Saturday, November 3, 2018

TÂM THẾ NÔ LỆ (Mai V. Phạm)




Mai V. Phạm
03/11/2018

Phần 1: Trump sẽ đánh sập Trung Quốc và Việt Nam có dân chủ: Ảo tưởng!

 “… cái bệnh ỷ lại đã ăn sâu vào trong xương tuỷ người nước ta, cơ hồ không gột rửa được nữa. … Ta đã vay mượn của người hàng xóm từ một điệu thơ nhỏ nhặt đến một đạo lý cao xa. Hồi xưa kia chúng ta là những người Tàu, gần đây chúng ta là những người Tây, chưa có một lúc nào chúng ta là những người Việt Nam cả.” (Lưu Trọng Lư, 1939)

*
Bài học thất bại của Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) chẳng mấy ai nhớ cả. Nhiều người đổ lỗi vì Mỹ đã bỏ rơi VNCH, nên chế độ cộng sản mới thắng cuộc, nhưng khá ít người chất vấn tại sao Mỹ lại làm thế? Hoặc chúng ta rút được bài học quý giá gì cho con đường dân chủ từ thất bại của VNCH? Lực lượng nhân sự có khả năng và đạo đức chính trị sẽ quyết định vận mệnh của quốc gia hay chỉ cần lệ thuộc yếu tố nước ngoài?

Một số người trách móc Mỹ, thế mà sau hơn 40 năm, khá nhiều người, từ già tới trẻ, cậy mong Trump đánh Trung Quốc để Việt Nam thoát ách độc tài cộng sản.

Trump là “con buôn chính trị”. Mối quan tâm duy nhất của Trump là tiền bạc và quyền lực. Trump khoe khoang đánh thuế Trung Quốc bởi vì muốn chứng tỏ với cử tri, rằng Trump cứng rắn và muốn Trung Quốc phải nhượng bộ về thương mại. Mục đích tối hậu của Trump là muốn đạt được một thỏa thuận thương mại song phương với Trung Quốc, bởi Trump không chấp nhận TPP của Obama (TPP là hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương gồm 12 quốc gia, không có Trung Quốc, nhằm ngăn chặn tầm ảnh hưởng kinh tế và ngoại giao của Trung Quốc đối với khu vực Thái Bình Dương). Ngày đầu tiên nhậm chức, Trump tuyên bố hủy bỏ TPP, khiến chính quyền Trung Quốc vui mừng biết bao.

Kinh tế Mỹ và Châu Âu phụ thuộc rất lớn vào thị trường Trung Quốc. Chuyện đồng nhân dân tệ “mất giá” cũng là do Trung Quốc đã và đang điều chỉnh tỉ giá nhằm tránh thiệt hại cho nền kinh tế, chứ không phải là kết quả độc quyền từ việc Trump đánh thuế. Một trong những động cơ Trump đánh thuế Trung Quốc là nhằm giảm thâm hụt thương mại. Tuy nhiên, mức thâm hụt thương mại Mỹ-Trung trong suốt 9 tháng đầu năm 2018 đã tăng liên tục. Trong tháng 9/2018, thâm hụt thương mại có mức cao kỷ lục mới là 40.2 tỉ đô, tăng 4.3% so với tháng 8/2018 và tăng 16.6% so với cùng kỳ tháng 9/2017. Nghĩa là số liệu thực tế phần nào chứng minh được cuộc chiến thương mại không hề mang lại kết quả như chính quyền Trump mong muốn.

Đồng thuận cơ bản của các chuyên gia Nobel kinh tế hàng đầu là trade war không có người thắng, cũng như thiệt hại lâu dài của nó đối với nền kinh tế toàn cầu.  Tập Cận Bình không sợ dân bị thiệt hại, than vãn. Ngược lại, Trump thì khác: các Thượng Nghị sĩ tại các bang Midwest vẫn đang kêu gọi Trump chấm dứt trade war vì nông dân ở những vùng này là nạn nhân chịu thiệt hại nặng nề nhất từ trade war.

Trump chỉ có thể khiến Trung Quốc thực sự lo lắng khi hợp tác với Nhật, EU và Canada. Đằng này, Trump tuyên bố EU là kẻ thù của Mỹ và tuyên chiến với đồng minh lâu năm, thì logic ở chỗ nào? Hôm 19/10, các nhà lãnh đạo châu Âu và châu Á họp mặt trong khuôn khổ Hội nghị Cấp cao Á-Âu đã thống nhất phải bảo vệ thương mại tự do và tuyên bố không ủng hộ chính sách thương mại của Trump. Đồng minh dân chủ là vũ khí chính nghĩa giúp Hoa Kỳ mạnh hơn, đặc biệt khiến các chế độ độc tài nể sợ. Trump tấn công đồng minh thân cận, nhưng liên tiếp ca ngợi lãnh đạo độc tài Tập Cận Bình và Putin, thì làm sao khiến độc tài lo sợ?

Hơn nữa, nền kinh tế Việt Nam hiện tại không chỉ dựa vào mỗi Trung Quốc, mà còn phụ thuộc khá lớn vào Hàn Quốc, Nhật Bản, Hoa Kỳ, Singapore và các nước khác. Theo nhật báo Nikkei, Hội đồng Thương mại Mỹ (AmCham) đã thực hiện một cuộc khảo sát đối với các công ty Mỹ và Trung Quốc. Kết quả cho thấy các doanh nghiệp Việt Nam đang hưởng lợi từ cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung. Chẳng hạn, công ty GoerTek của Trung Quốc, chuyên lắp ráp tai nghe không dây cho hãng Apple, đã thông báo cho các nhà cung cấp rằng, họ có ý định chuyển một số sản phẩm của mình sang Việt Nam. Công ty Zhejiang Hailide New Material của Trung Quốc – cũng đang đầu tư 155 triệu USD vào một nhà máy ở Việt Nam với mục tiêu hướng tới xuất khẩu sang Mỹ.

Hôm 1/1/2018, Trump cũng vừa hớn hở thông báo trên Twitter rằng, có cuộc điện đàm “rất tốt đẹp” với Tập Cận Bình. Trump cho biết, cuộc đàm phán thương mại “đang đạt được nhiều tiến bộ khả quan” và cuộc gặp giữa hai bên “đang được lên kế hoạch” tại Hội nghị thượng đỉnh G20 sắp tới tại Buenos Aires.

Kinh tế Trung Quốc sụp đổ không đồng nghĩa Việt Nam sẽ thoát khỏi độc tài CS

Giả sử, Trump khiến kinh tế Trung Quốc điêu đứng cũng không có nghĩa chế độ cộng sản Trung Quốc và Việt Nam mặc nhiên sụp đổ. Đúng là nền kinh tế suy sụp có thể khiến chế độ độc tài rơi vào khủng hoảng, nhưng cần nhấn mạnh rằng, cho dù kinh tế suy thoái và chế độ độc tài có lung lay, không có nghĩa là dân chủ sẽ đến với người dân Việt Nam.

Bắc Hàn và Venezuela là hai ví dụ điển hình. Kinh tế Venezuala gần như là một cái xác sống, gây ra tình trạng thiếu thốn lương thực, thuốc men, siêu lạm phát (giá tiêu dùng tăng 46.305% trong vòng 12 tháng) và xã hội loạn lạc. Hàng chục ngàn người Venezuela phải di tản sang các nước lân cận, trong khi nhiều người khác phải nhặt thức ăn trong các thùng rác để sinh tồn. Mặc dù đối mặt nền kinh tế suy thoái nghiêm trọng, nhưng chế độ độc tài của Kim Jong-un (Bắc Hàn) và Nicolás Maduro (Venezuela) vẫn ngang nhiên tồn tại. Nên nhớ, chế độ độc tài càng bị dồn vào đường cùng, chúng sẽ càng bóc lột và đàn áp dân khốc liệt để tồn tại. Và khi kinh tế khó khăn, nạn nhân chịu nhiều khốn khổ không phải là cán bộ đảng viên, mà là vô số dân nghèo.

Thay vì “ở ẩn” mong chờ kế hoạch ảo tưởng “Trump giải phóng Việt Nam”, người viết thiển nghĩ hãy dành thời gian và công sức cho hai công việc tối quan trọng: tri thức và tổ chức. Nâng cao kiến thức và tư tưởng chính trị đúng đắn là một hành trang không thể thiếu của những ai muốn dấn thân chính trị, ngoài lòng yêu nước không vụ lợi. Chính vì thế mà cách đây gần 100 năm, cụ Phan Châu Trinh đã nhắn nhủ đồng bào rằng, ‘vũ khí’ hiệu quả để giải thoát đất nước khỏi nô lệ và kém cỏi là “học hành, mở mang trí tuệ”: “Đồng bào ta, người nước ta, ai mà ham mến tự do, tôi xin có một vật rất quý báu tặng cho đồng bào, là Chi Bằng Học.”

Nhiều hơn nữa, giới trẻ và trí thức Việt Nam cần ý thức tầm quan trọng của việc đấu tranh có tổ chức. Như Cụ Phan Châu Trinh đã nói trong năm 1925: “Nay muốn một ngày kia nước Việt Nam được tự do độc lập, thì trước hết dân Việt Nam phải có đoàn thể đã”. Chúng ta luôn chê bai ĐCSVN, nhưng nên nhớ rằng CSVN luôn chấp nhận liên kết lại với nhau để tồn tại suốt từ năm 1945 cho đến nay. Nếu như ngày mai, chế độ cộng sản tuyên bố giải thể, thì tổ chức nào đủ lớn mạnh, đủ tầm vóc, khả năng chính trị lẫn đạo đức, sẵn sàng đảm nhận việc xây dựng một đất nước dân chủ – pháp trị, cũng như hòa giải sự chia rẽ và đố kỵ của dân tộc Việt Nam?

Các nước dân chủ giàu mạnh luôn có sự đóng góp rất lớn của các tổ chức từ dân sự đến chính trị. Không một quốc gia nào có nền dân chủ thực sự, mà không nhờ đến vai trò của các tổ chức, với sự tham gia đông đảo của tầng lớp tinh hoa. Úc, Pháp, Hoa Kỳ, Mông Cổ, hoặc các nước dân chủ Bắc Âu phát triển là nhờ nước khác giúp, hay do đất nước họ có sự dấn thân tham gia của tầng lớp trí thức tài đức?

Nếu nghĩ chế độ cộng sản VN sụp đổ vì kinh tế Trung Quốc suy thoái, là chúng ta đã quá xem thường đối thủ bằng suy nghĩ quá đơn giản. Hoa Kỳ cần một Trung Quốc ổn định và đây là một chính sách ngoại giao bắt đầu từ tháng 2/1972 khi tổng thống Nixon chính thức mở cửa và thúc đẩy ngoại giao với Mao Trạch Đông.

Ngoài biển Đông, Trung Quốc vẫn đang tiếp tục phát triển các cơ sở quân sự mà chẳng hề sợ ai. Tập Cận Bình đã học thuộc bài học sụp đổ của chủ nghĩa cộng sản Liên Xô và tác nhân Gorbachev. Tập và đồng đảng sẽ chiến đấu tới mạng người Trung Quốc hoặc thậm chí người Việt Nam cuối cùng để duy trì quyền lực.

Tóm lại, người viết dự đoán rằng, Trump và Tập sẽ sớm ký một hiệp định thương mại song phương có lợi cho Trung-Mỹ. Nhưng Tập sẽ giả vờ chấp nhận tuyên bố nhượng bộ Trump để Trump có thể khoe khoang với cử tri Mỹ rằng, Trump đã giành được chiến thắng thương mại trước Trung Quốc. Tập Cận Bình cần Trump để bành trướng và Trump cũng cần Tập để mị dân và củng cố quyền lực.

Và trên hết, kẻ thù trực tiếp của dân tộc Việt Nam không phải là Trung Quốc, mà chính là đảng CSVN – đảng đã dối trá, lường gạt người dân Việt Nam, những người cùng “máu đỏ da vàng”, đã đưa đất nước ta vào chỗ tối tăm, bế tắt, nghèo nàn, lạc hậu… kể từ những năm 1945 cho đến nay.

Hiểm họa Trung Quốc không đáng sợ bằng hiểm họa cộng sản Việt Nam. Giặc ngoại xâm có thể chống được, còn chống giặc nội xâm khó khăn vô cùng. Trung Quốc không thể thôn tính Việt Nam nếu trong nội bộ đảng CSVN không có những kẻ nối giáo cho giặc.

Hãy có những nhận định đúng để có cái nhìn thực tế, cũng như đóng góp hữu hiệu hơn cho tiến trình dân chủ hóa đất nước.
(Còn tiếp)

*
*
Mai V. Phạm
04/11/2018

Nghĩ Trump quan tâm đến dân chủ cho Việt Nam, thì chẳng khác nào nghĩ Hồ Chí Minh, Mao Trạch Đông, Hitler, Kim Jong-un… tôn trọng quyền con người. Từ lúc làm tổng thống cho đến nay, trong hơn 5.000 lần tweet, đã bao nhiêu lần Trump đề cao nhân quyền, dân chủ và pháp trị? Thưa: hiếm vô cùng.

Đã bao nhiêu lần Trump thể hiện lòng tôn trọng dành cho Tập Cận Bình, Kim Jong-un, Putin…? Thưa: hơn 3 lần.

Đã bao nhiêu lần Trump tấn công sự liêm chính, độc lập tư pháp? Thưa: vô số lần.

Đã bao nhiêu lần Trump tấn công tấn công báo chí, gọi báo chí là “kẻ thù của nhân dân”? Thưa: Nhiều lần.

Đã bao nhiêu lần Trump chửi rủa và sỉ nhục công dân Mỹ, đặc biệt chửi rủa phụ nữ rất thậm tệ? Thưa: vô số lần.

Những người tranh đấu cho dân chủ, nhân quyền, cần hiểu rõ những khái niệm này. Khi thấy tổng thống Mỹ tấn công báo chí, gọi báo chí là “kẻ thù của nhân dân”, từ ngữ của những lãnh tụ độc tài thường dùng để bịt miệng báo chí, cơ quan quyền lực thứ tư; hay một tổng thống có những phát ngôn phân biệt chủng tộc, kỳ thị… chúng ta cần nhận ra rằng, những giá trị dân chủ mà chúng ta tranh đấu, đang bị chà đạp.

Một đất nước hơn 90 triệu người như Việt Nam mà phải trông cậy vào một tổng thống – vô đạo đức, đạp nát lên các giá trị dân chủ như Trump – cứu rỗi, thì lòng tự tôn dân tộc ở chỗ nào?

Một dân tộc hơn 90 triệu người trong nước và hơn 3 triệu người ở hải ngoại mà không thể hình thành được ít nhất một tổ chức đối lập lớn mạnh, tạo sức ép lên chế độ độc tài cộng sản Việt Nam, mà phải cầu mong Trump cứu rỗi, thì lòng tự hào dân tộc ở đâu?

Dân tộc vỗ ngực tự hào mấy ngàn năm văn hiến, tinh thần bất khuất mà dựa dẫm vào nước ngoài thì thật đáng buồn và đáng xấu hổ! Một dân tộc mà chỉ biết ỷ lại vào lãnh tụ các nước khác để tồn tại và lớn mạnh, thì dân tộc đó có tinh thần độc lập & tự cường ở chỗ nào?

Cụ Phan Bội Châu phê bình tính “ỷ lại” của người Việt Nam từ năm 1928 nhưng đến nay vẫn còn nguyên giá trị: 

“Tháp đổ mặc tháp, khoanh tay đứng dòm, nghiễm nhiên một đống bồ nhìn rồi hẳn. Hỏi vì cơn cớ làm sao?
Thì chỉ vì ỷ lại.
Câu tục ngữ ấy thật vẽ đúng tâm tình người nước ta. Nếu ai cũng lo gánh vác một phần trách nhiệm của mình thì có gánh gì không cất nổi. Nhưng tội tình thay, anh nào chị nào trong óc cũng chất đầy một khối ỷ lại. Anh Cột trông mong vào chú Kèo, cô Hường trông mong vào thím Lục, mà chú Kèo thím Lục lại ỷ có anh Cột cô Hường rồi. Rày lần mai lữa, kết cục không một người làm mà cũng không một người phụ trách nhiệm”. (Cao Đẳng Quốc Dân)

“Quốc gia hưng vọng, thất phu hữu trách”. Xóa bỏ độc tài và xây dựng con đường dân chủ cho Việt Nam phải là trách nhiệm trên hết của con dân nước Việt, không phải của tổng thống hoặc thủ tướng, lãnh đạo các nước Mỹ, Pháp, Úc…

Cứ thử tưởng tượng một khu xóm mà nhiều thành viên chỉ biết ngồi há mỏ, cậy nhờ xóm khác giúp đỡ để duy trì sự sống còn của khu xóm, thì có đáng trách hay không? Những thành viên với tính ỷ lại, tâm thế nô lệ đó kìm hãm tinh thần tự tôn của toàn khu xóm và đầu độc ý thức tự cường của thế hệ trẻ.

Thần thánh hoá lãnh tụ, mong chờ họ cứu rỗi đất nước mình. Rồi đến lúc lãnh tụ đó hết quyền lực hoặc không có khả năng như mong đợi, thì lại nhờ lãnh tụ nước khác giúp tiếp. Thế hệ tương lai sẽ nghĩ như thế nào về những người đi trước chỉ biết trông chờ, ỷ lại, dựa dẫm vào sự cứu rỗi của nước ngoài?

Phải dựa vào chính mình

Cụ Phan Châu Trinh cách đây gần 100 năm đã nói: “Chỉ nên trông cậy ở chính mình, chớ vọng ngoại, vì vọng ngoại ắt là chết”.

Vấn đề không phải là chúng ta không được nhờ Mỹ hoặc các nước văn minh khác hỗ trợ Việt Nam, nhưng chuyện nhờ giúp và tâm thế ỷ lại, dựa dẫm vào người khác, là hai chuyện hoàn toàn khác. Hơn nữa, quan trọng là tổ chức nào, uy tín đến đâu sẽ đại diện để nhờ, và nhờ cái gì, vào lúc nào? Nên nhớ, Việt Nam là một thành viên chính thức của Liên Hợp Quốc, sẽ không một quốc gia nào hậu thuẫn bất kỳ một tổ chức nào, có ý định “lật đổ” chế độ cộng sản Việt Nam, bằng bạo lực hoặc các bằng các hình thức phá hoại, không có tính chính danh khác.

Quan trọng là người dân Việt Nam cần xây dựng các đoàn thể lớn mạnh, có hiểu biết và đủ khả năng, để trở thành những tổ chức đối trọng với đảng CSVN, cũng như để đảm nhận vai hướng dẫn và lãnh đạo quần chúng. Khi đã có được sự hậu thuẫn mạnh của quốc dân, các tổ chức này sẽ đại điện Việt Nam vận động dân chủ, có tiếng nói mạnh mẽ trên trường quốc tế. Cụ Phan và nhiều trí thức trong phong trào Duy Tân đã nhấn mạnh, dân tộc Việt phải nỗ lực và tự cường trước, rồi mới vận động trợ giúp nước ngoài được.

Dân chủ sẽ không lập tức có ngay sau khi chế độ độc tài sụp đổ. Dân chủ chỉ mới chớm nở khi có các cuộc bầu cử tự do và minh bạch với sự tham gia bắt buộc của các chính đảng lương thiện, có đường lối, có mục tiêu rõ ràng, minh bạch và có lực lượng đủ mạnh. Các chính đảng này sẽ đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc xây dựng và củng cố nền dân chủ non trẻ. Sự thành công của cuộc cách mạng dân chủ sẽ là chắc chắn, khi có sự chuẩn bị kỹ lưỡng của các tổ chức chính trị về mặt tư tưởng và lực lượng.

Yếu tố “cơ hội” và “chuẩn bị tốt” quyết định sự thành công. Ngược lại, dù cho cơ hội tốt (như khủng hoảng kinh tế trầm trọng ở Venezuela) có xuất hiện, nhưng không có ít nhất một chính đảng với sự chuẩn bị chu đáo, thì việc giành thắng lợi sẽ rất khó thành hiện thực. Và nếu như có được dân chủ, thì nền dân chủ đó cũng sẽ ngắn ngủi và đầy bất ổn.

Tóm lại, xóa bỏ chế độ độc tài hung bạo và phi nhân là nghĩa vụ thiêng liêng của mỗi một người Việt Nam. Khi nào đông đảo người Việt mới biết dựa vào chính mình và học cách dựa vào nhau? Khi nào đa số người Việt mới quyết tâm xoá bỏ tâm thế nô lệ, để nỗ lực dựa vào chính mình bằng con đường tri thức và hợp tác, để nhận lãnh trách nhiệm xóa bỏ độc tài và xây dựng dân chủ cho thế hệ trẻ Việt Nam?

Để kết thúc, xin được mượn lời nhà thơ Lưu Trọng Lư, đã từng nói như sau: “… cái bệnh ỷ lại đã ăn sâu vào trong xương tuỷ người nước ta, cơ hồ không gột rửa được nữa. … Ta đã vay mượn của người hàng xóm từ một điệu thơ nhỏ nhặt đến một đạo lý cao xa. Hồi xưa kia chúng ta là những người Tàu, gần đây chúng ta là những người Tây, chưa có một lúc nào chúng ta là những người Việt Nam cả”.





No comments:

Post a Comment