Sunday, October 21, 2018

MỸ - TRUNG : ANH ĐI ĐƯỜNG ANH, TÔI ĐƯỜNG TÔI (The Economist)




October 21, 2018

Hai siêu cường đã trở thành đối thủ như thế nào?

Trong một phần tư thế kỷ qua, cách tiếp cận của Mỹ đối với Trung Quốc được xây dựng trên niềm tin vào sự hội tụ. Hội nhập chính trị và kinh tế sẽ không chỉ làm cho Trung Quốc giàu có hơn, mà còn làm cho nước này tự do hơn, đa nguyên hơn và dân chủ hơn. Đã xảy ra những cuộc khủng hoảng, ví dụ, vụ đối đầu trong eo biển Đài Loan, năm 1996 hoặc vụ bắn hạ chiếc máy bay gián điệp, năm 2001. Nhưng Mỹ vẫn tin rằng, với những khích lệ phù hợp, cuối cùng, Trung Quốc cũng sẽ tham gia vào trật tự thế giới như một “người có trách nhiệm ”.

Hôm nay, hi vọng hội tụ đã cáo chung. Mỹ đã bắt đầu coi Trung Quốc là đối thủ chiến lược - một diễn viên đầy ác ý và một kẻ phá hoại pháp luật. Chính quyền Trump cáo buộc nước này can thiệp vào nền văn hóa và chính trị của Mỹ, ăn cắp tài sản trí tuệ và gian lận trong buôn bán, và tìm kiếm không chỉ vai trò lãnh đạo ở châu Á, mà còn muốn thống trị toàn thế giới. Mỹ lên án thành tích nhân quyền của Trung Quốc ở trong nước và bành trướng một cách hung hăng ra bên ngoài. Trong tháng này, Mike Pence, phó tổng thống Mỹ, đã cảnh báo rằng toàn bộ chính quyền Trung Quốc đã tham gia tấn công. Giọng điệu bài phát biểu thật đáng ngại, chẳng khác gì hồi kèn khơi màu cho cuộc chiến tranh lạnh mới.

Đừng nghĩ rằng ông Pence và cấp trên của ông ta, Tổng thống Donald Trump, là những người đơn độc. Đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa đang tranh giành nhau xem bên nào chỉ trích Trung Quốc mạnh mẽ hơn. Ngay từ cuối những năm 1940 một số doanh nhân, một số nhà ngoại giao và trong các lực lượng vũ trang Mỹ người ta đã nhanh chóng chuyển sang ý tưởng cho rằng Mỹ đang phải đối mặt với một đối thủ chiến lược và ý thức hệ mới.

Đồng thời, Trung Quốc cũng đang thay đổi quan điểm của chính mình. Các chiến lược gia Trung Quốc đã nghi ngờ từ lâu rằng, trong thâm tâm, Mỹ muốn ngăn chặn, không cho nước mình vươn lên. Đó là một phần lý do vì sao Trung Quốc tìm cách giảm bớt đối đầu bằng cách “ẩn mình chờ thời”. Đối với nhiều người Trung Quốc, cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 đã làm cho họ không cần khiêm tốn nữa. Cuộc khủng hoảng đẩy nước Mỹ lùi lại, trong khi Trung Quốc thịnh vượng. Từ đó, Chủ tịch Tập Cận Bình thúc đẩy “Giấc mơ Trung Hoa”, làm cho quốc gia này vươn lên đỉnh cao trên thế giới. Nhiều người Trung Quốc coi Mỹ là đạo đức giả, họ cho rằng Mỹ đã phạm tất cả những tội lỗi mà Mỹ cáo buộc Trung Quốc. Náu mình chờ thời đã qua.

Tình hình là rất đáng báo động. Theo các tư tưởng gia, ví dụ Graham Allison, đại học Harvard, lịch sử cho thấy các nước bá quyền như Mỹ và các cường quốc đang lên, như Trung Quốc, có thể dính mắc vào nhau trong chu kỳ cạnh tranh đầy thù nghịch.

Mỹ sợ rằng thời gian đang ủng hộ Trung Quốc. Tốc độ phát triển kinh tế của Trung Quốc cao hơn hơn hai lần so với Mỹ và nước này đang đổ tiền vào công nghệ tiên tiến, ví dụ, trí thông minh nhân tạo, điện toán lượng tử (quantum computing) và công nghệ sinh học. Hành động mà chỉ đơn thuần là làm nản chí trong ngày hôm nay – ví dụ, ngăn chặn việc thủ đắc một cách bất hợp pháp sở hữu trí tuệ, hoặc đối đầu với Trung Quốc ở Biển Đông - có thể là bất khả thi vào ngày mai. Dù muốn dù không, các chuẩn mực mới, điều chỉnh cách thức các siêu cường cư xử với nhau đang được thiết lập ngay lúc này. Khi tiêu chuẩn đã được thiết lập, sẽ khó mà thay đổi được nữa. Vì lợi ích của nhân loại, Trung Quốc và Mỹ cần phải thông cảm với nhau trong hòa bình. Bằng cách nào?

Trump và chính quyền của ông đã làm đúng ba việc. Trước hết, Mỹ cần phải trở thành đất nước đầy sức mạnh. Chính phủ của ông đã làm cho những luật lệ về việc tiếp quản các công ty Mỹ trở thành cứng rắn hơn, đặt ra nhiều điều khoản nhằm bảo an ninh quốc gia hơn trước. Chính phủ Mỹ cũng đã dẫn độ một nhân viên tình báo Trung Quốc bị cáo buộc từ nước Bỉ về Mỹ. Chính phủ cũng đã gia tăng ngân sách quân sự (mặc dù số tiền chi thêm cho châu Âu vẫn còn qua ít do với chi cho khu vực Thái Bình Dương). Và chính phủ cũng đã tăng các khoản viện trợ cho nước ngoài nhằm chống lại các khoản đầu tư hào phóng của Trung Quốc ở nước ngoài.

Trump cũng đúng khi cho rằng nước Mỹ cần điều chỉnh kỳ vọng về hành vi của Trung Quốc. Hệ thống giao dịch hiện nay không ngăn cản được các công ty được nhà nước Trung Quốc hỗ trợ xóa nhòa ranh giới giữa lợi ích thương mại và lợi ích quốc gia. Chính phủ Trung Quốc trợ cấp tiền và bảo vệ các công ty khi các công ty này mua công nghệ sử dụng cả trong lĩnh vực dân sự lẫn quân sự hoặc làm méo mó thị trường quốc tế. Trung Quốc đã và đang lợi dụng ảnh hưởng về thương mại của mình trong các nước nhỏ hơn nhằm tác động đến chính sách đối ngoại, ví dụ, ở Liên minh châu Âu. Phương Tây cần sự minh bạch về các khoản tài trơ của các đảng chính trị, các tổ chức nghiên cứu (think-tank) và các khoa của các đại học.

Thứ ba, khả năng có một không hai của Trump trong việc thể hiện thái độ coi thường của ông đối với nhận thức thông thường dường như đã và đang mang lại hiệu quả. Ông không phải là người tinh tế hay nhất quán, nhưng cũng như với hiệp định thương mại với Canada và Mexico, những lời hăm dọa của Mỹ có thể dẫn đến giao kèo. Trung Quốc không phải là đối tác dễ bị bắt nạt – kinh tế Trung Quốc không phụ thuộc vào xuất khẩu vào Mỹ như Canada và Mexico và khi đứng trước nhân dân, Tập [Cận Bình] không thể thể từ bỏ giấc mơ Trung Hoa. Tuy nhiên, việc Trump sẵn sàng đoạn tuyệt và xúc phạm đã gây khó khăn cho các nhà lãnh đạo Trung Quốc, những người cho rằng Mỹ không sẵn sàng lật ngược thế cờ.

Nhưng, để xử lí những việc sẽ diễn ra, Trump cần chiến lược chứ không chỉ chiến thuật. Điểm khởi đầu phải là quảng bá các giá trị Mỹ. Trump hành động như thể ông tin rằng đấy có thể là đúng. Ông khinh bỉ các giá trị mà Mỹ coi là thiêng liêng trong các thiết chế toàn cầu giai đoạn sau Thế chiến II. Nếu theo đường lối đó, nước Mỹ sẽ mất dần vai trò tư tưởng và vai trò của lực lượng đạo đức và chính trị. Khi Mỹ cạnh tranh với Trung Quốc trong vai người giám hộ trật tự dựa trên luật pháp, là nước này bắt đầu từ quan điểm của sức mạnh. Nhưng bất kỳ chế độ dân chủ phương Tây nào đối xử cạn tàu ráo máng với Trung Quốc sẽ - và chắn chắn sẽ - thua.

Chiến lược này nên dành không gian cho Trung Quốc vươn lên một cách hòa bình - có nghĩa là cho phép Trung Quốc bành trướng ảnh hưởng của mình. Một phần là vì nỗ lực ngăn chặn theo kiều “được ăn cả ngã về không” có thể dẫn đến xung đột. Nhưng làm như thế cũng vì Mỹ và Trung Quốc cần hợp tác, mặc dù họ vẫn cạnh tranh với nhau. Hai nước gắn bó với nhau về thương mại hơn là với Mỹ với Liên Xô trước đây. Và hai nước cùng chia sẻ trách nhiệm - ngay cả khi Trump phủ nhận - trong đó có các lợi ích về môi trường và an ninh, ví dụ, bán đảo Triều Tiên.

Và chiến lược của Mỹ phải bao gồm một loạt biện pháp nhằm chia tách nước này một cách rõ ràng ra khỏi Trung Quốc: thành lập các liên minh. Ví dụ, trong lĩnh vực thương mại, Trump nên làm việc với EU và Nhật Bản để ép Trung Quốc phải thay đổi. Về quốc phòng, Trump không chỉ phải ngừng công kích các liên minh mà còn cần giúp đỡ những người bạn cũ, như Nhật Bản và Australia, đồng thời, khích lệ những người bạn mới, như Ấn Độ và Việt Nam. Liên minh là cái gốc vững chắc nhất cho việc bảo Mỹ nhằm chống lại những lợi thế mà Trung Quốc sẽ gặt hái được nhờ sức mạnh kinh tế và quân sự ngày càng gia tăng của họ.

Có lẽ việc Mỹ và Trung Quốc trở thành đối thủ của nhau là không thể tránh khỏi. Nhưng đối thủ, cạnh tranh không có nghĩa là chiến tranh là không thể tránh khỏi.

*
Đã đăng trên Việt Nam Thời Báo

*
Nguồn The Economist







No comments:

Post a Comment