Friday, October 26, 2018

NHÀ XUẤT BẢN TRI THỨC - MỘT TÌNH YÊU, MỘT NỖI BUỒN (Nguyễn Danh Lam)




Nguyễn Danh Lam
26/10/2018

Ngày rời Việt Nam, mình để lại mấy tủ sách, với khoảng 3 ngàn cuốn. Từng cộng tác mục điểm sách trên nhiều tờ báo, mình đọc và “bám” mảng sách, cũng như xuất bản khá kỹ. Một trong số ít nhà xuất bản có sách đáng để đọc, chính là Nhà xuất bản Tri Thức- một nhà xuất bản khá non trẻ, nhưng sách ra cuốn nào cũng thuộc dạng “phải có”. Trong kệ sách của mình, ở mảng sách tư tưởng, triết học, giáo dục… hầu như chỉ có những cuốn xuất bản trước 1975 và sách của nhà xuất bản Tri Thức sau này.

Tôn chỉ ngay từ những ngày đầu xuất bản sách, Nhà xuất bản Tri Thức đã đi theo mô hình mà Minh Trị Thiên Hoàng từng áp dụng để bắt đầu xây dựng một đất nước Nhật Bản hiện đại. Việc đầu tiên, Minh Trị cho dịch khoảng 1 ngàn đầu sách quan trọng nhất của tư tưởng Tây phương, phổ biến (và cả ép) toàn dân đọc- đó là cái nền, cái khởi đầu quan trọng nhất để có đất nước Nhật Bản hiện nay.

Và Nhà xuất bản Tri Thức đã lặng lẽ, quyết liệt, “lì lợm”, cho ra đời rất nhiều những ấn phẩm “gồ ghề”. Trong đó có thể kể đến các tác phẩm như: Bàn về tự do, Chính thể đại diện (John Stuart Mill); Đường về nô lệ (Friedrich Hayek), Chủ nghĩa tự do của Hayek (Gilles Dostaler); Nền dân trị Mỹ (Tocqueville); Nền đạo đức tin lành và tinh thần của chủ nghĩa tư bản (Max Weber); Dân chủ và Giáo dục (John Dewey)… còn rất nhiều đầu sách khác rất đáng để kể ra ở đây. Trong đó có những cuốn chỉ nghe nhan đề đã thấy… giật mình, với bối cảnh xuất bản trong nước.

Mình hay viết bài điểm sách, nên thấy những cuốn sách này bao giờ cũng háo hức và muốn càng có nhiều người đọc chúng càng tốt, nên sách ra là chộp liền, đọc ngày đọc đêm để kịp viết bài gởi báo. Tuy nhiên có rất nhiều cuốn, khi bài gởi đi, liền được biên tập phản hồi: Cuốn này vừa có lệnh (miệng) từ trên, không được giới thiệu vì… có vấn đề.

Và những cuốn “có vấn đề” thường bao giờ cũng là những cuốn hay nhất, có ích cho sự phát triển nhất- nhìn vào bằng chứng Minh Trị Thiên Hoàng xây nền đất nước Nhật Bản thì thấy… Và anh em trong giới nhìn nhau, có thể thấy cái “án” dành cho Nhà xuất bản Tri Thức treo lơ lửng trên đầu, sẵn sàng rơi xuống bất cứ lúc nào!

Và sáng nay đọc báo bên nhà, thấy cái tin: Ủy ban kiểm tra TW đảng CSVN đề nghị kỷ luật ông Chu Hảo, giám đốc Nhà xuất bản Tri Thức vì đã “tự chuyển hóa”. Với cương vị giám đốc NXB Tri Thức, ông Chu Hảo đã cho xuất bản một số cuốn sách có nội dung trái với quan điểm, chủ trương, đường lối của đảng, nhà nước, vi phạm luật xuất bản, bị cơ quan chức năng xử lý, thu hồi và tiêu hủy…

Một nỗi buồn mênh mông, giờ càng thêm thăm thẳm… Ở một đất nước dân đã lười đọc sách, tỉ lệ người đọc được những những cuốn đáng đọc vô cùng hiếm hoi. Và để có được những cuốn sách đáng đọc ấy lại càng… tuyệt vọng hơn nữa.

Người ta đang nói ra rả về “công nghiệp 4.0”, về “đô thị thông minh”, về “trí tuệ nhân tạo”… khi toàn dân đua nhau đọc… ngôn tình, báo lá cải. Sự nghiệp đọc sách của nhiều người ngoảnh lại chỉ có… Đô Rê Môn, Thám tử Cô Nan…

Có khi nào đất nước biến thành cây thông, cây sồi… khi chỉ gieo toàn cỏ dại và chặt đi bất cứ cái mầm nào lớn quá một gang tay?

-----------------------------

XEM THÊM


Chưa cần đợi tới sau này mà ngay bây giờ người ta đã bàn đến di sản của Chu Hảo. Một di sản thật đáng tự hào: Góp công đầu đưa Internet vào Việt Nam – điều đã giúp Việt Nam không rẽ theo hướng bế quan tỏa cảng như Bắc Hàn trong một giai đoạn gay go của lịch sử, và sẽ còn mang đến vô vàn những thay đổi tốt tươi cho đất nước.

Chủ trì việc dịch và xuất bản hàng trăm đầu sách kinh điển về chính trị, kinh tế, văn hóa giúp nhiều thế hệ người Việt nhìn thế giới theo một cách khác với cách mà cảnh sát tư tưởng mong muốn.

Và, quan trọng hơn cả, Chu Hảo, trong những giờ phút buộc phải tỏ bày một thái độ – khi sửa đổi Hiến pháp, bàn thảo Luật An ninh Mạng, hay lúc Trần Huỳnh Duy Thức tuyệt thực, đã cho công chúng thấy một trí thức chân chính khác một trí thức gian ngụy như thế nào, bằng cách đặt những gì cao quý lên trên những thứ thấp hèn, dẫu bản thân có rơi vào vòng rủi ro.

Trong khi đó, ở phía bên kia, Trần Cẩm Tú – người ký quyết định kỷ luật Chu Hảo, có lẽ rồi cũng như những tiền nhiệm Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương của mình – Trần Quốc Vượng, Ngô Văn Dụ, Nguyễn Văn Chi – sẽ chẳng thể để lại ngay cả là một vết gợn trong lòng công chúng.

Mà ngay cả cấp trên của Tú – người đứng sau quyết định kỷ luật kia và đang ở tột đỉnh quyền lực – có lẽ rồi cũng chỉ chìm vào lịch sử như một thứ bọt biển. Hãy nhìn tiền nhiệm của ông ta, Nông Đức Mạnh chẳng hạn, nếu được công chúng nhắc nhớ đến thì chỉ như một trò cười đi kèm đôi ba lời vớ vẩn ‘trồng cây gì, nuôi con gì’. Hay như một tiền nhiệm khác vừa nằm xuống, để lại gì trong lòng công chúng ngoài chút xôn xao về chuyện quá nhiều đất lúa bị lấy làm lăng mộ, trong khi báo chí quốc doanh dẫu có tới 1000 tờ sục sạo mãi cũng chỉ được câu chuyện đom đóm mơ hồ thuở ấu thơ làm nén nhang hồi tưởng?

Đáng thương thay cho một đám người, dẫu ở đỉnh cao quyền lực, có tên tuổi hẳn hoi nhưng rồi lại thành vô danh với lịch sử và nhanh chóng bị lãng quên bởi công chúng, vì chẳng để lại di sản gì. Án kỷ luật mà họ vừa tuyên, bởi thế, chỉ như tiếng thở dài tị nạnh với Chu Hảo – một người có di sản.







No comments:

Post a Comment