Tuesday, September 4, 2018

HÀNG NGÀN DÂN QUẢNG NGÃI BAO VÂY ỦY BAN XÃ ĐÒI NGƯỜI BỊ BẮT (RFA)




RFA
2018-09-04

Theo tin từ người dân cho hay, vào sáng ngày 4 tháng 9 năm 2018, có khoảng hai ngàn người ở xã Phổ Thạnh, huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi bao vây Ủy ban nhân dân xã này để đòi trả tự do cho 31 người dân bị bắt vào đêm 2 tháng 9 khi chặn quốc lộ 1 A yêu cầu làm rõ có hay không việc nhà máy xử lý rác gây ô nhiễm đang hoạt động.

Người dân phản đối nhà máy xử lý rác thải Sa Huỳnh ở xã Phổ Thạnh, huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi.  Courtesy FB Người dân xã Phổ Thạnh

Một người dân giấu tên có mặt ở UBND xã, vào chiều ngày 4 tháng 9 cho Đài Á Châu Tự Do biết như sau:

Ở đây đồng bào bức xúc rất nhiều việc, người dân lên xã mời những người có thẩm quyền để mời người ta nói chuyện. Khi dân lên thì họ đưa những lực lượng công an ra đánh dân 1 người phải đi bệnh viện.
Đếm ra là lên đến hai ngàn mấy người, ở đây người ta không đối thoại mà đem lực lượng cảnh sát cơ động, cảnh sát giao thông, hình sự áp chế dân, đàn áp dân thôi.
Nhân dân chúng tôi ngày hôm nay bức xúc lên là do không tin tưởng vào lời nói của cán bộ vì cán bộ đã kêu là chờ quyết định để ra quyết định mà nhà máy rác lại làm lén lút, nên dân chúng tôi bức xúc xuống, mời chủ tịch xã đứng lên làm chứng cho dân mà anh lại cho lực lượng khống chế người dân.”

Cũng theo người phụ nữ này, nhiều người đã bị đánh trong đó có cả người già và phụ nữ. Chị cho biết nhiều người chứng kiến một phụ nữ bị đánh, bị bóp cổ đến sẩy thai.

Chúng tôi gọi điện thoại cho Công an huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi để xác minh sự việc nhưng người công an trực ban không nêu danh tính và từ chối trả lời câu hỏi của phóng viên. Đài Á Châu Tự Do không có nguồn độc lập khác để xác minh số người đang tập trung ở UBND xã.

Mạng báo Bảo vệ Pháp luật cho hay, từ ngày 29 tháng 7 đến ngày 7 tháng 8, nhiều người dân ở xã Phổ Thạnh đã ngăn chặn không cho xe chở rác vào Nhà máy xử lý rác Sa Huỳnh để xử lý, thậm chí người dân còn mang cả quan tài để ra đường.

Theo người dân, sở dĩ họ có phản ứng là do nghe thông tin, rác từ TP.Quảng Ngãi cũng được chở về đây để xử lý. Bên cạnh đó, trong quá trình xử lý, nhà máy xử lý rác chưa đảm bảo môi trường, phát sinh mùi hôi và khoảng cách từ nhà máy đến khu dân cư chỉ khoảng 600m.

Một người dân địa phương giấu tên bày tỏ:

Bắt đầu sự việc là vào ngày 29-7 người dân tập trung ở nhà máy xử lý rác vì nó được xây dựng không đúng với khoảng cách từ nhà máy đến nhà dân, khi xây dựng cũng không lấy ý kiến của dân.
Vào ngày 23-8-2018 thì ông Phó Chủ tịch tỉnh Quảng Ngãi cũng tuyên bố là có sai phạm và di dời nhà máy.
Tuy nhiên sau khi tuyên bố không cho hoạt động nhà máy nữa thì vào ngày 2-9-2018 thì người dân mới phát hiện ra nhà máy có sự hoạt động. Phía người dân mới lên yêu cầu UBND xã xác minh là sự việc đúng hay sai, nếu đúng thì yêu cầu lập biên bản.
Phía bên xã thì không có ai ra giải quyết cho dân, người dân thì dợi quá lâu nên bức xúc mà chặn đường Quốc lộ 1 A để mà cho công an vào để báo cáo sự việc xảy ra ở nhà máy rác.”

Một người dân xã Phổ Thạnh bị đánh ngất xỉu ở trụ sở UBND xã hôm 4/9/2018 Courtesy FB Người dân xã Phổ Thạnh

Người dân cho biết đến trưa ngày 4/9, chính quyền địa phương vẫn còn bắt giữ 10 người và yêu cầu người dân ký biên bản đồng ý cho phép nhà máy hoạt động thì mới thả tiếp những người còn lại, nhưng người dân không đồng ý.

Kênh truyền hình An ninh TV trong một bản tin vào sáng 3-9 cũng phản ánh sự việc nhiều người dân xã Phổ Thạnh tập trung chặn xe ở Quốc lộ 1A và ném gạch đá, bom xăng khiến nhiều cảnh sát bị thương và có 31 người bị bắt, hiện đang bị tạm giữ tại Công an huyện Đức Phổ.

Tuy nhiên người dân phủ nhận thông tin này và cho biết những người đi đấu tranh chỉ toàn là người già, phụ nữ và trẻ em do đàn ông nơi này phần lớn là đi đánh cá ở biển.

Nguyện vọng của người dân địa phương hiện nay là nhà máy xử lý rác thải cần di dời khỏi xã Phổ Thạnh, cách xa khu dân cư và có công nghệ xử lý rác hiện đại để tránh gây ô nhiễm môi trường.

Nhà máy xử lý chất thải sinh hoạt Sa Huỳnh do công ty TNHH Thương Mại và Công nghệ Môi trường MD làm chủ đầu tư. Nhà máy hoàn thành và được đưa vào hoạt động từ tháng 3/2018. Nhà máy được thiết kế để xử lý rác cho toàn huyện Đức Phổ. Tuy nhiên, trong ba lần đối thoại với chính quyền địa phương trước đó, người dân cho rằng việc bố trí nhà máy ở quá gần nhà dân là không hợp lý, gây ô nhiễm nguồn nước và không khí. Theo ý kiến người dân, hơn 22 ngàn tấn rác thải ở bãi rác được đào bới lên để đưa vào nhà máy xử lý gây hôi thối dữ dội mà đến nay vẫn chưa được xử lý.

Trong một cuộc chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV vào ngày 5 tháng 6 vừa qua, Đại biểu Lê Công Nhường chỉ rõ, hiện nay môi trường bị ô nhiễm nghiêm trọng chủ yếu do rác thải và phế liệu. Xử lý rác đã trở nên bất cập do thiếu hướng dẫn và vượt quá khả năng xử lý của chính quyền địa phương, cũng như lãng phí vì đầu tư công nghệ xử lý rác chưa đạt.

Ông Lê Hồng Hà sau đó thừa nhận có việc này đồng thời nhận trách nhiệm trên cương vị Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường.

--------------------------------

RFA
2018-09-04

Chiều ngày 4 tháng 9, Đại tá Võ Văn Dương, Phó Giám đốc Công an tỉnh Quảng Ngãi cho hay, cơ quan chức năng đã tạm giữ hình sự 9 người vì có hành vi gây rối trật tự công cộng, chống đối người thi hành công vụ, và lập biên bản vi phạm hành chính với 23 người khác liên quan đến vụ việc chặn Quốc lộ 1A vào đêm 2-9, rạng sáng 3-9.

Số người này bị cáo buộc là đã dùng gạch đá và bom xăng để ném vào lực lượng cảnh sát cơ động, người dân sau đó lên tiếng bác bỏ cáo buộc này và trong các đoạn video quay tại hiện trường cũng không thấy sự việc cháy nổ do bom xăng. 

Phát biểu tại buổi họp báo chiều ngày 4/9, ông Dương cho biết có khoảng 500 người, vào sáng 4-9, đã bao vây UBND xã Phổ Thạnh, huyện Đức Phổ để đòi trả tự do cho số người bị bắt trước đó, đồng thời tạm giữ 3 cán bộ gồm 1 công an và 2 người thuộc nhà máy xử lý chất thải MD, đơn vị bị người dân tố cáo là gây ô nhiễm môi trường. 

Tuy nhiên, đến khoảng 16 giờ chiều thì 3 cán bộ này lần lượt được trả tự do trong khi 9 người dân vẫn còn bị giam giữ ở công an huyện Đức Phổ. 

Một nhân chứng giấu tên có mặt tại UBND xã Phổ Thạnh vào trưa 4/9 nói với Đài Á Châu Tự Do qua điện thoại rằng, có khoảng 2 ngàn người vây UBND xã và công an đánh một người dân phải nhập viện.

Ở đây bà con bị đánh rất nhiều, bà già, con nít, một thai phụ bị bóp cổ và đánh đến sẩy thai. Tôi chứng kiến, ở đây toàn dân xã Phổ Thạnh đều chứng kiến sự việc đó như vậy.Một số người bị bắt, bị đánh, họ thả về còn khoảng 10 người, họ bắt là phải đồng ý ký không di dời nhà máy rác mới thả ra. Dân chúng tôi không đồng ý và lên UBND xã và mời Chủ tịch xã để nói chuyện. Ông Chủ tịch xã nói là ông không có thẩm quyền để nói, ông không gặp, trốn tránh mà cho các anh cảnh sát giấu mặt để đánh dân tôi.”

Đài Á Châu Tự Do đã gọi điện cho Công an huyện Đức Phổ để xác định thông tin nhưng bị từ chối trả lời.

Mạng báo Soha dẫn lời Đại tá Võ Văn Dương nói rằng, từ ngày 29/7 đến nay người dân xã Phổ Thạnh liên tục tập trung trước khu vực ngã ba đường tránh Tây Quốc lộ 1ª, đoạn qua Sa Huỳnh nối lên Nhà máy xử lý rác thải rắn sinh hoạt MD.

Những người này phong tỏa tuyến đường, không cho xe ra vào nhà máy. Nhà máy xử lý rác thải MD buộc phải ngừng hoạt động trong suốt thời gian trên.

Cũng theo tờ báo này, chính quyền địa phương đã nhiều lần tổ chức đối thoại với người dân nhưng bất thành. UBND tỉnh Quảng Ngãi sau đó đã đồng ý phương án di dời nhà máy.

Theo báo Quảng Ngãi, nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt huyện Đức Phổ do công ty TNHH Thương Mại và Công nghệ Môi trường MD làm chủ đầu tư sử dụng công nghệ lò đốt, với số vốn hơn 50 tỷ đồng, công suất xử lý 50 tấn rác/ngày đêm, được đầu tư từ nguồn xã hội hóa. 

Nhà máy được xây dựng tại bãi chôn lấp chất thải sinh hoạt, thôn La Vân, xã Phổ Thạnh, huyện Đức Phổ. Nhà máy khởi công từ tháng 8 năm 2016 và đi vào hoạt động từ tháng 3 năm 2018.

Tuy nhiên, người dân địa phương phản ảnh là nhà máy này xây chỉ cách khu dân cư có 600 mét và khi xây không hỏi ý kiến người dân, dạo gần đây phát sinh mùi hôi thối và ô nhiễm nguồn nước khiến những người dân phải sống trong cảnh khổ sở.

VIDEO :






No comments:

Post a Comment