Monday, September 3, 2018

NGƯỜI TRUNG QUỐC NUÔI HÀNG TỶ CON GIÁN ĐỂ LÀM GÌ? (Hà Tường Cát / Người Việt)




Hà Tường Cát/Người Việt
September 3, 2018

Cách đây ít lâu, tờ South China Morning Post xuất bản ở Hong Kong cho biết, thành phố Tây Xương, tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc, có một trại chăn nuôi vĩ đại mà ít ai biết, mỗi năm nuôi sáu tỷ con gián nghĩa là gần bằng số đầu người trên Trái Đất này.

Người ta thường coi gián là một loài côn trùng “ghê tởm” chẳng có lợi ích gì và sẵn sàng đập chết bất cứ khi nào gặp chúng ở đâu. Vậy thì vì mục đích nào mà người ta nuôi nhiều như vậy? Lời giải đáp không khó và không có gì phải ngạc nhiên lắm.

Đối với dân Trung Hoa bất cứ thứ gì cũng có thể được coi là có dược tính và càng lạ lùng, khó khăn, khan hiếm, thì càng có thể là những món thần dược.

Ở Trung Quốc có nhiều trại nuôi gián, cung cấp một loại dược liệu cho y khoa hoặc dùng làm thực phẩm giàu protein nuôi gia súc. Nhưng không trại nào có quy mô và sản lượng sánh với trại ở Tây Xương.

Trại gián ở Tây Xương là một cao ốc nhiều tầng trên một khu đất rộng bằng hai sân vận động. Bên trong là những ngăn kệ dài, hẹp, cách khoảng nhau, ở giữa có máng đồ ăn và nước uống để ngỏ. Nơi đây ấm và tối quanh năm, các con gián có thể tự do chạy kiếm ăn và sinh nở trong từng ngăn đóng kín như nhà tù. Từ khi sinh cho đến khi chết những con gián không bao giờ thấy ánh nắng mặt trời. Rất ít khách được phép vào thăm trại, vả lại cũng chẳng mấy ai ưa mùi hôi của một số đông đảo những con gián sống tập trung như thế.

Theo một bài phóng sự của tờ báo quốc doanh Quang Minh nhật báo năm 2011, khách vào thăm trại phải mặc y phục khử trùng như các công nhân để tránh đem theo chất ô nhiễm và ký sinh trùng gây bệnh. Số công nhân làm việc trong trại rất ít và đâu đâu cũng chỉ thấy gián. Bật đèn bấm lên, các con gián bỏ chạy bay đi tạo thành âm thanh như gió thổi rào rào qua lá cây.

Để điều hành cái cộng đồng sáu tỷ con gián ấy, người ta vận dụng tới trí tuệ nhân tạo (AI – Artificial Intelligence). Mỗi năm một square foot trại gián Tây Xương sản xuất ra gần 28,000 con gián trưởng thành, theo báo cáo lên Bắc Kinh của chính quyền địa phương hồi đầu năm nay. Chính quyền tỉnh Tứ Xuyên nói rằng lần đầu tiên trong lịch sử có một số lớn gián như vậy được nhốt và nuôi tại một nơi. Dự án này đã đạt tới những khai thông khoa học và kỹ thuật xứng đáng được huân chương quốc gia.

Trại Tây Xương đạt hiệu năng kiệt xuất một phần là nhờ áp dụng hệ thống sản xuất thông minh điều khiển bởi trí tuệ nhân tạo. Hệ thống này thường xuyên thu thập và phân tích hơn 80 dữ liệu thiết yếu bao gồm độ ẩm, nhiệt độ, thực phẩm thích hợp. Nó cũng theo dõi những biến đổi như luân chuyển gen và tác động tới sức phát triển của những con gián.

Nói với tờ South China Morning Post (SCMP), Tiến Sĩ Zhang Wei ca ngợi AI đã làm chuyển biến Trung Quốc trên nhiều lãnh vực, từ hệ thống nhận định diện mạo có khả năng xác định trong ít giây đồng hồ lý lịch của 1.3 tỷ công dân, cho đến sự hỗ trợ cho hạm trưởng tàu ngầm nguyên tử có thể đưa ra quyết định mau chóng và chính xác trong tác chiến.

Ở trại nuôi gián, hệ thống trí tuệ nhân tạo rút kinh nghiệm từ các công việc cũ và tự điều chỉnh để cải tiến sản xuất gián.

Tiến Sĩ Zhang là giáo sư phụ giảng trường đại học cơ khí Chiết Giang, người trợ lực trong việc phát triển hệ thống. Ông nhìn nhận AI đã được dùng nhưng từ chối không cho biết thêm chi tiết.

Trại gián Tây Xương do tập đoàn dược phẩm Gooddoctor Pharmaceutical Group ở Thành Đô, tỉnh Tứ Xuyên, quản lý. Tập đoàn xác nhận giá trị của những tài liệu nạp lên chính quyền, tuy nhiên nói rằng không thể trả lời phỏng vấn của tờ SCMP vì vấn đề có liên quan tới bí mật thương mại.

Giáo Sư Zhu Chaodong, chuyên gia về côn trùng thuộc viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc ở Bắc Kinh nói rằng sẽ là thảm họa môi trường nếu chẳng may trong một tình huống bất ngờ nào đó hàng tỷ con gián thoát ra ngoài. Điều ấy có thể do lỗi lầm của con người hoặc bởi một thiên tai như động đất tàn phá làm hư hại cơ sở nuôi gián.

Theo Giáo Sư Zhu, 800,000 cư dân thành phố Tây Xương sống gần trại nuôi gián sẽ vô cùng kinh hoàng nếu tai nạn như thế xảy ra. Trại gián cũng ở gần phi cảng và cần phải có những biện pháp phòng vệ thích ứng.

Giáo Sư Zhu cũng cho biết chu trình sinh sản của gián gia tăng gấp rất nhanh chóng trong môi trường khí hậu nóng và ẩm như ở Tây Xương. Bắt đầu chỉ cần hơn chục con gián là không bao lâu sau cả một khu phố sẽ có thể bị quậy phá. Cũng có mối lo ngại rằng mức sinh sản mau chóng ở trại và sự biến đổi gen sẽ làm phát sinh những con “siêu gián” bất thường về tầm cỡ cũng như mức độ sinh nở. Nhưng theo Giáo Sư Zhu thì điều ấy khó xảy ra.

Nói theo khoa học, gián là một số loài côn trùng thuộc bộ Blattodea có thể mang mầm bệnh cho con người. Phổ biến nhất là các loài gián Mỹ chiều dài khoảng 30 mm, gián Đức dài khoảng 15 mm gián Châu Á, cũng khoảng 15mm, gián phương Đông khoảng 25 mm. Trong số 4,600 loài gián có khoảng 30 loài sống trong môi trường gần con người và bốn loài gián được biết đến là loài gây hại.

Những hóa thạch giống loài gián sớm nhất có từ kỷ Than Đá, vào khoảng 354-295 triệu năm trước đây. Tuy nhiên, những hóa thạch này hơi khác so với những loài gián hiện đại đã qua quá trình tiến hóa lâu dài. Như vậy gián là loài động vật có khả năng sinh tồn mạnh, tồn tại qua đươc nhiều thời kỳ mà những loài động vật khác bị tiêu diệt hẳn.

Gián ‘đẻ’ ra tiền

Tại trại gián Tây Xương, khi các con gián đủ lớn, người ta cho vào máy nghiền để lấy được một dung dịch gọi là “potion,” màu như nước trà, vị hơi ngọt và mùi tanh như cá.

Theo xác nhận của chính quyền Tứ Xuyên “potion” có hiệu quả chữa trị các chứng bệnh đường ruột, đường hô hấp và nhiều bệnh khác.

“Potion” là một tên gốc La Tinh có nghĩa là nước bùa, theo thần thoại là thần dược do một pháp sư hay phù thủy tạo ra.

Trại gián Tây Xương cho đến nay đã thu về được 4.3 tỷ nhân dân tệ ($684 triệu) tiền bán “potion” cho hơn 4,000 bệnh viện trên toàn quốc và khoảng 40 triệu dân Trung Quốc đã được bác sĩ kê toa cho sử dụng.

Gián là dược liệu dùng trong Đông y ở Trung Quốc từ nhiều ngàn năm. Tại những miền nông thôn xa xôi ở Hoa Nam, trẻ em vẫn còn được cho ăn hay nuốt gián trộn với tỏi để chữa bệnh.

Chính quyền Trung Quốc từ hàng chục năm qua tài trợ cho các cuộc nghiên cứu về giá trị y dược của gián và một số kết quả đã được xác nhận. Tuy nhiên “potion” không phải là thần dược có hiệu quả cho tất cả mọi chứng bệnh và chưa được chính thức cho phép sử dụng.

“Potion” không có bán tại các tiệm thuốc nhưng một phóng viên tờ SCMP nói rằng đã mua được trong một tiệm thuốc ở Bắc Kinh mà không bị hỏi đơn của bác sĩ gì hết.

Hầu hết những người dân Trung Quốc tin tưởng “potion” nhưng không biết rõ là chất nước ấy lấy từ gián tươi không qua quá trình chế biến khử trùng nào cả. (Hà Tường Cát)






No comments:

Post a Comment