Sunday, October 28, 2018

NHÂN VỤ GS CHU HẢO, NHÌN LẠI FUZUKAWA & NGUYỄN TRƯỜNG TỘ (FB Phạm Quang Tuấn)




  
Nhiều người, viện dẫn Phan Chu Trinh, quan niệm rằng nhu cầu của đất nước hiện nay không phải là cải cách chính trị mà là “khai dân trí”. Họ lấy một trí thức Nhật TK 19 làm gương mẫu: Fukuzawa Yukichi (chữ Hán viết là Phúc Trạch Dụ Cát).

Fukuzawa (1835-1901) năm 21 tuổi bắt đầu tìm hiểu về Âu châu qua sách vở Hà Lan, rồi chuyển qua học tiếng Anh. Năm 1859 ông đi theo sứ đoàn chính phủ đầu tiên của Nhật qua Mỹ và năm 1862 theo một sứ đoàn khác qua Âu châu. Về nước, ông bắt đầu viết và dịch sách truyền bá văn minh Tây phương và sáng lập trường đại hoc Keio, đại học đầu tiên của Nhật. Ở Việt Nam ông được biết nhiều qua bài “Thoát Á luận” và nhiều tác phẩm khác của ông cũng đã được dịch sang tiếng Việt.

Hầu như đồng thời với Fukuzawa là Nguyễn Trường Tộ (1830–1871). Đã có người so sánh hai ông và cho rằng Fukuzawa sáng suốt hơn, đã tập trung vào việc giáo dục dân chúng nên thành công trong việc đóng góp cho biến nước Nhật canh tân thành cường quốc. Còn Nguyễn Trường Tộ thất bại vì ông chỉ cố gắng thuyết phục triều đình Việt Nam qua những bài sớ. Họ kết luận rằng “vận động cải tổ từ dưới” như Fukuzawa thì thành công, “vận động cải tổ từ trên” như Nguyễn Trường Tộ thì thất bại. Vậy chỉ cần các trí thức dạy học, viết và dịch sách là Việt Nam sẽ dân chủ, tiến bộ. Quan điểm ấy rất lọt tai nhà nước nên được đăng lên báo trong nước (http://tiasang.com.vn/…/tu-fukuzawa-yukichi-nhin-ve-nguyen-…).

Theo tôi, so sánh như vậy là một sự bất công lớn, tới mực hỗn láo, đối với một nhà trí thức lớn của Việt Nam. Nhìn vào hoàn cảnh lịch sử ta thấy sự thực khác hẳn. Ở Nhật, Fukuzawa bắt đầu sự nghiệp viết lách, giáo dục ngay vào lúc mà chính phủ Nhật đang quyết tâm gấp rút canh tân đất nước, học hỏi từ phương Tây. Năm 1853, hạm đội của đô đốc Mỹ Matthew Perry đã tới vịnh Tokyo bắn súng dương oai khiến giới lãnh đạo Nhật hoảng sợ và quyết định phải canh tân đất nước để tránh diệt vong. Họ lật đổ chế độ shogun đã kéo dài mấy thế kỷ. Năm 1868, Minh Trị Thiên Hoàng lên ngôi và công bố “Ngũ Cá Điều Ngự Thệ Văn”, gồm năm điều tuyên thệ trong đó điều thứ năm là “đi tìm kiến thức từ khắp thế giới để cho đế quốc được vững mạnh hơn”. Quí tộc bị tước hết đất đai và samurai trở thành thường dân. Từ 1868 tới 1890 chính phủ Nhật mời 3000 thầy giáo và chuyên viên Tây phương tới giúp.
Chỉ trong hai thập niên Nhật bản thay đổi mọi mặt về kinh tế, xã hội, quân sự, theo mô hình Tây phương. Như vậy, khi Fukuyama xuất bản cuốn sách đầu tiên (1966) (trừ một cuốn từ điển trước đó) Nhật Bản đang trên đà Âu hóa quyết liệt. FUKUZAWA KHÔNG PHẢI THUYẾT PHỤC NHÀ CẦM QUYỀN NÀO CẢ.

Trong khi đó, chế độ chính trị ở Việt nam không hề thay đổi. Vua Gia Long (1802-1820) có phần nào cởi mở với Tây phương vì đã được người Pháp giúp đỡ, nhưng sau khi ông mất thì các vua sau càng ngày càng bài Tây và theo Tàu mạnh hơn về mọi mặt chính trị, văn hóa, xã hội, kinh tế. Trong khi ở Nhật triều đình Minh Trị cải cách mạnh mẽ thì ở VN vua Tự Đức (1847-1883) hoàn toàn thụ động và bất lực, không chống nổi Pháp nhưng vẫn bám víu vào văn hóa Tàu. Những sớ xin cải cách của Nguyễn Trường Tộ tới triều đình đều bị các quan gạt đi.

Thử hỏi trong tình trạng đó, nếu Nguyễn Trường Tộ chỉ viết sách, dạy học như Fukuzawa thì làm được gì? Perry còn đang hăm dọa đòi Nhật mở cửa thì Pháp đã tấn công Nam Kỳ. Chỉ vài năm nữa là Việt Nam rơi vào tay Pháp và Âu học sẽ do chính người Pháp dạy.

Trong tình trạng khẩn cấp đó, Nguyễn Trường Tộ đã rất sáng suốt khi thấy rằng việc đầu tiên và gấp rút để tránh nguy cơ mất nước là phải thuyết phục triều đình cải cách theo Tây phương. Chuyện giáo dục dân chúng đối với VN lúc ấy là nhu cầu dài hạn, không phải ưu tiên.

Sự thất bại của Nguyễn Trường Tộ không phải là vì ông thua kém Fukuzawa, mà chỉ vì ông kém may mắn, không gặp những lãnh đạo sáng suốt, đồng chí hướng. Trường hợp Fukuzawa có thể coi là “thời thế tạo anh hùng”. Những hoạt động của ông hoàn toàn phù hợp với ý hướng của chính phủ Nhật đương thời. Nếu triều đình Nhật cũng như Tự Đức thì số phận Fukuzawa cũng chẳng hơn gì Nguyễn Trường Tộ.

Dĩ nhiên, khai dân trí vẫn là cần thiết, dù là thể chế tốt hay xấu, độc tài hay dân chủ. Nhưng dân trí không phải là rào cản chính của đất nước.

Nhìn vụ GS Chu Hảo bị kiểm điểm vì “suy thoái, tự diễn biến” qua việc truyền bá những tư tưởng Tây phương, ta thấy Việt nam ngày nay vẫn trong tình trạng tương tự như trong thế kỷ 19. Những cố gắng của trí thức bị chặn đứng bởi sự ù lì của lãnh đạo. Rào cản chính cho sự tiến triển của quốc gia vẫn là sự sai lầm và thủ cựu của nhà cầm quyền, tức là "quan trí". Đừng đổ lỗi cho văn hóa, lịch sử, dân trí.

Hình : Nguyễn Trường Tộ và Fuzukawa


Cái nhìn trên báo Tia Sáng đúng một phần ở chỗ không phải tự thân chính phủ Minh Trị quyết tâm cải cách. Trước khi tàu chiến Mỹ đến, nhiều trí thức Nhật đã tìm hiểu về Tây phương, mở trường dạy ngoại ngữ... tạo ra một lực lượng xã hội tương đối nhỏ có hiểu biết về Tây phương. Không có nhưng hoạt động đó thì chính phủ Kyoto cũng khó có đủ hiểu biết và can đảm để đi tới. Tất nhiên, những hoạt động này đều có trước Fukuzawa nhiều thập niên. Fukuzawa thừa hưởng một tinh thần canh tân có trước đó chứ không phải là người khởi đầu như Nguyễn Tường Tộ. Ở Việt Nam, trước Nguyễn Trường Tộ, Việt Nam chỉ có “Tây dương Gia tô bí lục” là nói về “Tây phương” một cách hệ thống nhưng thiên về chỉ trích tôn giáo.






No comments:

Post a Comment