Tuesday, November 27, 2018

BIỂN AZOV, "AO NHÀ" CỦA NGA? (RFI)




Thanh Hà – RFI
Đăng ngày 27-11-2018

Cộng đồng quốc tế lo ngại biển Azov là một mặt trận mới trong cuộc đọ sức giữa Nga và Ukraina.

Tại sao căng thẳng giữa Matxcơva và Kiev lại đột ngột dấy lên vào thời điểm này ? Ukraina có thể làm được những gì để cưỡng lại sức mạnh quân sự của nước láng giềng to lớn là Nga ? Để trả lời những câu hỏi này cần hình dung được bản đồ và vị trí của vùng biển "nông nhất thế giới này", với diện tích chưa đầy 38.000 cây số vuông.

Một vùng biển chiến lược "kẹt" trong xung đột
Chính xác hơn là với 37.600 km vuông, Azov mở ra Hắc Hải bằng cánh cổng duy nhất là eo biển Kertch. Vùng biển này bị "chia năm sẻ bảy" giữa những bên thù nghịch với nhau : gồm Nga, Ukraina và phe nổi dậy ở miền đông Ukraina thân Nga.

Phía đông Azov là nước Nga với ba cảng nước nông (Azov, Ieisk và Primorsko). Phía bắc vùng biển gần như khép kín này là Ukraina, với hai cảng mang tính chiến lược trong các hoạt động kinh tế của Ukraina là Mariupol và Berdyansk. Ở phía tây nam biển Azov là bán đảo Crimée từng thuộc về Ukraina nhưng đã bị Nga thôn tính từ năm 2014. Cũng từ năm 2014 xung đột bùng lên giữa Kiev với phe đòi ly khai ở miền đông Ukraina, làm hơn 10.000 người thiệt mạng. Với sự yểm trợ của Nga, phe nổi dậy ở miền đông Ukraina tuyên bố độc lập tại vùng Donetsk, kiểm soát một đoạn bờ biển Azov.

Về phía Nga, từ khi chiếm lại bán đảo Crimée tháng 5/2014, Matxcơva tự cho mình toàn quyền kiểm soát vùng biển ngoài khơi Crimée. Kiev và phương Tây lên án Nga "cản trở tự do lưu thông hàng hải" và kiểm soát eo biển Kertch nối liền Azov với Hắc Hải.

Nga, Gruzia Thổ Nhĩ Kỳ, Bulgari, Rumani, Moldavia và Ukraina là những quốc gia bao quanh Biển Đen, với cánh cổng là eo biển Bosphore mở ra Địa Trung Hải.

Điều đó cho thấy, tuy nhỏ và có độ sâu tối đa là 14 mét, nhưng biển Azov nằm trên một trục huyết mạch của các hoạt động giao thương giữa đông và tây Âu. Chưa kể là vùng biển này lại được coi là có nhiều tài nguyên, với không dưới 80 loại hải sản và cũng là một mỏ khí đốt còn chưa được khai thác.

Nước cờ của Nga ?
Kể từ khi nổ ra xung đột tại miền Đông Ukraina và Matxcơva xâm chiếm bán đảo Crimée, Hải Quân Nga tăng cường các hoạt động trong vùng biển Azov và điện Kremlin dùng lá bài kinh tế để bóp nghẹt đối phương.

Vùng công nghiệp trù phú Donbass của Ukraina bị chia đôi giữa một bên là chính quyền trung ương Kiev và bên kia là phe nổi dậy thân Nga. Hải cảng Mariupol là nạn nhân kinh tế đầu tiên : Cách thủ đô Kiev hơn 8.000 cây số về phía đông, với nửa triệu dân, trước khi nổ ra chiến tranh, Mariupol là một địa điểm du lịch lý tưởng, là một hải cảng lớn, nơi trung chuyển của 15 triệu tấn hàng mỗi năm. Sắt thép, từ các lò luyện kim trong vùng Donbass đều phải đi qua cửa khẩu này trước khi ra được đến Hắc Hải và có thể là còn đi xa hơn ra đến tận Địa Trung Hải. 20 % hàng xuất khẩu của Ukraina phải đi qua biển Azov.

Ngay cả đối với Nga, Azov cũng là một con đường hàng hải quan trọng, đưa dầu khí và nhất là 43 % lúa mì của Nga đến thị trường Tây Âu.

Nhưng từ năm 2014, các hoạt động trong vùng thưa thớt hẳn. Dự án xây cầu Kertch 19 cây số, dài nhất tại châu Âu cũng đã được tính toán kỹ lưỡng để gây trở ngại tối đa cho tàu bè của Ukraina.

Đời sống của nửa triệu dân phụ thuộc vào các hoạt động của cảng Mariupol và cả vùng Donbass sa sút từ khi nổ ra sung đột. Một số nhà quan sát lo ngại tình trạng này dẫn tới những làn sóng phẫn uất trong công luận và đây có thể là điểm khởi đầu để dân cư trong vùng từng bước ngả về phía Nga.

Trên biển, mật độ tàu quân sự của Nga ngày càng dầy đặc và càng trụ lâu hơn tại Azov để "quan sát" những hoạt động tại một vùng biển có một quy chế khá đặc biệt này.

Từ năm 2003 khi quan hệ giữa Matxcơva và Kiev còn hữu hảo, tổng thống Putin và đồng nhiệm Kouchma đã ký kết một hiệp định cho phép đôi bên "cùng quản lý" biển Azov và eo biển Kertch.

Văn bản nói trên quy định biển Azov là thuộc chủ quyền của Nga và Ukraina, chứ không là một vùng biển quốc tế. Có điều văn bản này không quy định một đường biên giới trên biển. Chỉ ba năm sau, chính Matxcơva đã tố cáo Kiev đòi "rút lại" thỏa thuận nói trên.

Tình hình càng thêm phức tạp từ khi Matxcơva thôn tính Crimée và nhất là từ khi Nga khởi động dự án xây cầu Kertch dài 19 cây số vừa được tổng thống Vladimir Putin khánh thành hồi tháng 5/2018. Cũng vì công trình xây cầu này, Matxcơva viện cớ "đề phòng khủng bố" để điều các tàu quân sự đến biển Azov đều đặn hơn.

Thời điểm căng thẳng Nga – Ukraina bùng nổ trên biển Azov
Đụng độ đêm Chủ Nhật 25/11/2018 khi Hải Quân Nga nổ súng cưỡng chế đối phương, bắt giữ thủy thủ trên ba chiếc tàu quân sự của Ukraina thực ra là diễn biến mới nhất trong một chuỗi dài những căng thẳng song phương trên biển Azov.

Nhật báo Pháp, Le Monde số ra ngày 14/10/2018 thuật lại những sự cố liên tiếp kể từ tháng 5/2018, nhân viên tuần duyên của cả hai nước bị đối phương bắt giữ và bị cáo buộc "hoạt động trái phép" trong các vùng biển bị cấm.

Xét về tương quan lực lượng, một cố vấn thân cận với bộ trưởng Nội Vụ Ukraina được Le Monde trích dẫn đã nhìn nhận rằng, chỉ cần nhìn vào số lượng tàu bè và phương tiện trên biển, khi có va chạm, Ukraina trong thế "trứng chọi với đá".

Biển Azov, cái cớ để Nga và Ukraina khai thác
Về câu hỏi tại sao căng thẳng giữa Kiev và Matxcơva lại đột ngột dấy lên vào thời điểm này, giới quan sát cho rằng, Ukraina đang chuẩn bị bầu lại tổng thống. Hiện nay điểm tín nhiệm không cho phép ông Petro Porochenko hy vọng tái đắc cử. Vì vậy tổng thống Porochenko dùng lá bài an ninh và chủ quyền quốc gia để chiêu dụ cử tri. Việc ban hành thiết quân luật trong vòng 60 ngày bắt buộc Kiev phải hoãn lại cuộc bầu cử tổng thống được dự trù diễn ra vào tháng 3/2018.

Còn về phía tổng thống Vladimir Putin, uy tín của ông luôn tăng cao mỗi khi điện Kremlin phô trương sức mạnh quân sự và đó cũng là một đòn để đánh lạc hướng công luận Nga đang bất bình vì tình trạng kinh tế kém cỏi của nước Nga, vì dự án cải tổ chế độ hưu bổng.
Một nhà bình luận Pháp cho rằng khơi dậy hiềm kích trong vùng biển Azov là một bài toán "có lợi cho cả Vladimir Putin lẫn Petro Porochenko".

Tác giả bài xã luận trên báo Mỹ Washington Post, Anne Applebaum còn đi xa hơn nữa khi cho rằng, Nga đã tính kỹ khi dùng tới lá bài Ukraina lần này, bởi ông Putin biết rằng, phương Tây đang vướng bận vào nhiều hồ sơ gai góc (như Brexit, hay nội bộ chính trị của Hoa Kỳ) không thể tập trung hỏa lực vào nước Nga !

-----------------------------

Mai Vân – RFI
Đăng ngày 27-11-2018

Sự kiện tàu quân sự Ukraina bị Hải Quân Nga « cưỡng chế » tại eo biển Kertch vùng biển Azov, đã gây phản ứng mạnh ở Liên Hiệp Quốc cũng như ở NATO. Ủy Ban NATO – Ukraina đã triệu tập một cuộc họp đặc biệt vào hôm qua, tập hợp đại sứ các quốc gia thành viên cùng với đồng nhiệm Ukraina tại trụ sở ở Bruxelles và đưa ra lời cảnh cáo nhắm vào chính quyền Nga.

Tổng thư ký Jens Stoltenberg họp báo tại tổng hành dinh NATO ở Bruxelles, Bỉ, ngày 26/11/2018. REUTERS/Francois Walschaerts

Thông tín viên RFI, Pierre Bénazet, tường thuật từ Bruxelles :

« NATO kêu gọi Nga phải cho các thủy thủ và tàu Ukraina được tự do tiếp tục hành trình. Liên Minh Bắc Đại Tây Dương cũng yêu cầu Matxcơva đảm bảo quyền tự do đi lại của tàu thuyền Ukraina ở vùng eo biển Kertch và biển Azov.

Cho dù rất quan ngại cho thủy thủ Ukraina bị thương trong lúc tàu bị Nga chặn lại, và cũng để tránh cho tình hình xấu đi thêm, NATO yêu cầu các bên giữ bình tĩnh. NATO muốn duy trì đối thoại đã được thiết lập với Nga.

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết, tình hình ở Ukraina và khu vực chung quanh, kể cả ở vùng biển Azov, Hắc Hải, và việc quân sự hóa Crimée đã được đề cập nhiều lần trong các cuộc họp với Nga, và đã được nhắc lại cách đây vài tuần, trong cuộc họp NATO-Nga.

Theo ông Stoltenberg, NATO đã tăng cường đáng kể hệ thống phòng thủ chung từ một thế hệ nay, và Nga phải hiểu đó là hậu quả của các hành động của họ.

NATO cũng đã bảo đảm với Kiev về hậu thuẫn của Liên Minh trong việc giúp Ukraina giữ gìn sự toàn vẹn lãnh thổ.

Về phần minh, Liên Hiệp Châu Âu cũng lên tiếng yêu cầu tái lập quyền tự do đi lại ở eo biển Kertch. »

Hội Đồng Bảo An họp khẩn cấp
Không chỉ có NATO, Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc hôm qua, 26/11, cũng đã họp khẩn cấp theo yêu cầu của Ukraina và Nga để hai bên trình bày lập luận của mình.

Theo thông tín viên RFI tại New York, tranh luận đã rất gay gắt. Phương Tây đồng loạt lên án vụ tấn công của Nga và yêu cầu trả lại tàu cho Ukraina, còn phía Nga thì cho là họ là nạn nhân của một âm mưu của tổng thống Ukraina đang mất uy tín trong các cuộc thăm dò dư luận.

Cuộc họp đầy sóng gió, nhưng ngoài những lời kêu gọi bình tĩnh và trả lại tàu, không có biện pháp cụ thể nào được đưa ra. Nga vẫn duy trì sức ép ở biển Azov và đe dọa sẽ có hậu quả nghiêm trọng nếu chủ quyền của Nga ở biển Azov bị xâm phạm. Ukraina thì yêu cầu trừng phạt thêm Matxcơva, nhưng yêu cầu này đã bị bác bỏ.

Hoa Kỳ cũng đã lên tiếng. Tổng thống Donald Trump, hôm qua, cho là ông không hài lòng trước những gì đang xẩy ra giữa Nga và Ukraina và ông sẽ làm việc với các lãnh đạo châu Âu về vấn đề này.

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo, vào hôm qua, cho rằng việc Nga tịch thu tàu Ukraina là « một sự leo thang nguy hiểm và vi phạm luật quốc tế ». Ông Pompeo kêu gọi cả hai bên tự kềm chế.

------------------------

Đăng ngày 27-11-2018

Hôm nay, 27/11/2018, tổng thống Nga Vladimir Putin đã cảnh cáo Ukraina là không nên có những hành động « thiếu suy nghĩ » sau quyết định của Kiev ban hành thiết quân luật nhằm đáp lại vụ tuần duyên Nga bắt giữ 3 chiến hạm của Ukraina. Ông Putin cũng kêu gọi thủ tướng Đức Angela Merkel gây áp lực lên Ukraina, đồng minh của các nước phương Tây.

Tối qua, Quốc Hội Ukraina đã thông qua quyết định ban hành thiết quân luật, sau khi ngày 25/11 vừa qua Nga bắt giữ 3 chiến hạm Ukraina ngoài khơi vùng Crimée và bắt khoảng 20 thủy thủ Ukraina. Thiết quân luật sẽ có hiệu lực kể từ ngày mai, 28/11, tại các vùng biên giới, nhất là biên giới giáp với Nga và Belarus, cũng như ở vùng biển Azov.

Từ Kiev, thông tín viên Sébastien Gobert gởi về bài tường trình :

« Đây đúng là thiết quân luật, nhưng thiết quân luật được giảm nhẹ và với nội dung không rõ ràng. Trong một bầu không khí náo động, các nghị sĩ Ukraina đã mất nhiều tiếng đồng hồ để chặn bớt những đòi hỏi của tổng thống Petro Porochenko. Ông đã đích thân đến Quốc Hội để thuyết phục các dân biểu về nguy cơ Nga mở cuộc tấn công trên bộ vào Ukraina.

Ông nói: Tôi xin quý vị cho tôi được toàn quyền hành động. Để khi có bất kỳ một lính Nga nào băng qua biên giới, tôi sẽ bảo vệ ngay lãnh thổ Ukraina, không mất một giây nào!
Kế hoạch ban đầu của tổng thống Porochenko là nhằm ban hành thiết quân luật trên toàn bộ lãnh thổ Ukraina trong 60 ngày và tiến hành động viên một phần. Như vậy kết quả cuộc bỏ phiếu là thắng lợi không trọn vẹn đối với một vị tổng thống đang vận động tái tranh cử. Nhiều nghị sĩ đã la ó khi ông Porochenko phát biểu trước Quốc Hội.

Đạo luật được thông qua hôm qua quy định rằng, nếu tình hình bắt buộc, các quyền tự do dân sự sẽ bị hạn chế, nhưng luật lại không nói rõ là, trong trường hợp đó, những biện pháp nào sẽ được thông qua và thông qua như thế nào. Luật cũng không cho thấy là nó có thể giúp tăng cường khả năng quân sự của Ukraina hay giúp chặn đứng một cuộc can thiệp của Nga, nếu có.

Trước mắt, thiết quân luật không rửa được mối nhục của hải quân Ukraina trong vụ xảy ra ngày 25/11. Hiện giờ 3 chiến hạm của Ukraina vẫn nằm trong tay của Nga và khoảng 20 thủy thủ Ukraina vẫn bị giam giữ, trong đó có 6 người bị thương. »







No comments:

Post a Comment