Monday, September 3, 2018

TINH THẦN THỂ THAO & "MÀU CỜ, SẮC ÁO" (Đồng Phụng Việt)




Thứ Hai, 09/03/2018 - 13:15 — DongPhungViet

ASIAD 2018 đã kết thúc. Đoàn Thể thao Việt Nam đã trở về với bốn tấm huy chương vàng của Điền kinh, Đua thuyền, Pencak Silat, đội tuyển bóng đá nam góp mặt tại vòng tứ kết môn bóng đá. Ngoài chuyện tổ chức đón tiếp trọng thể, Thủ tướng Việt Nam đã dành thời gian gặp gỡ những đại diện tiêu biểu của Đoàn Thể thao Việt Nam.

Ông Phúc thú thật rằng trong những ngày vừa qua (từ 18 tháng 8 đến 2 tháng 9), không khí đất nước rất sôi động, người dân sống với nhiều cảm xúc đặc biệt khi xem các trận đấu, các màn tranh tài của đoàn thể thao Việt Nam tại ASIAD 2018. Chứng kiến cảnh hàng vạn người đổ ra đường mừng chiến thắng của đội tuyển bóng đá nam suốt đêm, ông Phúc cũng xúc động và cho rằng, chiến thắng lớn nhất là chiến thắng trong lòng người hâm mộ Việt Nam...

Giống như thường lệ, đại diện các huấn luyện viên và vận động viên tiếp tục gửi lời cảm ơn sâu sắc đến lãnh đạo Chính phủ đã tạo điều kiện tốt nhất cho các vận động viên trong tập luyện, thi đấu và hứa sẽ cố gắng đạt kết quả tốt ở những giải sắp tới…

Sự biết ơn sâu sắc đó có lẽ thái quá. Nếu có, sự biết ơn sâu sắc ấy chỉ nên dành riêng cho các huấn luyện viên và vận động viên bóng đá nam mà thôi… 

***  
Sau buổi đón tiếp trọng thể và cuộc gặp thể hiện sự ân cần của chính phủ, Lê Anh Tùng – một trong những người gắn bó – biết rất rõ về quyền Anh Việt Nam, tâm sự như thế này trên mạng xã hội về “Những người không được vinh danh”...

Trường Giang có lẽ là Huấn luyện viên boxing duy nhất trên thế giới làm công tác ổn định tâm lý trước khi thi đấu cho vận đông viên của mình bằng… Zalo. Anh không có suất đi ASIAD đợt này mặc dù vận động viên đó là do anh huấn luyện trực tiếp hàng ngày. Chả cứ anh, chuyên gia Thái lan, người đồng hành cùng anh cũng không có suất vì anh chỉ là nhân viên hợp đồng, không trong biên chế nhà nước và vị chuyên gia cũng chẳng có tên bởi hắn thuộc quân số Hà Nội.

Tuần trước, mấy thằng chúng tôi ngồi uống bia bên Nguyễn Sơn, anh cắm mặt vào điện thoại chat với đệ tử, chỉ đạo về mặt chiến thuật và động viên tâm lý cho đệ tử của mình. Trận đó, Tâm gặp đối thủ người Hàn Quốc và chiến thắng oanh liệt 5-0 giành suất vào Tứ kết. Tôi hỏi anh: Liệu Tâm có hi vọng đoạt huy chương vàng không? Anh bảo: Khó lắm, mai là ngày nó có kinh, điều chỉnh bằng thuốc cũng gây mệt mỏi mà không điều chỉnh cũng dở thành ra phải làm công tác tâm lý kỹ, không là hỏng...

Trận Bán kết, Tâm gặp đối thủ người Triều Tiên. Em đánh dưới khả năng, chịu thua và chỉ được Huy chương Đồng. Huy chương Đồng nghe thì chả oai phong gì nhưng nếu đến xem các cháu nó ăn tập như thế nào thì mới thấm thía giá trị của tấm huy chương đó…

Một lần anh Giang bảo tôi: Mày xuống Mỹ Đình xem có giải quyết được nước cho các cháu không. Chúng nó con gái mười tám, đôi mươi mà không có nước tắm rửa tội chúng nó quá. Tôi phi xuống kiểm tra. Mò vào phòng mấy đứa vận động viên, vừa mở cửa, mùi hôi xộc lên làm tôi hắt hơi lia lịa. Mùi đó tổng hợp của mồ hôi, ẩm thấp lẫn mùi cứt đái cống rãnh... Tôi lật nắp bồn cầu: Cứt đầy ự!.. Mở thử vòi chả có tí nước nào. Anh Giang giải thích. Nước nó bơm theo giờ. Ỉa buổi sáng chiều mới xả được. Tôi hỏi: Không có bể chứa hả anh? Có nhưng ống hỏng nên tí là chảy hết. Tôi lắc đầu: Thế thì em chịu mẹ nó rồi. Anh xin kinh phí chứ cả tòa nhà to thế này làm lại đường nước chết tiền đấy. Nói đến tiền tôi thấy anh xịu mặt. Tôi biết là anh bó tay...

Đầu Hè, anh bảo: Mày có con điều hòa cũ nào không? Tao đang cần một con để lắp cho mấy đứa vận động viên. Nóng quá chúng nó không ngủ được. Tôi bảo em không có máy cũ đâu, anh mua mẹ nó máy mới mà lắp, điều hòa bây giờ cũng rẻ mà… Anh không nói gì chỉ thở dài...

Tôi đã vào phòng dành cho huấn luyện viên ở Mỹ Đình. Căn phòng độ 20 mét vuông kê cái gường sắt và la liệt xô chậu để hứng nước từ trần đang tí tách rỏ xuống. Nền gạch chỗ phồng lên, chỗ sụt xuống. tường nhà rêu mọc xanh rì. Thấy tôi lắc đầu ngán ngẩm anh bảo: Kêu nhiều rồi: Chả ai quan tâm...

Tùng nhận định: Thầy trò nhà anh ăn tập trong điều kiện khủng khiếp đó mà vẫn có huy chương. Đồng thôi nhưng với tôi, đó chắc chắn là đồng đen chứ đếch phải đồng thau vớ vẩn.. và kết: Chuyện của anh Ba Đồ Lỗ. Có thế thật hoặc không thật. Ai tin thì tin (1)…

***
Tự thân thể thao – cách gọi chung những hoạt động thể chất nhằm duy trì, phát triển cả kỹ năng lẫn năng lực thể chất – là lành mạnh. Khi đề cao yếu tố cạnh tranh trong phạm vi quốc gia, khu vực hay toàn cầu, thể thao đem lại niềm vui, hứng khởi cho cả người tham gia lẫn người xem. Tuy nhiên, cạnh tranh gay gắt đến mức nào thì ở đâu, bao giờ, người ta cũng đề cao và nhắc nhau về “tinh thần thể thao” - ứng xử đẹp, có trước có sau với nhau, bất kể thắng – thua, thành tích.

Chẳng phải lúc nào “tinh thần thể thao” cũng ở trên hết. Lịch sử thể thao ghi nhận, Benito Mussolini từng sử dụng Giải Vô địch Bóng đá Thế giới 1934 diễn ra ở Ý để thị uy về chính thể phát xít ở Ý. Chính thể phát xít ở Đức cũng đã từng dùng cả Olympic mùa Hè và Olympic mùa Đông ở Berlin năm 1936 để quảng bá sự ưu việt của chủng tộc Aryan…

Chắc chắn không phải tự nhiên mà Việt Nam nhấn mạnh yếu tố “màu cờ, sắc áo” trong việc tham dự các giải thể thao. Chắc chắn không phải tự nhiên mà tại Việt Nam, bóng đá nam được đối xử như “con cầu tự”, còn những môn thể thao khác bị đối xử như “con hoang”. Cứ quan sát ắt sẽ thấy, khác biệt trong cách đối xử với bóng đá nam và các môn thể thao khác chỉ vì chiến thắng của những môn thể thao khác không thể làm hàng triệu người phát cuồng theo kiểu “Tự hào quá Việt Nam ơi”, khiến họ quên đi thực tại và cũng chẳng thèm bận tâm đến tương lai.

Không phải “tinh thần thể thao”, chỉ có “màu cờ, sắc áo” nên dẫu đỏ chóe, màu sắc mau… bạc. Muốn biết “màu cờ, sắc áo” mau… bạc và bạc đến mức nào, cứ vào google, gõ những từ khóa kiểu như “vận động viên+đoạn kết buồn”, “vận động viên+bất hạnh” sẽ thấy vô số những “nữ hoàng”, “kình ngư”, “cô gái vàng”… sống bi thảm ra sao sau khi không còn khả năng tô điểm cho “màu cờ, sắc áo” (2) (3)...

Nghe "biết ơn sâu sắc" mà buồn: Buồn cười và buồn nôn!

---------------

Chú thích













No comments:

Post a Comment