Wednesday, November 21, 2018

QUỐC TẾ QUAN TÂM ĐẾN VỤ XỬ HUỲNH THỤC VY & KHỦNG BỐ TÔN GIÁO Ở VIỆT NAM (tổng hợp)




21/11/18

Theo dõi nhân quyền Quốc tế kêu gọi Việt Nam hủy bỏ các cáo buộc với Huỳnh Thục Vy
RFA, 20/11/2018

Tổ chức Theo dõi Nhân quyền Quốc tế (Human Rights Watch) hôm 20/11 ra thông cáo yêu cầu chính quyền Việt Nam "cần hủy bỏ mọi cáo buộc với nhà vận động dân chủ Huỳnh Thục Vy".

Nhà hoạt động Huỳnh Thục Vy và lá cờ bị xịt sơn trắng - Courtesy FB Huỳnh Thục Vy

Tuyên bố được đưa ra ngay trước ngày phiên tòa xử blogger Huỳnh Thục Vy dự kiến diễn ra vào ngày 22/11.

Ông Phil Robertson, Phó Giám đốc Ban Á Châu của tổ chức này cho hay, "Nhiều năm qua, chính quyền Việt Nam đã tìm mọi cớ để trừng phạt Huỳnh Thục Vy vì cô đã vận động không mệt mỏi cho nhân quyền và dân chủ, và trong cơn vùng vẫy tuyệt vọng, giờ đây họ bám lấy hành vi xịt sơn trắng lên một lá cờ".

Theo Human Rights Watch, Việt Nam, cũng như nhiều quốc gia khác, đã đưa việc xúc phạm quốc kỳ vào một tội trong điều 276 Bộ Luật Hình sự. Người bị buộc tội phải đối mặt với bản án tù từ 6 tháng đến 3 năm.

Ông Phil Robertson khẳng định việc : "Đặt nhu cầu bảo vệ một biểu tượng quốc gia lên trên nhu cầu bảo vệ quyền của quốc dân là một việc sai trái".

----------------------

HRW yêu cầu Việt Nam hủy bỏ các cáo buộc đối với Huỳnh Thục Vy
RFI, 20/11/2018

Ngày 20/11/2018, tổ chức nhân quyền của Mỹ Human Rights Watch ra thông cáo yêu cầu chính quyền Việt Nam hủy bỏ mọi cáo buộc đối với nhà vận động dân chủ Huỳnh Thục Vy. Cô sẽ bị đưa ra xử ngày 22/11/208 tại Tòa án Nhân dân Thị xã Buôn Hồ, tỉnh Đắk Lắk, theo điều 276 của Bộ luật Hình sự năm 1999, vì bị cho là đã xúc phạm quốc kỳ, với mức án tù có thể lên đến ba năm.

Cô Huỳnh Thục Vy (ảnh chụp ngày 12/09/2018) @hrw.org

Trong thông cáo mang tựa đề : "Việt Nam : Hãy chấm dứt đàn áp tự do ngôn luận", HRW cho biết, trước ngày Lễ Quốc Khánh Việt Nam tháng 09/2017, Huỳnh Thục Vy đã phản đối chính quyền bằng việc xịt sơn trắng lên lá quốc kỳ. Việt Nam, cũng như nhiều quốc gia khác, coi hành vi phỉ báng quốc kỳ là một tội hình sự, cho nên cô sẽ bị xử với tội danh này. Nhưng theo HRW, Công an tỉnh Đắk Lắk cũng cáo buộc Huỳnh Thục Vy "móc nối với các phần tử xấu bên ngoài, nhiều lần trao đổi, trả lời phỏng vấn, viết bài, làm các video clip phát tán trên blog và các trang mạng xã hội với nội dung xuyên tạc, bóp méo sự thật ở Việt Nam, bôi nhọ, nói xấu Đảng, Nhà nước".

Huỳnh Thục Vy đã bắt đầu đăng tải các bài viết trên mạng từ cuối năm 2008, đề cập tới nhiều vấn đề chính trị xã hội và kêu gọi một hệ thống chính trị đa đảng, tự do và tôn trọng nhân quyền. Cô và gia đình đã nhiều lần bị chính quyền sách nhiễu và xâm phạm. Năm 2012, Huỳnh Thục Vy đã được trao tặng giải thưởng nhân quyền Hellman Hammett, dành cho các nhà văn bị đàn áp, cùng với cha cô là ông Huỳnh Ngọc Tuấn.

Trong thông cáo đưa ra hôm 20/11/2018, phó giám đốc Ban Á Châu của HRW Phil Robertson cho rằng với việc đưa Huỳnh Thục Vy ra tòa, chính quyền Việt Nam đang "cố tìm mọi cách để bịt miệng các nhà hoạt động nhằm hạn chế ảnh hưởng của họ tới xã hội và chính trị".Ông Robertson kêu gọi Liên Hiệp Châu Âu và các nhà tài trợ, đối tác thương mại quốc tế cần lên tiếng yêu cầu chính quyền Việt Nam "thực hiện những lời hứa cải thiện hồ sơ nhân quyền, nếu muốn có các mối quan hệ chính trị và kinh tế tốt đẹp hơn".

Thanh Phương

----------------------------

Phiên xử Huỳnh Thục Vy bất ngờ dời ngày vì Kiểm sát viên bận
RFA, 20/11/2018

Sáng ngày 20/11, một ngày trước phiên xử sơ thẩm nhà hoạt động Huỳnh Thục Vy với cáo buộc "xúc phạm quốc kỳ", TAND thị xã Buôn Hồ bất ngờ ra thông báo dời thời gian và địa điểm xét xử với lý do trụ sở đang sửa chữa và Kiểm sát viên bận đột xuất không thể thay thế.

Nhà hoạt động Huỳnh Thục Vy Courtesy Huỳnh Thục Vy, RFA edit

Thông báo của tòa án nhân dân thị xã Buôn Hồ, tỉnh Đắk Lắk nêu rõ : "... Do trụ sở Tòa án đang được sửa chữa, không đảm bảo các điều kiện để tổ chức việc xét xử, đồng thời Kiểm sát viên tham gia phiên tòa bận công tác đột xuất, không có Kiểm sát viên thay thế nên không thể mở phiên tòa vào thời gian và địa điểm ấn định",

Theo thông báo, phiên tòa sẽ được dời tới Hội trường trụ sở Ủy ban nhân dân phường An Bình, thị xã Buôn Hồ vào 13 giờ 30 phút ngày 30/11/2018.

Cô Huỳnh Thục Vy, sinh năm 1985 là một blogger và là một trong những thành viên sáng lập của Hội Phụ nữ Nhân quyền hiện đang sống ở thị xã Buôn Hồ, tỉnh Đắk Lak.

Vào ngày 9/8 cô bị công an bắt giữ 1 ngày với quy kết tội xịt sơn lên lá cờ đỏ sao vàng và cô cũng thừa nhận mình là người xịt sơn để biểu đạt quan điểm của bản thân phản đối chính quyền Việt Nam hiện nay.

------------------------

Sư thầy cáo buộc bị "khủng bố" khi đi thăm Thiền sư Thích Nhất Hạnh
RFA, 20/11/2018

Đại đức Thích Ngộ Chánh thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam mới đây cho Đài Á Châu Tự Do biết ông và Thượng tọa Thích Thiện Phúc bị khoảng 30 nhân viên an ninh thường phục ngăn cản "khủng bố" ở Huế khi cùng linh mục Nguyễn Văn Lý đi thăm Đan viện Thiên An và Thiền sư Thích Nhất Hạnh sau đó.

Đại đức Thích Ngộ Chánh (trái), Linh mục Nguyễn Văn Lý (giữa), Thượng tọa Thích Thiện Phúc tại Tòa giám mục Huế hôm 13/11/2018 - Courtesy FB Nguyễn Đức Lão

Côn đồ dọa chém nhà tu hành
Hôm 12/11/2018, Đại đức Thích Ngộ Chánh có chuyến đi từ Lâm Đồng đến Huế để thăm các thầy, linh mục và tu sĩ để tìm hiểu thực trạng đàn áp tôn giáo tại Việt Nam.

Chiều hôm sau, thầy Thích Thiện Phúc - trụ trì chùa An Cư của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất mới bị cưỡng chế ở Đà Nẵng, và thầy Thích Ngộ Chánh có gặp mặt và nói chuyện với linh mục Nguyễn Văn Lý đang an dưỡng và thi hành án quản chế tại tòa Tổng Giám mục Huế.

Sau đó, linh mục Lý lên xe hơi cùng với 2 sư thầy dự định sẽ đến Đan viện Thiên An để thăm các tu sĩ ở đây vốn đang kêu gọi chính quyền trả lại đất tôn giáo.

Theo thầy Thích Ngộ Chánh, khi vừa ra khỏi cổng tòa Tổng Giám mục Huế, khoảng 30 người mặc thường phục ngăn cản không cho xe đi và còn dọa sẽ chém các sư thầy.

"Mới vừa lên xe ra ngoài thì một lũ côn đồ chặn xe rồi, và 1 lũ côn đồ không dưới 30 thằng. Mà tôi không biết côn đồ này ở đâu mà đeo khẩu trang, được phép quay phim, chụp hình, đi xe mà có cả công an đậu xe ở đó. Họ chỉ yêu cầu tôi trả linh mục Lý về lại tòa Giám mục và tôi phải rời khỏi Huế, khi tôi hỏi lý do vì sao thì nó (chửi bậy). Nó nói là mày là Thích Ngộ Chánh đúng không, tao chém mày !"

Thượng tọa Thích Thiện Phúc cũng xác nhận điều này với phóng viên của RFA và cho biết thêm một nhân viên quen mặt đã gặp ông trước đó ở Huế đe dọa rằng :

"Tôi nói với ông rồi, đây là đất Huế không phải đất Đà Nẵng, ông về ngay Đà Nẵng gấp và nhanh không thì tôi chém".

Vì bị đe dọa nên hai sư thầy đều không thể đến thăm Đan viện Thiên An và Thiền sư Thích Nhất Hạnh như dự định.

Cả hai sau đó đều an toàn khi đi ra khỏi thành phố Huế. Thầy Thích Ngộ Chánh trở về Lâm Đồng và Thượng tọa Thích Thiện Phúc đi tá túc người quen ở Đà Nẵng.

Nhận xét về chuyến đi, Đại đức Thích Ngộ Chánh nhận xét :

"Khi tôi đến rồi thì tôi xin nói thẳng quý vị là tình hình đàn áp tôn giáo ở Việt Nam rất là khủng khiếp và họ dùng côn đồ để đàn áp tôn giáo. Xưa người ta nói công an trị là tôi thấy mệt mỏi rồi, bây giờ người ta nói xã hội là của côn đồ trị cho nên quý vị quan tâm đến vấn đề tự do tín ngưỡng tôn giáo và nhân quyền Việt Nam biết rằng hiện nay ở Việt Nam đang trong giai đoạn "côn đồ trị" chứ không phải là côn đồ trị nữa !"

Lên tiếng từ vụ việc "đập tượng Phật ở núi Bà Rá"
Đại đức Thích Ngộ Chánh cho hay đây không phải là lần đầu tiên ông lên tiếng về vấn đề nhân quyền và đàn áp tôn giáo.

Năm 2013, khi ông đang tu tập tại tỉnh Bình Phước thì xảy ra sự việc "Trưởng ban Tôn giáo tỉnh Bình Phước đập phá tượng Phật tại núi Bà Rá", ông đã lên tiếng phản đối vụ việc và yêu cầu xử lý thủ phạm.

Tuy nhiên, đây là nguyên nhân việc ông bị ép phải ra khỏi tỉnh Bình Phước và trở về đồi thông Phương Bối, Lâm Đồng vốn của Thiền sư Thích Nhất Hạnh khai sơn.

Sự việc ở núi Bà Rá sau đó được Ban Tôn giáo chính phủ bác bỏ và giải thích là do những hộ dân tự ý xây dựng tượng phật và mê tín nên đã bị Ban Tôn giáo tỉnh cưỡng chế.

Năm 2016, ông trở về đồi thông Phương Bối để tu tập và lên tiếng về việc các cá nhân, tập thể xâm phạm đến đồi thông khiến nơi này không còn cảnh quan như xưa.





No comments:

Post a Comment