sự thay đổi đáng kể dưới thời Tổng thống Trump khi chính quyền của ông bắt đầu rút khỏi các hiệp ước, thỏa thuận quốc tế như Hiệp ước Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) hay Hiệp ước Paris về chống biến đổi khí hậu. Chính sách "Nước Mỹ trên hết" cũng đẩy Mỹ vào một cuộc chiến thương mại căng thẳng với Trung Quốc.

Trong 2 năm nắm quyền, Tổng thống Trump đã gây nhiều tranh cãi theo những cách khác nhau, không chỉ với những chính sách mà ông đưa ra, mà cả những phát ngôn thẳng thắn trên mạng xã hội Twitter. Tại một quốc gia đa sắc tộc và có nhiều người nhập cư, việc chính quyền của ông Trump siết kiểm soát người nhập cư đã khiến ông chủ Nhà Trắng hứng chịu nhiều "búa rìu dư luận". 

Kể từ khi nhậm chức, ông Trump đã đưa ra một loạt các biện pháp cứng rắn đối với người nhập cư, như cấm nhập cảnh đối với công dân của 7 quốc gia có đa số người dân theo đạo Hồi, bãi bỏ "Chương trình trì hoãn hành động đối với người nhập cư vào Mỹ khi còn nhỏ" (DACA), rút khỏi hiệp ước toàn cầu về người di cư, đề xuất việc xây dựng bức tường biên giới với Mexico, thực thi chính sách "không khoan nhượng" với người nhập cư bất hợp pháp khiến các trẻ em bị chia tách khỏi cha mẹ tại biên giới, cân nhắc chấm dứt cấp quyền công dân cho trẻ em sinh tại Mỹ.

Giữa tháng 12, ông Trump gây "sốc" dư luận thế giới khi quyết định rút lực lượng của Mỹ khỏi Syria và Afghanistan. Động thái này được cho là sẽ tạo ra sự thay đổi đáng kể về cán cân quyền lực trên thế giới.

Những chính sách gây tranh cãi bị cho là do thiếu kinh nghiệm chính trị đã khiến ông Trump đối mặt với tình trạng biến động nhân sự chính quyền chưa từng có trong lịch sử và thậm chí bản thân ông cũng có nguy cơ bị luận tội.

Anh - Pháp - Mỹ không kích Syria

Ngày 13/4, Mỹ cùng hai đồng minh Anh, Pháp đã ồ ạt phóng 105 tên lửa các loại nhằm vào 3 cơ sở bị nghi là nơi sản xuất và lưu trữ vũ khí hóa học của lực lượng chính phủ Syria. Liên quân tuyên bố cuộc không kích này nhằm đáp trả vụ tấn công được cho là sử dụng vũ khí hóa học của lực lượng chính phủ Syria tại thị trấn Đông Ghouta ở ngoại ô thủ đô Damascus khiến 70 người thiệt mạng.

Mỹ, Anh, Pháp tuyên bố đã phá hủy các mục tiêu tại Syria và khẳng định chiến dịch diễn ra thành công. Trong khi đó, Syria và Nga đã bác bỏ cáo buộc của phương Tây, đồng thời đáp trả mạnh mẽ cuộc không kích của liên quân do Mỹ dẫn đầu.

Năm 2018 cũng chứng kiến nhiều thay đổi trong tình hình chiến sự tại Syria sau hơn 7 năm xung đột với sự tham gia của nhiều lực lượng quân sự. Nhiều khu vực từng là địa bàn chiếm đóng của tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) trước đây đã được giải phóng.

Ngày 19/12, Tổng thống Donald Trump tuyên bố đã đánh bại IS tại Syria và sẽ rút hết lực lượng quân sự Mỹ tại quốc gia Trung Đông này về nước. Trước đó, Tổng thống Vladimir Putin cũng tuyên bố sẽ rút phần lớn lực lượng quân sự Nga khỏi Syria do đã đạt được các mục tiêu đề ra.

Vụ sát hại nhà báo Ả rập Xê út Jamal Khashoggi

Nhà báo bất đồng chính kiến Ả rập Xê út Jamal Khashoggi đã mất tích bí ẩn sau khi đi vào lãnh sự quán Ả rập Xê út ở thành phố Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) hôm 2/10. Giới chức Thổ Nhĩ Kỳ sau đó tuyên bố nắm bằng chứng cho thấy nhà báo này đã bị một nhóm sát thủ gồm 15 người Ả rập Xê út sát hại ngay khi vào lãnh sự quán Ả rập Xê út. Ả rập Xê út chỉ xác nhận ông Khashoggi bị sát hại khoảng một tuần sau đó, song bác bỏ có liên quan.

Vụ việc đã làm rúng động dư luận thế giới khi các nước phương Tây nghi ngờ vụ sát hại man rợ này thực hiện theo mệnh lệnh của nhân vật quyền lực nào đó trong Hoàng gia Ả rập Xê út.

Vụ sát hại nhà báo Khashoggi không chỉ kéo theo cuộc khủng hoảng quan hệ trong thế giới Ả rập mà còn kéo theo sự hoài nghi của các đồng minh phương Tây với Mỹ. Trong khi các nước phương Tây lên án gay gắt và áp lệnh trừng phạt Ả rập Xê út, Mỹ tỏ ra do dự và tuyên bố tiếp tục ủng hộ Riyadh - một khách hàng lớn với vũ khí của Mỹ.

Biểu tình Áo vàng tại Pháp và những cơn giận dữ ở châu Âu

Nước Pháp hơn một tháng qua rung chuyển bởi các cuộc biểu tình Áo vàng phản đối kế hoạch tăng giá nhiên liệu của chính phủ. Bắt nguồn từ những cuộc biểu tình đơn lẻ, phong trào Áo vàng đã thu hút hàng chục nghìn người xuống đường và biểu tình ôn hòa nhanh chóng trở thành biểu tình bạo động lan ra nhiều thành phố lớn của Pháp.

Tại thủ đô Paris, người biểu tình phong tỏa nhiều tuyến đường quan trọng, đốt phá hàng loạt xe hơi, đập phá văn phòng, cửa hàng và đụng độ với cảnh sát. Kể từ giữa tháng 11 đến nay, ít nhất 3.000 người bị thương, hàng nghìn người bị bắt giữ trong các vụ bạo động.

Cuộc biểu tình đã lan rộng sang nhiều quốc gia châu Âu khác như Bỉ, Hà Lan, Italy. Bất ổn kinh tế, xã hội một thời gian dài chưa được giải quyết, ví như ngọn lửa âm ỉ, đã bị "thổi bùng" lên do hiệu ứng từ phong trào Áo vàng.

Người dân châu Âu cảm thấy mệt mỏi, chán nản khi kinh tế vẫn chưa thể phục hồi hoàn toàn sau cuộc khủng hoảng tài chính, chưa kể đến việc một số nước giàu phải gánh vác gánh nặng tài chính thay cho các nước vẫn lún sâu trong khủng hoảng kinh tế trong khối. Điều đó đã tạo cơ hội để chủ nghĩa dân túy trỗi dậy, mở đường cho phong trào ly khai như Anh rút khỏi Liên minh châu Âu (Brexit) hay Catalonia đòi tách khỏi Tây Ban Nha.

"Cuộc ly dị" giữa Anh và EU là một cơn đau đầu khác của nước Anh nói riêng và Liên minh châu Âu nói chung. Brexit bắt nguồn từ việc ngày càng có nhiều người Anh không hài lòng với việc Anh phải gánh thay hậu quả khi các nước thành viên như Hy Lạp rơi vào khủng hoảng nợ. Những hậu quả đó không chỉ đơn thuần là việc Anh phải mở hầu bao để "cứu" nền kinh tế của một số thành viên trong khối mà còn đối mặt với một cuộc khủng hoảng nhập cư. Tuy vậy, một cuộc chia tay giữa Anh và EU không hề dễ dàng mặc dù các bên đã đạt được thỏa thuận sơ bộ.

Tiến trình đàm phán dai dẳng khiến người Anh bắt đầu dùng dằng nửa muốn ra đi, nửa muốn ở lại khi mà bản thân họ cũng bắt đầu cảm nhận được hệ lụy từ Brexit: Đồng Bảng Anh mất giá, hàng loạt công ty đa quốc gia ngỏ ý rời Anh, chưa kể việc Brexit tạo hiệu ứng mạnh mẽ hơn cho phong trào ly khai của Sctoland khỏi Vương quốc Anh. Brexit do vậy trong khi không giải quyết được vấn đề của nước Anh mà còn khiến Anh rơi vào một cuộc khủng hoảng khác và càng thêm chia rẽ.

Thế giới hứng chịu nhiều thảm họa chết chóc

Trong năm 2018, thế giới đã hứng chịu những thảm họa kinh hoàng, cướp đi sinh mạng của nhiều người.

Tại châu Á, một loạt quốc gia đã phải đối mặt với hàng loạt thảm họa bão lũ, động đất, sóng thần với số nạn nhân thiệt mạng lên tới hàng nghìn người và thiệt hại về vật chất vô cùng lớn.

Indonesia là một trong những nước hứng chịu thảm họa khủng khiếp nhất tại châu Á trong năm nay. Hồi tháng 8, hơn 100 người đã thiệt mạng sau trận động đất phá hủy hòn đảo du lịch Lombok gần Bali.

Tới tháng 9, một trận động đất khác mạnh 7,5 độ Richter tiếp tục xảy ra tại Palu trên đảo Sulawesi, đông bắc Indonesia. Theo con số thống kê chính thức, số người thiệt mạng trong trận động đất tại Palu là hơn 2.000 người, tuy nhiên con số thực tế ước tính lên tới 5.000 người.

Vào tối 22/12, một trận sóng thần do núi lửa phun trào ở khu vực eo biển Sunda đã cướp đi sinh mạng của ít nhất 222 người trên hai đảo Java và Sumatra của Indonesia. Con số này dự kiến sẽ còn tiếp tục tăng lên sau khi quá trình tìm kiếm cứu hộ hoàn tất.

Không chỉ hứng chịu thảm họa thiên nhiên, Indonesia hồi tháng 10 đã chứng kiến vụ rơi máy bay của hãng hàng không Lion Air, khiến toàn bộ 189 hành khách và phi hành đoàn thiệt mạng. Nhiều nghi vấn đã được đặt ra về nguyên nhân dẫn tới sự cố hàng không này, trong đó có lý do kỹ thuật.

Ngoài Indonesia, Philippines và Nhật Bản cũng là hai quốc gia châu Á đối mặt với thiên tai trong năm 2018. Hồi tháng 9, siêu bão Mangkhut lớn nhất trong năm đổ bộ vào phía bắc Philippines khiến khoảng 130 người thiệt mạng, phá hủy hàng nghìn ngôi nhà và gây thiệt hại lớn về tài sản. Bão Mangkhut cũng tàn phá nhiều khu vực ở Hong Kong và Macau.

Bang Kerala của Ấn Độ hồi tháng 8 đã hứng chịu trận lụt khủng khiếp nhất trong vòng 1 thế kỷ qua khi có tới hơn 1.000 người thiệt mạng do lũ lụt và sạt lở đất. Nhật Bản cũng trải qua một mùa hè thảm họa khi chỉ trong vài tháng, nước này phải hứng chịu liên tiếp 2 trận động đất lớn và cơn bão mạnh nhất trong vòng 25 năm qua, khiến ít nhất 225 người thiệt mạng.

Tại Lào, mưa lớn bất thường được cho là nguyên nhân khiến đập thủy điện Xe-Pian Xe-Namnoy ở đông nam nước này bị vỡ hồi tháng 7, khiến ít nhất 27 người thiệt mạng và hơn 100 người mất tích.

Trong khi đó, tại Mỹ, bang California đã hứng chịu thảm họa cháy rừng thảm khốc nhất trong lịch sử. Từ giữa tháng 7 tới tháng 8, hàng loạt các vụ cháy rừng lớn đã xảy ra tại California và lan sang các bang khác, gồm Nevada, Oregon, Washington và Idaho. Giới chức đã ghi nhận trên 8.400 vụ cháy rừng, với 765.033 ha bị thiêu rụi, gây thiệt lên tới 3,5 tỷ USD. Tổng cộng 98 dân thường và 6 nhân viên cứu hỏa đã thiệt mạng do thảm họa. 







No comments:

Post a Comment