Friday, November 23, 2018

HIỆP ĐỊNH INF CHẤM DỨT : NGUY CƠ CHIẾN TRANH HẠT NHÂN (Thùy Dương - RFI)




Thùy Dương – RFI
Đăng ngày 23-11-2018 

Ngày 20/10/2018, tổng thống Mỹ Donald Trump thông báo sẽ hủy bỏ INF (Intermediate Nuclear Forces Treaty), hiệp định cấm sử dụng tên lửa tầm trung trang bị đầu đạn hạt nhân mà tổng thống Mỹ Ronald Reagan và chủ tịch Liên Xô Mikhail Gorbatchev đã ký vào năm 1987. Hôm thứ Hai 19/11, tổng thống Nga Vladimir Putin tái khẳng định Nga sẽ « đáp trả » khi Mỹ hủy bỏ hiệp định INF. Nếu Matxcơva cảnh báo về những hậu quả của việc Mỹ rút khỏi INF, thì Hoa Kỳ dường như đang « chờ thời » để hành động, còn Liên Hiệp Châu Âu lại có vẻ vắng bóng.

Nhấn mạnh là Matxcơva vẫn sẵn sàng thảo luận với Washington về hiệp định cấm sử dụng tên lửa tầm trung trang bị đầu đạn hạt nhân, tổng thống Nga Putin cũng kêu gọi Mỹ hành động có trách nhiệm. Đặc biệt, chủ nhân điện Kremlin không ngần ngại cảnh báo tổng thống Mỹ Donald Trump. Nếu Mỹ chính thức rút khỏi INF - điều mà ông Trump vẫn chưa làm cho dù đã thông báo ý định cách nay 1 tháng - thì Nga sẽ có hành động đáp trả.

Việc chấm dứt hiệp định song phương sẽ lại tạo ra một mối đe dọa lớn khác cho châu Âu, nhất là vì các nước thành viên Liên Hiệp Châu Âu không có cùng mục tiêu về quốc phòng. Pháp không ngần ngại thách thức Mỹ khi khẳng định muốn có một quân đội của châu Âu. Trong khi đó, nhiều nước Đông Âu, chẳng hạn Ba Lan, Rumani, lại muốn lắp đặt các tên lửa của Hoa Kỳ để đối phó với Nga.

Nếu Hiệp định INF chỉ liên quan đến Mỹ và Nga, thì Trung Quốc và Liên Hiệp Châu Âu vẫn nằm trong tâm điểm những vấn đề đặt ra giữa Matxcơva và Washington. Trung Quốc là một cường quốc về hạt nhân còn Liên Hiệp Châu Âu dường như đang có phản ứng mềm mỏng.

Trên đây là những nhận định trong bài viết đăng trên trang Sputnik France ngày 20/11/2018. RFI lược dịch bài phân tích của ông Jean-Marie Collin về mối nguy mới về vũ khí hạt nhân. Jean-Marie Collin là phát ngôn viên chi nhánh Pháp của tổ chức Chiến Dịch Quốc Tế Giải Trừ Vũ Khí Hạt Nhân (ICAN) và là tác giả cuốn sách « Ảo tưởng hạt nhân : Mặt ẩn giấu của bom nguyên tử » - NXB Charles Loepold Mayer.

Tổng thống Nga Vladimir Putin có ngụ ý gì khi nói tới việc « đáp trả » ?
Đáp trả có thể chủ yếu là triển khai, chế tạo các tên lửa mà cho tới nay vẫn hoàn toàn bị cấm. Hoa Kỳ cho rằng thực ra Nga đã thực hiện điều này một cách không chính thức. Vì thế, đáp trả có thể là sản xuất hàng loạt vũ khí nói trên, thậm chí cũng có thể là triển khai các tên lửa này - loại tên lửa có tầm phóng đến châu Âu để gây sức ép thực sự lên các nước thành viên Liên Hiệp Châu Âu, qua đó gây áp lực đối với NATO và Mỹ.

Đối với ngoại trưởng Nga Sergeil Lavrov, Hoa Kỳ đã quyết định rút khỏi Hiệp định cấm sử dụng tên lửa tầm trung trang bị đầu đạn hạt nhân ? Ông có nghĩ như vậy không ?
Từ khi Donald Trump thông báo hôm 20/10 về việc rút khỏi hiệp định, Washington vẫn chưa đưa ra thông báo là cuối cùng quyết định nói trên sẽ không được thực hiện nữa. Trái lại, Hoa Kỳ cũng vẫn chưa gửi thư thông báo chính thức, tức là chưa tiến hành thủ tục chính thức để thông báo là Mỹ rút khỏi hiệp định. Việc hủy bỏ hiệp định chỉ thực sự bắt đầu từ thời điểm đó, khi mà phía bên kia, tức là Nga nhận được thư thông báo. Việc này sẽ kéo dài 6 tháng cho tới khi có hiệu lực chính thức. Việc Washington chưa thực hiện thủ tục chính thức cho thấy một số quan chức ở Mỹ vẫn còn một số câu hỏi.

Liệu quyết định của Mỹ cũng là do Washington không muốn tụt lùi so với Bắc Kinh ?
Đó cũng là môt lý do được đưa ra. Có thể đó cũng là lý do đáng ngạc nhiên nhất, bởi vì trên thực tế hiệp định cấm loại vũ khí này chỉ liên quan đến Hoa Kỳ và Liên Xô, tức là liên quan đến Nga. Lý do được đưa ra là Trung Quốc có loại tên lửa mà đương nhiên là đối với Bắc Kinh, Trung Quốc được phép sở hữu. Do đó, Mỹ không muốn phải đối phó với một nước Trung Quốc có những loại vũ khí mà Washington không có khả năng đáp trả.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia ở Hoa Kỳ nói rằng ngay cả khi Mỹ không được trang bị loại tên lửa có tầm phóng 500-5.000km, thì điều đó cũng không ảnh hưởng gì đến khả năng Mỹ đáp trả một mối đe dọa từ Trung Quốc.
Vì thế, có một điều cần nói, đó là Donald Trump muốn khởi động chế tạo một số loại tên lửa không phải vì việc này có ích hay không có ích cho quân đội, mà vì việc này mang lại lợi ích kinh tế cho liên hiệp công nghiệp - quốc phòng.

Ngoại trưởng Nga Sergeil Lavrov cũng đã lấy làm tiếc là các nước châu Âu không ủng hộ đề nghị của Nga là đưa việc Mỹ hủy bỏ hiệp định ra thảo luận ở Liên Hiệp Quốc. Việc Liên Hiệp Châu Âu thiếu phản ứng, trong khi đó là những nước có liên quan nhiều, liệu có phải là một sai lầm ?
Sai lầm thì chắc là không. Nhưng có thể đó là sự thiếu thống nhất, thiếu bàn tính và không có suy nghĩ thực tế. Nhưng đó cũng là vì Châu Âu thiếu thông tin từ Mỹ. Hoa Kỳ đã khiến tất cả các quốc gia thành viên Liên Hiệp Châu Âu, tức là đa phần các nước thành viên NATO, ngạc nhiên về kiểu quyết định như thế này.
Đúng là Liên Hiệp Châu Âu có việc phải làm, bởi vì châu Âu sẽ nằm ở tâm điểm vùng không an toàn do rất có thể sẽ có nhiều tên lửa mới nhắm tới khu vực này. Chính vì thế, Liên Hiệp châu Âu phải hành động, phải thể hiện mạnh mẽ quan điểm, cố gắng kêu gọi Nga duy trì hiệp định, ngay cả khi chỉ còn có Nga trong hiệp định này, đồng thời nỗ lực gây ảnh hưởng lên Hoa Kỳ để Washington trở lại bàn đàm phán, thậm chí nhằm tạo ra một hiệp định mới trong tương lai.
Đúng là điều đó rất phức tạp, vì một trong hai bên đã quyết định rút khỏi hiệp định mà không báo trước cho các nước đồng minh, và sau đó lại muốn Trung Quốc tham gia hiệp định. Đó là một nhiệm vụ rất khó khăn, nhưng cũng là vai trò của Liên Hiệp Châu Âu.

Nếu việc Mỹ rút khỏi hiệp định INF được xác định rõ ràng, thì điều đó có phải là một nguy cơ mới đối với an ninh, nhất là cho Châu Âu ?
Đúng vậy, đương nhiên đó là một nguy cơ đối với toàn bộ lãnh thổ Liên Hiệp Châu Âu. Đó cũng là một nguy cơ đối với lãnh thổ Nga, bởi vì người ta có thể nghĩ rằng - kể cả khi điều này rất khó có khả năng xảy ra - các nước bị cấm sở hữu tên lửa hồi những năm 1980 như Ý, Bỉ, Anh, Hà Lan, thậm chí là Đức, sẽ chấp nhận lắp đặt trên lãnh thổ của họ các tên lửa nhắm tới Nga.
Có thể mọi chuyện sẽ diễn ra theo hướng đó, và điều này sẽ tạo ra sự ngờ vực về nước Nga. Nhưng sẽ thực sự đáng tiếc nếu mọi chuyện diễn ra như vậy : bởi vì đơn giản là chúng ta sẽ quay ngược trở lại cách nay 30 năm, với sự bất an thực thụ và thực sự sẽ có nguy cơ xảy ra chiến tranh hạt nhân.

----------------------------
CÁC TIN KHÁC TRONG NGÀY






















No comments:

Post a Comment