Friday, November 23, 2018

THẾ CHIẾN THỨ NHẤT : BÀI HỌC ĐÁNG LO NGẠI CHO CHÂU Á (Lê Mạnh Hùng)




Lê Mạnh Hùng
November 21, 2018

Tuần qua là tuần kỷ niệm 100 năm Thế Chiến Thứ Nhất chấm dứt. Nhưng một trăm năm sau khi cuộc chiến này chấm dứt, ta bỗng có một cảm giác “déjà vu” (đã thấy rồi) nào đó trong tình hình thế giới hiện nay, đặc biệt là tại Châu Á.

Những giai điệu tương tự giữa những năm đầu của thế kỷ thứ 20 và của thế kỷ thứ 21 bao gồm sự nổi lên của những cường quốc mới làm thay đổi cán cân sức mạnh địa chính trị có sẵn cũng như là những tranh luận về phải chăng toàn cầu hóa có thể mang lại hòa bình cho thế giới. Cả hai vấn đề này đều có giá trị quan trọng vào lúc này và không đâu quan trọng hơn là tại Châu Á với cuộc cạnh tranh chiến lược ngày một leo thang giữa Hoa Kỳ và Trung Cộng.

Trước hết là cán cân quyền lực địa lý chính trị. Thế Chiến Thứ Nhất phá tan một thế kỷ tương đối hòa bình tại Châu Âu. Sau thất bại của Napoleon, một cán cân quyền lực xuất hiện tại Châu Âu với năm cường quốc có sức mạnh xấp xỉ nhau: Anh, Pháp, Phổ, Áo và Nga. Với một số ngoại lệ nhỏ (tỷ như chiến tranh Crimea), cán cân quyền lực này giữ cho Âu Châu được hòa bình trong gần một thế kỷ từ khi Napoleon bị đánh bại tại Waterloo năm 1815.

Nhưng bắt đầu từ những năm 1860, Phổ tung ra một loạt các cuộc chiến giới hạn chống lại Đan Mạch, Áo và Pháp. Quân đội Phổ đoạt được của Áo và Đan Mạch những vùng đất cần thiết để thành lập một nước Đức thống nhất. Việc thống nhất này cuối cùng đã hình thành vào năm 1871 khi quân đội Phổ đè bẹp quân đội Pháp trong cuộc chiến tranh Pháp Phổ (1870-71).

Một cường quốc mới nổi lên nhiều tham vọng và làm vỡ một cán cân quyền lực vốn có từ lâu đời chính là chuyện đang xảy ra vào lúc này. Chính giới lãnh đạo Cộng Sản tại Bắc Kinh cũng hiểu thấu điều đó. Sự tương tự giữa việc nổi lên của Trung Cộng hiện nay và Đệ Nhị đế chế Đức giống nhau đến nỗi Bắc Kinh đã đặt hàng một nhóm nhà nghiên cứu và làm phim để làm một cuộc nghiên cứu về lịch sử Đức (cùng với lịch sử các đế quốc khác của quá khứ) với kết quả là một loạt các báo cáo và một bộ phim lịch sử nhiều tập có tên “Sự Nổi Lên của các Đại Cường” chiếu trên đài Truyền Hình Trung Ương.

Tiến trình nổi lên của Trung Cộng cũng tương tự với Đế Chế Đức của thế kỷ thứ 19 trên một phương diện nữa. Lịch sử nước Đức trong khoảng thời gian từ sau khi thống nhất cho đến khi thế chiến bùng nổ có thể chia ra làm hai giai đọan. Thủ Tướng Otto von Bismarck chủ trì giai đoạn thứ nhất từ 1871 đến 1890 và Hoàng Đế Wilhelm II (đọc là Vilhem) chủ trì giai đoan thứ hai từ 1890 đến 1918. Thái độ của Berlin đối với bên ngòai khác hẳn nhau trong hai giai đoạn này.

Tuy rằng bị gọi là “thủ tướng thép” Bismarck đã rất tự kiềm chế khi điều hành chính sách ngoại giao của Đức. Ông tìm cách trấn an các nước láng giềng rằng Đức là một cuờng quốc đã “đủ no” rồi. Berlin đã có tất cả những gì mình muốn sau các cuộc chiến để thống nhất và không còn có tham vọng mở rộng thêm lãnh thổ nữa. Đế Quốc Đức là anh láng giềng tuy rằng mạnh nhưng các nước Châu Âu khác có thể tin cẩn để sống yên ổn mà không cần phải lo sợ và liên minh với nhau để ngăn ngừa. Thế nhưng khi Wilhelm trực tiếp nắm lấy quyền chủ động ngoại giao sau khi bãi chức Bismarck vào năm 1890 thì lại khác. Những huênh hoang đe dọa của ông đối với các nước Châu Âu khác làm họ lo sợ. Và việc xây dựng một hạm đội Viễn Dương nhằm thách đố hải quân Anh trên biển dẫn đến một cuộc chạy đua vũ trang và là một trong những nguyên nhân của cuộc chiến.

Lộ trình chính sách ngoại giao của Trung Cộng cũng đi theo một chiều hướng tương tự. Cho đến những năm gần đây, chính giới Trung Cộng tìm cách đi theo đường lối của Bismarck, trấn an các nước láng giềng, che giấu sức mạnh đang lên của mình theo đúng lời khuyên của Đặng Tiểu Bình “liễm quang, dưỡng hối” (giấu ánh sáng, nuôi bóng tối). Nhưng càng ngày chính sách của Trung Cộng càng trở nên giống như của Wilhelm với việc càng ngày càng không thèm để ý đến ý kiến của các lân bang cũng như sự cổ động cho tinh thần đại Hán ở trong nước.

Toàn cầu hóa có giữ được hòa bình hay không là điểm tương tự thứ hai. Một số người nay hy vọng rằng mậu dịch sẽ là yếu tố then chốt giữ cho Hoa Kỳ và Trung Cộng sống chung hòa bình. Cách đây vài năm sử gia Niall Ferguson đặt ra một từ mới “Chinmerica” để biểu dương sự tùy thuộc lẫn nhau giữa Hoa Kỳ và Trung Cộng.

Thế nhưng Thế Chiến Thứ Nhất đã cho thấy khuyết điểm chí mạng của yếu tố kinh tế trong việc bảo đảm hòa bình. Toàn cầu hóa có thể nói là đã đi xa hơn vào đầu thế kỷ thứ 20 so với hiện nay và kinh tế Anh với Đức tùy thuộc vào nhau còn hơn là Mỹ với Trung Cộng lúc này. Thế nhưng cơn bão của chiến tranh đã quét sạch tất cả những quan hệ kinh tế đó cũng như đánh dấu chấm dứt giai đoạn toàn cầu hóa đầu tiên.

Trong những năm trước 1914 các học giả, sử gia và kinh tế gia tranh cãi rất nhiều về ảnh hưởng của tình trạng liên lập kinh tế đối với cạnh tranh chính trị và chiến tranh. Norman Angell, một kinh tế gia người Anh, cho xuất bản một cuốn sách có tựa đề “The Great Illusion” nói rằng thật điên rồ nếu tự mình đánh nhau với bạn hàng và cũng là nhà cung cấp hàng hóa cho mình – hay là làm bất kỳ một điều gì có thể ảnh hưởng đến việc sử dụng mặt biển, đuờng sắt, và các phương tiện chuyên chở khác của mậu dịch quốc tế. Chiến tranh, theo Angell sẽ làm vỡ tan chuỗi tiếp liệu toàn cầu, sản xuất, phân phối và tiêu thụ. Tất cả mọi người đều sẽ bị ảnh hưởng.

Thế nhưng Angell bị chỉ trích sai lầm là tiên đóan rằng kinh tế làm chiến tranh không thể xảy ra. Trên thực tế, Angell quả có nói rằng cái lô gich của sự liên lập kinh tế phải làm cho chiến tranh không xảy ra nếu mọi người giữ một lập trường duy lý. Nhưng không có bao nhiêu người như vậy.

Angell nhận xét rằng hầu như tất cả mọi cá nhân, từ những kẻ hiếu chiến nhất cho đến những người yêu hòa bình nhất đều có một ảo tưởng về việc sử dụng vũ lực. Và việc các chính phủ tin tuởng vào việc sử dụng vũ lực để đạt các mục tiêu chiến lược là một cái gì in sâu vào trong thế giới quan và nhân sinh quan của họ. Thành ra cái “ảo tuởng lớn” mà Angell cảnh cáo chính là việc các chính phủ và xã hội chấp nhận những hy sinh khổng lồ trong ảo tuởng đạt được quyền lực và vị trí quốc tế của mình để cuối cùng hại nhiều hơn là lợi.

Marx viết rằng lịch sử bao giờ cũng diễn lại, nhưng Marx đã lầm khi nói rằng “nếu lần đầu là một bi kịch thì lần sau chỉ là một trò hề.” Lịch sử xảy ra lần sau có thể còn là một bị kịch thê thảm hơn là lần truớc nữa. (Lê Mạnh Hùng)






No comments:

Post a Comment