Tuesday, October 23, 2018

NHỮNG NGƯỜI ĐI ĐÀY (Nguyễn Quốc Tấn Trung - Luật Khoa)




Posted on 22/10/2018

Tôi thích cách mà Nicholas Bequelin, Giám đốc khu vực Đông và Đông Nam Á của Tổ chức Ân xá Quốc tế, mô tả về việc Mẹ Nấm ra tù: “Dù Mẹ Nấm không còn bị giam cầm, điều kiện của việc tha bổng này là bà phải đi đày (exile), khi mà vẫn còn hơn một trăm nhà hoạt động khác đang bị bức hại trong các nhà tù Việt Nam chỉ vì nói lên ý kiến của mình – ở nơi công cộng, blogs hay Facebook”.

Mẹ Nấm cùng gia đình đáp xuống sân bay ở bang Texas, Hoa Kỳ. Ảnh: Hoàng Vũ/VOA

Vừa tháng 6 năm nay, chính quyền Việt Nam cũng trục xuất nhà hoạt động, cựu luật sư Nguyễn Văn Đài sang Đức sau khoảng hai năm rưỡi giam cầm. Nhà hoạt động Cù Huỳ Hà Vũ cũng bị đối xử tương tự vào năm 2014 và hiện đang sinh sống ở Hoa Kỳ. Trong năm 2017, nhà giáo Phạm Minh Hoàng bị tước quốc tịch Việt Nam và trục xuất sang Pháp.

“Đi đày”, hóa ra, là một từ không thể chính xác hơn; đặc biệt trong hoàn cảnh mà nhiều bài báo và người viết thường dùng những cụm từ tích cực hơn như “đang trên đường ra nước ngoài”, “đang trên đường sang Mỹ”, “đã được trả tự do và đang trên máy bay sang Đức”.

Nỗi buồn ám ảnh của Việt Nam đương đại là ham muốn ra nước ngoài học tập, làm việc và sinh sống. Khi mà một bộ phận quốc dân mất niềm tin vào môi trường và hệ thống chính trị quốc gia, mọi giải pháp trong đầu họ chỉ dẫn đến con đường ra đi.

Nhưng chúng ta có chối bỏ cội rễ ấy mãi được hay không? Sống và làm việc tại London gần hai năm, người viết cam đoan sẽ không quá lâu đến khi một người Việt Nam có tâm hướng về đất nước cảm nhận được rằng quốc gia đẹp đẽ và văn minh đến mê mệt mà họ hằng ngày chiêm ngưỡng vẫn không phải là nhà của mình; những đồng nghiệp đáng mến, những phố phường sạch sẽ với những người qua đường xa lạ đến cuối cùng vẫn không phải là “người mình”.

Những con người Việt Nam xa xứ làm ăn, giàu đến thế nào, học thức cao đến đâu, sáng dậy vẫn bật tin quê nhà mà ngấu nghiến như thể một liều thuốc an thần cho nỗi nhớ nhung mà họ chưa bao giờ thừa nhận. Tại Anh Quốc, họ vẫn than vãn về Formosa, họ kể cho nhau nghe thành trì của các công ty Trung Quốc đang được dựng lên thế nào ở Việt Nam, họ phàn nàn về cải cách chữ tiếng Việt của Giáo sư Bùi Hiền, họ bàn tán về 100% đại biểu Đảng tán đồng nhất thể hóa. Và tôi tin là người Việt trên khắp thế giới cũng vậy thôi.

Những người có thể về đã cố về hết cả. Từ GS. Trương Nguyện Thành, GS. Ngô Bảo Châu đến doanh nhân Alan Phan. Có người về thành công và ở lại, có người lại bị buộc phải bỏ đi. Những người không thể về vì mưu sinh và gia đình thì mang nỗi ám ảnh Việt Nam qua dăm mươi cái Tết đến cuối đời. Các thế hệ tiếp nối F2, F3, F4 có thể rũ căn cước Việt Nam để sống với quốc tịch mới của họ, nhưng với đời F1 thì điều này gần như là không thể. Vậy nên, bị đày ra khỏi quốc gia mình sinh ra – lớn lên, và không biết bao giờ mình có thể trở lại, chưa bao giờ là một niềm vinh dự.

Những tù nhân lương tâm, những nhà hoạt động bị trục xuất khỏi quốc gia của mình thường sống trong một nỗi sợ hãi về cái chết chính trị cận kề. Không được coi như là công dân của quốc gia trục xuất, chưa được là công dân của quốc gia tiếp nhận, họ tồn tại bằng thứ thẻ căn cước tạm thời dành cho người tị nạn. Taslima Nasrin, một nữ tác giả, bác sĩ gốc Bangladesh nổi tiếng với những bài viết ủng hộ tự do tư tưởng và nữ quyền, trở thành đối tượng tấn công của các nhóm Hồi giáo cực đoan quốc gia này cho đến khi bà phải đến Thụy Điển lánh nạn vào năm 1994. Đến năm 2004, bà trở về Ấn Độ với hy vọng có thể quay lại quê nhà, nhưng tiếp tục bị người Hồi giáo ở đây phản đối quyết liệt. Narsin chính thức trở thành người không quốc tịch, lang thang khắp Châu Âu, Ấn Độ và Hoa Kỳ cho đến tận ngày nay.

Không chỉ vậy, những nhà hoạt động đi đày cũng mất tiếng nói và sự ủng hộ từ cơ sở. Họ có thể vượt quá những khó khăn, thử thách và những trừng phạt chính trị của chính quyền, nhưng khi bị trục xuất, họ mất đi cái vị trí đạo đức (ethical position) mà mình từng có. Theo Maryam al-Khawaja, một người tị nạn chính trị tại Vương quốc Anh đến từ Bahrain, cảm giác tội lỗi luôn dằn vặt cô. Tại sao mình lại là người trốn thoát khỏi tù tội khi mà nhiều nhà hoạt động, nhiều anh chị em vẫn đang bị tra tấn, bị bắt bớ? Tại sao mình có thể tận hưởng một kỳ nghỉ hè khi mà những người đang đấu tranh tại quê nhà vẫn còn gặp bao khó khăn và phải đối phó với những cuộc bố ráp.

Maryam vẫn viết, vẫn chia sẻ và ủng hộ phong trào tại quê nhà, nhưng cô chưa bao giờ dám kêu gọi người dân xuống đường. “Tôi không thể bảo người dân làm những gì mà tôi không thể làm cùng họ” – sự bất lực dai dẳng đeo đuổi cô trong suốt những tháng ngày tị nạn.

Đời sống của những tù nhân lương tâm bị đi đày cũng không hề hạnh phúc như nhiều người tưởng tượng. Ahmed Salah, một nhà hoạt động người Ai Cập nổi tiếng sau Mùa xuân Ả Rập vẫn đang tìm cách sống và làm quen với thành phố San Francisco, Hoa Kỳ. Salah tìm ra một căn nhà để sinh sống, nhưng phải chấp nhận mang nợ vì nhiều lý do tài chính của một kẻ tị nạn. Ông chia sẻ một cách cay đắng về đời sống của mình: “Tôi đã từng có những ngày sôi nổi trong những cuộc biểu tình, được các nhà báo phỏng vấn, và có hẹn với các nhà ngoại giao nước ngoài. Mục tiêu của tôi là giải phóng Ai Cập. Bây giờ ư? Hay là ngày nào chẳng vậy, tôi vật vã để kiếm đủ tiền cho một miếng pizza. Và mục tiêu của tôi là không bị vô gia cư.”

Với những nhà đấu tranh như vậy, “đi Mỹ” hoá ra là “đi đày”.







No comments:

Post a Comment