Friday, December 28, 2018

2018, MỘT NĂM NHIỀU BIẾN ĐỘNG & LO ÂU (Việt Hoàng)




28/12/18

Năm 2018 đang khép lại. Đây là dịp để chúng ta cùng nhau suy ngẫm về tình hình thế giới và Việt Nam trong năm qua. Điều đầu tiên có thể thấy được đây là một năm có quá nhiều biến động. Phong trào dân túy vẫn tiếp tục gây sóng gió cho thế giới.

Bắt đầu từ nước Pháp

Mùa Giáng Sinh 2018 và năm mới 2019 diễn ra trong không khí buồn tẻ, lo lắng và đầy bạo lực tại Pháp bởi Phong trào Áo Vàng diễn ra suốt 6 tuần lễ qua. Sự việc bắt đầu từ việc chính phủ Macron tăng thuế xăng từ 1,53 Euro/lít lên 1,55 Euro/lít. Đây là mức tăng không đáng kể nhưng lại là giọt nước tràn ly của những mâu thuẫn trong lòng nước Pháp không được hòa giải và nhìn nhận.

Hố ngăn cách giàu nghèo trong xã hội Pháp vẫn còn sâu rộng bởi tâm lý nội chiến của người Pháp vẫn tiếp diễn sau cuộc cách mạng 1789 do thiếu sự hòa giải dân tộc. Macron là một tổng thống trẻ thiếu kinh nghiệm chính trường nên ông trở thành một tổng thống của người giàu trong mắt người dân Pháp dù rằng các quyết định của ông không sai. Việc tăng thuế xăng dầu mang lại cho ngân sách khoảng 3 tỉ Euro nhưng rồi sự nhượng bộ sau đó của ông về việc giảm thuế, tăng lương… đã làm thâm thủng ngân sách hơn 15 tỉ Euro, chưa kể 17 tỉ Euro thiệt hại do các cuộc biểu tình, phong tỏa và đốt phá gây ra. Việc bỏ đánh thuế tài sản (nhắm vào người giàu) cũng không sai vì làm chảy máu tài chính (Pháp thu được 4 tỉ Euro/năm từ việc đánh thuế này nhưng làm mất đi 40 tỉ Euro vì người giàu chuyển tài sản sang nước khác).

Lý do thứ hai cực kỳ quan trọng dẫn đến tình trạng lộn xộn và bất ổn tại Pháp là thể chế chính trị : Chế độ tổng thống. Mô hình chính trị theo chế độ tổng thống đã mang lại chiến thắng cho Macron dù tỉ lệ ủng hộ ông ta không cao. Ở vòng hai người Pháp bầu cho ông để tránh phải bầu cho bà Le Pen, chủ tịch đảng cực hữu Mặt Trận Quốc Gia (vừa đổi tên thành Tập Hợp Quốc Gia). Phong trào dân túy nổi nên khắp thế giới thời gian qua do sự xuống cấp của các cuộc thảo luận về chính trị và nó đặc biệt gây tai họa tại các nước theo chế độ tổng thống bởi vì tất cả các chế độ tổng thống đều là dân túy.

Macron được bầu lên với tư cách cá nhân, với sự hỗ trợ của một số tổ chức xã hội dân sự. Ông không có sự hậu thuẫn của một tổ chức chính trị thực sự và vì thế ông thiếu đi một đội ngũ nhân sự chính trị, là những người cộng sự nắm vững các vấn đề chính trị để giúp việc một cách ăn ý. Ông cũng không có sự hậu thuẫn từ các đảng chính trị khác cũng như truyền thông vì ông luôn chủ trương "đối thoại trực tiếp với người dân". Qua Phong trào Áo Vàng, người dân Pháp đã "đối thoại trực tiếp" với ông bằng các cuộc biểu tình bạo động và yêu cầu ông từ chức. Macron đã im lặng trong hơn một tháng bởi vì không thể thảo luận với những người đang hò hét.

Phong trào Áo Vàng ban đầu xuất hiện như là một phong trào không có người lãnh đạo nhưng những ngày cuối vai trò lãnh đạo của đảng Le Pen đã lộ diện với thái độ bài ngoại, cực đoan và nhất là bản yêu sách 25 điểm. Đây là những yêu sách không thể nào thực hiện được vì chúng mâu thuẫn với thực tế. Không thể nào vừa giảm thuế, giảm giờ làm lại vừa có thể tăng các phúc lợi xã hội và tăng lương. Nhà nước không làm gì ra tiền mà chỉ thu thuế để chi trả cho an sinh xã hội, khi thất thu thì làm sao tăng chi được ? Yêu sách này còn đòi hỏi quyền phế truất tổng thống, trưng cầu dân ý về các điều luật và chính sách thuế… Đây cũng là những điều không thể thực hiện được vì người dân không đủ kiến thức để đưa ra hay phúc kiểm các đạo luật và hơn nữa sinh ra chính phủ để làm gì nếu người dân có thể làm được hết những việc đó ?

Phong trào Áo Vàng đang dần dần tan rã khi người dân Pháp nhận diện được sự hậu thuẫn của đảng cực hữu Le Pen. Các chính đảng và giới truyền thông Pháp cũng nhận thức được sự cần thiết của trật tự và an ninh dù họ không ưa Macron. Tuy nhiên các vấn đề của nước Pháp vẫn còn đó và sẽ tiếp tục bế tắc nếu các cuộc thảo luận chính trị nghiêm túc không được quan tâm một cách khẩn cấp trong môi trường các tổ chức chính trị.

Điểm tích cực nhất của Phong trào Áo Vàng dưới mắt nhiều người là nó đã buộc chính quyền Macron phải chấp nhận tổ chức những cuộc thảo luận kéo dài hai tháng trong mọi thị xã về hầu hết các vấn đề chính trị của nước Pháp. Điều không khó dự đoán là các cuộc thảo luận này sẽ nhanh chóng trở thành tẻ nhạt rồi tự tan biến bởi vì thảo luận chính trị không dễ, nó đòi hỏi một sự chuẩn bị chu đáo và một trình độ lý luận và tổng hợp chỉ có trong các tổ chức chính trị.

Điều chắc chắn là uy tín của Emmanuel Macron đã suy giảm và khó có thể phục hồi. Người ta không còn nghe ông nói nữa dù ông nói đúng hay sai. Tổ chức mà ông thành lập để làm dụng cụ vận động tranh cử, En Marche (Đi Tới), là một tổ chức xã hội dân sự. Sau khi ông đắc cử nó đã trở thành một chính đảng, đảng La République en Marche (Nước Cộng Hòa Đi Tới) chỉ để phơi bày sự yếu kém và chứng tỏ rằng các tổ chức xã hội dân sự không thay thế được các chính đảng.

Sau nước Pháp là nước Mỹ với tổng thống Donald Trump

Nhiều người Việt thiếu hiểu biết và không chịu suy nghĩ cho rằng Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên "chống Trump" vì chúng tôi ủng hộ đảng Dân chủ, thiên tả... Không có chuyện đó. Chúng tôi chỉ phân tích cho người dân Việt Nam thấy được sự thật bằng những lý luận và nghiên cứu nghiêm túc, chúng tôi không tả cũng không hữu, chúng tôi không chống Trump hay bất cứ tổng thống Mỹ nào.

Bài viết về cựu tổng thống Obama năm 2009 của ông Nguyễn Gia Kiểng "Obama tại Cairo : Dân chủ ở mức độ Zero" (1) cũng đã đánh giá sự thiếu viễn kiến về thế giới của Obama và đội ngũ cộng sự. Bài viết đó được viết khi Obama vừa nhậm chức tổng thống Mỹ trong niềm hân hoan của cả thế giới. Sự việc xảy ra trong hai nhiệm kỳ của Obama diễn ra đúng như chúng tôi dự đoán. Obama rút quân khỏi Iraq khiến nhà nước Hồi giáo cực đoan IS trỗi dậy và gây ra cái chết cho hàng trăm ngàn người dân vô tội cũng như làn sóng di cư khổng lồ từ Trung Đông đến Châu Âu.

Vì sao chúng tôi quan tâm đến tình hình thế giới và Mỹ ? Bởi vì một quyết định đúng đắn hay sai lầm của một tổng thống Mỹ sẽ gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. Người Việt chúng ta cần biết để có cách đối phó và ứng xử để không bị ảnh hưởng quá nặng nề từ những quyết định đó. Một nước nghèo cũng như một người nghèo, luôn là đối tượng bị ảnh hưởng nhiều nhất từ các chính sách của quốc tế cũng như của quốc gia.

Nước Mỹ đã thành công trong gần hai thế kỷ qua với mô hình "tổng thống chế" nhờ vào sự tản quyền và phân quyền cũng như một mạng lưới xã hội dân sự tự do, cởi mở và độc lập hoàn toàn với chính quyền. Và nhất là nhờ vào di sản tinh thần của những con người vượt biển ra đi tìm tự do, tinh thần được văn bản hóa bởi những tác phẩm của những John Locke, Stuart Mill, De Tocqueville v.v. và được chuyển tới quần chúng bởi những Người Cha Lập Quốc (Founding Fathers). Nay di sản tinh thần đó đang cạn kiệt vì không được đổi mới, mô hình Mỹ đang gặp khủng hoảng nhất là sau khi chủ nghĩa cộng sản sụp đổ tại Liên Xô và các nước Đông Âu năm 1991. Các đời tổng thống Mỹ sau Ronald Reagan, bắt đầu từ Bill Cliton chỉ chú trọng đến việc làm kinh tế vì cho rằng chiến tranh lạnh đã chấm dứt với sự cáo chung của chủ nghĩa cộng sản. Các nhà chính trị Mỹ và tư tưởng Mỹ cũng nghĩ như vậy, điển hình là tác phẩm "Sự cáo chung của lịch sử ?" của Francis Fukuyama. Nguyên nhân chính của sự cạn kiệt tư tưởng chính trị này chính là chế độ tổng thống.

Dưới chế độ tổng thống người dân bầu cho "một người" thay vì "một chính đảng". Điều này dẫn đến một hệ quả tất yếu là người được bầu làm tổng thống phải là người dân túy. Ngôn ngữ dân túy dễ tranh thủ sự hưởng ứng của quần chúng hơn là những phân tích phức tạp và sâu sa. Sự bịp bợm của ngôn ngữ dân túy là ở chỗ nó tạo ra một ảo tưởng là có thể có những giải pháp giản dị, nhưng đó cũng chính là ngôn ngữ dễ hiểu cho quần chúng. Trump trở thành tổng thống là vì vậy. Đặc tính của dân túy như đã nói, nó hứa hẹn đưa ra những giải pháp giản dị cho những vấn đề phức tạp. Ví dụ Trump đòi xây tường biên giới và bắt Mexico trả tiền, gây chiến tranh thương mại với Trung Quốc và các đồng minh, đòi đem các công ty Mỹ về Mỹ, rút khỏi các hiệp ước quốc tế, gây đổ vỡ và nghi ngờ đối với các đồng minh truyền thống là EU và Nhật…

Khẩu hiệu tranh cử của Trump là "nước Mỹ trên hết". Đây không chỉ là câu mị dân sơ đẳng (có lãnh đạo nước nào không nói thế, kể cả Đảng cộng sản Việt Nam ?) mà còn bày tỏ sự thiển cận của Trump. Thế giới là một ngôi nhà chung và tất cả các quốc gia đều liên đới với nhau. Những vấn đề lớn như khủng bố, di dân, biến đổi khí hậu, giảm bớt chênh lệch giầu nghèo, bảo vệ nhân quyền v.v ; đều là những vấn đề quốc tế và không thể giải quyết trong khuôn khổ một quốc gia. Mỹ là quốc gia lãnh đạo thế giới vì thế trách nhiệm của Mỹ thường lớn hơn so với các nước khác và cả thế giới đã hỗ trợ, đứng sau lưng Mỹ. Nước Mỹ dù chi phí cho thế giới khá nhiều nhưng kinh tế Mỹ vẫn phát triển và người dân Mỹ ngày càng giàu lên cũng vì lẽ đó.

Trump không chỉ gây lộn xộn, bất ổn và hoang mang cho thế giới vì sự rút lui đột ngột của mình mà còn gây xáo trộn và bất an cho cả nước Mỹ. Trump đã kết thúc vai trò và sứ mệnh lãnh đạo thế giới một cách khá thô bạo và vụng về. Uy tín của nước Mỹ sẽ không bao giờ còn như trước nữa dù Trump không còn là tổng thống Mỹ. Đúng như nhiều người nói, Trump được "dân Mỹ" bầu lên chứ không phải "cướp chính quyền" như đảng cộng sản Việt Nam. Chính vì thế mà "dân Mỹ" sẽ phải trả giá cho sự sai lầm của mình. Thị trường chứng khoán Mỹ lao dốc hay việc hai công ty xe hơi Mỹ là GM và Ford phải đóng cửa nhà máy và sa thải hàng vạn công nhân chỉ là "món quà" đầu tiên của Trump dành cho người dân Mỹ. Trump cũng không quên "tặng quà" cho cộng đồng người Việt tại Mỹ đã ủng hộ ông ta hết lòng bằng việc dự định trục xuất hàng ngàn người Việt đã định cư ở Mỹ từ năm 1995.

Tình trạng nước Anh đang nhắc lại một sự thực hiển nhiên. Ai cũng phải có nghề nghiệp và chuyên môn của mình, làm chính trị cũng vậy, đây là công việc chuyên môn của giới chính trị gia và các đảng chính trị. Người dân hay đám đông không phải lúc nào cũng đúng. Cách đây 2 năm đa số người dân Anh đã chọn Brexit, rút khỏi Liên Hiệp Châu Âu (EU) và bây giờ cũng chính họ lại đòi ở lại EU bằng được. Sai lầm này không thể trách người dân Anh mà trách nhiệm thuộc về giới chính trị Anh, đặc biệt là cựu thủ tướng David Cameron.

EU được hình thành và mở rộng biên giới đến 28 quốc gia thành viên là một dự án đẹp và vĩ đại nhất của loài người từ trước đến nay. Cuộc mở rộng và thống nhất này diễn ra trong hòa bình và đồng thuận thay vì các cuộc chinh phạt đẫm máu như trước đây. Tuy nhiên, đã có nhiều vấn đề phức tạp phát sinh trong quá trình hợp nhất EU, ví dụ sự chênh lệch giàu nghèo giữa các thành viên mới và cũ. Giới chính trị gia Anh thay vì thảo luận một cách nghiêm túc và có trách nhiệm thì họ đã làm một sai lầm : Trưng cầu dân ý để người Anh quyết định thay cho chính phủ trong một việc mà họ không thể hiểu hết.

Nước Nga toàn trị của Putin ngày càng trở nên cô đơn và không có tương lai

Chiêu bài chủ nghĩa dân tộc cực đoan mà Putin vẫn dùng ngày càng mất tác dụng vì cũng giống như một chất ma túy, nó không thể kéo dài mãi. Sự hồ hởi khi lấy được bán đảo Crimea của Ukraine về cho nước Nga vĩ đại sớm chấm dứt nhường chỗ cho cuộc sống khó khăn hàng ngày và việc Putin tăng tuổi về hưu như giọt nước tràn ly. Các cuộc biểu tình diễn ra khắp nước Nga khiến uy tín của Putin tụt xuống dưới 40%. Điều này khiến Putin tiếp tục gây gỗ với nước láng giềng "anh em" Ukraine qua cuộc khủng hoảng tại biển Đen bằng việc bắt giữ 3 tàu quân sự của Ukraine và 23 thủy thủ.

Tập Cận Bình và người dân Trung Quốc sẽ đón một cái Tết không vui sau nhiều năm kinh tế phát triển mạnh mẽ

Cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung do Trump phát động không gây ra nhiều tổn thất cho Trung Quốc vì nó chỉ gây thiệt hại vào khoảng 20-30 tỉ USD, đây là con số quá nhỏ so với GDP 12.000 tỉ USD của Trung Quốc. Cũng không vì cuộc chiến này mà xuất siêu của trung Quốc vào Mỹ giảm đi mà thậm chí còn tăng lên. Các công ty Mỹ cũng không đem nhà máy nào về Mỹ như lời kêu gọi của Trump mà chúng còn mở rộng hơn như việc tập đoàn Tesla dự định chi 6 tỉ USD để xây dựng đại công xưởng sản xuất xe điện tại Trung Quốc, hay tập đoàn Boeing vừa xuất xưởng và bàn giao cho Trung Quốc chiếc máy bay Boeing đầu tiên sản xuất và lắp ráp hoàn toàn ở Trung Quốc…

Trung Quốc đang tiến dần đến hồi kết của một phép màu kinh tế sau 40 năm mở cửa. Khối nợ công của Trung Quốc đã vượt quá 30.000 tỉ USD. Sở dĩ Trung Quốc chưa tuyên bố phá sản là vì những lý do khách quan và chủ quan mà ông Nguyễn Gia Kiểng đã trình bày và phân tích một cách thuyết phục qua ba bài viết về Trung Quốc-2018 (2). Dự án Vành đai và Con đường của Tập Cận Bình sẽ kéo Trung Quốc xuống vực thẳm thay vì đưa Trung Quốc lên ngôi vị bá chủ thế giới vào năm 2025. Mô hình Trung Quốc không thể thành công vì nó mâu thuẫn với thực tế và vì nếu nó thành công thì chủ nghĩa tư bản đã tồn tại hơn 200 năm qua cùng với các sách vở và nghiên cứu của nó đều phải vứt bỏ. Tất nhiên là không có chuyện đó.

Cuối cùng chúng ta cùng nhau trở lại Việt Nam

Năm 2018 là một năm đầy biến động trong nội bộ Đảng cộng sản Việt Nam với đỉnh điểm của nó là sự hợp nhất hai chức danh Tổng bí thư và Chủ tịch nước làm một vào tay ông Nguyễn Phú Trọng. Cuộc thanh trừng và đấu đá nội bộ mang danh "chống tham nhũng" diễn ra một cách khốc liệt và kịch tính chưa từng có. Một ủy viên Bộ chính trị và nhiều bộ trưởng đương nhiệm cũng như đã hồi hưu, nhiều quan chức cao cấp và nhiều tướng tá quân đội lẫn công an bị khởi tố, kỷ luật và tống giam bởi "cái lò" chống tham nhũng của ông Nguyễn Phú Trọng. Người dân Việt Nam thích thú theo dõi các cuộc thư hùng này và chúng sẽ còn tiếp tục tăng tốc trong năm 2019 với việc bắt giam và khởi tố gần hết ban lãnh đạo cũ của chính quyền Sài Gòn. Dư luận đồn đoán rằng mọi ngả đường đang dẫn đến nhà cựu thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.

Có một điều đáng suy ngẫm là dù người dân vô cùng thích thú và vỗ tay mỗi khi cụ Tổng tống giam một quan chức nào đó vào lò thì rất ít người tin rằng chiến dịch "chống tham nhũng" của ông Trọng và Đảng cộng sản Việt Nam có thể thành công, và đó là sự thật. Khi một chế độ mà tham nhũng đạt đến một ngưỡng "phổ cập" như ở Việt Nam thì khi đó không còn thuốc chữa. Lịch sử của nhân loại đã chứng minh rằng chưa có một chế độ tham nhũng nào có thể tự cải tiến và thay đổi để hết tham nhũng. Việt Nam không thể là ngoại lệ. Lịch sử thế giới cũng chứng minh rằng khi một chế độ tham nhũng bắt đầu cải tiến và thay đổi cũng là khi chúng sắp sụp đổ. Liên xô dưới thời Gorbachev là một ví dụ.

Đảng cộng sản Việt Nam như một con tàu mà thuyền trưởng và thủy thủ đoàn không biết phải làm gì và không ai muốn làm gì. Tất cả đều chờ đợi và hy vọng chế độ kéo dài ngày nào hay ngày đấy. Không làm gì cũng chết mà làm gì cũng chết. Cuộc "nội chiến" nhân danh "chống tham nhũng" chỉ phơi bày cho người dân Việt Nam thấy những tồi tệ và thối nát đến cùng tận trong nội bộ đảng thay vì giúp nó thay đổi. Chỉ cần một ngày không tham nhũng là toàn bộ bộ máy chính quyền Việt Nam dừng hoạt động.

Đảng cộng sản Việt Nam không còn "nhân sự chính trị" và một "tư tưởng chính trị" để có thể tồn tại và phát triển. Tất cả những người được "qui hoạch" cho tương lai đều do mua bán và được phe cánh đưa vào cơ cấu. Người tốt và trung thực không còn chỗ trong ban lãnh đạo đảng. Ngay cả một người hiền lành, tử tế và "trung kiên" như giáo sư Chu Hảo mà vẫn bị khai trừ khỏi hàng ngũ đảng.

Dù phong trào dân túy đang như một cơn bão càn quét khắp thế giới nhưng nó lại không gây tác hại gì đối với Việt Nam. Đảng cộng sản Việt Nam cũng là một đảng dân túy vì nó mị dân suốt bao nhiêu năm qua tuy nhiên người dân đã quá chán ngán vì biết rõ bộ mặt thật của nó nên giờ, có nói gì, đảng cũng không thuyết phục được ai. Cái hay là người Việt không bị ảnh hưởng nhiều bởi phong trào dân túy (trừ cộng đồng người Việt ở Mỹ) nhưng cái dở mà người Việt cần thay đổi đó là việc chưa lên tiếng ủng hộ cho một tổ chức chính trị đối lập mới, với những dự án và giải pháp mới cho đất nước.

Ghét chế độ cộng sản chưa đủ mà phải thay đổi nó bằng cách tạo ra đối trọng với nó. Đối trọng với Đảng cộng sản Việt Nam chỉ có thể là các tổ chức chính trị dân chủ đối lập chứ không phải các cá nhân, các tổ chức xã hội dân sự hay các loại thư ngỏ, kiến nghị…

Phong trào dân túy sẽ sớm qua đi, dù Mỹ có gây ra nhiều bất ổn cho thế giới và cho chính nước Mỹ trước khi từ nhiệm vai trò lãnh đạo thế giới thì các nước dân chủ sẽ sớm ổn định và lập ra các liên minh chính trị để thay thế vai trò đầu tàu của Mỹ. Các nước độc tài còn lại như Nga, Trung Quốc cũng không còn hơi sức đâu để bành trướng và hậu thuẫn cho các nước độc tài đàn em như Việt Nam.

Hy vọng trong năm mới 2019 sẽ có nhiều thay đổi tích cực trên thế giới và cả Việt Nam. Chúng tôi mong rằng người dân Việt Nam sẽ tìm hiểu và ủng hộ cho các tổ chức chính trị đối lập như Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên.

Việt Hoàng
(28/12/2018)










No comments:

Post a Comment