Thursday, October 25, 2018

TỪ SỰ KIỆN GS. CHU HẢO, NGHĨ VỀ SỨC MẠNH CỦA TƯ TƯỞNG (tổng hợp)




Thứ Năm, 10/25/2018 - 14:14 — NguyenTrangNhung

Ngày 25/10, báo chí trong nước cho hay GS. Chu Hảo – Giám đốc và là Tổng biên tập Nhà xuất bản Tri thức – bị Ủy ban Kiểm tra Trung ương (UBKTTW) đề nghị kỷ luật trong kỳ họp thứ 30 vừa qua.[1]

Nguyên nhân là ông phải chịu trách nhiệm chính về việc NXB Tri thức đã xuất bản một số cuốn sách "có nội dung trái với quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước, vi phạm Luật Xuất bản".[2] 

Theo UBKTTW, GS. Chu Hảo đã "suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, 'tự diễn biến', 'tự chuyển hóa'", và vi phạm, khuyết điểm của ông là 'rất nghiêm trọng'".[3]

Không rõ các cuốn sách có nội dung như trên là các cuốn sách gì. Chỉ biết rằng chúng đã hoặc sẽ "bị cơ quan chức năng xử lý, thu hồi và tiêu hủy",[4] và người đọc Việt Nam giờ đây sẽ không còn, hoặc khó có cơ hội đọc chúng.

Theo một nguồn tin lề trái, các cuốn sách đó bao gồm 'Đường về nô lệ', 'Bàn về tự do', 'Chủ nghĩa tự do truyền thống', 'Hòa bình tình yêu và tự do', 'Khảo lược Adam Smith', 'Bốn tiểu luận về tự do', 'Chính thể đại diện', v.v.[5]

Tôi không chắc về tính chính xác của nguồn tin trên, song nếu nguồn tin đó đúng thì không có gì đáng ngạc nhiên. Điều đáng ngạc nhiên, nếu có, là các cuốn sách đó đã được xuất bản tại Việt Nam một cách không đến nỗi (quá) khó khăn.

Các cuốn sách đó đều là các tác phẩm về các tư tưởng tiến bộ của phương Tây, mà cụ thể hơn là về các giá trị nền tảng như tự do và dân chủ, vốn là ngọn nguồn của các thể chế chính trị hiện đại mà ngày nay chúng ta chứng kiến.

Đề nghị kỷ luật của UBKTTW đối với GS. Chu Hảo cho thấy cơ quan này đã e ngại trước sức mạnh của tư tưởng, và nhận ra rằng đây là mối đe dọa tiềm tàng đối với thể chế chính trị Việt Nam vốn không thân thiện với các giá trị tự do và dân chủ.

Tư tưởng, và nhất là tư tưởng tiến bộ, thực sự có sức mạnh. Thử lấy ví dụ về 'Bàn về tự do' của triết gia người Anh John Stuart Mill thế kỷ 19. Tác phẩm triết học này ra đời tại Anh vào năm 1859. Chưa đầy 10 năm sau, năm 1868, tác phẩm đã được dịch và phát hành tại Nhật Bản với số lượng lên tới 2 triệu bản, trong khi dân số Nhật Bản khi ấy là 36 triệu người. Khái niệm tự do mà tác phẩm nêu ra đối với người dân Nhật Bản hồi đó hết sức lạ lẫm, thế nhưng tác phẩm vẫn được đón nhận rộng rãi và trở thành một trong các cuốn sách gối đầu giường của nhiều người dân Nhật Bản lúc bấy giờ. Cùng với vô số tác phẩm khác, 'Bàn về tự do' đã góp phần đưa nước Nhật tiến đến văn minh khai hóa và trở thành đất nước dân chủ, tự do và cường thịnh như ngày nay.

Cũng tác phẩm này tại Việt Nam được dịch và phát hành lần đầu vào năm 2004, với số lượng 1000 bản, tức chậm hơn Nhật gần một thế kỷ rưỡi và số lượng thì ít hơn 2000 lần. Theo nhiều cách, người dân Việt Nam đã không đón tác phẩm này một cách rộng rãi như người dân Nhật Bản đã làm trước đó gần 150 năm. Các tác phẩm tương tự có chung tình trạng với số lượng phát hành trên dưới 1000. Hệ quả tất yếu là ít người Việt Nam biết đến các tư tưởng tiến bộ, và còn ít hơn nữa người Việt Nam hiểu rõ các tư tưởng đó. Sự chậm tiến trong tư tưởng của người Việt Nam về các giá trị nền tảng hẳn là một phần nguyên nhân của sự chậm tiến trong tiến trình dân chủ.

Hai ví dụ tương phản trên đây nhằm cho thấy sức mạnh của tư tưởng. Một cá nhân tiến bộ về tư tưởng sẽ đạt được tiến bộ về nhiều phương diện khác của đời sống, và ngược lại. Và điều này cũng đúng đối với một tập thể và xa hơn là một quốc gia. 

Bởi thế, nhận thức đúng về sức mạnh của tư tưởng và từ đó học hỏi các tư tưởng tiến bộ là điều mà mỗi cá nhân, mỗi tập thể hay mỗi quốc gia cần làm, nếu muốn đạt được tiến bộ về nhiều phương diện khác. 

Trở lại sự kiện GS. Chu Hảo, NXB Tri Thức với các tác phẩm về các tư tưởng tiến bộ đã góp phần thắp sáng trí óc của một bộ phận dân chúng Việt Nam, và các trí óc khi được thắp sáng thì mang sức mạnh. Hi vọng rằng, dù phía trước thêm phần khó khăn, song NXB Trí thức sẽ tiếp tục thực hiện sứ mệnh thắp sáng của mình, để dân tộc này có thêm sức mạnh.

*
Chú thích:
[1][2][3][4] Giáo sư Chu Hảo bị đề nghị kỷ luật
http://vietnamfinance.vn/giao-su-chu-hao-bi-de-nghi-ky-luat-201805042242...

·         NguyenTrangNhung's blog

---------------------------------------

Nguyễn Xuân Diện’s Blog
Thứ Năm, 25 tháng 10, 2018

TS. Hồ Bất Khuất

Phải nói thế này: Tôi nhìn thấy anh Chu Hảo nhiều lần nhưng chưa bao giờ trò chuyện. Tôi chỉ ngưỡng mộ anh Chu Hảo qua những việc anh làm.

Anh Chu Hảo là một trí thức, anh phải đóng góp cho đất nước, cho dân tộc, cho xã hội với tư cách ấy. Sách trái chủ trương (tôi không cần phải nói rõ chủ trương của ai, nó như thế nào) nhưng cung cấp kiến thức để con người sống đàng hoàng, tử tế hơn - nghĩa là những quyển sách có nội dung tốt, vì sự tiến bộ của loài người.

Theo nhiều người hiểu thì anh vẫn là đảng viên Đảng cộng sản Việt Nam nên mới bị kỷ luật theo điều lệ của đảng này. Đã khá lâu rồi, tôi hiểu để làm người tự do thì không nên tham gia một tổ chức chính trị nào đấy.

Những người xuất sắc nhất của nước Mỹ, có đóng góp lớn cho sự phát triển (chủ yếu trong lĩnh vực khoa học, công nghệ, kinh tế, xã hội...) là những người tự do, không tham gia các đảng phái chính trị.

Theo tôi, anh Chu Hảo chỉ cần làm đơn xin ra khỏi Đảng, trở thành người tự do. Khi đó, anh có thể đóng góp cho sự phát triển đất nước, xã hội với tư cách là người tự do. Tôi tin vào trí thức và nhân cách của anh Chu Hảo.

*
Nhà báo Nguyễn Thế Thanh

Tự chuyển hóa để thấy được nhiều điều hơn thay vì chỉ một điều, để biết ta gần hay xa hơn với những điểm tốt đẹp của thế giới ngoài ta, để biết rõ vì sao ta phải quyết giữ những giá trị đích thực đến từ hôm qua và cũng quyết bỏ đi những gì của ngày hôm qua không còn là giá trị nữa. Tự chuyển hóa như vậy là tích cực, là việc tối thiểu mà một người trí thức cần làm. Anh Chu Hảo đã chọn cách chuyển hóa ấy, chứ không phải chuyển hóa từ chức trách chống tội phạm sang hành vi phạm tội, chỉ vì tiền.

*
Giáo sư Nguyễn Đăng Hưng

Tôi không ngạc nhiên về quyết định này: " ...Vi phạm Quy định về những điều đảng viên không được làm, có những bài viết, phát ngôn có nội dung trái với Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, nghị quyết, chỉ thị, quy định của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; "đồng chí đã suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”!".

Cái làm tôi ngạc nhiên là nó được công bố chỉ một ngày sau khi ông Nguyễn Phú Trọng lên chức Chủ Tịch nước, kiêm TBT ĐCSVN!

Nguyên văn câu chủ chốt của bản án đăng lại ở trên gần như chép lại nguyên si tuyên bố lên án các cán bộ gọi là "suy thoái" của ông Trọng cách đây vài năm...

Ta có lý do để chờ đợi những bản án khác vì quyết định này có vẻ như là đợt khởi đầu cho một thời kỳ trở về với quan điểm trung cổ văn hóa kiểu hủy diệt Nhân văn Giai Phẩm!

Thật vậy, GS Chu Hảo chính là trí thức tiêu biểu có thẻ đảng viên nhưng nhờ ở tính trung thực và trình độ văn hóa đẳng cấp, đã ý thức rõ những sai lầm của quá khứ và qua nhà xuất bản Trí Thức đang cố gắng tạo tiền đề cho một nền văn hóa nhân văn khai sáng đích thực, cần thiết cho tương lai dân tộc Viêt Nam...

Thêm một sự kiện đáng buồn nữa...!!!

*
PGS.TS Hoàng Dũng

Thông cáo Báo chí Kỳ họp 30 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương tôn vinh anh Chu Hảo đã "tự diễn biến", "tự chuyển hóa". Xin chúc mừng anh Chu Hảo đã được chọn để vác cây thánh giá của người trí thức trước vận nước.
Sau Chu Hảo, là ai?

*
Nhà báo NguyEn DAc KiEn

Những cuốn sách được cho là đã khiến GS Chu Hảo bị kỷ luật, trong đó có một số cuốn đã bị cấm tái bản, theo Fb Duong Quoc Chinh. 

*
TS. Nguyễn Xuân Diện

Đối với Giáo sư Chu Hảo và giới trí thức tiến bộ, việc kỷ luật, khai trừ, cách chức nguyên Thứ trưởng hay bất kỳ hình thức gì, đều chỉ càng TÔN VINH giáo sư.

--------------------------------

Lão Mà Chưa An
25-10-2018

Báo chí vừa đưa tin, Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đưa ra kết luận về ông Chu Hảo và đề nghị kỷ luật ông.

“Lão mà chưa an” tuyên bố như sau:

Phó Giáo sư Tiến sĩ khoa học Chu Hảo là một trí thức lớn của Việt Nam. Ông là một nhà khoa học tài ba trong lĩnh vực vật lý kỹ thuật. Ông đã có những đóng góp to lớn trong việc xây dựng các viện nghiên cứu vật lý và khoa học hàng đầu của Việt Nam. Với tư cách Thứ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ và Môi trường, ông đã có những đóng góp to lớn vào việc hoạch định chính sách khoa học công nghệ, nhất là công nghệ truyền thông thông tin (ICT) ở Việt Nam, ông được dư luận và cộng đồng ICT Việt Nam đánh giá là một trong những người có công đầu đưa Internet vào Việt Nam.

Từ khi nghỉ hưu, với tư cách Giám đốc Tổng biên tập nhà xuất bản Tri Thức, ông đã có công to lớn trong việc khai dân trí với việc cho xuất bản hàng trăm đầu sách kinh điển trong tủ sách Tinh hoa, đem đến cho dân tộc ta những tri thức căn bản nhất của nhân loại mà ta nhất thiết phải biết nếu thật sự muốn tiến cùng nhân loại. Các thế hệ trí thức Việt Nam sẽ mãi mãi mang ơn ông về đóng góp vô cùng quý giá này. Các thế hệ trí thức trẻ sẽ không bao giờ quên những seminar chất lượng cao do nhà xuất bản Tri Thức (phối hợp đôi khi với các tổ chức khác) đã tổ chức trong cả chục năm qua tại 53 Nguyễn Du và những nơi khác.
Ông cũng đã là một thành viên sáng lập của Viện Nghiên cứu Phát triển IDS và tham gia tích cực vào các phong trào xã hội, như Kiến nghị 72 trong năm 2013, Kiến nghị đổi tên Đảng, đổi tên nước, đòi các quyền tự do cũng như trả tự do cho những nhà bất đồng chính kiến bị tù đày năm 2015, hay phản đối dự luật An Ninh mạng năm 2018, cũng như nhiều hoạt động xã hội khác.

Chính vì những cuốn sách do Nhà xuất bản Tri Thức xuất bản và những hoạt động xã hội tích cực của ông mà ông đã bị Ủy ban Kiểm tra Trung ương của Đảng Cộng sản Việt Nam kết luận “Ông Chu Hảo đã suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, ‘tự diễn biến’, ‘tự chuyển hóa’. Vi phạm, khuyết điểm của ông Chu Hảo là rất nghiêm trọng, làm ảnh hưởng đến uy tín của tổ chức đảng, tác động xấu tới tư tưởng xã hội, đến mức phải xem xét, thi hành kỷ luật”.

Lão mà chưa an:

– Bày tỏ sự đoàn kết, trân trọng những hoạt động của ông Chu Hảo; chúc mừng ông được Đảng Cộng sản Việt Nam “vinh danh” như trên vì nó chỉ chứng tỏ sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của chính những kẻ cầm quyền; những kết luận về ông Chu Hảo như trên chỉ chứng tỏ họ đã đi con đường ngược với dân tộc và với bản thân học thuyết của chính họ;

– Kêu gọi các trí thức khác hãy bày tỏ tình đoàn kết với Phó Giáo sư Tiến sĩ khoa học Chu Hảo bằng cách lên tiếng và/hoặc rời bỏ đội ngũ suy thoái đó và đứng hẳn về phía nhân dân và dân tộc như Phó Giáo sư Tiến sĩ khoa học Chu Hảo.

– Kêu gọi các bạn trẻ và mọi người dân đã và đang thừa hưởng Công nghệ Thông tin, ICT nhớ ơn ông Chu Hảo và cùng lên tiếng bảo vệ ông và những giá trị tự do, dân chủ, xã hội dân sự.







No comments:

Post a Comment