Friday, November 23, 2018

LAO ĐỘNG CƯỠNG BỨC TRONG TÙ (Phạm Lê Vương Các)





Qua phim ảnh, báo chí, chắc làm nhiều người đã thắc mắc, tù nhân ở nước ngoài sao có vẻ sướng vì họ không bị bắt đi lao động. Mỗi ngày tù nhân chỉ tụ tập lại với nhau để tám chuyện và chơi thể thao. Ai muốn lao động thì trại giam sẽ bố trí công việc và được trả lương đàng hoàng. Ưng thì làm, không ưng thì nghỉ ra sân tụ tập đàn đúm, nằm phơi nắng, hóng mát, chẳng có cai tù nào dám bắt ép tù nhân đi lao động nếu tù nhân đó không đồng ý.

Trong khi đó ở Việt Nam, tù nhân bị bắt buộc phải lao động. Họ phải làm việc quần quần ít nhất 8 tiếng mỗi ngày, chưa kể tăng ca. Đây không phải là lao động phục vụ sinh hoạt thuần tuý trong trại giam mà là lao động sản xuất. Mỗi sáng tù nhân thường bị lùa ra các nông trường hay công xưởng của trại giam, lao động sản xuất chủ yếu trong lĩnh vực nông nghiệp và gia công hàng may mặc. Người lao động trong trại giam không hề được nhận lương hay thù lao. Pháp luật VN quy định 26% lợi nhuận tạo ra từ lao động của phạm nhân sẽ được bổ sung vào khẩu phần ăn chung cho trại, phần còn lại sẽ được chi vào việc duy trì hệ thống nhà tù. Tù nhân nào thoái thác lao động, thậm chí lao động không đạt chỉ tiêu được giao có thể bị kỷ luật và chịu hình phạt nặng nề. Có tình trạng tù nhân có tiền thường phải “đút” cho cán bộ trại giam để được phân công làm các công việc nhẹ nhàng.

Vậy điều gì đã làm nên sự đối xử khác biệt giữa tù nhân Việt Nam với thế giới khi chúng ta cùng là con người như nhau?

Vấn đề này được tìm thấy trong việc áp dụng Công ước Liên Hợp Quốc về Xoá bỏ Lao động cưỡng bức. Quốc gia nào tuân thủ nghiêm quy định của Công ước thì tù nhân của họ đương nhiên không bị bắt buộc phải đi lao động. Còn Việt Nam là một trong số ít các quốc gia không tuân thủ quy định của Công ước này. Đây cũng là vấn đề mà Ủy ban Chống tra tấn LHQ đã “dí” Việt Nam trong phiên điều trần báo cáo quốc gia vừa qua.

Trước các cáo buộc tình trạng Lao động cưỡng bức mang tính hệ thống trong các nhà tù Việt Nam, đại diện phái đoàn nhà nước đã phủ nhận thông tin này. Phía Việt Nam khẳng định: “lao động của phạm nhân (ở VN) không thuộc Lao động cưỡng bức theo quy định của Công ước Xoá bỏ lao động cưỡng bức năm 1957”.

Đại diện nhà nước giải thích lao động bắt buộc trong các trại giam tại Việt Nam là tính tất yếu (tức là muốn có ăn thì phải làm, sống thì phải lao động) và thông qua lao động để giáo dục phạm nhân, giúp phạm nhân tái hoà nhập cộng đồng sau khi ra tù.

Quan điểm này không hoàn toàn sai, nhưng nó chỉ phù hợp trong công tác tuyên giáo, chứ rất không phù hợp khi nói chuyện về tính pháp lý trước các chuyên gia luật nhân quyền của Liên Hợp Quốc.

Một thành viên Uỷ ban Chống tra tấn đã không chấp nhận cho cách giải thích này và nhắc nhở phái đoàn Việt Nam cần xem lại nội dung Công ước.

Công ước Xoá bỏ Lao động cưỡng bức định nghĩa: “lao động cưỡng bức có nghĩa là mọi công việc hoặc dịch vụ mà một người bị ép buộc phải làm dưới sự đe doạ về bất kỳ hình phạt nào và bản thân người đó không tự nguyện làm.”

Theo quy định này thì rõ ràng tù nhân Việt Nam đang bị lao động cưỡng bức, vì họ bị bắt buộc phải lao động, nếu không chấp hành lao động theo sự phân công của cán bộ trại giam, họ sẽ đối diện với sự trừng phạt.

Dù Việt Nam thực hiện lao động cưỡng bức đối với tù nhân là khá rõ ràng, nhưng Cơ chế nhân quyền Liên Hợp Quốc không có biện pháp chế tài nên tình trạng này đã không được thay đổi suốt thời gian qua. Tuy nhiên, trong thời gian tới Việt Nam sẽ buộc phải thay đổi tình trạng này khi Hiệp định Thương mại Tự do với Châu âu (EU-VN FTA) được phê chuẩn.

EU-VN FTA có biện pháp chế tài mạnh mẽ đối với việc sử dụng lao động cưỡng bức. Nếu Việt Nam tiếp tục duy trì việc bắt buộc phạm nhân phải lao động sản xuất, đặc biệt các hàng hoá do họ làm ra nhập khẩu vào Châu âu bị phát hiện, Việt Nam phải đối diện với các biện pháp trừng phạt kinh tế nặng nề theo Hiệp định.

Ảnh: Tù nhân nam bóc vỏ hạt điều trong một trại giam. Phái đoàn Việt Nam trong phiên điều trần cho biết, lao động phạm nhân được gắn liền với việc đào tạo nghề và cấp chứng chỉ hành nghề cho họ sau khi mãn hạn tù.







No comments:

Post a Comment