Saturday, November 3, 2018

BẦU CỬ GIỮA KỲ MỸ : "PHÉP MẦU GIẢ TRÁ CỦA DONALD TRUMP" (Trọng Thành - RFI / ĐIỂM BÁO)





Đăng ngày 03-11-2018 

Trước bầu cử giữa kỳ Hoa Kỳ 06/11/2018, trên các tuần báo Pháp có nhiều bài về tổng thống Mỹ Donald Trump. Courrier International chạy tựa « Một thế giới của những kẻ tàn bạo », « Trump, BolsonaroBen SalmaneSalvini, … Không gì có thể dừng họ lại », với hình ảnh đám đàn ông cởi trần lực lưỡng, hung tợn, mang vũ khí thô sơ đủ loại, ở giữa là tổng thống Mỹ. « Trump phải chăng đã hết thời ? » là tựa trang nhất L’Obs.

Trang bìa tuần báo Courrier International, số 1461, đầu tháng 11 2018. Ảnh chụp màn hình

Tuần báo L’Express có bài phân tích mang tựa đề « Phép mầu giả trá của Donald Trump », nhấn mạnh đến những mặt trái của nền kinh tế Mỹ, ẩn đằng sau tình trạng được coi là thịnh vượng hiếm có trong lịch sử Hoa Kỳ.L’Express mở đầu bài viết với cuộc sống gian truân của một công dân Mỹ. Dave Frasseto có hai con nhỏ, ông phải làm việc hàng tuần tổng cộng 68 giờ, thời gian toàn phần tại một khách sạn (48 giờ), và bán phần tại một nhà hàng (20 giờ), liên tục từ 6 năm nay, mới có đủ tiền nuôi sống gia đình. Gần 7.700 nhân viên của tập đoàn Mariott, trong đó có Dave Frasseto tham gia cuộc đình công toàn quốc kéo dài từ 22 ngày. Đây là cuộc đình công dài nhất trong lịch sử của hãng.

Theo L'Express, không khí tại Mỹ rất căng thẳng. Chỉ riêng nửa đầu năm 2018, số lượng các xung đột xã hội nhiều gấp hai lần so với năm 2017.

Về mặt chính thức, trên giấy tờ, mọi thứ đều tốt đẹp tại vương quốc của tổng thống tỉ phú. Tăng trưởng dự báo gần 3% năm nay, một con số mà bất cứ lãnh đạo châu Âu nào cũng mơ ước. Lợi nhuận của các doanh nghiệp lớn tăng vọt. Tỉ lệ thất nghiệp rơi xuống 3,7%, mức thấp nhất kể từ năm 1969. Mức độ tin tưởng của các gia đình Mỹ là cao nhất từ năm 1975. Và, cho dù thị trường Wall Street có hắt hơi sổ mũi hồi tháng trước, nhưng chứng khoán Mỹ đã tăng gần 35% so với thời điểm Donald Trump đắc cử cách nay hai năm.

Kinh tế gia James K. Galbraith, nguyên cộng sự của ứng cử viên tổng thống sơ bộ đảng Dân Chủ Bernie Sanders, cay đắng thừa nhận là tình hình kinh tế vĩ mô nước Mỹ, nếu xét về một mặt nhất định có thể coi là tiến triển tốt, ông Donald Trump đã thừa hưởng được nền tảng tăng trưởng vững chắc được khởi sự dưới thời tổng thống tiền nhiệm Obama.

Bản thân ông Donald Trump chỉ đóng vai trò « tiếp lửa », với chính sách giảm thuế, miễn thuế, với số tiền ước tính 160 tỉ đô la, và hàng loạt chương trình kích thích đầu tư, đặc biệt trong lĩnh vực quân sự. Thế nhưng, theo L'Express, chính sách chưa bao giờ « hào phóng » đến như vậy với các doanh nghiệp của chính quyền liên bang đã không thúc đẩy đầu tư mạnh mẽ.

Mua cổ phiếu bằng « quà tặng thuế », sinh viên nợ chồng chất...
Các doanh nghiệp Mỹ nhìn chung đã không sử dụng các khoản « quà tặng về thuế » của chính phủ để đầu tư, mà dùng để trả nợ, trả tiền cho các cổ đông và mua lại cổ phiếu, với tổng số tiền 384 tỉ đô la, riêng trong nửa đầu năm nay. Đây là lý do khiến giá cổ phiếu tăng vọt.

Về tỉ lệ thất nghiệp thấp kỷ lục, nếu tính cả số người thất nghiệp không đăng ký và người lao động bán thời gian, tỉ lệ thất nghiệp sẽ phải lên đến 7,4%. Theo một cố vấn kinh tế của AFL-CIO, liên minh nghiệp đoàn hàng đầu nước Mỹ (Damon Silvers), « động lực của thị trường lao động Mỹ đã bị phá vỡ… và để tái lập đòi hỏi phải nhiều thời gian ».

L'Express nhấn mạnh là, nếu như cái « lâu đài bằng giấy » này sở dĩ vẫn còn đứng được, là « nhờ » ở các khoản nợ khổng lồ khó trả, đặc biệt là nợ của sinh viên, với tổng số tiền ước tính 1.500 tỉ đô la, hay tiền vay nợ để mua xe. Bên cạnh đó là nợ nần của chính quyền, mỗi ngày tăng thêm khoảng 1 tỉ đô la. Hiện tại, tổng thống Donald Trump vẫn tự tin là mọi sự đều yên ổn, nếu toàn thế giới vẫn tiếp tục tin tưởng vào vị thần đồng đô la, và « sẵn sàng nhắm mắt đầu tư cho nước Mỹ ».

Tấn công các cột trụ của nền dân chủ, đổ dầu vào lửa...
L’Obs tuần này, dành nhiều bài cho nước Mỹ, trước hết nhấn mạnh đến cuộc tấn công của «thiên tài tai ác » Donald Trump nhắm vào « mọi cột trụ của nền dân chủ ». Nhờ các kết quả tốt về kinh tế, ông ta vẫn rất được lòng nhóm cử tri vốn ủng hộ xưa nay, nhưng cuộc kháng cự chống lại Trump, trước bầu cử giữa kỳ, đang được tổ chức, đặc biệt là trong nữ giới. Một số chính trị gia trẻ đang nổi lên. L’Obs đặt câu hỏi : Như thế đã đủ làm Trump thất bại ?

Về phần mình, Le Point có bài xã luận « Vụ Pittsburgh, ngày 27/10/2018 » (vụ thảm sát chống người Do Thái, chưa từng có trong lịch sử nước Mỹ), lên án đường lối kích động bạo lực, gây chia rẽ của Donald Trump. Không những không đảm nhiệm được vai trò lãnh đạo tinh thần của nước Mỹ đang ngày càng chia rẽ, Donald Trump không ngừng « đổ dầu vào lửa », kích động hận thù. Donald Trump khẳng định có « những người rất tử tế » trong cuộc tuần hành của phong trào phát xít mới, chống người Do Thái ở Charlottesville, hay coi di dân là « đồ súc vật », gọi người Mêhicô là « những kẻ cưỡng hiếp », lên án các chính trị gia đối lập, các nhà báo là « kẻ thù của nhân dân »…

Le Point cũng có bài phóng sự cho thấy tổng thống Mỹ được đông đảo những người theo Tin Lành Phúc Âm ủng hộ cuồng nhiệt, nhiều mục sư sẵn sàng tha thứ cho gần như tất cả hành động xấu xa của ông Trump, kể cả trong quan hệ tình dục, điều mà họ vốn rất nhạy cảm. Thái độ nói trên bị chính một số mục sư Tin Lành lên án là đạo đức giả.

Nền dân chủ cũng có thể bị tiêu vong
Chủ đề chính của Courrier International tuần này là sự trỗi dậy của đủ loại lãnh đạo độc tài ở khắp mọi nơi trên thế giới, với tựa đề « Một thế giới của những kẻ tàn bạo ». Ngoài tổng thống Mỹ là nhiều lãnh đạo độc tài khác.

Courrier International dẫn báo Anh The Times, so sánh tình hình thế giới hiện nay với « không khí » những năm 1930, thời điểm ra đời của các bạo chúa tương lai, như Hitler. Điểm chung của các lãnh đạo độc tài, từ Tập Cận Bình đến Putin, là xây dựng quyền lực dựa trên nỗi sợ hãi và mặc cảm của dân chúng.

Tổng thống Nga Putin truyền bá quan điểm bi kịch của dân tộc Nga hiện nay là « do Liên Xô sụp đổ, đất nước bị bán rẻ cho ngoại bang, cho giới tội phạm, lớp trẻ bị phương Tây làm hư hỏng». Lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình thì tuyên truyền cho nỗi sợ Trung Quốc sẽ lâm vào số phận như Liên Xô trước đây, với sự sụp đổ của đảng Cộng Sản, và sự tan rã của chính quyền trung ương. Đây là cái cớ mà Bắc Kinh đưa ra để đàn áp mọi tiếng nói đối lập.

Xã luận Courrier International với tựa đề « Chân trời dân chủ có thể bị vượt qua » đặc biệt nhấn mạnh đến đe dọa độc tài tiềm ẩn trong chính các xã hội phương Tây, ví dụ như nước Bỉ, nơi một phần tư cử tri trẻ không còn tin là « dân chủ là phương thức điều hành xã hội tốt nhất ».

*
Hãy nhóm lại ngọn lửa của « các nhà Khai Sáng » !

Le Point tuần này có bài giới thiệu kèm theo cuộc phỏng vấn với nhà tâm lý học tri nhận, nhà ngôn ngữ học Steven Pinker người Canada, với tựa đề đầy khiêu khích : « Nhà tư tưởng khiến những người theo chủ nghĩa bi quan mất hết hy vọng ».

·         Mời đọc thêm : Văn minh công nghiệp sụp đổ trong 15 năm tới ?

« Nhóm lại ngọn lửa của các nhà Khai Sáng» là thông điệp chính của tác giả cuốn « Sự chiến thắng của các nhà Khai sáng. Vì sao cần bảo vệ lý trí, khoa học và chủ nghĩa nhân văn ».

Ngược lại với tâm trạng bi quan, yếm thế phổ biến ở nhiều nơi, giáo sư đại học Harvard đưa ra một cái nhìn hoàn toàn khác. Đó là cho dù thế giới hiện nay của chúng ta tràn đầy các tai họa, mà truyền thông mô tả hàng ngày, nhân loại hiện đại đang được hưởng rất nhiều tiến bộ vô cùng to lớn, thành quả của các tư tưởng được khơi nguồn từ kỷ nguyên Khai Sáng, tiền công nghiệp (với các triết gia như Hume, Montesquieu, Diderot, Adam Smith...). « Chủ nghĩa nhân văn thế tục, chủ thuyết nhân loại là một cộng đồng (cosmopolitisme), xã hội mở, chủ nghĩa tự do cổ điển/libéralisme classique (cổ vũ cho tự do dân sự, tự do chính trị, thể chế pháp quyền và kinh tế thị trường) » là các tư tưởng của thời kỳ Ánh Sáng.

Theo tác giả, thay vì bị ám ảnh bởi nỗi sợ về một ngày tận thế được báo trước, dẫn đến hoảng sợ hoặc chủ nghĩa định mệnh, tốt hơn hết hãy nhìn thẳng vào các thách thức trong hiện tại, để tìm cách giải quyết. Các thách thức hàng đầu là « chủ nghĩa dân túy độc tài, vũ khí hạt nhân, và đặc biệt là khí thải khiến Trái đất bị hâm nóng ». « Lý trí, khoa học và chủ nghĩa nhân văn » - di sản của kỷ nguyên Khai Sáng - chính là « các công cụ quý giá nhất » cho phép nhân loại giải quyết các thách thức của thế kỷ 21, đồng thời bảo vệ được các thành quả lớn lao mà xã hội con người đã tạo dựng.

Về các thành quả mà một bộ phận đông đảo xã hội hiện tại được thừa hưởng, theo Steven Pinker, con người nhìn chung sống thọ hơn, an ninh hơn, tỉ lệ nghèo đói ước tính khoảng 10% so với 90% cách nay hai thế kỷ, hay hai phần ba dân số thế giới được sống trong các xã hội được coi là dân chủ, so với chỉ 1% hồi đầu thế kỷ 19 (theo Polity Project). Nhà tâm lý học nhấn mạnh là ngay cho dù các xã hội Trung Quốc và Nga hiện nay không thể gọi là xã hội dân chủ tự do, nhưng chắc chắn đã khác xa so với thời Mao và Stalin.

Bản dịch tiếng Pháp cuốn Enlightenment Now: The Case for Reason, Science, Humanism, and Progress, của Steven Pinker do Nxb Les Arènes ấn hành, dày 644 trang, sẽ ra mắt ngày 7/11 tới (Enlightenment Now rất được hưởng ứng tại Mỹ, Bille Gates gọi đây là cuốn sách mà ông hâm mộ nhất mọi thời đại).

*
Vẻ đẹp của thiên nhiên làm con người thức tỉnh
Trong lĩnh vực sinh thái, L’Obs giới thiệu với độc giả cuộc trò chuyện giữa hai nhà triết học, tác giả hai cuốn sách mới « Cái phần hoang dã của thế giới » (La part sauvage du monde) và « Trước vẻ đẹp của tự nhiên » (Devant la beauté de la nature), góp phần xua tan nhiều định kiến trong xã hội, thường đặt con người trong thế đối lập với thiên nhiên.

Triết gia Alexandre Lacroix, tác giả cuốn « Trước vẻ đẹp của tự nhiên », nhấn mạnh đến vai trò của thẩm mỹ trong việc xây dựng ý thức về môi trường. Ông nhận xét là đảng Xanh ở Đức đã dành được nhiều sự ủng hộ của cử tri trong cuộc bầu cử Nghị Viện Bayern mới đây là vì đã quyết định thay đổi cách tiếp cận : Ít nói về khí hậu hơn, mà nói nhiều về vẻ đẹp của thiên nhiên hơn.

Trong khi đó nữ triết gia Virginia Maris, tác giả cuốn « Cái phần hoang dã của thế giới », lưu ý là trong vấn đề môi trường, không nên buộc tội mọi người, và cần thông tin đầy đủ đến họ. Bởi vì những ai cảm thấy yêu thiên nhiên, cần đến thiên nhiên, thì chắc chắn sẽ có những hành xử khác đối với những gì mà mình trân trọng.

*
Hãy để cái hoang dã tồn tại !
Tác giả cuốn « Cái phần hoang dã của thế giới » so sánh nhân loại hiện nay với thời tiền sử. Khi giết đi những con ma mút lông xoăn cuối cùng, những con người thời tiền sử không ý thức được là họ đã làm tuyệt diệt một giống loài, sản phẩm của cả triệu năm tiến hóa. Theo nữ triết gia Virginia Maris, nhân loại chúng ta hiện nay không còn ở thời tiền sử, chúng ta hiểu rõ chính «lối sống của chúng ta là nguồn gốc dẫn đến chỗ đa dạng sinh học bị diệt vong ở mức độ chưa từng có. Nhưng chúng ta cũng có khả năng giới hạn mức độ thảm họa… Giới hạn mức độ thảm họa là một cơ hội để chúng ta thực hành đức khiêm nhường, và cũng là để sáng tạo nên những quan hệ mới giữa con người với các sinh vật không thuộc giống người ».


Bà Virginia Maris ủng hộ mô hình đưa « thiên nhiên hoang dã » trở lại ngay tại các xứ sở quê hương của công nghiệp, bắt đầu được chú ý từ vài thập niên gần đây, qua các dự án công viên quốc gia, với nhiều khu vực « lõi » (hay rừng cấm), mà con người hoàn toàn không được phép đụng chạm đến. Bao quanh là các vùng rừng vành đai hạn chế tối đa các can thiệp. Vòng rộng hơn ở bên ngoài là nơi được phép có các hoạt động tôn trọng môi trường, như nông nghiệp bền vững, du lịch sinh thái…

*
Chạy trốn khỏi Tân Cương
Tuần báo Courrier International giới thiệu bài viết của một thanh niên Trung Quốc ẩn danh, phơi bày thực trạng thê thảm của người dân địa phương xứ Tân Cương. Sinh viên người Hoa nói trên từng theo học tiếng Duy Ngô Nhĩ, muốn định cư lâu dài tại miền viễn Tây, đã quyết định trốn khỏi Trung Quốc.

Trong bài viết này, tác giả mô tả kỹ lưỡng những kỳ thị muôn vẻ đối với người Duy Ngô Nhĩ, tình trạng khu vực này bị đặt dưới sự kiểm soát nghiêm ngặt về an ninh và áp lực Hán hóa ghê gớm. Bài viết được công bố vài ngày sau khi chính quyền Trung Quốc thừa nhận sự tồn tại của các trại cải tạo giáo dục, giam giữ đến một triệu người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương. Bài được đăng tải trên The Initium (Duanchuanmei), một trang mạng thông tin độc lập của trí thức Trung Quốc, lập tại Hồng Kông, để tránh kiểm duyệt tại Hoa lục.

*
Một nhà nữ quyền ít được biết đến
Trong lĩnh vực văn hóa, l’Express đưa độc giả đến với một trong những nhà nữ quyền đầu tiên trên thế giới, nhà văn Anh George Eliot, vốn ít được công chúng Pháp chú ý, qua cuộc phỏng vấn nữ sử gia Pháp Mona Ozouf. Bà Ozouf vừa cho ra mắt cuốn « L’autre George. À la rencontre de George Eliot ». Theo sử gia Pháp, các tác phẩm viết từ giữa thế kỷ 19 của nữ văn sĩ, như cuốn tiểu thuyết Middlemarch, vẫn còn bổ ích cho độc giả hiện nay, đối với những ai đang bị ám ảnh bởi một thế giới vô cùng bất trắc đang mở ra trước nhân loại đương đại.






No comments:

Post a Comment