Monday, October 22, 2018

BẢN TIN NGÀY 22.10.2018 (Báo Tiếng Dân)




22/10/2018

Tin Biển Đông

Mỹ muốn Nhật, Hàn phối hợp ngăn chặn mọi sự thống trị ở Biển Đông, theo Thông Tấn Xã Việt Nam. Trong cuộc gặp các quan chức Nhật Bản và Nam Hàn tại Singapore, Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ James Mattis “nhắc lại lập trường của Washington về vấn đề Biển Đông, đồng thời kêu gọi Nhật Bản và Hàn Quốc phối hợp với Mỹ nhằm ngăn chặn bất kỳ quốc gia đơn lẻ nào thống trị vùng biển này”.

Bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ J.Mattis (thứ nhì từ phải sang trái) và các đối tác Đông Nam Á tại Singapore. Ảnh chụp ngày 19/10/2018. Nguồn: Reuters

Trang Viet Times có bài: Biển Đông tăng nhiệt – ASEAN cần chứng minh vai trò trung tâm. Bài viết bình luận: “Việc cấp thiết với chính quyền của ông Trump là đưa ra và giới thiệu một chiến lược hiệu quả trên Biển Đông để định hình cách cư xử của tất cả các bên phù hợp với luật hàng hải quốc tế”.

Báo Lao Động bàn về tuyên bố chung giữa Việt Nam và Đan Mạch nhân chuyến thăm của Thủ tướng. Hai bên đã “khẳng định tầm quan trọng của việc đảm bảo quyền tự do… đặc biệt là quyền tự do hàng hải và hàng không tại Biển Đông và kêu gọi các bên liên quan giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình phù hợp với luật pháp quốc tế”.


Nhân quyền ở Việt Nam

BBC kể chuyện của Thao, chuyện một gia đình H’Mông theo đạo Tin Lành đã phải trốn chạy khỏi Việt Nam bởi những thủ đoạn đàn áp rất khốc liệt của an ninh và chính quyền. Vue Chor, chồng của Nhia Thao, kể rằng, tháng 3/1988, công an địa phương sau khi biết có nhiều gia đình trong bản cải đạo sang Tin Lành, đã “bắt giữ tất cả những ai phụ trách họ đạo và theo đạo phải từ bỏ đạo”.

Cuộc đàn áp tôn giáo càng về sau càng diễn tiến tàn bạo hơn, công an tận dụng triệt để các hình thức khủng bố dân chúng. Đến đầu năm 2003, gia đình Thao không thể chịu đựng nổi nữa, đã quyết định vượt biên sang Lào, rồi sang tận Thái Lan.

Công an và bộ đội kiểm tra, truy bắt những người H’Mông theo đạo Tin Lành. Tranh minh họa theo lời kể của Vue Chor và Nhia Thao. Nguồn: BBC


Lời xin lỗi dân Thủ Thiêm và chiếc giày đáp trả

Như mọi người đã biết, trong buổi tiếp xúc cử tri quận 2 sáng 20/10/2018, chị Nguyễn Thị Thùy Dương vì quá phẫn nộ đã ném giày vào mặt bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, Phó Bí thư Thành ủy kiêm Chủ tịch HĐND TP.HCM, bởi người dân Thủ Thiêm bị lãnh đạo thành Hồ cướp đất, cướp nhà hơn 20 năm cần những hành động thiết thực, thay vì trò biểu diễn xin lỗi.

Video của nhà báo Trương Châu Hữu Danh ghi lại cảnh ném giày, đã bị khóa sau hơn 2 tiếng, sau đó được mở lại: https://www.facebook.com/huudanh.truong.5/videos/1595390210561380/

Sau đó, chị Thùy Dương kể chuyện bị công an “giáo huấn”vì dám ném dép vào “công bộc của dân”: “Sáng bị giáo huấn sớm! Anh công an cố giảng giải cho em biết bà Tâm không liên quan gì tới việc mất đất của dân… Anh ấy nói nếu không khéo an ninh họ làm việc em. Động cơ chính trị của em. Có ai lôi kéo xúi giục không?

Cần lưu ý, theo nhà báo Trương Châu Hữu Danh, gia đình chị Dương từng nuôi giấu cán bộ cộng sản, ông ngoại chị là cựu tù chính trị, nhưng cuối cùng gia đình vẫn bị cướp đất. Đó là sự “đền ơn đáp nghĩa” mà rất nhiều gia đình miền Nam từng giúp đỡ cộng sản, nhận được.

Nhà báo Trương Châu Hữu Danh cũng kể về gia đình chị Trần Thị Ngọc Muội, một dân oan Thủ Thiêm bị cướp đất, đã từng bị công an ập vào nhà bắt đi với cáo buộc “Chống người thi hành công vụ”, khi chị Muội chống trả cướp đất gia đình bằng cách ném 4 chai xăng vào lực lượng cưỡng chế.

Ông Danh viết: “Nhiều người nói, nếu ‘chiếc giày Thủ Thiêm’ vung ra sớm hơn thì có lẽ tốt hơn. Nhưng thực tế không phải vậy, những người dân Thủ Thiêm đã dùng tới xăng, thậm chí dùng tới tính mạng của mình để giữ đất, nhưng không được. Sau trận Thủ Thiêm, nhiều người dân sống lang thang, ăn xin, lượm ve chai, vô trại tâm thần. Cũng có những người treo tòn ten bằng sợi dây. Có người tai biến mà chết. Còn luật sư, đất mình còn bị cướp dù đây là luật sư rất giỏi. 2012 là chỉ mới đây thôi, mà luật rừng lại có sức mạnh thật ghê gớm. Hay là vì kẻ ác quá đông?

BBC dẫn lời dân oan Thủ Thiêm: Có sự dàn dựng trong buổi tiếp dân. Ông Lê Văn Lung, đại diện một nhóm dân oan, cho rằng, buổi tiếp xúc sáng 18/10 đã được dàn dựng, vì trong khi có hàng trăm dân oan chờ được lên tiếng, chỉ có 30 người được tham gia, 25 người trong đó đã nhận được tiền bồi thường.

Về phía chính quyền, trước sự phẫn nộ của dân oan Thủ Thiêm, Bí thư Thành ủy TP HCM đành hứa: Cán bộ có sai phạm liên quan đến vụ Thủ Thiêm sẽ bị xử lý trong tháng 11, theo báo Giáo Dục Việt Nam. Ông Nhân nói thêm: “Từ đầu tháng 5 đến giờ là tháng 10, Thường vụ Thành ủy đã họp 6 lần và đều là để giải quyết vấn đề Thủ Thiêm”.

Liệu ông Nhân và phe “đốt lò” có dám thực hiện đúng lời hứa, xử lý đúng người đúng tội, là ông Lê Thanh Hải, “vua không ngai” một thời ở miền Nam và thân tín của ông là Tất Thành Cang, cùng vây cánh của họ?



Sau một thời gian viết bài ủng hộ dự án nhà hát Thủ Thiêm, một số tờ báo “lề đảng” bắt đầu chuyển hướng. Báo Thương Gia và Thị Trường có bài: Nhà hát nghìn tỷ Thủ Thiêm chưa đủ điều kiện “độ chín đô thị”. Bài viết lập luận, tình hình khu đô thị Thủ Thiêm còn phức tạp, nên công trình nhà hát chưa thích hợp lúc này.



Chính trường Việt Nam trước thời ngày “nhất thể hóa”

Báo VnExpress đưa tin: Hôm nay Quốc hội nghe giới thiệu nhân sự để bầu Chủ tịch nước. Bài viết nhắc lại sự kiện: “Ngày 3/10, Hội nghị Trung ương 8, khóa XII đã thống nhất 100% giới thiệu ông Nguyễn Phú Trọng – Tổng bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng để Quốc hội bầu giữ chức vụ Chủ tịch nước tại Kỳ họp thứ 6”.

Nếu không có thay đổi, các bước bầu Chủ tịch nước, kết thúc bằng bỏ phiếu kín, sẽ diễn ra trong sáng mai, 23/10. “Kết quả bầu Chủ tịch nước sẽ được công bố trong chiều mai. Tân Chủ tịch nước tuyên thệ trước Quốc hội trong buổi lễ truyền hình, phát thanh trực tiếp”.

Nhà giáo Nguyễn Tiến Dân có bài: Viết cho Tổng Trọng, trước ngày ngài lên ngôi Hoàng đế. Tác giả viết: “Nếu không thay đổi một cách tận gốc – tận rễ của vấn đề Dân chủ, ai lên ngôi Hoàng đế của nước Nam, chung cuộc vẫn là: Hết thế kỉ này, sau bao nhiêu lần ‘cải cách’ với lại ‘cải tổ’, Đảng CS anh minh, rồi cũng sẽ lại đưa nước ta quay trở về với vạch xuất phát. Vấn đề còn lại, chỉ là: Dân Việt, có muốn quay trở về với cái vạch định mệnh ấy, hay không“.


Sai phạm đất công

Chủ dự án trên đất vàng 5.000 m2 ‘doạ’ kiện UBND TP HCM, theo VnExpress. Trước đó, Công ty Lavenue đã gửi công văn đến Thủ tướng đề xuất được tiếp tục triển khai dự án trên khu đất vàng tại số 8-12 Lê Duẩn, quận 1, là lô đất bị Thanh tra Chính phủ kiến nghị thu hồi do UBND TP HCM bán cho tư nhân sai quy định, gây thất thoát hàng ngàn tỷ đồng.

Ông Đỗ Minh Quân, Tổng Giám đốc Lavenue cho biết: “Nếu dự án bị thu hồi, công ty sẽ phá sản, cán bộ nhân viên sẽ không có việc làm. Chúng tôi bắt buộc khởi kiện UBND TP HCM ra toà án và trọng tài kinh tế quốc tế”.

Báo Giáo Dục Việt Nam đặt câu hỏi: Ai ở Bộ Xây dựng phải chịu trách nhiệm với sai phạm trên đất vàng Hà Nội?Theo bài viết, Thanh tra Chính phủ sau khi kiểm tra 38 dự án chuyển đổi mục đích sử dụng đất đã phát hiện sai phạm về tài chính gần 4.000 tỷ đồng, “vi phạm về quy hoạch xây dựng, phương án kiến trúc không tuân thủ quy định”.


Những con đường… đốt tiền

Báo Kinh Tế Nông Thôn đặt câu hỏi: Cao tốc nghìn tỷ và trách nhiệm của ai? Bài viết nhắc lại câu trả lời của ông Nguyễn Tiến Thành, Giám đốc Ban quản lý dự án cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi, khi được hỏi tại sao một tuyến đường ngàn tỉ lại nhanh hư hỏng như vậy. Theo ông Thành, “do mưa lớn nên một số vị trí bị trũng nước, xe tải trọng lớn đi qua khiến bong bật lớp bê tông nhựa tạo nhám”. Nghĩa là lỗi tại ông trời!?

Đường Trường Sơn Đông đoạn qua xã Ea Lai huyện M’Đrắc, một con đường được đầu tư ngàn tỉ nhưng nhanh chóng hư hỏng. Nguồn: KTNT

Báo VnExpress đưa tin: Cầu chui trên cao tốc 34.000 tỷ bị thấm nước. Một người dân kể: “Đoạn đường qua cầu chui, hầm chui chưa hoàn hiện nên đã gây lầy lội, ngập nước, ảnh hưởng việc đi lại”. Đường trị giá ngàn tỉ, thậm chí chục ngàn tỉ ở Việt Nam có lẽ chỉ để chứng minh rằng quan chức cộng sản và các “nhà đầu tư” có thể… đốt tiền hiệu quả đến mức nào.


Ô nhiễm môi trường

Báo Lao Động có bài: 28 năm sống trên rác, chờ một lời hứa. Bà Nguyễn Thị Thành, một người dân phường Hòa Khánh Nam, TP Đà Nẵng, chia sẻ: “Gần 2.000 hộ dân Khánh Sơn đang cõng bãi rác cho cả TP. Vậy mà sau đó, chính quyền còn cho xây dựng hai lò đốt rác thải y tế. Chúng tôi can, bởi không còn sức lực để gánh thêm nổi nữa”.

Bà Thành nói thêm: “Chính lãnh đạo Sở Tài nguyên Môi trường lúc bấy giờ đã đứng trước dân và hứa, họ sẽ làm công nghệ ngoại, không ô nhiễm. Nhưng rốt cuộc thì sao? Chúng tôi mỗi ngày sống như giữa thời chiến tranh, khói bụi mịt mù”.

Nhà máy rác ngừng hoạt động, nghìn người Thanh Hóa kêu trời, theo VietNamNet. Một người dân chia sẻ về tình trạng ô nhiễm xung quanh nhà máy xử lý rác ở xã Hoằng Trường, huyện Hoằng Hóa: “Mùa tháng 5, tháng 6 trời nắng mùi hôi thối bốc lên nồng nặc. Người dân thôn 1, 2, 4, 7 ở trong nhà cũng phải đeo khẩu trang. Ruồi nhặng bâu đen nhà, ăn cơm cũng phải mắc màn”.

Báo Người Lao Động bàn về dự án có nguy cơ gây ô nhiễm tiếp tục xây dựng, bất chấp lệnh dừng ở huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình. Theo đó, cơ sở chế biến gỗ của Công ty Lâm nghiệp Thuận Đức ở đầu nguồn hồ Vực Sanh có nguy cơ gây ô nhiễm cho nguồn nước sinh hoạt, tưới tiêu của hàng ngàn người dân xã Hạ Trạch. Doanh nghiệp bất chấp cả lệnh đình chỉ hoạt động của Sở TN-MT tỉnh và UBND huyện.  


***







No comments:

Post a Comment