Monday, October 22, 2018

LỰA CHỌN NÀO : THÔNG MINH HAY NGU XUẨN? (Tâm Don - VNTB)




22 tháng 10, 2018

Việt Nam và Trung Quốc có lịch sử quan hệ lâu đời phức tạp, và trong thời hiện tại, hai quốc gia này lại gắn chặt với nhau bằng ý thức hệ cộng sản, thiết chế chính trị tương đồng. Trong những sự tương đồng đau đớn đó có sự dị biệt về quy mô của nền kinh tế, thu nhập hàng năm trên đầu người với phần thấp kém thuộc về phía Việt Nam. Nếu nền tảng của sự phát triển kinh tế- xã hội là sự sáng tạo , chua xót thay, nền kinh tế Việt Nam hiện không có tính sáng tạo, và nền kinh tế Trung Quốc có tính sáng tạo thấp( các thành quả sáng tạo của Trung Quốc đến từ cướp đoạt công nghệ dưới nhiều hình thức). Cả Việt Nam và Trung Quốc liệu sẽ có lựa chọn nào cho sự phát triển?

Việt Nam có thu nhập GDP bình quân là 2300 USD/người/năm, nằm trong số những nước thấp nhất trên thế giới. Vậy Việt Nam cần gì để phát triển?

Trung Quốc có GDP bình quân là 8600 USD/người/năm và nằm trong hiện trạng bẫy thu nhập trung bình thấp- một thuật ngữ dùng để chỉ tình trạng nền kinh tế buộc phải có một lựa chọn quyết định để phát triển ở mức tầm cao hơn, hoặc phải hài lòng và chấp nhận tình trạng trung bình thấp đó. Vậy, Trung Quốc cần gì để thoát ra khỏi tình trạng bẫy thu nhập trung bình thấp đó?

David Shambaugh, một học giả nổi tiếng người Mỹ đã viết trong cuốn China's Future - Tương Lai Trung Quốc, rằng: "Phát triển tương lai của Trung Quốc cũng sẽ là bài kiểm tra của các cuộc tranh luận triền miên giữa các nhà khoa học xã hội về vấn đề liệu dân chủ hóa chính trị có cần đi cùng hiện đại hóa kinh tế. Cho đến nay, chưa từng có trường hợp một nước phát triển kinh tế hiện đại mà không đồng thời dân chủ hóa. Kinh nghiệm của các nền kinh tế mới công nghiệp hóa là dân chủ không chỉ là kết quả của hiện đại hóa- nó cũng là nhân tố hỗ trợ cần thiết của quá trình này. Tối thiểu, chúng là quá trình cộng sinh". Quan điểm của David Shambaugh cũng là quan điểm của nhiều học giả chuyên nghiên cứu về các chế độ độc tài toàn trị. Nếu theo quan điểm của David Shambaugh, để thoát bẫy thu nhập trung bình thấp, Trung Quốc bắt buộc phải thay đổi về chính trị, hay nói cách khác, thay đổi chính trị ở Trung Quốc là bắt buộc.

Trung Quốc trong giai đoạn 1998 đến 2008 đã có những sự cởi mở khá rộng rãi về xã hội dân sự, về truyền thông báo chí, về cách đối xử bao dung với người dân. Trong giai đoạn này, tốc độ phát triển kinh tế của Trung Quốc luôn tăng trưởng ở mức cao, trung bình là 8,7%năm. Phải chăng đó là thành quả của sự khá cởi mở? Nhưng kể từ năm 2009 trở đi, Trung Quốc đã kiên quyết giải tán xã hội dân sự yếu ớt, siết chặt truyền thông báo chí, tăng cường đàn áp dân chúng. Đặc biệt, kể từ khi Tập Cận Bình lên đỉnh cao quyền lực vào năm 2012, chính quyền Trung Quốc ngày càng độc tài sắt máu. Các trại cải tạo mọc lên như nấm ở Tân Cương, hệ thống camera nhận diện khuôn mặt, chỉ số đánh giá tín nhiệm công dân, truyền thông báo chí tung hô Tập Cận Bình, đàn áp khốc liệt các cuộc phản kháng...là những bằng chứng cho thấy chính thể Trung Quốc càng ngày càng độc tài toàn trị. Trong giai đoạn 6 năm cầm quyền của ông Tập Cận Bình, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc đã chậm lại, tính trung bình là 6,7%/năm. Phải chăng, các yếu tố tự do vừa mới nảy nở đã mau chóng bị dập tắt là nguyên nhân làm chậm lại quá trình tăng trưởng của kinh tế Trung Quốc?

Trung Quốc sẽ lựa chọn thiết chế chính trị tự do, dân chủ- nền tảng làm nảy sinh tính sáng tạo để phát triển, hay Trung Quốc vẫn tiếp tục thực hiện thể chế chính trị độc tài toàn trị để rồi mắc kẹt trong bẫy thu nhập trung bình thấp? Từ khoảng 30 năm nay, nhiều học giả, nhiều tổ chức chính phủ và phi chính phủ đã đưa ra nhiều dự báo về tương lai Trung Quốc. Đa phần các dự báo đều trực diện nêu lên thời điểm nền kinh tế Trung Quốc sẽ đổ vỡ, thể chế chính trị Trung Quốc sẽ sụp đổ, nhưng tất cả đều sai. Giờ đây, đối với các học giả, việc dự báo về tương lai của Trung Quốc- cũng là dự báo về tương lai của Việt Nam, khó khăn như việc tìm kim dưới đáy biển. Tuy không thể dự báo, tuy không đưa ra dự đoán, nhưng cần phải đưa ra những con đường mà Trung Quốc- dĩ nhiên là cả Việt Nam, phải lựa chọn để phát triển đối với Việt Nam, để thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình thấp đối với Trung Quốc.

Nếu cả Trung Quốc và Việt Nam đều lựa chọn thể chế độc tài toàn trị hiện nay, thì, Trung Quốc sẽ khó thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình thấp, và đành phải chấp nhận vị thế của một kẻ chiếu dưới về kinh tế và quyền lực mềm, bởi không thể nào hiện đại hóa kinh tế nếu không có dân chủ. Nếu lựa chọn thể chế độc tài toàn trị hiện nay, sự bất ổn ở Trung Quốc sẽ càng ngày càng dâng cao(vào năm 2015, Trung Quốc có 210.000 cuộc phản kháng có từ 100 người đến hơn 10.000 người so với 9800 cuộc phản kháng vào năm 1998) kéo theo sự trì trệ về kinh tế và xã hội. Việt Nam, nếu vẫn chọn độc tài toàn trị thì kinh tế sẽ phát triển ở cấp số cộng trong khi thế giới phát triển với cấp số nhân, và bất ổn xã hội ngày càng lớn. Từ khoảng 5 năm nay, các chuyên gia kinh tế ở Việt Nam đã chính thức thừa nhận sự tụt hậu về kinh tế của Việt Nam đối với khu vực Đông Nam Á nói riêng, Châu Á và thế giới nói chung. Và những thực tế xã hội đau lòng đã xuất hiện với tần suất liên tục. Nỗi đau Thủ Thiêm đang rộ lên là điển hình cho những bất công và cay đắng ở Việt Nam. Nhưng khi Trung Quốc đã thay đổi hiến pháp để ông Tập Cận Bình nắm quyền trọn đời, khi ông Nguyễn Phú Trọng sắp có trong tay chức vụ chủ tịch nước, có vẻ như, cả Trung Quốc và Việt Nam đều kiên định con đường độc tài toàn trị, ít nhất là trong vòng 5-10 năm nữa.

Con đường thứ hai mà Trung Quốc và Việt Nam có thể lựa chọn là thiết chế chính trị độc tài mềm đang tồn tại ở khá nhiều quốc gia với đặc trưng có nền kinh tế thị trường khá cao, có đối lập vừa phải, có đa nguyên chính trị tương đối, có xã hội dân sự tương đối rộng khắp, có báo chí truyền thông chút ít tự do. Phẩm chất của mô hình chính trị này là xã hội có tự do tương đối nên sẽ có sáng tạo tương đối, và có các chính sách thực dụng giúp kinh tế phát triển. Nếu lựa chọn con đường này, Trung Quốc sẽ thoát ra bẫy thu nhập trung bình thấp, xã hội bất ổn ở mức thấp, và Trung Quốc sẽ có tiếng nói khá trọng lượng đối với cộng đồng quốc tế, có hành xử trách nhiệm. Nếu Việt Nam lựa chọn con đường này, Việt Nam sẽ tương đối phát triển, và tiến nhanh về bẫy thu nhập trung bình thấp mà Trung Quốc đang vướng phải, xã hội Việt Nam có độ bất ổn thấp.

Con đường thứ ba mà Trung Quốc và Việt Nam có thể lựa chọn là xây dựng một thể chế dân chủ nửa vời kiểu Singapore với đặc điểm đa đảng nhưng đa nguyên chính trị thấp, đảng cầm quyền nhưng tam quyền phân lập đích thực, triệt để một nền kinh tế thị trường, xã hội dân sự phát triển cao, tự do báo chí ở mức khá cao. Cách đây khoảng 20-30 năm về trước, Trung Quốc đã muốn đi theo hình mẫu Singapore, nhưng sau biến cố Thiên An Môn vào năm 1989, ông Đặng Tiểu Bình đã âm thầm tiêu diệt ước mơ này. Nếu Trung Quốc đã có ước mơ đó tại sao không nghĩ rằng họ sẽ mơ ước lại? Giờ đây, cả chính thể và người dân Việt Nam đều ngưỡng mộ đất nước Singapore, thế tại sao họ không cố gắng xây dựng đất nước theo hình mẫu ấy? Nếu chọn con đường dân chủ nửa vời theo kiểu Singapore, cả Trung Quốc và Việt Nam sẽ mau chóng phát triển trong hòa bình và thịnh vượng.

Có chọn lựa nào, có con đường nào khác cho Trung Quốc và Việt Nam? Có con đường mà nhân loại văn minh đã dày công vun đắp và trên con đường ấy luôn ngập tràn yêu thương, bao dung và tha thứ. Đó là con đường tự do, dân chủ hoàn toàn theo kiểu Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Úc, New Zealand, Canada, Hà Lan, Phần Lan, Na Uy, Nhật Bản, Hàn Quốc…đang có sức hấp dẫn cực kỳ lớn đối với thế giới thứ ba và thế giới thứ nhất. Nếu cả Trung Quốc và Việt Nam lựa chọn con đường này, đấy là niềm hạnh phúc lớn lao không chỉ riêng của nhân dân Trung Quốc và Việt Nam, mà còn là niềm hạnh phúc vô bến vô bờ của nhân dân toàn thế giới.

Các thách thức về kinh tế và xã hội đang đòi hỏi Trung Quốc và Việt Nam lựa chọn một thiết chế chính trị tiến bộ hơn thiết chế chính trị hiện tại, và đây không phải là một lựa chọn may rủi mà là sự lựa chọn dựa trên thông minh hay ngu xuẩn. Kẻ thông minh sẽ có lựa chọn thông minh, kẻ ngu xuẩn sẽ có lựa chọn ngu xuẩn.







No comments:

Post a Comment